null CÓ MỘT TÌNH YÊU KHÔNG HẸN TRƯỚC

Vẫn còn hương hoa sữa nồng nàn quyện trong gió se se lạnh len lỏi trong từng con phố nhỏ. Hình như thu đang cố níu kéo chút gì đó cuối mùa. Những ngày cuối thu Hà Nội vẫn đẹp dịu dàng và quyến rũ đến nao lòng làm trái tim tôi bồi hồi, xao xuyến, chợt hoài niệm về những kỷ niệm ngọt ngào dệt nên những tháng năm đầy ý nghĩa. Thử một lần được thả hồn mình với hồn của thiên nhiên để viết lên những dòng cảm xúc về một tình yêu đã trót trao bấy lâu nay.

Có điều kỳ diệu nào bằng  khi mới 11 năm tuổi nhưng “Em” đã có mười “đàn con” Cử nhân và sáu “đàn con” Thạc sỹ thông minh, tuấn tú. Tôi đến với “Em” như một cái duyên lành khi “Em” mới 1,5 tuổi. Ông tơ se mối duyên này chính là bố tôi (một nhà giáo về hưu luôn kiên định với quan điểm “con gái là phải làm trong cơ quan nhà nước”) khi ông biết thông tin thi tuyển viên chức đăng trên báo Nhân dân. Tôi đã nghe lời bố, vượt qua kỳ thi tuyển viên chức năm 2009 để được yêu “Em” từ ngày đó: Học viện Chính sách và Phát triển (APD).

Tôi và nhóm anh chị em cùng đỗ vào Học viện khi tuổi còn rất trẻ, khoác trên mình chiếc áo xanh của Đoàn thanh niên với thanh xuân đầy nhiệt huyết. Từ những phương trời xa lạ, chúng tôi gặp nhau tại mái nhà chung APD. Tự đáy lòng mình, tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc tới thầy -  PGS, TS. Ngô Doãn Vịnh - Người khai sinh ra Học viện đã tuyển dụng và thưởng cho chúng tôi hai chuyến đi thực tế rất bổ ích tại Đà Nẵng và đảo Quan Lạn để chúng tôi có cơ hội làm quen, hiểu nhau và gắn kết với nhau khi ai nấy đều đang còn bỡ ngỡ.

PGS, TS. Ngô Doãn Vịnh, Giám đốc Học viện tặng hoa chúc mừng Ban Chấp hành Đoàn thanh niên đầu tiên của chúng tôi

Gắn bó với Học viện đến nay đã 10 năm có lẻ, tôi thấy sự lựa chọn Học viện Chính sách và Phát triển là một quyết định đúng đắn, trở thành viên chức của Học viện là một may mắn với tôi. Đây là gia đình thứ hai của tôi; đồng nghiệp như những người anh, người chị đồng cam cộng khổ, cùng sẻ chia, cùng giúp đỡ nhau không toan tính, nề hà. Nơi đây đã cho tôi những kỷ niệm đẹp, những bài học để trưởng thành hơn khi tôi bước vào nghề. Làm sao để nói hết, kể hết cả một miền thương nhớ đang hiện hữu trong tôi mà tôi luôn gìn giữ và trân trọng.

Ký ức đưa tôi  trở về những năm đầu sau khi thành lập Học viện với bao nhiêu kỷ niệm.Năm ấy, Học viện chưa có sinh viên nên chúng tôi là nhân lực chính tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và của Học viện. Mỗi lần tham gia các sự kiện là một lần chúng tôi đoàn kết, gắn bó nhau hơn. Ký ức in đậm trong tôi nhất là không khí tập văn nghệ tại tầng 7 - căn hộ Học viện thuê ở phố Hoàng Ngân để làm trụ sở tạm. Đó là tiết mục tốp ca nam nữ “Dấu chân phía trước” (nhạc: Phạm Minh Tuấn, thơ: Hồ Thi Ca) do anh Lê Trung Thành, Phó Bộ môn Tài chính - Tiền tệ cũ lĩnh xướng đã đạt giải A tại Hội diễn văn nghệ kỷ niệm ngày sinh nhật Bác do Đảng ủy Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức. Tiết mục này đã ghi dấu đậm với Bộ Kế hoạch và Đầu tư khi Bộ chọn để dự thi tại “Hội diễn nghệ thuật quần chúng bốn văn phòng Trung Ương và khối thi đua các Bộ, ngành tổng hợp lần thứ nhất”.

