null Tuyển sinh 2023: Đăng ký nguyện vọng thế nào để tăng tối đa cơ hội trúng tuyển?

content:

(Dẫn bài từ Báo Điện tử Đại biểu Nhân dân)

Chia sẻ với phóng viên Báo Đại biểu nhân dân, PGS.TS Trần Trọng Nguyên, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển đã có một số tư vấn tới thí sinh về cách chọn ngành, chọn trường cũng như cách đăng ký nguyện vọng hiệu quả trong mùa tuyển sinh 2023.

Đăng ký nguyện vọng thế nào là hiệu quả?

- Thưa PGS.TS Trần Trọng Nguyên, năm nay, phương án tuyển sinh của Học viện Chính sách và Phát triển có gì khác so với năm trước?

PGS.TS Trần Trọng Nguyên: Năm 2022, các phương thức tuyển sinh Học viện Chính sách và Phát triển đã sử dụng hầu hết khá hiệu quả. Do vậy, trong năm 2023, chúng tôi vẫn giữ ổn định phương thức tuyển sinh như năm trước.

Theo đó, chúng tôi có các phương thức tuyển sinh, gồm: Xét tuyển thẳng (tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD-ĐT và tuyển thẳng theo phương thức xét tuyển riêng của trường như: kết quả thi HSG cấp tỉnh/thành phố, chứng chỉ năng lực quốc tế, chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, học sinh trường chuyên);

Xét tuyển dựa vào điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội; Xét tuyển dựa vào điểm đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội; Xét tuyển dựa vào điểm học bạ THPT và Xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng có cải tiến một chút về mặt kỹ thuật. Nếu như năm 2022, Học viện Chính sách và Phát triển có 2 đợt xét tuyển học bạ (Đợt 1 xét theo điểm của lớp 11 và học kỳ I lớp 12; Đợt 2 sử dụng điểm lớp 12) thì năm nay, chúng tôi gộp chung vào một đợt, sử dụng chung kết quả của lớp 11 và lớp 12.

PGS.TS Trần Trọng Nguyên, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển

Bên cạnh đó, từ kết quả tuyển sinh năm trước, chúng tôi thấy rằng việc sử dụng các phương thức kết hợp chứng chỉ quốc tế mang lại hiệu quả khá cao, lựa chọn được các học sinh khá tốt.

Do vậy, năm nay, trường chủ trương giảm bớt chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả học bạ THPT, điểm thi tốt nghiệp THPT và tăng chỉ tiêu xét tuyển bằng cách kết hợp giữa học bạ và các chứng chỉ năng lực. Chúng tôi hy vọng từ đây có thể tuyển chọn được nhiều thí sinh tốt hơn.

- Nhiều thí sinh lo lắng rằng việc các trường giảm chỉ tiêu với phương thức xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT, tăng chỉ tiêu ở phương thức xét tuyển khác sẽ làm điểm chuẩn phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay tăng rất nhiều. Ý kiến của ông về vấn đề trên thế nào?

PGS.TS Trần Trọng Nguyên:

Học viện Chính sách và Phát triển là một trong những trường năm nay có điều chỉnh giảm chỉ tiêu sử dụng kết quả học bạ THPT và điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển, tuy nhiên tôi nghĩ rằng sự biến động về điểm chuẩn có lẽ sẽ không nhiều.

Lý do bởi hệ thống tuyển sinh chung của Bộ GD-ĐT hiện rất thông minh. Sau khi chạy kết quả xét tuyển của toàn quốc, mỗi thí sinh chỉ có một cơ hội trúng tuyển, dù em có đăng ký bao nhiêu nguyện vọng.

Có thể chỉ tiêu của các trường với phương thức sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT ít đi, số người đăng ký nhiều hơn, về mặt lý thuyết thì điểm chuẩn sẽ cao hơn. Nhưng tổng số chỉ tiêu tuyển sinh đại học của các trường và tổng số thí sinh dự thi không chênh lệnh nhiều so với những năm trước.

