null Thông tin tuyển sinh năm 2019

 

THÔNG TIN VỀ CHUYÊN NGÀNH: PHÂN TÍCH DỮ LIỆU LỚN TRONG KINH TẾ VÀ KINH DOANH

Thuộc ngành: KINH TẾ           

Mã ngành: 7.31.01.01

1. Giới thiệu chung

Nắm bắt được cơ hội lớn về sự thiếu hụt nhân lực phân tích dữ liệu trên toàn cầu và hướng tới việc ứng dụng những công nghệ mới trong cuộc cách mạng 4.0, bắt đầu từ năm học 2019-2020 Học viện Chính sách và Phát triển sẽ tuyển sinh chuyên ngành “Phân tích dữ liệu lớn trong kinh tế và kinh doanh”. Đây là một chuyên ngành sẽ phù hợp với những học sinh vừa yêu thích công nghệ, vừa yêu thích kinh doanh. Chương trình đào tạo cho chuyên ngành này được thiết kế bao gồm 129 tín chỉ, trong đó khoảng 40% số tín chỉ là kiến thức về kinh tế và kinh doanh, 25% số tín chỉ là kiến thức về công nghệ thông tin và phân tích dữ liệu lớn, 15% số tín chỉ là kiến thức về toán và thống kê, 20% số tín chỉ còn lại là học các môn bắt buộc theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Khung chương trình đào tạo trên của Học viện được tham khảo từ các chương trình đào tạo về phân tích dữ liệu trong kinh tế và kinh doanh của một số trường đại học có uy tín trên thế giới như Đại học công nghệ Swinburne (Australia), Đại học Portsmouth (Vương quốc Anh), Đại học Cattolica (Italia),...

2. Mục tiêu đào tạo

Đào tạo cử nhân phân tích dữ liệu lớn trong kinh tế và kinh doanh có kiến thức cơ bản về kinh tế, kinh doanh và công nghệ thông tin; có kiến thức chuyên sâu về việc sử dụng công cụ phân tích dữ liệu lớn để giải quyết các vấn đề kinh tế và kinh doanh; có tư duy nghiên cứu độc lập; có năng lực tự học bổ sung kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn thích nghi với sự thay đổi của môi trường làm việc.

Chương chình đào tạo cũng góp phần nâng cao phẩm chất chính trị; đạo đức cá nhân và đạo đức nghề nghiệp; tinh thần vì cộng đồng xã hội; tuân thủ pháp luật và tinh thần học tập suốt đời cho sinh viên.

3. Môi trường học tập

Chuyên ngành đào tạo “Phân tích dữ liệu lớn trong kinh tế và kinh doanh” tại Học viện Chính sách và Phát triển luôn gắn với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng. Hơn nữa, với đội ngũ giảng viên có nhiều kinh nghiệm được đào tạo bài bảng ở trong và ngoài nước hay đội ngũ chuyên gia làm việc tại các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp lớn nên nội dung các môn học cũng thường xuyên được cập nhật các công nghệ mới và thực tiễn hoạt động tại các doanh nghiệp.

Ngoài ra, Học viện Chính sách và phát triển cũng là ngôi trường có một môi trường học tập, thân thiện, năng động, không chỉ giúp sinh viên vững vàng về tri thức, ngoại ngữ mà còn hoàn thiện về kỹ năng mềm như kỹ năng tổ chức, thuyết trình, làm việc nhóm, phát huy sự sáng tạo. Tại Học viện cũng có những điều kiện tốt nhất về cơ sở vật chất, cơ hội học tập trong một môi trường thoải mái, công bằng, luôn coi trong vai trò của người học và dành những suất học bổng xứng đáng cho sinh viên có thành tích xuất sắc.

Các bạn sinh viên mới sẽ nhận được sựhướng dẫn, giúp đỡ nhiệt tình của các anh chị sinh viên các khóa trước, được kết nối, chia sẻ từ chỗ ở, kinh nghiệm học tập, thi cử,… vàđược sống trong “Cộng đồng những nhà phân tích dữ liệu lớn” gần gũi và đầm ấm.

