null ChatGPT có thể trở thành "người trợ lý giỏi" của giáo viên

content:

(Dân trí) - Các chuyên gia cho rằng, ChatGPT có thể trở thành người trợ lý rất giỏi, giúp giáo viên, giảng viên có những giờ lên lớp tốt hơn.

Ngày 13/2, Bộ GD&ĐT tổ chức tọa đàm "ChatGPT, Trí tuệ nhân tạo - Lợi ích và thách thức đối với giáo dục" với sự tham dự của nhiều nhà lãnh đạo, nhà quản lý, các chuyên gia giáo dục, chuyên gia công nghệ.

Ứng dụng công nghệ để người dân tiếp cận giáo dục chất lượng tốt

Phát biểu tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn chia sẻ, công nghệ giáo dục nổi lên từ nhiều năm nay với hai hướng là câu chuyện dạy học trực tuyến và ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Đây là một cơ hội rất lớn mà chúng ta cần phải có những chính sách kịp thời.

"Tất nhiên, tất cả những cái mới còn nhiều sự thay đổi và còn nhiều tiến bộ. Chúng ta cần bắt đầu thay đổi nhận thức, cách nhìn nhận những công nghệ này, cách đón nhận nó. Chúng ta không quá hào hứng nhưng cũng không quá lo ngại hay hoảng sợ", Thứ trưởng nói.

Ông khẳng định, cách tốt nhất để học sinh, nhà giáo, nhà quản lý giáo dục hiểu ChatGPT là sử dụng công nghệ này, cảm nhận, trải nghiệm nhiều hơn, sau đó cùng thảo luận.

"Tôi mong rằng ở các nhà trường, các tổ chức sau khi đã dùng, đã trải nghiệm rồi sẽ thảo luận tiếp, làm rõ hơn lợi ích mà ChatGPT mang lại và tương lai phát triển của ChatGPT, những công nghệ khác mang đến cho chúng ta. Từ đó, các cơ quan quản lý nhà nước, Bộ GD&ĐT, các cấp ban ngành khác sẽ có những chính sách lâu dài và kịp thời", Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho hay.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn tại tọa đàm "ChatGPT, Trí tuệ nhân tạo - Lợi ích và thách thức đối với giáo dục" (Ảnh: N.L)

Ông cũng nhấn mạnh, trong các nhà trường, việc hình thành các trung tâm dạy học xuất sắc là rất cần thiết. Những trung tâm này thiết kế dạy và học, hỗ trợ dạy và học thay vì chỉ có người thầy đơn độc như trước nay, từ soạn bài giảng, giáo án, sách giáo khoa, giáo trình, lên lớp giảng dạy, kiểm tra đánh giá,…

"Chúng ta có công nghệ, chúng ta hãy giúp nhà giáo giảm bớt những công việc này và đưa công nghệ vào giáo dục để tăng năng suất, hiệu quả, chất lượng cũng như bình đẳng trong giáo dục. Bộ GD&ĐT sẽ hướng tới tất cả những hoạt động này", Thứ trưởng thông tin.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn yêu cầu, cần ứng dụng công nghệ sao cho hạn chế những mặt trái, sự lệ thuộc vào công nghệ, công cụ. Từ đó, mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục chất lượng cao cho người học, giảm chi phí trong giáo dục, giúp mọi người dân có thể tiếp cận giáo dục chất lượng tốt.

"Tất cả chính sách đều hướng đến ý nghĩa đó, giữ cho nền giáo dục trong sạch ở mọi nơi, với đạo đức trong nhà trường. Đó là những chính sách mà Bộ GD&ĐT sẽ nghiên cứu để điều chỉnh. Chúng ta còn rất nhiều thời gian và cũng sẽ hào hứng chờ đợi những phát triển công nghệ mới trong thời gian tiếp theo", Thứ trưởng nói.