Cùng câu hỏi này, chia sẻ với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT cho biết, thời điểm này không thể nói trước điểm chuẩn của phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT sẽ tăng hay giảm.

Bởi có quá nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng tới thực tế điểm chuẩn từng năm như tính chất của đề thi, năng lực của lứa thí sinh dự thi mỗi năm cũng như số chỉ tiêu các trường phân bổ cho từng phương thức.

Tuy nhiên, thí sinh có thể tham khảo điểm chuẩn trong 3 năm gần nhất. Đây là những chỉ số quan trọng nhất để các em xác định xem mình có khả năng đỗ được vào trường hay không.

PGS Thủy nhấn mạnh thêm, năm nay, gần như 100% các trường vẫn dành chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Do đó, thí sinh vẫn nên đầu tư mọi nguồn lực mình có để làm sao điểm thi đạt ở mức tốt nhất có thể. Từ đó, cơ hội trúng tuyển sẽ không khó khăn, dù là trường nào, ngành nào.

Do vậy, nếu các bạn khác đã có nhiều cơ hội khác để trúng tuyển rồi, điểm chuẩn thậm chí có thể giảm xuống. Điều này khác với những năm trước, đôi khi các bạn trúng tuyển rồi vẫn còn được lựa chọn học giữa các trường, lúc đó tỷ lệ ảo sẽ cao.

Còn hiện nay khi hệ thống tuyển sinh chung chỉ cho phép thí sinh trúng một nguyện vọng duy nhất, tôi nghĩ sự thay đổi về điểm chuẩn sẽ không nhiều.

“Không nên bỏ tất cả trứng vào một giỏ”

          - Ông có thể đưa ra lời khuyên tới thí sinh về cách đăng ký nguyện vọng sao cho hiệu quả, tăng đối đa cơ hội trúng tuyển vào đại học?

PGS.TS Trần Trọng Nguyên: Trong kinh tế đầu tư có một cái câu rất hay rằng “không nên bỏ tất cả trứng vào một giỏ”. Bộ GD-ĐT đã cho phép thí sinh có quyền đăng ký không giới hạn số nguyện vọng nên tất nhiên các em không nên chỉ chọn một nguyện vọng. Tuy nhiên, tôi cũng cho rằng số nguyện vọng đăng ký không nên quá nhiều. Theo kinh nghiệm cá nhân, tôi khuyên các em chia số nguyện vọng này thành 3 nhóm.

Nhóm nguyện vọng thứ nhất, xếp lên cao nhất là nguyện vọng các em yêu thích, có phần hơi “mơ mộng” một chút, tức điểm chuẩn các năm cao hơn so với sức của mình. Các em được phép sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên, từ trên xuống dưới. Nếu có trượt những nguyện vọng “hơi quá sức” này vẫn còn cơ hội ở các nguyện vọng phía dưới.

Trong khi đó, quá trình xét tuyển của các năm luôn có nhiều biến động, nhỡ đâu khi em không đăng ký vào nguyện vọng yêu thích (vì nghĩ rằng quá sức) mà điểm của em lại đạt được mức có thể trúng tuyển sẽ rất đáng tiếc.

Nhóm thứ hai là nhóm nguyện vọng vừa sức với mình. Lúc này, em có thể cân nhắc các trường cùng đào tạo ngành đó để lựa chọn trường theo ý thích của mình.

Nhóm nguyện vọng thứ ba, với quan điểm quản trị rủi ro, tôi cho rằng nên chọn thêm một nhóm mang tính phòng thủ, tức cận dưới năng lực của mình một chút. Bởi mức độ biến động điểm từng năm cũng như mức độ đề thi các năm có thể khác nhau, nếu em chỉ soi xét vào điểm chuẩn các năm trước để đưa ra quyết định có thể dẫn đến những sai lệch. Do vậy, để đảm bảo không bị lỡ cơ hội ở năm nay, thí sinh nên có một nhóm nguyện vọng “phòng thủ” ở phía dưới.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT

Tiên phong đi đầu mở ngành Kinh tế số

- Thời điểm này, nhiều thí sinh đang băn khoăn trong việc lựa chọn các ngành học. Ông nhận định ngành học nào có tiềm năng phát triển, tạo nhiều cơ hội việc làm cho người lao động trong tương lai?

