null Dấu ấn khoa Kinh tế số năm 2021 và hướng tới phát triển toàn diện hệ sinh thái đào tạo “Chuyển đổi số và Phát triển kinh tế số”

content:

   

Năm 2021 đã qua, dù có những khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của đại dịch Covid 19, khoa Kinh tế số – Học viện Chính sách và Phát triển (APD) đã tích cực, chủ động, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn và thách thức để đạt được nhiều thành tích đáng khích lệ trong mọi mặt hoạt động, tạo tiền đề cho các năm tới hứa hẹn gặt hái được nhiều thành công hơn nữa. Nhân dịp năm mới 2022, tập thể cán bộ, giảng viên và sinh viên khoa Kinh tế số xin trân trọng cảm ơn sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, kịp thời của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện; sự phối hợp, giúp đỡ ủng hộ của các Phòng, Khoa, Viện, Trung tâm trong Học viện cũng như các đơn vị, doanh nghiệp đối tác của Khoa. Xin kính chúc Đảng ủy, Ban Giám đốc và toàn thể cán bộ, giảng viên, sinh viên Học viện; các đơn vị và doanh nghiệp là đối tác của Khoa năm mới 2022 Hạnh Phúc – An Khang – Thịnh Vượng. Dưới đây, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu chuỗi các hoạt động tiêu biểu của khoa Kinh tế số trong năm 2021.

          1. Hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu tuyển sinh năm học 2021 – 2022

Mặc dù là một ngành mới bắt đầu được tuyển sinh từ năm 2021 nhưng với sự nỗ lực cố gắng của toàn thể cán bộ, giảng viên và sinh viên trong khoa nên kết quả tuyển sinh khóa 12 của khoa Kinh tế số rất khả quan với số lượng sinh viên nhập học là 130 sinh viên (vượt 30% chỉ tiêu đăng ký). Trong đó, điểm trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển kết quả học tập ở bậc THPT là 23.4 điểm (đợt 1) và 24,9 điểm (đợt 2); điểm trúng tuyển tổ hợp trong kỳ thi THPT Quốc gia là 24,65 điểm. Các sinh viên K12 của khoa Kinh tế số có nhiều em rất năng nổ và tài năng, đã bắt nhịp rất nhanh các hoạt động của Khoa.

Sinh viên khóa 12 tham gia hoạt động truyền thông của Học viện

Hy vọng rằng không chỉ sinh viên khóa 12 mà tất cả các sinh viên trúng tuyển trong các năm học tới sẽ phát huy được các truyền thống của Khoa để trở thành sinh viên 5 tốt.   

2. Kiện toàn Hội đồng khoa học và đào tạo của Khoa

Năm 2021 cũng là năm đánh dấu sự chuyển biến lớn về chuyên môn của khoa Kinh tế số khi Khoa đã kiện toàn được Hội đồng khoa học và đào tạo với 7 thành viên là những nhà khoa học hàng đầu của Học viện (trong đó có PGS, TS. Trần Trọng Nguyên – Giám đốc Học viện; TS. Đàm Thanh Tú; TS. Nguyễn Hữu Xuân Trường) và các chuyên gia về công nghệ số (Bà Đỗ Thu Hường – Giám đốc công ty NewCA; TS. Đặng Xuân Thọ - Giảng viên khoa CNTT, ĐH Sư phạm Hà Nội). Với Hội đồng khoa học và đào tạo mạnh này chắc chắn sẽ có những định hướng cho sự phát triển toàn diện hệ sinh thái đào tạo “Chuyển đổi số và Phát triển kinh tế số” của khoa Kinh tế số.

3. Thành lập LCĐ khoa Kinh tế số và lãnh đạo các lớp chuyên ngành

Trong tháng 10 và 11 năm 2021, khoa Kinh tế số đã chỉ đạo thành công các Đại hội lớp để tiến tới đại hội thành lập Liên chi đoàn.

Ban chấp hành khoa Kinh tế số nhiệm kỳ 2021 - 2023

          Các cán bộ lớp, cán bộ đoàn năng nổ và tài năng này sẽ là những người lãnh đạo tài ba để đưa phong trào của Khoa ngày càng đi lên, tạo một môi trường học tập tốt cho các sinh viên rèn luyện vì ngày mai lập nghiệp.

