null Chương trình đào tạo Chất lượng cao giảng dạy bằng Tiếng Anh: Kinh tế đối ngoại hay Tài chính – Lựa chọn con đường tương lai cho ISEF K12?

content:

Chương trình đào tạo Chất lượng cao giảng dạy bằng Tiếng Anh

Kinh tế đối ngoại hay Tài chính – Lựa chọn con đường tương lai cho ISEF K12?

Quá trình xét tuyển nhập học đợt 2 cho các bạn tân sinh viên K12 của Học viện Chính sách và Phát triển (APD) đang diễn ra những ngày cuối cùng. Nhiều bạn sinh viên K12 hiện rất quan tâm đến các chương trình đào tạo chất lượng cao (CLC) tại Viện Đào tạo Quốc tế (ISEF - APD). Những năm trước, trong quá trình tổ chức nhập học trực tiếp, các bạn tân sinh viên sẽ có nhiều cơ hội để được các Giảng viên đến từ ISEF tư vấn nhiệt tình và tỉ mỉ về chương trình CLC. Tuy nhiên, năm nay do đặc thù nhập học trực tuyến nên các bạn không có điều kiện được nhận tư vấn trực tiếp từ các Giảng viên, nên còn khá nhiều bạn dù đã đăng ký nhưng vẫn băn khoăn với câu hỏi: Nên chọn chương trình Kinh tế đối ngoại CLC hay Tài chính CLC?

Bài viết này hy vọng sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về hai chuyên ngành tuyển sinh CLC năm 2021 rất hấp dẫn của ISEF. Mỗi chuyên ngành có đặc trưng và thế mạnh riêng, sự lựa chọn cuối cùng sẽ phụ thuộc vào năng khiếu và định hướng nghề nghiệp tương lai của từng bạn tân sinh viên.

  • Điểm tương đồng của hai chuyên ngành

Hai chuyên ngành đều được học những kiến thức nền tảng về kinh tế, quản trị, tài chính, kế toán marketing. Trong hai năm rưỡi đầu tiên, chương trình đào tạo của hai chuyên ngành tương đối giống nhau, bao gồm thời lượng học tiếng Anh theo chuẩn IELTS phù hợp với trình độ đầu vào của sinh viên và các môn học chung sau:

- Khối kiến thức nền tảng về kinh tế: Kinh tế vi mô 1 và Kinh tế vĩ mô 1;

- Khối kiến thức nền tảng về quản trị: Giới thiệu về kinh doanh Quản trị chiến lược;

- Khối kiến thức nền tảng về marketing: Nguyên lý Marketing, Marketing quốc tế;

- Khối kiến thức nền tảng về kế toán: Nguyên lý kế toán, Kế toán tài chính;

- Khối kiến thức nền tảng về tài chính: Lý thuyết Tài chính tiền tệ và Tài chính doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các bạn sinh viên ISEF cũng được trau dồi vốn tiếng Anh và các kỹ năng mềm như kỹ năng thuyết trình, kỹ năng làm việc nhóm kỹ năng giải quyết tình huống… để có thể vận dụng linh hoạt trong quá trình học tập và làm việc sau này.

  • Điểm khác biệt giữa hai chuyên ngành

Các môn học chuyên sâu của từng chuyên ngành sẽ được giới thiệu vào năm học thứ 3 và thứ 4, cụ thể:

Chuyên ngành Kinh tế đối ngoại CLC sẽ trang bị cho các bạn sinh viên kiến thức chuyên sâu về quan hệ kinh tế và thương mại giữa các quốc gia, các hoạt động ngoại thương và hội nhập kinh tế khác của Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa, tập trung vào các lĩnh vực quan hệ tiền tệ, sản xuất kinh doanh, thương mại và đầu tư quốc tế,… Một số môn học điển hình bao gồm Thương mại quốc tế, Thanh toán quốc tế, Marketing quốc tế, Logistic và vận tải quốc tế, Đầu tư quốc tế, Tài chính quốc tế…

Với chuyên ngành Tài chính CLC, các bạn sinh viên sẽ được trang bị kiến thức và kỹ năng chuyên sâu về các hoạt động tài chính trong lĩnh vực tài chính công, tài chính của doanh nghiệp, hoạt động ngân hàng, bảo hiểm và đầu tư… trong nền kinh tế thị trường và bối cảnh hội nhập quốc tế. Một số môn học điển hình bao gồm Quản lý tài chính công, Ngân hàng thương mại, Tài chính quốc tế, Phân tích báo cáo tài chính, Thẩm định dự án đầu tư, Định giá tài sản… Bên cạnh đó, các bạn cũng được nền tảng kiến thức vững chắc để thi các chứng chỉ hành nghề chuyên sâu như chứng chỉ phân tích tài chính chuyên nghiệp (CFA), chứng chỉ quản trị rủi ro tài chính (FRM), chứng chỉ kế toán công chứng Anh quốc (ACCA), …

  • Cơ hội nghề nghiệp của từng chuyên ngành

Khung chương trình đào tạo bao quát các kiến thức cơ bản và chuyên sâu, đặc thù trong lĩnh vực kinh tế và tài chính, cùng với chuẩn đầu ra tiếng Anh sẽ cung cấp các cơ hội nghề nghiệp rất đa dạng cho sinh viên ISEF.