Tiết mục “Dấu chân phía trước” đạt giải B tại “Hội diễn nghệ thuật quần chúng 4 văn phòng Trung Ương và khối thi đua các Bộ, ngành tổng hợp lần thứ nhất”.

Bên cạnh văn nghệ, thể thao cũng là lĩnh vực anh chị em rất hào hứng. Cầu lông là một thế mạnh, đôi nam và đôi nam - nữ của Học viện luôn dành các giải cao trong các giải thi đấu. Bóng đá không phải sở trường, mặc dù chưa chạm tay đến cup vàng bao giờ nhưng với tinh thần vui - khỏe là chính, đội bóng nam của Học viện đã tham gia tất cả các giải của Bộ và thường xuyên tổ chức đá giao lưu giữa hai khối phòng ban và giảng viên để rèn luyện sức khỏe, tăng tình đoàn kết. Tôi và chắc hẳn tất cả đồng nghiệp đều không bao giờ quên được trận bóng đá nữ giữa hai khối phòng ban và giảng viên tại giải thể thao mừng ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 năm 2012 diễn ra rất hài hước trên sân đất - Đông Ngạc. Chúng tôi ai nấy cũng quần đùi, giầy thể thao, áo số chạy như con rối trên sân với chiến thuật “ruồi bâu” trong tiếng reo hò, cổ vũ của các cổ động viên và các huấn luyện viên bất đắc dĩ. Đây có lẽ là trận bóng để lại dư âm lớn nhất từ trước đến nay của APD, trận bóng mang đúng tính chất của sự vui vẻ, đã cho khán giả những trận cười nghiêng ngả để đến bây giờ mọi người vẫn muốn “diễn”  và xem lại. Đúng là chỉ có sự vô tư, hồn nhiên của tuổi trẻ mới làm nên điều đó.

Hình ảnh các cầu thủ nữ Học viện

Kỷ niệm nhiều lắm, làm sao nói hết! Những kỷ niệm ấy càng đẹp hơn và đáng quý hơn khi được góp nhặt trong những tháng năm khó khăn của Học viện. Có biết rằng một trường đại học mới thành lập, chưa có gì ngoài một lực lượng cán bộ, giảng viên rất mỏng cùng với cái tên trường còn đang xa lạ với xã hội sẽ phải cạnh tranh như thế nào với các trường đại học lớn, có bề dày lịch sử như: Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Ngoại thương, Học viện Ngân hàng…đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh rất khốc liệt của trị trường giáo dục. Khó khăn chồng chất thử thách khi Học viện thiếu đủ thứ: cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, tài chính. Ngày đó Học viện nghèo lắm, nhưng có một thứ rất giàu quyết định thành công trong mọi hoàn cảnh đó là: LÒNG QUYẾT TÂM, Ý CHÍ, TÂM HUYẾT của Ban Giám đốc và NIỀM TIN của cán bộ, giảng viên. Mặc dù không có thực, Học viện vẫn vực được đạo. Minh chứng phải kể đến đó là thế hệ những người đặt viên gạch đầu tiên cho nền móng của Học viện, dường như họ làm việc quên mình để vun đắp cho một nguyện vọng chung là xây dựng một trường đại học mang bản sắc của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Họ đi làm 7, 8 tháng không có lương, phòng làm việc phải ngồi nhờ Viện Chiến lược phát triển.

Những năm đầu sau khi thành lập là những năm thử thách nhất của Học viện. Có những thời điểm khó khăn tưởng chừng như không vượt qua được khi Học viện đứng trước nguy cơ giải thể hay sáp nhập? Tồn tại hay không tồn tại? Học viện như con thuyền lênh đênh giữa biển khơi không biết đâu là bờ. Con thuyền ấy sẽ đi đâu, về đâu? Cónghiêng ngả, chòng chành, đắm chìm trong sóng gió? Lúc này cần lắm bản lĩnh của Thuyền trưởng. Sự kiên cường, niềm tin, tinh thần lạc quan đã làm Thuyền trưởng của APD vững tay chèo vượt qua bão tố vì thầy biết rằng thầy đang chèo lái một con thuyền chở đầy ắp những quyết tâm; chính niềm tin của thầy đã thôi thúc chúng tôi cùng nhau đồng lòng, nỗ lực. Và thầy đã khẳng định được: Học viện tồn tại và phát triển.

