null Học viên Chương trình Thạc sĩ Khóa 9 của Học viện Chính sách và Phát triển đi nghiên cứu thực tế tại tỉnh Lai Châu

content:

Nghiên cứu thực tế là một học phần không thể thiếu đối với mỗi học viên chương trình cao học của Học viện Chính sách và Phát triển.Việc tổ chức cho học viên đi nghiên cứu thực tế phải căn cứ vào chương trình đào tạo, đủ thời gian, thiết thực, hiệu quả, đảm bảo thực hiện đúng Quy chế quản lý đào tạo, nội quy của Học viện Chính sách và Phát triển cũng như việc tuân thủ nghiêm túc những quy định của địa phương, cơ quan, đơn vị đến nghiên cứu thực tế; tránh hình thức, không lợi dụng việc đi nghiên cứu thực tế để tổ chức các hoạt động tham quan, du lịch.

Nội dung nghiên cứu thực tế gắn với kiến thức được học trong toàn khóa với nhiều chủ đề khác nhau như: Thực thi chính sách tại địa phương trên cá các lĩnh vực kinh tế, văn hóa – xã hội, an ninh quốc phòng, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển du lịch…;  các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; tình hình xây dựng nông thôn mới…, hoạt động nghiên cứu thực tế góp phần nâng cao năng lực tư duy cho người học. Tầm giá trị của các hoạt động này góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng lực tư duy, phán đoán, suy luận để rút ra cách đánh giá vấn đề khách quan nhất, chính xác nhất. Thực tế cho thấy, trong quá trình học tập học viên thường gặp phải những vấn đề liên quan đến lý luận và thực tiễn cần giải quyết nên cần phải có khả năng nhận thức và giải quyết vấn đề đó một cách hiệu quả nhất. Muốn làm được điều đó, đòi hỏi học viên phải tích lũy, rèn luyện kỹ năng tư duy tích cực thông qua nhiều hoạt động khác nhau trong đó có hoạt động nghiên cứu thực tế. Hơn nữa tạo cơ hội cho học viên phát triển các kỹ năng mềm thiết yếu phục vụ tốt hơn cho việc nghiên cứu, học tập và công tác sau này như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng làm việc nhóm.

Việc triển khai hoạt động nghiên cứu thực tế góp phần hình thành kỹ năng tự học, tự thích ứng của học viên với môi trường học tập mới. Thực chất của hoạt động nghiên cứu thực tế không phải chỉ là xem, để nhìn mà là học tập trong một môi trường mới, giúp học viên có một tâm thế cực kỳ thoải mái, không gò bó trong khuôn khổ quy tắc, chuẩn mực, từ đó kết quả đạt được tốt hơn và năng lực sáng tạo cũng có điều kiện phát huy. Để phát huy tính tích cực của hình thức học tập này cần phải có sự định hướng của giảng viên và học viên cũng phải có những kiến thức nhất định mới có khả năng nắm bắt được những sự kiện từ thực tế.

Hoạt động nghiên cứu thực tế giúp phát triển kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng quản lý thời gian của học viên. Thông qua những hoạt động trong quá trình đi nghiên cứu thực tế giúp học viên cởi mở hơn trong mối quan hệ với mọi người xung quanh, văn hóa giao tiếp dần hình thành và hoàn thiện. Từ các hoạt động này, học viên giao tiếp, hiểu rõ nhau hơn từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm của bản thân, biết chia sẻ, đoàn kết, nâng cao tinh thần tập thể, kỹ năng làm việc nhóm cũng hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, hoạt động đi nghiên cứu thực tế của học viên còn góp phần tăng cường mối liên hệ giữa nhà trường với các đơn vị, địa phương học viên đến nghiên cứu thực tế; giúp cho giảng viên và học viên bổ sung, cập nhật được những thông tin hữu ích phục vụ có hiệu quả cho giảng dạy và học tập cũng như thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của học viên sau khi kết thúc chương trình đào tạo.

