null NÓI CHUYỆN CHUYÊN ĐỀ: SỰ CHUYỂN DỊCH CỦA DÒNG VỐN ĐẦU TƯ QUỐC TẾ TRONG BỐI CẢNH CUỘC CHIẾN THƯƠNG MẠI MỸ - TRUNG VÀ DỊCH BỆNH COVID19: CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC CHO VIỆT NAM

content:

 

Nằm trong chương trình đào tạo cử nhân Kinh tế đối ngoại, ngày 21/05/2020 được sự cho phép của Ban Giám đốc Học viện, Khoa Kinh tế quốc tế đã tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề cho sinh viên với sự tham gia của khách mời là GS, TS Hà Tôn Vinh. GS Vinh có hơn 30 năm kinh nghiệm hoạt động tài chính, giáo dục – đào tạo tại vùng Châu Á – Thái Bình Dương, Châu Âu và Tây Phi trong nhiều lĩnh vực điều hành, quản lý như tư vấn đầu tư trong các liên minh chiến lược, quản lý dự án và xây dựng chiến lược phát triển kinh doanh. Ngoài ra, GS Vinh có gần 20 năm làm chuyên gia tư vấn tài chính cơ sở hạ tầng cho WB, ADB, cố vấn vùng Châu Á cho quỹ đầu tư tư nhân trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng (PPIAF) do 12 tổ chức quốc tế đa phương tài trợ (WB, ADB, UNDP,…), tại Việt Nam GS Vinh cố vấn cho nhiều TNCs, hiện đại hóa ngân hàng và báo cáo quốc gia về đầu tư cơ sở hạ tầng của WB, cố vấn đầu tư cho đặc khu kinh tế và khi phức hợp casino Vân Đồn. GS Vinh học cao học Ngoại giao và Phát triển kinh tế (1976 – 1978) tại Đại học tổng hợp Georgetown, Washington, D.C và được học bổng tiến sỹ (1981 – 1983) của Đại học tổng hợp Catholic University of America, GS Vinh cũng được nhiều thượng Nghị sĩ và chính khách Hoa Kỳ đề cử làm trợ lý đặc biệt của Nhà Trắng trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Reagan, Phó Tổng thống Bush (1981 – 1984).

GS, TS Hà Tôn Vinh trong phần trình bày chuyên đề

Với chủ đề về “Sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư quốc tế trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và dịch bệnh Covid19”, GS Vinh đã đưa ra các chủ đề thảo luận như Tổng thống Donald Trump và khẩu hiệu ‘Làm cho nước Mỹ hùng mạnh trở lại”; Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và Covid19; Sự chuyển dòng vốn đầu tư quốc tế; Cơ hội & thách thức cho Việt Nam. Mở đầu bài trình bày, GS Vinh nói về hiện tượng “Thiên Nga đen” của thế giới và Hoa Kỳ của cuộc bầu cử năm 2016 trong đời sống chính trị của nước Mỹ, về chiến lược “Make American Great Again – Làm cho nước Mỹ hùng mạnh trở lại” của Tổng thống Donald Trump như việc rút khỏi hiệp định TPP (sau này là hiệp định CPTPP) và đàm phán lại hiệp định NAFTA (sau này là hiệp định USMCA). Đối với Trung Quốc, TT Donald Trump yêu cầu chấm dứt việc vi phạm bản quyền, ăn cắp công nghệ và vấn đề thương mại công bằng hơn. Theo thống kê, cán cân thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc thâm hụt 419 tỷ USD năm 2018, năm 2019 thâm hụt 345 tỷ USD. Hoa Kỳ cáo buộc Trung Quốc đã hủy diệt toàn bộ những ngành công nghiệp với lao động giá rẻ, làm mất hàng chục ngàn việc làm, thao túng và hạ giá đồng tiền NDT…Dịch bệnh Covid19 xảy ra ở Vũ Hán, Trung Quốc vào cuối năm 2019 như là “Giọt nước tràn ly” đối với thỏa thuận thương mại giữa Mỹ - Trung, đồng thời Covid 19 lan rộng ra toàn thế giới đã làm nhiều người tử vong, gây gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và làm cho kinh tế Mỹ bị ảnh hưởng rất nặng nề. Trong bối cảnh của dịch Covid19, TT Trump đã yêu cầu các công ty Mỹ rời khỏi Trung Quốc hoặc trở lại Hoa Kỳ, hoặc tìm một nơi khác để sản xuất, nếu không sẽ bị đánh thuế nhập khẩu vào Mỹ rất cao từ 25 – 40%. Từ tháng 4 năm 2020, nhiều công ty Mỹ có quyết định rời khỏi Trung Quốc, đặc biệt là các công ty đã hoạt động tại Trung Quốc 30 năm trước như Caterpiller, Intel, Ford Motors, Apple Computers, Polaris Industries, Merck, Gentex, Dow Chemical, Walmart,…một số công ty đã bắt đầu chuyển nhà máy sản xuất tới Ấn Độ, Malaysia, Đài Loan, Mexico, Việt Nam. Một số quốc gia đang cạnh tranh với Việt Nam trong quá trình lôi kéo các TNCs của Hoa Kỳ như Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan…