Cấm ChatGPT là cách làm bảo thủ

Chia sẻ tại tọa đàm, PGS.TS Tạ Hải Tùng, Hiệu trưởng Trường Công nghệ thông tin và truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, ChatGPT chỉ là một demo (phiên bản thử nghiệm) cho công nghệ đằng sau là AI tạo sinh hay "mô hình ngôn ngữ lớn".

Chúng ta nên coi ChatGPT như một thành tựu mà người dùng đại chúng được trải nghiệm, thấy được năng lực của trí tuệ nhân tạo không quá xa xôi. Tuy nhiên, cũng không nên kỳ vọng trí tuệ nhân tạo sẽ tạo ra sản phẩm thay thế con người trong một sớm một chiều, bởi như ChatGPT vẫn chỉ là mô hình dự đoán, chưa có những khả năng suy luận, sáng tạo như của con người.

"Sẽ không ai có cảm giác bị đe dọa bởi ChatGPT nếu chúng ta giữ tinh thần luôn ủng hộ cái mới, tiếp cận cái mới một cách chừng mực và coi đó là công cụ cho ngành nghề chúng ta trở nên tốt hơn", PGS Tùng nhấn mạnh.

Theo PGS.TS Tạ Hải Tùng, hiện nay, có câu chuyện một số trường đại học hay một số nơi có ý định cấm sinh viên dùng ChatGPT vì lo ngại các em có thể sử dụng ChatGPT để viết bài luận. PGS Tùng cho rằng đây là cách làm khá bảo thủ.

Từ kinh nghiệm giảng dạy trên giảng đường, ông nhận thấy trình độ viết của sinh viên đang ngày một kém hơn, đôi khi để tự viết hoàn toàn một bài luận được 5 điểm là không thể. Tuy nhiên, chúng ta thậm chí có thể giúp sinh viên phát triển hơn chuẩn đó nhờ sự hỗ trợ của AI và sự giúp sức của thầy cô.

"Chúng ta có thể dùng ChatGPT là khởi đầu để tất cả các em nâng lên được mức 5 điểm, sau đó thầy cô thay vì ngồi tranh cãi xem đoạn văn này là của ChatGPT viết hay do sinh viên viết sẽ có những trao đổi, thảo luận với sinh viên để làm sao bài tập xuất phát từ nền 5 điểm đó, đưa thêm ý tưởng sáng tạo của con người vào và nâng lên thành 7 điểm, 8 điểm.

Như vậy, vô hình chung chúng ta sẽ nâng chuẩn đào tạo. Rất khó khăn để dạy cho các em sinh viên tự viết luận được 5 điểm, nhưng nếu có công cụ AI hỗ trợ một phần, thầy cô hỗ trợ một phần, cộng tổng lại tất cả các em sẽ nâng lên được 7 điểm. Cho nên, tôi nghĩ vấn đề cuối cùng là công nghệ sẽ hỗ trợ cho chúng ta hiểu sinh viên hơn và qua đó chúng ta có những dịch vụ giáo dục đào tạo tốt hơn", PGS Tùng phân tích.

Ông nhấn mạnh, đây là tương lai của giáo dục và sẽ không đem lại sự đe dọa cho bất kỳ ai. ChatGPT chỉ đặt ra một yêu cầu là chúng ta phải thích ứng với nó và thích ứng như thế nào để nâng chuẩn đào tạo.

TS Nguyễn Thành Nam, nhà sáng lập FUNiX (hệ sinh thái đào tạo trực tuyến công nghệ thông tin) thì khẳng định, mục tiêu cuối cùng của đào tạo là người học phải tự học được, muốn tự học được quan trọng nhất là đặt được câu hỏi.

Bởi vậy, ChatGPT là công cụ sẽ thay đổi hoàn toàn cái nhìn của chúng ta về giáo dục.

Các đại biểu tham dự tọa đàm (Ảnh: N.L).