4. Giảng viên trong khoa đạt thành tích cao trong công tác giảng dạy và NCKH

Trong năm 2021, 100% giảng viên khoa Kinh tế số đều hoàn thành xuất sắc công tác giảng dạy và NCKH với khối lượng giảng dạy bình quân là hơn 1100 giờ (đã quy đổi); khối lượng bình quân NCKH là 743 giờ. Trong đó 100% các giảng viên đều có bài báo đăng trên các tạp chí thuộc danh mục Hội đồng Giáo sư Nhà nước công nhận với số điểm từ 0,5 điến 1,0 điểm. Trong quá trình giảng dạy, giảng viên Khoa Kinh tế số đều tâm huyết và trách nhiệm với sinh viên, không có giảng viên nào bị sinh viên đánh giá mức điểm bình quân dưới 4.0 (theo thang điểm 5). Đặc biệt, trong năm có thầy giáo Đỗ Thế Dương và thầy Nguyễn Văn Tuấn đã đạt giải Nhì và giải Khuyến khích trong cuộc thi “Giờ giảng truyền cảm hứng” của Học viện

Thầy Đỗ Thế Dương nhận giải thưởng từ Giám đốc Học viện

5. Mở rộng hợp tác với các doanh nghiệp đối tác

Khoa Kinh tế số luôn xác định hợp tác giữa giáo dục đại học với cộng đồng doanh nghiệp nhằm tạo môi trường hỗ trợ sinh viên tích lũy trải nghiệm công việc, kiến thức, kỹ năng và thái độ phù hợp việc làm. Thông qua mô hình hợp tác này, khoa Kinh tế số trang bị cho sinh viên những kỹ năng nghề nghiệp thích hợp. Vì vậy, trong năm 2021 khoa đã có nhiều thỏa thuận hợp tác với các đối tác doanh nghiệp như NewCA, CyberLotus, InfoCare,VietA Bank, Aptech Hà Nội,… để triển khai các hoạt động trải nghiệm môi trường làm việc thực tế cho sinh viên cũng như những chia sẻ của lãnh đạo doanh nghiệp giúp sinh viên biết mình cần trang bị những kiến thức và kỹ năng nào để đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng

 Sinh viên khoa Kinh tế số trải nghiệm môi trường làm việc tại VietA Bank

6. Tổ chức tốt các hoạt động phong trào cho sinh viên

Hoạt động phong trào được các bạn sinh viên khoa Kinh tế số đón nhận và tham gia nhiệt tình. Những hoạt động trên thực sự là một môi trường trải nghiệm tốt nhất cho những bạn trẻ có khát vọng cống hiến, tìm hiểu và học hỏi những điều mới lạ từ thực tiễn hoạt động. Ở đó sinh viên khoa Kinh tế số có thể phát huy hết sức sáng tạo của mình trong các hoạt động giáo dục, môi trường, pháp luật và trau dồi kỹ năng tổ chức, kỹ năng xã hội.... Đặc biệt, với phong trào “Người lãnh đạo tài ba – Talented Young Leader” của Khoa đã được các sinh viên rất hào hứng tham gia với 11 đội chơi và lực lượng đông đảo tham gia Ban tổ chức hứa hẹn sẽ mang lại những trận đấu “này lửa” trong thời gian tới.

Một số đội tuyển “Talented Young Leader” của khoa Kinh tế số

Năm 2021 đã qua, hướng tới năm 2022, khoa Kinh tế số đã xác định các nhiệm vụ công tác trọng tâm. Trong đó, chủ đề là kim chỉ nam hành động cho toàn thể cán bộ, giảng viên và sinh viên của khoa là “Phát triển toàn diện hệ sinh thái đào tạo Chuyển đổi số và Phát triển kinh tế số”. Tập thể cán bộ giảng viên khoa Kinh tế số kính mong tiếp tục nhận được quan tâm chỉ đạo, ủng hộ của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện; sự phối hợp của các Phòng, Khoa, Viện, Trung tâm thuộc Học viện, các đối tác và cộng đồng sinh viên để Khoa tiếp tục phát triển và hoàn thành tốt các nhiệm vụ đã đề ra. Mong rằng uy tín, vị thế của Khoa trong Học viện cũng như trong cộng đồng “Chuyển đổi số - Kinh tế số” sẽ ngày càng rõ nét.

Nguồn: Khoa Kinh tế số