PGS.TS Trần Trọng Nguyên: Thời gian gần đây với sự phát triển của kinh tế xã hội cũng như khoa học công nghệ, có nhiều xu hướng mới đã ra đời. Giáo dục đại học cũng phải chấp nhận điều này. Trong xu hướng mới, nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng, có thể mất đi, nhưng cũng sẽ mở ra rất nhiều cơ hội việc làm mới.

Tôi tin rằng những ngành nghề gắn với các yếu tố công nghệ chắc chắn sẽ có sự thu hút và cơ hội việc làm cao trong thời gian sắp tới.

Nói như vậy không có nghĩa các em bắt buộc phải học Công nghệ thông tin mới có tiềm năng phát triển. Các ngành khác gắn với công nghệ cũng có rất nhiều. Ví dụ, ngay cả những ngành tưởng như rất vất vả, luôn phải “chân lấm tay bùn” như Nông nghiệp, chúng ta cũng có thể đi vào mảng Nông nghiệp công nghệ cao, sử dụng các công nghệ để trồng trọt, tạo ra năng suất tốt hơn.

Với Học viện Chính sách và Phát triển, chúng tôi cũng phát triển các chương trình đào tạo theo hướng đó. Gần đây nhất, chúng tôi là trường tiên phong đi đầu trong việc mở ngành Kinh tế số và cho đến nay, sức hút của ngành này khá tốt.

Ngoài ra, các chương trình đào tạo của các ngành khác, bao gồm cả những ngành truyền thống cũng được chuyển đổi theo hướng tăng cường tích hợp yếu tố công nghệ.

Ví dụ, về tài chính ngân hàng, chúng tôi tích hợp theo hướng Công nghệ tài chính và Ngân hàng số. Về Marketing, chúng tôi cũng tích hợp theo hướng phát triển Marketing số. Bằng cách đó, tôi nghĩ rằng ngay cả những ngành truyền thống, chúng ta cũng có thể chuyển đổi được để tiếp cận những xu hướng mới. Đây là xu hướng thí sinh có thể cân nhắc lựa chọn ngành học.

- Ngành Kinh tế số có rất nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai. Ông có thể chia sẻ thêm thông về ngành học này tại Học viện Chính sách và Phát triển?

PGS.TS Trần Trọng Nguyên: Học viện Chính sách và Phát triển là trường tiên phong trong việc mở ngành Kinh tế số, sau đó đến nay cũng có khá nhiều trường tiếp tục mở ngành này.

Chúng ta có thể thấy trong thời đại hiện nay, công nghệ đã len lỏi vào trong tất cả bộ phận của nền kinh tế. Do vậy, những lĩnh vực liên quan đến kinh tế số rất rộng. Hiện nay, Học viện Chính sách và Phát triển đang đào tạo 2 chuyên ngành gồm Phân tích dữ liệu lớn trong kinh tế kinh doanh, cùng Kinh tế và kinh doanh số.

Khi theo học ngành này, sinh viên được đào tạo sử dụng các khả năng về công nghệ để hỗ trợ cho các quyết định trong kinh tế và kinh doanh. Chắc chắn các em sẽ có nền tảng vừa về công nghệ, vừa về kinh tế.

Có thể coi Kinh tế số như một ngành ứng dụng công nghệ thông tin trong kinh tế. Như vậy, nếu như các em quan tâm đến những xu thế mới và vị trí việc làm có ứng dụng công nghệ thông tin trong kinh tế, lựa chọn học Kinh tế số là lựa chọn rất hợp lý.

Không nên chọn một ngành học chạy theo trào lưu

- Theo ông, thí sinh nên chọn ngành hay chọn trường trước? Vì sao?

