null CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH - MỘT TẤM GƯƠNG SÁNG VỀ TINH THẦN TỰ HỌC, TỰ RÈN LUYỆN ĐỂ HOÀN THIỆN NHÂN CÁCH

content:

Ngày nay, trên thế giới quá trình toàn cầu hóa cùng với sự phát triển mạnh mẽ của lực lượng sản xuất và khoa học công nghệ, yêu cầu mỗi quốc gia dân tộc để thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu, tránh tụt hậu xa về kinh tế; đồng thời vươn lên trình độ tiên tiến, phải dựa trên nền kinh tế tri thức nhằm tạo ra giá trị sản phẩm lao động cao. Nắm bắt được xu hướng biến đổi đó, Đảng và Nhà nước Việt Nam chủ trương thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện về giáo dục và đào tạo nhằm tạo ra sự chuyển biến về chất trong lực lượng sản xuất. Thực tế cho thấy,  để làm được như trên, yêu cầu mỗi con người Việt Nam; đặc biệt là thế hệ trẻ phải là tấm gương sáng về tinh thần tự học và tự rèn luyện. Vì vậy, bài viết này giới thiệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh – Một tấm gương sáng cho tinh thần tự học, tự rèn luyện để hoàn thiện nhân cách.

* Thứ nhất, động lực thôi thúc Hồ Chí Minh ra nước ngoài, tìm kiếm và lĩnh hội tri thức khoa học nhân loại

         Cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX, phong trào chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân Việt Nam lần lượt bị thất bại. Dân tộc Việt Nam, đứng trước tình thế hết sức khó khăn, bế tắc về con đường cứu nước, giải phóng dân tộc. Nhiều sĩ phu yêu nước, đã ra nước ngoài tìm đường cứu nước, tiêu biểu Cụ Phan Bội Châu với phong trào Đông Du, đưa thanh niên sang Nhật để học tập và chủ trương nhờ Nhật Bản giúp đỡ để đánh đuổi thực dân Pháp, nhưng bị thất bại… Chính hoàn cảnh lịch sử trên, xuất hiện người thanh niên yêu nước xuất chúng - Nguyễn Tất Thành, đã tiếp thu giá trị truyền thống của dân tộc kết hợp với óc quan sát tinh tường đã quyết định lựa chọn con đường cứu nước sang phương Tây. Nguyễn Tất Thành có tinh thần yêu nước, nhưng khác với các nhà cách mạng tiền bối. Ở Người có sự suy nghĩ chín chắn, sáng suốt tuyệt vời trong những nhận định chính trị của mình. Nhận định đó dựa vào quan điểm giai cấp cần lao, quan điểm thực tiễn, quan điểm lịch sử cụ thể và nếu thiếu những quan điểm đó, thì dù có tinh thần yêu nước cao như thế nào đi nữa, dù có chiến đấu anh dũng đến đâu đi nữa cũng không thể tránh khỏi thất bại  như những nhà cách mạng Việt Nam đầu thế kỉ XX. Nhờ có những quan điểm chính trị đúng đắn, nên Nguyễn Tất Thành đã vượt qua được hạn chế của thời đại, đây chính là thành công đầu tiên của người thanh niên yêu nước này. Vì sau, Người nhớ lại, “Khi tôi độ mười ba tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe ba chữ Pháp: Tự do, Bình đẳng, Bác ái. Đối với chúng tôi, người da trắng nào cùng là người Pháp. Người Pháp đã nói thế. Và từ thuở ấy, tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những chữ ấy”[1]. Đây là động lực quan trọng, thôi thúc Người khám phá, tìm hiểu và lĩnh hội tri thức văn minh phương Tây để về phục vụ cho sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc Việt Nam.