TS Nam cho rằng, cách thiết kế hệ thống giáo dục hiện nay đang thiếu thời gian để học sinh đặt câu hỏi. Bên cạnh đó, vấn đề lớn nhất là khi hỏi thầy cô giáo, học sinh thường ngại, không mạnh dạn. Ưu điểm của ChatGPT là khuyến khích học sinh đặt câu hỏi và giúp các em hỏi thoải mái, mạnh dạn hơn.

"Chúng ta chỉ có thể học được bằng cách hỏi. Vì thế, tôi cho rằng ChatGPT không thể nào đe dọa cho giáo dục mà giúp phát triển tốt lên, bởi nó đi đúng bản chất của giáo dục", TS Nam nhấn mạnh.

ChatGPT có thể trở thành "trợ thủ đắc lực" của thầy cô giáo

Nói về lợi ích của ChatGPT đối với các thầy cô giáo, TS Lê Thống Nhất, chuyên gia giáo dục đưa ra một ví dụ. Theo đó, để nghĩ ra một hệ thống các sai lầm học sinh thường mắc phải trong bộ môn Toán học ở bậc phổ thông, thầy cô phải có nhiều trải nghiệm về dạy học, phải tư duy trên các bài toán. Người thầy thường phải dự báo được các lỗi sai, không đợi học sinh sai mới biết các lỗi này.

Tới nay, khi có ChatGPT, thầy cô không phải "khổ sở" trải nghiệm, đi tìm những lỗi sai nói trên mà ChatGPT với nguồn dữ liệu ngôn ngữ lớn sẽ như một người trợ lý thông báo cho thầy cô biết. Như vậy, người giáo viên sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian. Từ câu trả lời của ChatGPT, thầy cô có thể có một giờ lên lớp tốt hơn rất nhiều.

 

TS Lê Thống Nhất, chuyên gia giáo dục (bên phải) phát biểu tại tọa đàm (Ảnh: N.L).

Đồng quan điểm trên, ông Phùng Việt Thắng, Phó Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam cho rằng ChatGPT có thể trở thành "trợ lý" cho các thầy cô. "Khi đã coi một công cụ là trợ lý rồi, chúng ta có thể tự nâng cấp mình lên để hơn được người trợ lý của mình, dạy cho người trợ lý đó hướng theo những thứ mà mình muốn", ông nói.

Theo ông Thắng, lợi ích của "người trợ lý" ChatGPT đối với các đối tượng cụ thể trong ngành giáo dục, từ học sinh đến giáo viên, những nhà kinh doanh giáo dục hay những nhà quản lý giáo dục,… phụ thuộc vào năng lực tận dụng của chính những đối tượng đó. Chúng ta nên nhìn vào công nghệ mới như AI hay ChatGPT ở những tiêu chí tích cực và cùng nhau tìm ra những cách tận dụng theo hướng tốt nhất, ở góc độ của từng vị trí như học sinh, giáo viên.

"Một công nghệ muốn đi vào cuộc sống và chúng ta có thể tận dụng nó trở thành người trợ lý bình thường hay người trợ lý giỏi, người trợ lý rất giỏi là hoàn toàn phụ thuộc vào cách mà chúng ta ứng dụng", ông Thắng nhấn mạnh.

Ông Phùng Việt Thắng, Phó Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam (Ảnh: N.L).

 

PGS.TS Tạ Hải Tùng, Hiệu trưởng Trường Công nghệ thông tin và truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ, chúng ta luôn nói rằng câu trả lời của ChatGPT chưa chắc đúng vì ứng dụng này dựa vào nguồn dữ liệu mở, không được kiểm chứng.

Tuy nhiên, nếu Bộ GD&ĐT có một dự án huấn luyện ChatGPT dựa trên tất cả sách giáo khoa Việt Nam, trên nguồn dữ liệu mà Bộ đã kiểm chứng thì ChatGPT sẽ trở thành một gia sư vô cùng hữu ích. "Như vậy là chúng ta mang tính địa phương hóa vào trong một mô hình và làm nó trở nên tốt hơn", PGS Tùng nêu quan điểm.

 

Theo Dantri