Các bạn sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế đối ngoại CLC có thể làm việc tại:

(i)  Các doanh nghiệp trong và ngoài nước, các tập đoàn đa quốc gia, các ngân hàng thương mại: tại các bộ phận phụ trách hoạt động trao đổi, giao dịch với các đối tác nước ngoài về thương mại - đầu tư và tài chính quốc tế như Phòng xuất nhập khẩu, Bộ phận Logistics, Phòng thanh toán quốc tế…;

(ii) Các cơ quan quản lý Nhà nước từ Trung ương đến địa phương (các Bộ ngành, Sở…): tại các phòng, ban quản lý hoạt động kinh tế đối ngoại, hợp tác quốc tế… như Bộ/Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục/Trung tâm xúc tiến đầu tư;

(iii) Các Viện nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng, các hiệp hội ngành nghề và các tổ chức quốc tế có liên quan đến lĩnh vực kinh tế - thương mại và tài chính quốc tế…;

(iv) Các sứ quán, văn phòng đại diện thương mại của nước ngoài tại Việt Nam, cơ quan ngoại giao, cơ quan thương mại của Việt Nam ở nước ngoài;

Trong dài hạn, các bạn có cơ hội phát triển tới các vị trí cấp cao như Giám đốc chiến lược, Giám đốc vận hành (COO), Giám đốc Marketing… tại các doanh nghiệp trong và ngoài nước hoặc khởi nghiệp kinh doanh.

Các bạn sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Tài chính CLC có thể làm việc tại:

(i) Các doanh nghiệp trong và ngoài nước, các tập đoàn đa quốc gia: tại các phòng ban Kế toán, Tài chính và Đầu tư…;

(ii) Hệ thống các ngân hàng, công ty chứng khoán, công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư: tại các phòng ban Thẩm định tín dụng, Quan hệ khách hàng, Tư vấn đầu tư chứng khoán, Định phí bảo hiểm, Phân tích thị trường… ;

(iii) Các cơ quan quản lý Nhà nước từ Trung ương đến địa phương (các Bộ ngành, Sở…): tại các phòng, ban quản lý hoạt động tài chính, đầu tư trong và ngoài nước như Bộ/Sở tài chính, Bộ/Sở Kế hoạch và Đầu tư;

(iv) Các Viện nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng, các hiệp hội ngành nghề cũng như các tổ chức quốc tế có liên quan đến lĩnh vực tài chính, đầu tư;

Trong dài hạn, các bạn có thể phát triển tới vị trí cấp cao như Kế toán trưởng, Trưởng phòng phân tích tài chính, Trưởng phòng quan hệ khách hàng hay Giám đốc Tài chính, Giám đốc Ngân hàng, Giám đốc quỹ đầu tư, Giám đốc công ty chứng khoán… hay khởi nghiệp kinh doanh riêng.

  • Vị trí việc làm của các bạn cựu sinh viên ISEF

Với nền tảng đầu ra tiếng Anh cùng các kiến thức, kỹ năng được rèn luyện trong 4 năm học tại ISEF, phản hồi từ các cựu sinh viên ISEF cho thấy các bạn đã và đang đảm nhiệm những vị trí việc làm rất đa dạng, ví dụ như:

Sinh viên

Chuyên ngành tại ISEF

Công việc hiện tại

Nguyễn Thu Hiền – K5

KTĐN CLC

Trưởng nhóm Marketing, Viventis Search Asia, Malaysia

Nguyễn Văn Giáp – K5

KTĐN CLC

Trưởng phòng tư vấn, Công ty Cổ phần chứng khoán VPS

Hà Minh Hoàng – K6

KTĐN CLC

Chuyên viên tư vấn khách hàng, Litextension

Vũ Phương Huyền – K6

KTĐN CLC

Phân tích kinh doanh tại Microsoft Dynamic – Tek Expert

Ngô Nguyệt Hà – K7

KTĐN CLC

Chuyên viên Digital Marketing tại TeeOff Golf – TriViet JSC

Phan Thị Thanh Hường – K8

KTĐN CLC

Chuyên viên Kinh doanh quốc tế, Tập đoàn TH

Nguyễn Hoa Linh – K5

Tài chính CLC

Chuyên viên tư vấn thuế cấp cao, Công ty kiểm toán quốc tế Ernsr & Young Việt Nam

Nguyễn Huyền Ly – K5

Tài chính CLC

Kế toán trưởng, Công ty TNHH Bia Sài Gòn Mê Linh

Nguyễn Thị Phương Anh – K5

Tài chính CLC

Giao dịch viên, Ngân hàng Quân đội MB

Nguyễn Minh Tâm – K6

Tài chính CLC

Chuyên viên hoạch định tài chính, tại Tập đoàn Chubb

Dương Thị Khánh Huyền – K7

Tài chính CLC

Chuyên viên pháp chế - Vụ pháp chế, Bộ Tài chính

Phạm Lê Vy – K7

Tài chính CLC

Sales Admin tại MG Motor Group Lào Cai