Thứ hai; tinh thần rèn luyện, chịu đựng vượt qua mọi khó khăn gian khổ tìm đường cứu nước, cứu dân                             

Ngày 5 tháng 6 năm 1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành-(Nguyễn Sinh Cung) lấy tên là Văn Ba làm phụ bếp cho một tàu buôn của Pháp, rời bến Nhà Rồng (Sài Gòn) ra nước ngoài bắt đầu một hành trình lâu dài, gian khổ tìm đương cứu nước. Người chọn Sài Gòn làm nơi ra nước ngoài vì lúc đó Sài Gòn là trung tâm kinh tế, chính trị của chế độ thuộc địa Pháp ở Đông Dương; ở đây có bến Nhà Rồng tàu bè nước ngoài ra vào nhiều là nơi ra đi thuận lợi nhất tránh được sự kiểm soát gắt gao của mật thám Pháp. Nguyễn Tất Thành ra đi với hành trang trên vai là chủ nghĩa yêu nước, mang theo một chí hướng lớn với một niềm tin sắt đá: Hẹn ngày trở về giải phóng Tổ quốc và đem lại tự do cho đồng bào.

Nguyễn Tất Thành rời bến cảng Nhà Rồng, đã bước vào một hành trình vĩ đại, vượt đại dương đến Xin-ga-po, Người đã đi qua rất nhiều hải cảng khác nhau trên đường sang Pháp; từ Ha-vơ rơ Người đến Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, An-giê-ri, Tuynidi, Đông Phi rồi Công gô và hầu hết các cửa biển Tây Phi. Từ châu Phi Người sang Mỹ; Từ Mỹ Người lại vượt đại dương trở lại châu Âu. Người đã đến nhiều đất nước khác nhau, đã gặp nhiều màu da, tiếng nói khác nhau, đó là cuộc sống tăm tối cực khổ của nhân dân các nước thuộc đia. Chính từ đây, những nhận thức về giai cấp, tình cảm giai cấp và tinh thần quốc tế vô sản đầu tiên đã hình thành ở Người: "Dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Mà cũng chỉ có một mối tính hữu ái là thật mà thôi: tình hữu ái vô sản"[2].

Lòng yêu nước của Người được thể hiện qua quá trình tìm tòi, nghiên cứu và hoạt động cách mạng. Yêu nước, Người đã tự nguyện chấp nhận cuộc sống làm thuê với đồng tiền công ít ỏi, rẻ mạt để kiếm sống, để hoạt động chính trị. Phương châm của Ngươì là lao động kiếm sống để phục vụ hoạt động cách mạng; vừa hoạt động cách mạng vừa kiếm sống. Người ra đi, bôn ba, chịu đựng mọi gian khổ khó khăn và tìm kiếm con đường đi cho cách mạng Việt Nam.

Trong thời gian đầu hoạt động ở nước ngoài, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã phải lao động gian khổ để kiếm sống. Người làm mọi việc từ lao động chân tay nặng nhọc đến lao động trí óc. Khi mới bước chân vào cuộc đời hoạt động cách mạng, Người làm phụ bếp trên tàu của hãng “Vận tải hợp nhất” của Pháp, hàng ngày phải thái rau, nhặt măng tây, rửa chảo, đốt than... Thật khó tin: Một thanh niên gầy gò, mảnh khảnh, có dáng là một học trò hơn là người lao động mà phải làm những công việc nặng nhọc hàng ngày. Để kiếm sống, Người đã phải làm việc quần quật suốt mười tám tiếng mỗi ngày với những công việc tưởng chừng như đối lập với thân thể của Người. Đó là chưa kể đến những lúc say sóng gió trong những ngày dài lênh đênh cùng những con tàu trên mặt biển, chưa kể đến ăn uống lam lũ và kham khổ, những lúc đầu tắt mặt tối mình bám đầy than bụi và mồ hôi. Có những lúc trên vai Người đang vác một bao nặng, con tàu gặp sóng dữ làm cho tròng trành… Cuộc sống lênh đênh trên đại dương mênh mông tựa hồ như là một bể khó khăn đối với Người. Thế nhưng, tất cả những khó khăn ấy hình như bị lu mờ trước nghị lực phi thường và lòng dũng cảm không cùng của Người, bị tiêu tan trước sự say mê tìm tòi của Người. Kĩ sư canh nông Bùi Quang Chiêu, một người Việt vào làng Tây đi tàu hạng nhất đưa gia đình sang Pháp trông thấy anh Ba gọi lại và hỏi: “Tại sao con lại chọn cái nghề khó nhọc này ? Bỏ nghề này đi, con nên chọn một nghề khác danh giá hơn”[3]. Nhưng anh Ba đã không chọn một nghề nào khác để “danh giá hơn”. Lao động đối với Người là phương tiện để sống, để đi, quan sát, học tập và tìm tòi chân lí. Người bắt đầu sự nghiệp từ hai bàn tay trắng. Nhưng hai bàn tay của Người sẽ làm nên tất cả, bất chấp mọi gian nguy và khổ cực ở phía trước.