Ghi nhận những cố gắng của Học viện, Ban cán sự, Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư  đã quan tâm chỉ đạo sát sao, các đơn vị thuộc Bộ ủng hộ, giúp đỡ, Học viện đã từng bước kiện toàn bộ máy, bổ sung nhân lực, xây dựng chương trình đào tạo và chuẩn bị các điều kiện để tuyển sinh, giảng dạy và học tập. Hơn 3 năm đào tạo tại trụ sở đi thuê, một không gian không hề bắt mắt, nhưng không vì thế Học viện không tạo dựng được thương hiệu với phụ huynh và học sinh trên mọi miền. Điều này được chứng minh qua kết quả tuyển sinh khóa 1, khóa 2, 3 và khóa 4 với số lượng sinh viên và điểm đầu vào tăng dần theo từng năm. Từ đây sự phát triển của Học viện bắt đầu khởi sắc. Thế hệ những đứa con đầu đàn này chịu thiệt thòi nhất khi học tập trong một điều kiện còn thiếu thốn tại trường Trung cấp nghề Giao thông vận tải Thăng Long do Học viện thuê có vị trí địa lý xa trung tâm, lại ồn ào và bụi bặm. Nhớ những ngày hè nắng nóng 39 - 40 độ, cán bộ, giảng viên, sinh viên làm việc, giảng  dạy, học tập trong phòng không với điều hòa, chỉ có quạt trần là phương tiện làm mát duy nhất, nhưng thầy và trò vẫn miệt mài trong từng bài giảng; chính sự tâm huyết và ân cần chỉ bảo không quản ngày đêm của thầy cô đã giúp các em sinh viên quên đi sự thiếu thốn. Thật đáng quý và tự hào khi các em biết chia sẻ và cảm thông với những khó khăn của Học viện, các em đã cố gắng học tập và để lại ấn tượng rất tốt trong mỗi chúng tôi. Tôi tin rằng chính những khó khăn ấy đã làm nên một ký ức đẹp và khó quên trong quãng đời sinh viên của các em. “Đông Ngạc thần thánh” mà các em vẫn thường gọi sẽ là một mảnh ghép sinh động trong bức tranh thời thanh xuân của các em.

Rồi đến một ngày của tháng 6/2013, Học viện chuyển về tòa nhà của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại D25, phố Tôn Thất Thuyết - Cầu Giấy - Hà Nội bỏ lại cánh cổng trường Trung cấp nghề Thăng Long với “công viên các hoàng tử” ngơ ngác đứng nhìn (“công viên các hoàng tử” là tên gọi vui nơi ăn cơm bụi dưới gầm cầu Thăng Long của mấy anh em chúng tôi). Tạm biệt nhé Đông Ngạc! Nơi đây đã trở nên quá đỗi thân thương lưu dấu một thời tuổi trẻ của tôi, của đồng nghiệp và của các em sinh viên khóa 1, 2, 3 và 4. Tất cả chỉ còn là kỷ niệm để giờ đây mỗi khi có dịp đi qua cầu Thăng Long, ký ức yêu thương lại lặng lẽ gọi về.

Ngày chúng tôi thu dọn “hành trang” để chuyển về D25

Niềm vui ngày chuyển về D25

Chuyển về D25 để làm việc và giảng dạy là một bước ngoặt của Học viện, kết thúc chuỗi những ngày phải thuê địa điểm đào tạo, từ đây mở ra nhiều cơ hội phát triển mới, niềm vui không giấu nổi trên khuôn mặt từng thầy trò vẫn in đậm trong trí nhớ của tôi.

Tôi hãnh diện Học viện cũng là nơi đất lành chim đậu, đã nuôi dưỡng tâm hồn, ý chí chúng tôi để trở thành những người thầy, người cô, những cán bộ nhân viên có TÂM với sự nghiệp giáo dục . Học viện cũng chính là sợi chỉ hồng khi chính nơi đây một số thầy cô “rất kén” đã tìm được bến bờ hạnh phúc của đời mình, để họ vừa là một nửa của nhau vừa là đồng nghiệp. Học viện cũng có sức hút lạ lắm khi có những cặp vợ chồng đã chia tay cơ quan cũ, rời quê hương và gửi lại con thơ lên Hà Nội thuê nhà trọ để đầu quân cho Học viện. Cảm kích và yêu thương biết bao!