Cùng với quá trình mở cửa kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế trong hơn 30 năm qua, Việt Nam có rất nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế và thu hút dòng vốn FDI. Việt Nam có nhiều thế mạnh trong thu hút dòng vốn FDI trong thời gian tới như chế độ chính trị ổn định, tăng trưởng kinh tế ổn định, trình độ giáo dục và học vấn được cải thiện, cơ sở hạ tầng tốt, tham nhũng đang dần được đẩy lùi và vị trí địa lý thuận lợi. Tuy nhiên, GS Vinh cũng chỉ ra Việt Nam còn nhiều thách thức trong quá trình thu hút sự dịch chuyển của dòng vốn quốc tế và chuỗi cung ứng toàn cầu như doanh nghiệp Việt Nam còn thiếu vốn, công nghệ, nguyên vật liệu, đặc biệt doanh nhân và doanh nghiệp chưa thật chủ động còn chờ sự chỉ đạo hay hỗ trợ của Chính phủ, công nghiệp phụ trợ còn thiếu không đủ hỗ trợ cho các doanh nghiệp FDI, giá bất động sản cao và kết nối hạ tầng logistics còn hạn chế.

GS, TS Hà Tôn Vinh và các bạn sinh viên Kinh tế quốc tế

Cuối buổi trình bày, GS Vinh cũng đưa ra một số khuyến nghị đối với doanh nghiệp như đổi mới quản trị, ứng dụng sáng tạo và xây dựng mô hình doanh nghiệp bền vững. Đặc biệt, GS Vinh giao lưu đặt nhiều câu hỏi cho các bạn sinh viên về mục tiêu nghề nghiệp, cũng như về mục tiêu cuộc sống trong tương lai đối với các bạn trẻ.

GS, TS Hà Tôn Vinh tặng Khoa Kinh tế quốc tế bộ sách của NXB Mc. Graw Hill

Ngoài ra, trong buổi nói chuyện chuyên đề với sinh viên, GS Hà Tôn Vinh cũng đã dành tặng cho Khoa Kinh tế Quốc tế những cuối sách về Quản trị và Năng lực lãnh đạo của nhà xuất bản Mc. Graw Hill rất có giá trị.

Buổi nói chuyện chuyên đề kết thúc lúc 11h15 đã cung cấp thêm thông tin, kiến thức cập nhật, bổ ích và kinh nghiệm thực tiễn cho sinh viên Kinh tế quốc tế chuẩn bị hành trang cho cuộc sống và cơ hội nghề nghiệp sau khi ra trường.

(Nguồn: Khoa Kinh tế Quốc tế)