 Nguyễn Tất Thành, sau này là Nguyễn Ái Quốc đã làm tất cả, sẵn sàng làm bất cứ nghề gì, mọi công việc bằng đôi bàn tay lao động tự tin để vươn tới một mục đích cao cả: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi. Đó là tất cả những điều tôi muốn, đó là tất cả những điều tôi hiểu”[4]. Bằng cuộc sống lao động thực sự với nhiều nghề khác nhau, hơn ai hết Người đã thấu hiểu nỗi đau và nỗi tủi nhục của những người lao động làm thuê cho những kẻ bóc lột trong xã hội mà lao động chỉ là hình phạt và cưỡng bức.

Trong suốt hành trình tìm đường cứu nước, thiên nhiên, khí hậu những nơi Người đã từng trải qua như châu Phi nóng bức hay châu Âu giá lạnh cùng bệnh tật luôn đe dọa, thử thách thì Người luôn chiến thắng, vượt lên để sống, để khẳng định mình. Tài sản duy nhất và quý báu nhất của Người lúc đó là hai bàn tay, đôi mắt và con tim, khối óc, đôi bàn tay ấy không bao giờ từ chối một công việc khó khăn nào, dù là cào tuyết dưới trời đông giá lạnh hay vét bùn, bán báo, vẽ thuê, chụp ảnh…để kiếm sống và hoạt động. Thời ký ở nước Pháp (từ cuối năm 1917 đến tháng 6-1923), Anh Ba siêng năng chăm chỉ trước kia đã trở thành ông Nguyễn-một nhà hoạt động cách mạng dũng cảm, quyết đoán, là người phát ngôn cho các dân tộc thuộc địa toàn thế giới, người mà bọn mật thám Pháp suốt ngày theo dõi không một phút lơ là, là tác giả của vở kịch “Con rồng tre”, là chủ bút tờ báo “Người cùng khổ”, là người đã viết “Bản án chế độ thực dân Pháp” tố cáo tội ác của thực dân Pháp ở Đông Dương… và Người là một trong những chiến sĩ cộng sản đầu tiên tham gia sáng lập cộng sản quốc tế Pháp.

Như vậy, có khẳng định với tinh thần yêu nước nồng nàn kết hợp với tinh thần cù, vượt mọi khó khăn gian khổ vừa lao động, vừa kiếm sống đã giúp Người đến được với chủ nghĩa Mác – Lênin, tìm ra con đường cứu nước, giải phóng dân tộc, như lời nhận định của nhà nghiên cứu Phạm Xanh: "Chính chủ nghĩa yêu nước đã đưa Nguyễn Ái Quốc đến cuộc gặp gỡ kỳ thú đó. Nó tạo ra bước chuyển căn bản, quyết định trong nhận thức tư tưởng của nhà cách mạng Việt Nam trẻ tuổi và mở đầu một chuyến biến cách mạng thực sự trong lịch sử tư tưởng nước ta”[5].

Thứ ba; lòng ham mê học tiếng nước ngoài để nắm bắt tri thức nhân loại    

Trong thời gian hoạt động ở nước ngoài, mặc dù công việc bận rộn, gặp nhiều khó khăn gian khổ, nhưng Bác Hồ vẫn ham học và tìm tòi với một quyết tâm sắt đá. Ở đâu Người cũng học và trước hết là học tiếng: Anh, Pháp, Nga, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha…; tranh thủ học mọi lúc, mọi nơi; học bạn bè cùng đi trên tàu, cô sen, học anh thợ nấu bếp, thủy thủ trên tàu, học giáo sư người Anh…Trước khi đến nước Pháp, Bác đã đặt cho mình kế hoạch học tiếng Pháp. Nói về tinh thần say mê học tập của anh Ba trên tàu những ngày lênh đênh trên biển khơi, những người làm trên tàu kể: “Mỗi ngày, chín giờ tối công việc mới xong. Anh Ba mệt lử. Nhưng trong khi chúng tôi nghỉ hoặc đánh bài, anh Ba đọc hay viết đến mười một giờ hoặc nửa đêm”[6].