PGS.TS Trần Trọng Nguyên: Với kinh nghiệm gần 30 năm giảng dạy, từng giảng dạy sư phạm, luyện thi đại học rất nhiều năm và vẫn đang làm công tác tuyển sinh, tôi cho rằng đầu tiên, các em nên chọn ngành trước. Các em trước hết phải xác định xem mình muốn trở thành người như thế nào, muốn làm công việc gì và chọn ngành nào để sau này có thể làm được việc đó.

Sau đó, các em mới nên chọn trường. Khi đã chọn được một ngành yêu thích rồi, hãy cân nhắc giữa các trường dựa trên sở thích; tìm hiểu về chương trình đào tạo, xem trường nào đào tạo tốt ngành chúng ta đã chọn.

Tôi muốn chia sẻ thêm rằng, một ngôi trường có bề dày kinh nghiệm, có thương hiệu chắc chắn sẽ là điểm đến hấp dẫn hơn với các em.

Tuy nhiên, các em cũng không nên bỏ qua những trường trẻ, bởi thế mạnh của các trường trẻ là sức trẻ. Sức trẻ thì rất nhanh để đổi mới, cập nhật những xu thế mới vào chương trình đào tạo. Thực tế, chúng ta đã chứng kiến rất nhiều trường có thể mới nổi trong một vài năm gần đây, nhưng đã tạo ra sự thu hút rất lớn.

Do vậy, khi chọn ngành, chọn trường, các em có thể cân nhắc, tìm hiểu kỹ về các trường xem thế mạnh của từng trường là gì rồi lựa chọn, thay vì chỉ nhìn vào một cái tên.

- Nhiều thí sinh lựa chọn các ngành được xem là “hot” hiện nay chỉ vì chạy theo trào lưu, nhưng không thực sự tìm hiểu hay yêu thích các ngành đó. Ý kiến của ông về việc này thế nào?

PGS.TS Trần Trọng Nguyên: Qua nhiều năm thực hiện công tác tuyển sinh, chúng tôi chứng kiến nhiều thí sinh, do thiếu thông tin nên chọn học một ngành chỉ vì “học theo bạn bè”. Có những bạn thì cho rằng trong xã hội ngành này mới là hot, phải chọn ngành này mới là “đẳng cấp”, trong khi các em không thực sự yêu thích, chưa tìm hiểu về ngành đó.

Kết quả là sau khi vào trường một vài năm mới thấy “vỡ mộng”. Các em có xu hướng muốn chuyển ngành, động cơ học tập sẽ không còn nữa.

Tôi có lời khuyên với thí sinh rằng, để chọn được ngành học phù hợp, đầu tiên chúng ta phải xem mình yêu thích cái gì, năng lực của mình có đáp ứng được điều đó không (năng lực ở đây ngoài năng lực về chuyên môn còn có năng lực về sức khỏe, năng lực về tài chính và rất nhiều điều kiện khác). Ví dụ, em rất thích một ngành nghề nhưng để theo học yêu cầu sự đầu tư rất lớn về tài chính, điều kiện sức khỏe tốt. Nếu tài chính và sức khỏe không đáp ứng, em cũng không nhất thiết phải vào ngành đó.

Sau khi chọn được ngành nghề yêu thích rồi, các em nên tìm hiểu kỹ bằng nhiều cách như vào website các trường có đào tạo ngành đó để tìm hiểu cơ hội đầu ra, vị trí việc làm thế nào,… có đúng với sở thích, kỳ vọng của chúng ta không. Bên cạnh đó, các em cũng có thể tìm hiểu thêm thông tin qua người thân hay các anh chị sinh viên khóa trước.

Một trong những kinh nghiệm trong công tác xúc tiến tuyển sinh của chúng tôi cho thấy, sinh viên học các khóa trước là một kênh tham khảo rất hữu ích cho các em vì họ đã học rồi, từng trải rồi nên sẽ cho cảm nhận sát thực, chính xác hơn.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Liên (Báo Điện tử Đại biểu Nhân dân)