Đoàn nghiên cứu thực tế của Học viện Chính sách và Phát triển gồm: NGƯT.PGS.TS Trần Trọng Nguyên – Phó Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện làm Trưởng đoàn, đi cùng đoàn có TS. Nguyễn Tiến Hùng – Trưởng Phòng Chính trị và Công tác sinh viên kiêm Trưởng Khoa Cơ bản; TS. Bùi Thanh Bình phòng Quản lý Đào tạo cùng 25 Học viện cao học khóa 9 đã đến nghiên cứu và làm việc tại tỉnh Lai Châu tù ngày 24 đến ngày 26 /2/2023. Địa điểm đầu tiên trong chuyến đi thực tế là buổi làm việc giữa Lãnh đạo Học viện cùng đoàn thực tế với lãnh đạo UBND Huyện Phong Thổ Lai Châu. Tại đây, các học viên cao học K9 được nghe đồng chí Trần Bảo Trung, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND trao đổi với đoàn tình hình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, những thuận lợi, khó khăn trong triển khai thực thi chính sách ở địa phương; việc thực hiện các nội dung của 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia; Đề án phát triển Nông nghiệp trên địa bàn nông thôn giai đoạn 2021-2025; việc đổi mới phương thức, nội dung tuyên truyền cho phù hợp với từng đối tượng, nhất là đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa, các vùng còn tiềm ẩn phức tạp về an ninh trật tự xã hội. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên trong tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tham gia giám sát phản biện xã hội, nhằm tạo động lực phát triển Kinh tế - Xã hội.

Quang cảnh buổi làm việc của Lãnh đạo Học viện và đoàn thực tế tại UBND huyện Phong Thổ (tỉnh Lai Châu)

PGS. TS.NGƯT Trần Trọng Nguyên – Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển  và đồng chí Trần Bảo Trung – Phó Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện trao và nhận quà lưu niệm của đoàn thực tế

Lãnh đạo hai đơn vị chụp ảnh lưu niệm cùng đoàn thực tế

Địa điểm tiếp theo của đoàn là thăm và làm việc tại Đồn Biên phòng Dào San, huyện Phong Thổ; dâng hoa và thắp hương tại Nhà bia ghi tên 52 anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ biên giới năm 1979 ở Dào San.

Đồn Biên phòng Dào San được giao nhiệm vụ quản lý bảo vệ đoạn biên giới dài hơn 16km với 4 điểm mốc, 5 cột mốc. Địa bàn quản lý là 3 xã Dào San, Mù San, Tung Qua Lìn có 10 dân tộc anh em như Mông, Dao, Hà Nhì, Thái, Khơ Mú… sinh sống.

Những năm qua, Đồn Biên phòng Dào San cùng chính quyền địa phương và nhân dân đã bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia. Đồn Biên phòng Dào San duy trì quân số trực 24/24 giờ, 4 tổ chốt chặn cố định và hai tổ kiểm soát lưu động, kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp xuất, nhập cảnh trái phép...

Đoàn là thăm và làm việc tại Đồn Biên phòng Dào San, huyện Phong Thổ; dâng hoa và thắp hương tại Nhà bia ghi tên các anh hùng liệt sĩ xã Dào San

Cuối cùng, đoàn Lãnh đạo Học viện Chính sách và Phát triển cùng học viên chương trình cao học khóa 9, đã đến thăm, tặng 20 xuất quà ( mỗi xuất quà trị giá hơn 1 triệu đồng) cho các em học sinh ở Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở  số 2 Bản Lang. Đồng thời, đoàn cũng trao cho Quỹ Khuyến học của địa phương 5 triệu đồng.

Một số hình ảnh trao tặng quà cho các em học sinh của đoàn thực tế

Không phải ngẫu nhiên mà giáo dục lại có nguyên lý “học đi đôi với hành”, bởi lẽ “học” mà không “hành” thì việc “học” sẽ trở nên vô ích, việc thực hành sẽ giúp chúng ta nâng cao chất lượng của việc “học”. Nhìn chung, hoạt động thực tế là một chủ trương đúng đắn của  Học viện Chính sách và Phát triển, vì nó tạo điều kiện cho học viên tiếp cận với thực tế công việc, giúp học viên cao học không những củng cố các kiến thức đã học mà còn rèn luyện tác phong làm việc và các kỹ năng mềm cần thiết khi tốt nghiệp.

Chuyến đi thực tế đã giúp các học viên nâng cao kiến thức, cải thiện và phát triển các kỹ năng của bản thân, thực sự mang lại những giá trị vô cùng to lớn cho các học viên chương trình Thạc sĩ K9 và cũng là cơ sở để Học viện Chính sách và Phát triển tiếp tục mở rộng hợp tác với các đơn vị, doanh nghiệp nhằm mang đến nhiều hơn nữa những trải nghiệm thực tế cho các học viên chương trình cao học.

Tác giả bài viết: Nguyễn Tiến Hùng