4. Cơ hội nghề nghiệp đối với sinh viên

Sinh viên chuyên ngành “Phân tích dữ liệu lớn trong kinh tế và kinh doanh” khi ra trường sinh viên có thể hoàn toàn tự tin làm việc được trong cả khu vực Nhà nước và khu vực kinh tế tư nhân như:

+ Chuyên viên phân tích dữ liệu và hoạch định chính sách kinh tế tại các cơ quan quản lý của Nhà nước về lĩnh vực thống kê, phân tích và dự báo thuộc các Bộ/Ban/Ngành hay các Viện nghiên cứu;

+ Chuyên gia xây dựng và phát triển các mô hình phân tích dữ liệu lớn và phức tạp, đề xuất các biện pháp, đề xuất các chính sách, quy định thực hiện nhằm tăng hiệu quả kinh doanh, giảm thiểu rủi ro cho các tổ chức, doanh nghiệp như các tập đoàn kinh tế, ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, công ty bất động sản hay các công ty công nghệ trong nền kinh tế số;

+ Chuyên viên thu thập, xử lý dữ liệu có cấu trúc từ các nguồn dữ liệu khác nhau cho các tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu nghiên cứu và phân tích dữ liệu thị trường phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh;

+ Nghiên cứu viên và giảng viên giảng dạy về khoa học dữ liệu tại các cơ sở giáo dục đại học hay Viện nghiên cứu;

+ Độc lập hoặc tham gia thành lập doanh nghiệp, thành lập cơ sở đào tạo các khóa học ngắn hạn liên quan đến khai thác và phân tích dữ liệu trong kinh tế và kinh doanh.

5. Thông tin về tuyển sinh năm học 2019- 2020

Năm học 2019-2020, chuyên ngành Phân tích dữ liệu lớn trong kinh tế và kinh doanh (Khoa Kinh tế) tuyển sinh chương trình đại học hệ chuẩn với những thông tin đáng chú ý dành cho các thí sinh như sau:

  • Chỉ tiêu tuyển sinh: 50 sinh viên.
  • Phương thức tuyển sinh (có 3 phương thức): 

(1)   Xét tuyển thẳng: Theo quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo

(2)   Xét tuyển kết hợp: Nhận hồ sơ xét tuyển ngay sau khi có kết quả thi THPT quốc gia, cụ thể các đối tượng:

- Thí sinh có tổng điểm thi THPT quốc gia năm 2019 của 3 môn bất kỳ (có môn Toán) đạt từ 18,0 điểm trở lên (gồm cả điểm ưu tiên).

- Thí sinh có Chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế trong thời hạn (tính đến ngày xét tuyển) đạt IELTS 4.5 trở lên (hoặc tương đương) và có tổng điểm thi THPT quốc gia năm 2019 của môn Toán và 01 môn bất kỳ (trừ môn Tiếng Anh) đạt từ 12,0 điểm trở lên (gồm cả điểm ưu tiên).

(3)   Xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia năm 2019: 

- Xét tuyển theo ngành, xét từ cao xuống thấp, không phân biệt thứ tự nguyện vọng;

- Không quy định chênh lệch điểm xét tuyển giữa các tổ hợp, sử dụng môn Toán làm tiêu chí phụ trong trường hợp có nhiều thí sinh cùng mức điểm xét tuyển;

- Tổ hợp xét tuyển (Học sinh được quyền chọn một trong 4)

  •           Toán, Vật Lý, Hóa học
  •           Toán, Vật Lý, Tiếng Anh
  •           Toán, Vật Lý, Ngữ Văn
  •           Toán, Ngữ Văn, Tiếng Anh

6. Học phí

Theo quy định của nhà nước đối với trường công lập. Năm học 2018 – 2019, học phí chương trình hệ chuẩn là: 250.000 đồng/tín chỉ (khoảng 8 triệu/năm).