null Mục tiêu & vị trí việc làm ngành Luật kinh tế, chuyên ngành Luật Đầu tư - kinh doanh

CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO

(Ban hành kèm theo Quyết định số 703/QĐ-HVCSPT ngày 01/10/2018 của Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển)

             Ngành đào tạo:      Luật Kinh tế                                  Mã số:                   7380107

Trình độ đào tạo:   Đại học                                         Chuyên ngành:     Luật Đầu tư – Kinh doanh 

1. Mục tiêu

1.2 Mục tiêu chung

Đào tạo cử nhân đại học ngành Luật Kinh tế có phẩm chất chính trị, đạo đức và sức khỏe tốt; có kiến thức cơ bản về kinh tế - xã hội, quản lý kinh tế; có kiến thức chuyên sâu về pháp luật trong các lĩnh vực kinh tế đặc biệt chú trọng pháp luật doanh nghiệp, pháp luật đầu tư, pháp luật đấu thầu, luật và chính sách công và thương mại quốc tế; có tư duy khoa học, độc lập và sáng tạo; có khả năng tự nghiên cứu bổ sung kiến thức, tích lũy kinh nghiệm nghề nghiệp.

1.2. Mục tiêu cụ thể

1.2.1. Về kiến thức

Trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản trong lĩnh vực tư tưởng chính trị, khoa học xã hội và nhân văn, kinh tế học, chính sách công và pháp luật và nhà nước cũng như khả năng phân tích, đánh giá và nhìn nhận các vấn đề cơ bản đó trong bối cảnh thực tiễn Việt Nam hiện nay.

Trang bị cho sinh viên những kiến thức chuyên sâu gồm: lý thuyết, nguyên lý và phương pháp vận dụng các kiến thức trong lĩnh vực kinh tế, chính trị, pháp lý, có khả năng tự cập nhật những thay đổi của pháp luật sau khi tốt nghiệp bao gồm:

+ Kiến thức cơ sở về lý luận nhà nước pháp luật; luật hiến pháp; luật hành chính; luật dân sự; luật hình sự; công pháp quốc tế; tư pháp quốc tế

+ Kiến thức chuyên ngành trong pháp luật kinh doanh - thương mại và các lĩnh vực của ngành kế hoạch và đầu tư như: chính sách công, đầu tư, đầu tư công, đầu tư quốc tế, đấu thầu; kinh tế quốc tế.

+ Cập nhật những vấn đề pháp lý thời sự trong nước và quốc tế đối với các lĩnh vực quản lý nhà nước và kinh doanh cơ bản của Việt Nam.

1.2.2. Về kỹ năng

- Chương trình đào tạo định hướng sinh viên đạt được những kỹ năng chuyên môn cơ bản như: áp dụng các quy định pháp luật để giải quyết các công việc hàng ngày; đảm bảo tuân thủ đúng pháp luật, tránh các rủi ro pháp lý; tư vấn, soạn thảo các văn bản pháp lý liên quan tới doanh nghiệp trong giao dịch, hợp đồng, đầu tư; đề xuất phương án và tham gia xử lý những tình huống pháp lý phát sinh trong kinh doanh, cạnh tranh, giải quyết tranh chấp kinh tế.

- Cung cấp cho sinh viên cơ hội thực hành nghề nghiệp trong quá trình học bao gồm: vận dụng kiến thức nghiệp vụ trong học tập và công tác.

- Trang bị cho sinh viên kỹ năng chuẩn bị và soạn thảo các loại hồ sơ văn bản như hồ sơ đăng ký kinh doanh, điều lệ công ty, các loại hợp đồng dân sự, kinh doanh, thương mại, hồ sơ giải quyết tranh chấp dân sự kinh tế và tố tụng cạnh tranh.

- Hình thành cho sinh viên khả năng làm việc độc lập, giải quyết công việc với tư duy lôgíc và sáng tạo; có kỹ năng viết và trình bày rõ ràng một vấn đề, làm báo một cách thuần thục; có khả năng thích ứng với môi trường công việc trong nước và quốc tế luôn có sự biến động; có khả năng thuyết trình những vấn đề chuyên môn trước nhiều người; tham gia cộng tác, liên hệ học hỏi trao đổi, làm việc; có ý thức hợp tác, trung thực, chủ động trong làm việc nhóm; có bản lĩnh trình bày quan điểm riêng trong việc giải quyết những vấn đề pháp lý.

