null GĐ Đào Văn Hùng giao lưu trực tuyến với chủ đề "Sống sót qua đại dịch Covid-19"

content:

Sáng ngày 13/4/2020, Trí Thức Trẻ tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề "Sống sót qua đại dịch Covid-19" nhằm tham khảo thêm các quan điểm, nhận định về nội dung này. Khách mời chương trình gồm: 

- Ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội DNNVV, đại biểu Quốc hội

- Ông Đào Văn Hùng - Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

- Ông Đặng Hồng Anh - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Phó Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công

- Ông Nguyễn Hoà Bình - Chủ tịch HĐQT NextTech Group

Sau đây là phần tóm lược giữa Tri Thức Trẻ và PGS, TS. Đào Văn Hùng - Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển

 Người phỏng vấn (PV): Chào ông, cám ơn ông đã tham gia chương trình giao lưu trực tuyến với chủ đề "Sống sót qua đại dịch Covid-19". Sau đây là một số câu hỏi dành cho ông.

Vừa qua Thủ tướng họp trực tuyến với các địa phương bàn các biện pháp chống dịch Covid 19. Ở góc độ người làm chính sách ông có cảm nhận gì về doanh nghiệp thông qua cuộc làm việc đó?

PGS, TS. Đào Văn Hùng - Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển hội luận cùng các vị khách mời

PGS, TS. Đào Văn Hùng: Tôi thấy rằng Chính phủ quan tâm rất nhiều tới doanh nghiệp, tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào năng lực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, ngay cả vấn đề an sinh xã hội cũng phụ thuộc vào năng lực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Vì doanh nghiệp có hồi phục, sản xuất kinh doanh tốt thì mới đảm bảo công ăn việc làm, đóng góp vào quá trình an sinh xã hội.

Trong cuộc làm việc với các địa phương và các bộ, ngành, Chính phủ đưa ra các giải pháp tập trung tháo gỡ dòng tiền. Hiện nay, khó khăn của các doanh nghiệp là dòng tiền dừng lại trong sản xuất và kinh doanh. Vì vậy, giải pháp về giãn hoãn, giải pháp về tiếp cận tín dụng đã tạo cơ hội tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong thời gian sắp tới. Qua đây, thể hiện sự quan tâm của Chính phủ đã kịp thời nắm bắt được khó khăn của doanh nghiệp về sản xuất kinh doanh.

PV: Theo ông, đối với các gói giải cứu kinh tế mà Chính phủ đang triển khai, cần có điều chỉnh hay cách thức như thế nào để chính sách giải cứu có hiệu quả hơn trong thực thi và đến được với các bộ phận và doanh nghiệp yếu thế?

PGS, TS. Đào Văn Hùng: Theo tôi, gói giải cứu không nên giới hạn vào một loại hình, vào một khu vực, vào một điều kiện nào. Trong lúc này, khó khăn diễn ra ở tất cả các lĩnh vực kinh tế và kinh doanh. Khó khăn của doanh nghiệp này dẫn đến khó khăn của doanh nghiệp khác. Do vậy, bất cứ một doanh nghiệp nào có nhu cầu thì đều được tiếp cận gói hỗ trợ.

Trong giai đoạn khó khăn này, các tổ chức tính dụng nên có giải pháp giải ngân, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận tín dụng được cởi mở hơn, đặc thù hơn. Nếu vẫn áp dụng các điều kiện như các doanh nghiệp bình thường thì các doanh nghiệp gặp khó khăn không thể tiếp cận được.

PV: Các khoản cho vay mang tính chính sách ưu đãi trong thời điểm này cần điều kiện gì hay cách thức thực thi hiệu quả để giải ngân nhanh?