 Những lúc tàu đi trên biển dài ngày, Người đã học tiếng Pháp với anh thủy thủ, qua những buổi trò chuyện, những lúc họ giúp Người rửa nồi, nhặt rau, thái măng. Đến Saint Adret, trong lúc ở tạm nhà người chủ tàu, Bác tranh thủ học tiếng với người giúp việc.

Khi hoạt động ở Pháp, Bác khuyên bạn bè: “đừng bỏ phí thời giờ vô ích nhìn những người đàn bà tắm ngoài bãi biển mà nên đi du lịch, học hỏi để hiểu biết được nhiều hơn”[7].

Bác Hồ biết nhiều ngoại ngữ không phải hoàn toàn do năng khiếu mà điều chủ yếu là do Người kiên trì, bền bỉ học tập và có cách học hợp lí nhất, thông minh nhất, tốn ít công sức nhất mà lại đạt hiệu quả cao nhất. Khi học tiếng Pháp, Người cũng gặp không ít khó khăn trở ngại: “Ông Nguyễn bắt đầu viết rất khó khăn. Tin tức từ Việt Nam ông Nguyễn không thiếu. Ông thiếu nhất là văn Pháp. Ông Nguyễn viết làm hai bản, gửi cho tòa soạn một bản, giữ lại một bản, ông hết sức vui sướng khi thấy bài viết đầu tiên của mình được đăng trên báo, ông đọc lại bài báo đã in, so sánh và sửa chữa những chỗ viết sai, ông kiên nhẫn làm theo cách ấy. khi thấy viết bài đã bớt sai dần, ông chủ bút bảo ông Nguyễn: bây giờ Anh viết dài hơn một tí, viết độ 7-8 dòng…Dần dần ông Nguyễn có thể viết cả một cột báo và có khi dài hơn”[8]. Trong quá trình tự học, Bác rất kiên trì và luôn tìm tòi những phương pháp đạt kết quả cao: “Sau khi hỏi được nghĩa những từ mới, Người viết vào một mảnh giấy, dán vào chỗ hay để ý nhất, có khi viết vào cánh tay để trong lúc làm việc vẫn học được. Lại cả khi đi đường, Người cũng nhẩm bài học. Ban đêm khi chưa ngủ, Người lấy tay viết mò những chữ khó xuống chăn cho kì nhớ mới thôi, và thế là đã học thêm được vài từ mới nữa”[9]. C.Mác đã từng nói: “Biết một ngoại ngữ là một vũ khí đấu tranh trong cuộc sống”, Bác Hồ đã hiểu rất sâu sắc điều này. Việc học tiếng nước ngoài của Bác không chỉ để phục vụ cho giao tiếp và sinh hoạt hàng ngày. Quan trọng hơn, Bác học tiếng nước ngoài để làm phương tiện viết sách báo tuyên truyền thức tỉnh tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc, tố cáo âm mưu thâm độc của chủ nghĩa thực dân đối với nhân dân trong nước và nhân dân các nước thuộc địa. Động cơ đó luôn thúc đẩy Bác ra sức tự học để thông thạo tiếng nước ngoài và dùng nó để phục vụ công tác tuyên truyền cách mạng. Trong thời gian hoạt động ở Pháp, Bác đã viết nhiều bài bằng tiếng Pháp đăng trên báo Nhân Đạo (tờ báo của Đảng Xã hội Pháp) và tạp chí Đời sống công nhân. Năm 1922, khi vua Khải Định sang Pari, Người đã viết vở kịch Con Rồng tre bằng tiếng Pháp để đả kích ông vua bù nhìn này. Tại Pari, Bác cùng một số nhà cách mạng ở các nước thuộc địa Pháp thành lập tổ chức Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa và ra báo Người cùng khổ (Le Paria) do chính Người làm chủ nhiệm, kiêm chủ bút. Báo được xuất bản bằng tiếng Pháp để truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào các nước thuộc địa Pháp, thức tỉnh nhân dân các nước này đứng lên đấu tranh tự giải phóng. Năm 1925, cuốn sách Lên án chủ nghĩa thực dân do Người viết được xuất bản bằng tiếng Pháp ở Pari. Tác phẩm này cùng những bài viết của Người có tiếng vang rất lớn và được dư luận thế giới đánh giá cao.