1.2.3. Về thái độ

- Có ý thức tự giác chấp hành các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Có ý thức quan tâm đến cộng đồng. Chủ động, tích cực tham gia hoạt động chính trị, xã hội  và các đoàn thể;

- Có lòng nhân ái, bao dung, độ lượng, biết trân trọng các giá trị đạo đức của dân tộc, xác định trách nhiệm, nghĩa vụ của bản thân, tư cách, tác phong đúng đắn của người công dân. Đề cao việc thực hiện hành vi đạo đức, đạo đức nghề nghiệp, tác phong công nghiệp;

- Có ý thức khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập; tự tin, có bản lĩnh và tinh thần khát khao học tập vươn lên khẳng định năng lực bản thân;

- Có tác phong làm việc khoa học và chuyên nghiệp, tư duy năng động, coi trọng hiệu quả công việc; Nhạy bén phát hiện những vấn đề pháp lý cần giải quyết

- Có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp cần thiết của một luật gia, có bản lĩnh nghề nghiệp và thái độ trung thực, yêu nghề và có trách nhiệm trong công việc, có ý thức bảo vệ lợi ích của cộng đồng và xã hội;

1.2.4. Vị trí và nơi làm việc sau khi tốt nghiệp

Vị trí việc làm chương trình đào tạo hướng tới là: cán bộ pháp lý, cán bộ quản trị trong doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế; cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước hoặc cơ quan tư như công ty luật hay văn phòng công chứng; nghiên cứu viên, giảng viên giảng dạy trong các cơ sở nghiên cứu, đào tạo luật; nghiên cứu, thực hành pháp luật tại các đơn vị dịch vụ tư vấn pháp luật, các tổ chức xã hội.

Nơi làm việc sau khi tốt nghiệp:

- Trong các cơ quan chính quyền các cấp, gồm các cơ quan trung ương và địa phương như: Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Chính phủ, các Bộ, Ngành trung ương, Hội đồng nhân dân các cấp, Ủy ban nhân dân các cấp, các Sở, ban ngành địa phương, các cơ quan, tổ chức thực hiện các hoạt động liên quan đến xây dựng chế độ, chính sách, pháp luật, các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thanh tra, bảo đảm dịch vụ công, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chớnh, cơ quan công an, cơ quan thuế, hải quan, kiểm lâm, biên phũng, cơ quan quản lý xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, cán bộ trong các bộ phận phụ trách về tổ chức - nhân sự trong các cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế, tài chính, đất đai, môi trường;

- Trong các cơ quan Nhà nước, đảm nhiệm vai trò công chức, cán bộ nghiên cứu, soạn thảo chính sách, dịch vụ công, tổ chức thực thi pháp luật về kinh tế, tài chính, đất đai, môi trường. Có thể đảm nhiệm các chức danh tư pháp trong các cơ quan kiểm sát, tòa án, thi hành án;

- Trong doanh nghiệp, tổ chức kinh tế với vai trò chuyên gia pháp lý trong lĩnh vực thương mại, đầu tư trong nước và quốc tế, hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu, các vấn đề liên quan đến bảo hộ sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp;

- Cơ quan nghiên cứu, giảng dạy với vai trò: nghiên cứu viên, giảng viên các khối ngành Luật, Kinh tế và Quản trị kinh doanh, làm việc trong các viện nghiên cứu quản lý hành chính nhà nước;

- Độc lập hoặc tham gia thành lập doanh nghiệp, các tổ chức tư vấn và dịch vụ pháp lý như: Văn phòng luật sư, công ty luật, văn phòng công chứng, các trung tâm trọng tài thương mại... của Việt Nam và nước ngoài. Đủ điều kiện để học bồi dưỡng và cấp chứng chỉ hành nghề Luật sư, Công chứng viên, Thừa phát lại và các chức danh tư pháp nhà nước khác.

- Các tổ chức chính trị, chính trị- xã hội: các cơ quan Đảng các cấp và tổ chức chính trị - xã hội, cộng tác tại các tổ chức quốc tế liên chính phủ và các tổ chức quốc tế phi chính phủ tại các nước và tại Việt Nam (đảm nhiệm các công việc liên quan đến các lĩnh vực của công pháp, tư pháp quốc tế).

1.2.5. Trình độ ngoại ngữ và tin học

Đạt trình độ về ngoại ngữ và tin học theo chuẩn đầu ra của Học viện Chính sách và Phát triển. Sử dụng tốt tiếng Anh với những kỹ năng nghe, nói, đọc, viết trong nghiên cứu, giao tiếp và soạn thảo văn bản, tài liệu pháp luật.

2. Khối lượng kiến thức toàn khóa

Tổng khối lượng kiến thức toàn khóa: 130 tín chỉ.

3. Đối tượng tuyển sinh

Thí sinh có đủ các điều kiện theo Quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo và quy định tuyển sinh của Học viện Chính sách và Phát triển.

4. Quy trình đào tạo, điều kiện tốt nghiệp

Đào tạo theo hệ thống tín chỉ, tích lũy đủ số tín chỉ theo quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Quy định đào tạo đại học hệ chính quy của Học viện Chính sách và Phát triển.

5. Cách thức đánh giá

Đánh giá theo thang điểm 10, thang điểm 4 và thang điểm chữ theo quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo và quy định đào tạo đại học hệ chính quy của Học viện Chính sách và Phát triển.