PGS, TS. Đào Văn Hùng: Cho vay ưu đãi đợt này khác hẳn so với ưu đãi cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính năm 2008, 2009. Thời đó, cho vay ưu đãi là ngân sách bù vào chênh lệch lãi suất, do vậy gây ra nhiều khó khăn cho hệ thống ngân hàng. Lãi suất cho vay ưu đãi đợt này, trừ ngân hàng chính sách xã hội, thì ưu đãi này là của các ngân hàng thương mại, hay nói cách khác các ngân hàng thương mại sử dụng thu nhập của mình để giảm lãi suất xuống và chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp. Do vậy, khi ngân hàng xem xét khoản cho vay với ưu đãi của bản thân họ thì họ phải tuân thủ theo các quy định, quy chế trong khoản cho vay này. Ngân hàng cũng phải tính toán những chi phí bù đắp rủi ro, trách nhiệm với việc hoàn vốn, và tính đến rủi ro trong các khoản cho vay. Tuy đây là chính sách rộng mở, nhưng việc tiếp cận vấn đề phụ thuộc từ hai phía. Về phía các ngân hàng, tìm mọi cách đơn giản hóa các thủ tục để khách hàng tiếp cận được. Về phía các doanh nghiệp, phải có kế hoạch sản xuất kinh doanh khả thi và chuẩn bị mọi điều kiện, khi nền kinh tế hồi phục thì bắt tay sản xuất kinh doanh để có dòng tiền trả nợ ngân hàng. Mặc dù vậy, để tiếp cận chính sách về lãi suất ưu đãi các doanh nghiệp cũng không dễ dàng và còn gặp nhiều khó khăn trong vấn đề này.

PV: Các doanh nghiệp “ngủ đông” có bị lỡ các gói chính sách giải cứu kinh tế của Chính phủ?

PGS, TS. Đào Văn Hùng: Chính sách của Chính phủ không phải để các doanh nghiệp ngủ đông. Mà mục tiêu để các doanh nghiệp duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh ở mức tối thiểu nhất, chờ cơ hội phát triển. Chính sách của Chính phủ đối với doanh nghiệp không phải chỉ một mục tiêu thúc đẩy doanh nghiệp phát triển. Mục tiêu thứ hai là hỗ trợ doanh nghiệp phát triển để doanh nghiệp thuê nhiều công nhân, giải quyết các vấn đề anh sinh xã hội. Sau cuộc họp giữ Thủ tướng với 63 tình, thành và các bộ, các ngành thì: các doanh nghiệp chưa rút ra khỏi thị trường đều có điều kiện tiếp cận gói hỗ trợ của Chính phủ.

Liệu các doanh nghiệp “ngủ đông” có lỡ cơ hội không?

Chính phủ đưa ra một khung chính sách chung cho khu vực doanh nghiệp và người bị tổn thương do tác động của dịch Covid 19 gây ra thì việc có tiếp cận hay không phụ thuộc vào suy nghĩ và quyết định của doanh nghiệp. Do vậy, Chính sách của Chính phủ không loại ra các doanh nghiệp.

PV: Với các doanh nghiệp chuyển đổi số thì mùa dịch đang là cơ hội vàng. Vậy họ có cần được ưu đãi không?

PGS, TS. Đào Văn Hùng: Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm nghiên cứu và đưa ra chiến lược phát triển công nghệ 4.0. Công nghệ số hoặc cách mạng công nghệ 4.0 được Chính phủ quan tâm từ lâu. Và gần đây Bộ Kế hoạch và Đầu tư thành lập Trung tâm Đổi mới và Sáng tạo nhằm hỗ trợ ứng dụng công nghệ 4.0, đặc biệt chuyển đổi số cho nền kinh tế ở Việt Nam.

Trong thời gian dịch Covid 19 đang diễn ra thì không chỉ các doanh nghiệp, ngay cả ngành giáo dục và các vấn đề đời sống, kinh tế cũng đã tiếp cận ứng dụng công nghệ. Có nhiều vướng mắc cho ứng dụng công nghệ 4.0, chuyển đổi số cho các doanh nghiệp, cho các lĩnh vực kinh tế. Do vậy, Chính phủ cần nghiên cứu sớm để đưa ra thể chế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, đặc biệt các doanh nghiệp công nghệ.

Tôi không nghĩ rằng Chính phủ nên ưu đãi cho các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ. Sự ưu đãi hay khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng không lâu bền mà doanh nghiệp phải tự nhận thấy đó là lợi ích của họ. Chính phủ nên hỗ trợ môi trường pháp lý và hạ tầng cơ sở cho các doanh nghiệp làm công nghệ và nghiên cứu công nghệ.