Tháng 6 năm 1923, Bác Hồ bí mật rời Pháp sang Liên Xô. Trong thời gian một năm rưỡi ở Liên Xô, Người đã tự học và sử dụng thành thạo tiếng Nga, một ngoại ngữ khó học, bình thường một sinh viên đại học phải học bốn năm mới đọc thông, viết thạo. Để sử dụng tiếng Nga thành thạo, Bác Hồ phải phấn đấu liên tục, vừa tự học vừa thực hành nâng cao. Người đã viết nhiều bài bằng tiếng Nga đăng trên báo Sự thật (Pravđa)của Đảng Cộng sản Liên Xô và tạp chí Thư tín Quốc tế. Sau này khi về nước, trong thời kì hoạt động ở Pắc Bó (Cao Bằng), Người đã dịch cuốn Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô từ bản tiếng Nga sang tiếng Việt để dùng cho cán bộ, đảng viên học tập, nghiên cứu. Sau này, trong kháng chiến chống Pháp, Bác còn dịch cuốn sách Tỉnh ủy bí mật, của tác giả A.Phê-đô-rốp, một nhà lãnh đạo phong trào du kích ở Liên Xô và viết tựa đề cho cuốn sách này để làm tài liệu tuyên truyền.

 Ngay từ năm 1935, ngoài tiếng Hán, Pháp, Anh, Nga được xem là những ngôn ngữ quốc tế thông dụng ra, Bác Hồ còn biết cả tiếng Đức, Italia và một ngôn ngữ của một số nước nữa… Nhờ biết nhiều ngoại ngữ, Người đã sớm tiếp thu lí luận của chủ nghĩa Mác-Lênin, và Người đã sử dụng ngoại ngữ như một công cụ để hoạt động cách mạng. Ngoại ngữ đã giúp Bác tìm hiểu và biết sâu sắc nền văn hóa của nhiều nước trên thế giới. Người thích đọc các tác phẩm văn học nước ngoài bằng chính ngôn ngữ của nước đó: “Bác thích đọc Sếch-pia và Đich-ken bằng tiếng Anh, Lỗ Tấn bằng tiếng Hán, Huy-gô và Dô-la bằng tiếng Pháp”[10]. Trong thời gian bị giam giữ ở nhà tù của bọn phản động Tưởng Giới Thạch, Người đã viết tập thơ Nhật ký trong tù bằng chữ Hán đã gây tiếng vang lớn trong và ngoài nước; đặc biệt Người đã đưa ra định nghĩa văn hóa góp phần làm sáng tỏ giá trị tinh thần chung của nhân loại.

 Qua tấm gương học ngoại ngữ của Bác, đã để lại cho chúng ta, đặc biệt là học sinh, sinh viên một bí quyết thành công khi học tiếng nước ngoài “là tinh thần chịu khó, bền bỉ, không nóng vội vì học ngoại ngữ là phải rèn luyện không ngừng để củng cố kĩ năng ngôn ngữ mới sử dụng được nó một cách sinh động có hiệu quả”[11]. Trong thời gian hoạt động ở Xiêm (Thái lan), Bác Hồ tự học tiếng Xiêm: “Bác đề ra mỗi ngày học mười chữ. Có người chê ít, đòi học nhiều hơn nhưng chỉ ba tháng sau Bác đã xem được báo chữ Xiêm, còn những người khác háo hức lúc đầu thì kết quả chẳng được bao nhiêu…”[12]. Trong một lần đến thăm và nói chuyện với giáo viên và sinh viên trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, khi nói về việc học tiếng nước ngoài, Bác có nói: “Nếu chúng ta học mỗi ngày năm chữ (không yêu cầu nhiều hơn) thì trong một trăm ngày chúng ta học được năm trăm chữ, sáu tháng học được tám trăm chữ. Biết tám trăm chữ chúng ta có thể đọc được báo đối với một số ngoại ngữ. Như vậy, ước mơ nắm được ba, bốn ngoại ngữ của chúng ta không phải là khó đạt tới”[13].