Văn hóa công sở cũng là một điểm nổi bật của Học viện. Một môi trường làm việc dân chủ thể hiện ở sự công khai, minh bạch, thể hiện ở sự lắng nghe và thấu hiểu của cấp trên với cấp dưới; thể hiện ở sự chan hòa, cởi mở đoàn kết giúp đỡ nhau giữa các đồng nghiệp. Tôi dám kiêu hãnh và tự tin nói rằng: Học viện là một trường Đại học “nói không với tiêu cực”. Đây là một trong những yếu tố làm nên thương hiệu của Học viện ngày hôm nay.

Giờ đây, khi tôi lật từng trang sử vàng son, tôi càng thấy tự hào về những bước đi, sự chuyển mình của Học viện, càng thêm yêu và trân trọng những khó khăn vất vả  Học viện đã trải qua ngày hôm qua. Ngày hôm nay, APD đang trên đà phát triển, danh tiếng và uy tín được xã hội biết đến và đánh giá cao. Sản phẩm của Học viện là những cử nhân, thạc sỹ đã đủ lông, đủ cánh bay đi khắp mọi miền đất nước để xây dựng sự nghiệp. Học viện đã mở rộng quy mô đào tạo đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, đã khẳng định được vị trí trong ngành giáo dục và tạo được niềm tin với lãnh đạo Bộ, uy tín với các tỉnh, địa phương và các trường đại học trong và ngoài nước.

Ngày mai, APD sẽ tiếp tục phát triển, vươn cao, vươn xa hơn nữa. Một tương lai đầy hứa hẹn trong ngôi nhà mới khang trang, hiện đại với đầy đủ tiện nghi phục vụ tốt cho giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học tại Nam An Khánh. Với quyết tâm của Đảng ủy, Ban Giám đốc và sự đồng lòng của tập thể cán bộ giảng viên hy vọng rằng Học viện sẽ trở thành một trường Đại học đẳng cấp quốc tế.

Hình ảnh Học viện khang trang, hiện đại trong tương lại không xa

Ngày mai, tôi và chúng ta chắc còn nhắc tên mãi vị thuyền trưởng đáng kính của Học viện: PGS, TS. Đào Văn Hùng. Sẽ chẳng còn bao lâu nữa thầy về hưu. Thầy không khai sinh ra Học viện nhưng thầy là một trong những người làm nên Học viện. Có thể khẳng định, Học viện được như ngày hôm nay, công lao lớn là của thầy. Phát triển một trường Đại học từ con số 0 tròn trĩnh trở thành một trường uy tín, có thương hiệu không phải dễ dàng, nhưng thầy đã làm được điều đó. Phải chăng quãng thời gian lãnh đạo Học viện chắc hẳn là quãng thời gian đáng nhớ nhất trong sự nghiệp trồng người của thầy? Thầy hội tụ cả TÂM - TẦM - TÀI, là tấm gương sáng về người lãnh đạo của sự tâm huyết, kiên cường, lòng quyết tâm, tinh thần dân chủ. Thầy cũng độ lượng, bao dung và tâm lý. Thầy là người tạo niềm tin và truyền lửa cho chúng em. Hy vọng những thế hệ sau luôn giữ vững ngọn lửa ấy để tiếp tục viết lên những trang sử hào hùng về một Học viện Chính sách và Phát triển. Vẫn biết sau khi nghỉ hưu, không còn quản lý Học viện, thầy sẽ là cố vấn, sẽ vẫn hợp tác trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học với Học viện nhưng chắc chắn sẽ để lại sự hụt hẫng, bâng khuâng trong mỗi chúng em.

Thuyền trưởng tài năng của của chúng tôi

Thời gian thấm thoắt thoi đưa, vậy là tôi và chúng ta đã có gần 12 năm đồng hành với Học viện. Vui có, buồn có, thất vọng có,… nhưng đó chỉ là những cảm xúc nhất thời, đọng lại cuối cùng vẫn là một tình yêu - một tình yêu không hẹn trước, một tình yêu khó nói thành lời trọn vẹn.

Nhân dịp Học viện tròn 12 tuổi, xin chúc Ban Giám đốc và toàn thể cán bộ, giảng viên, nhân viên luôn đủ Tâm, đủ Trí, đủ Lực để cống hiến hơn nữa vì lớp lớp các sinh viên, học viên thân yêu.

Trần Tú Ngà