PV: Dự báo kịch bản cho doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam khi dịch bệnh các nước bên ngoài vẫn chưa được kiềm chế.

PGS, TS. Đào Văn Hùng: Việt Nam có cơ hội ngay khi các nước trong khu vực chưa kiểm soát hoàn toàn dịch bệnh, Việt Nam nên tập trung vào thì trường nội địa, một thì trường đông dân, trẻ hóa, với sức mua lớn. Nếu các doanh nghiệp tập trung vào thị trường nội địa duy trì hoạt động của mình để làm nền tảng cho đến khi các nước trong khu vực kiểm soát hoàn toàn dịch bệnh thì bung ra bên ngoài. Đây là vấn đề các doanh nghiệp cần nghĩ tới.

Việt Nam có khả năng hồi phục nhanh dựa vào nền tảng kinh tế vĩ mô tốt, kiểm soát lạm phát, kiểm soát bội chi ngân sách, kiểm soát các vấn đề về tỉ giá vẫn tốt. Một số dòng vốn đầu tư trực tiếp từ bên ngoài đang có đấu hiệu chuyển vào Việt Nam.

Nhờ có chính sách nhanh và kịp thời hỗ trợ cho doanh nghiệp, sắp tới Chính phủ tăng quy mô gói hỗ trợ trên góc độ tài khóa, cũng như về chính sách tiền tệ tạo đà cho doanh nghiệp tăng trưởng.

Tiềm năng cho doanh nghiệp phát triển tăng trưởng còn rất lớn ở Việt Nam. Do vậy, khi chúng ta kiểm soát dịch bệnh sớm là cơ hội cho Việt Nam phát triển ngay cả trong bối cảnh khi các nước trong khu vực chưa kiểm soát hoàn toàn dịch bệnh.

PV: Theo ông lý do gì tới giờ Chính phủ chưa điều chỉnh chỉ tiêu và chưa đặt chỉ tiêu tăng trưởng năm 2020.

PGS, TS. Đào Văn Hùng: Cho đến nay Chính phủ vẫn chưa đặt vấn đề này ra. Theo tôi, chúng ta chưa hình dung được nước ta và các nước khi nào kiểm soát được dịch bện và mức độ kiểm soát dịch bệnh như thế nào. Nếu chúng ta vội vã đưa kịch bản trong thời gian này và một hai tháng sau lại phải thay đổi kịch bản ấy, sẽ đưa ra một thông điệp không ổn định đối với các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp và người dân. Chúng ta không nên đặt vẫn đề điều chỉnh các chỉ tiêu tăng trưởng, chúng ta vẫn để vậy và cố gắng phấn đấu một cách tốt nhất. Nhưng một số mục tiêu về kinh tế vĩ mô cần có điều chỉnh linh hoạt hơn.

PV: Triển khai và thực thi các chính sách thích nghi như thế nào? Ý kiến của ông về vấn đề này.

PGS, TS. Đào Văn Hùng: Tôi nghĩ rằng, ở Việt Nam còn rất nhiều vấn đề nỗ lực để vượt qua. Trong thời gian dịch bệch này hãy coi như trong giai đoạn thời chiến, chúng ta xem chống dịch như chống giặc thì chúng ta phải điều hành vượt khỏi quy tắc thông thường thì mới vượt qua và chớp được cơ hội. Nếu chúng ta vẫn tuần tự như đã làm vài năm trước đây thì ngay cả việc thực thi gói hỗ trợ cũng gặp khó khăn đặc biệt về phía doanh nghiệp. Đây là quan điểm của tôi về thực thi chính sách.

PV: Xin chân thành cảm ơn ông đã tham gia và chia sẻ trong chương trình này!

Hình ảnh khách mời tham gia chương trình:

Ông Nguyễn Hoà Bình - Chủ tịch HĐQT NextTech Group

Ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội DNNVV, đại biểu Quốc hội

Ông Đặng Hồng Anh - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Phó Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công

Đầu cầu hội luận tại Học viện Chính sách và Phát triển - Phòng họp trực tuyến

Bài và ảnh: TTCNTT, TV&TT