Sau này, khi đã trở thành Chủ tịch nước, Người vẫn tranh thủ thời gian để học ngoại ngữ. Thậm chí, lúc tuổi đã cao nhưng Bác Hồ vẫn tạo cho mình thói quen tự học ngoại ngữ. Theo nhà nhiếp ảnh nổi tiếng Đinh Đăng Định, người nhiều năm được sống gần Bác Hồ kể lại: “Hồi trước chiến tranh phá hoại của Mỹ, lúc sức khỏe còn tốt, Bác Hồ vẫn giành mỗi tuần một buổi tối để học thêm tiếng Nga. Ngoài bảy mươi tuổi Người vẫn đều đặn tự nâng cao trình độ tiếng nước ngoài”[14]. Từ những vốn ngoại ngữ qúy giá đã giúp Người tích lũy hiểu biết về các nước, các dân tộc, hòa hợp trong Người tất cả những tinh hoa của thế giới và thời đại.

Xã hội loài người phát triển như ngày nay, phần lớn là nhờ con người có khả năng học tập lẫn nhau cộng hưởng các sức mạnh cá nhân tạo nên sức mạnh to lớn của cộng đồng. Sách báo sẽ là một nguồn tài nguyên vô giá và bổ ích giúp cho con người học tập và không ngừng vươn lên để tự hoàn thiện mình. Bài học tự học qua sách báo của Hồ Chủ tịch sẽ mãi là tấm gương sáng cho mỗi người chúng ta học tập và noi theo. Một lần nữa chúng ta lại có thêm một minh chứng của việc “đọc sách, mắt như đèn muôn dặm” (như lời Cao Bá Quát xưa từng nói). Ánh sáng từ đôi mắt ấy mãi mãi sẽ là ngọn đèn soi rọi trên con đường dân tộc Việt Nam đi.

 Ngày nay nhiều thanh niên Việt Nam có rất nhiều điều kiện để tự học tốt hơn, nhưng do thiếu ý chí phấn đấu vươn lên và thiếu phương pháp tự học nên kết quả tự học chưa cao. Học tập tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một trong những điều cần thiết đối với thanh niên, học sinh, sinh viên là cần tự học tốt, nâng cao trình độ cho mình để có điều kiện phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân được tốt hơn và bản thân ngày càng thành đạt.

Bài viết của TS. Ngô Minh Thuận

 

 

[1] . Hồ Chí Minh, Toàn tập , t. 1, Nxb. Chính trị quốc gia, 2004, tr. 477.

[2]. Hồ Chí Minh, Toàn tập , t. 1, Nxb. Chính trị quốc gia, 2004, tr. 266.

[3]  Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch (1970), NXB. Sự thật, Hà Nội, tr.17.

[4]  Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch (1970), , NXB. Sự thật, Hà Nội, tr.45-46.

[5]  PGS.TS Phạm Xanh, Nguyễn Ái Quốc với việc truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin ở Việt Nam (1921-1930), H.2009.

[6]  Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch (1970), , NXB. Sự thật, Hà Nội, tr.16-17.

[7] Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch (1970), NXB. Sự thật, Hà Nội, tr.17.

[8]  Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch (1970) , NXB. Sự thật, Hà Nội, tr.20.

[9] Chúng ta có Bác Hồ (1982), NXB. Lao động, Hà Nội.

[10]  Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch (1970) , NXB. Sự thật, Hà Nội, tr.33.

[11] Tạp chí Nghiên cứu Giáo dục, số tháng 11 năm 1970.

[12]  Thơ Hồ Chủ tịch (1967), NXB. Văn học Hà Nội.

[13]  Tạp chí Nghiên cứu Giáo dục, số tháng 5 năm 1980.

[14]  Tạp chí Nghiên cứu Giáo dục, số tháng 5 năm 1980.