null Tọa đàm khoa học - Chính sách tiền tệ Kiểm soát lạm phát, Ổn định vĩ mô - Lý thuyết đến thực tiễn ở một số nước trên thế giới và Việt Nam

content:

Nằm trong chuỗi các hoạt động khoa học năm học 2022-2023, vào ngày 11/05/2023, Khoa Tài chính - Đầu tư tổ chức Tọa đàm khoa học với chủ đề “Chính sách tiền tệ kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô: Lý thuyết đến thực tiễn ở một số nước trên thế giới và Việt Nam”.

Toàn cảnh tọa đàm với sự tham gia của hơn 60 đại biểu

Tọa đàm nhận được sự quan tâm của đông đảo các nhà khoa học và quản lý trong và ngoài học viện với 30 đại biểu tham dự trực tiếp và 30 đại biểu tham dự online. Về phía khách mời, tọa đàm có sự tham dự của PGS, TS. Trần Thị Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục và đại học, giảng viên của các trường đại học Kinh tế quốc dân, Học viện tài chính. Về phía học viện, tọa đàm có sự tham dự của TS. Giang Thanh Tùng, chủ tịch Hội đồng học viện; TS. Nguyễn Thế Vinh, phó giám đốc học viện; cùng các lãnh đạo, thầy cô và cán bộ các khoa phòng ban.


PGS, TS. Đào Văn Hùng, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia trình bày về Lý thuyết Tiền tệ hiện đại (MMT) và khả năng áp dụng trong thực tiễn

Nội dung chính của tọa đàm được trình bày bởi PGS, TS. Đào Văn Hùng, nguyên Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia. Xuất phát từ thực tiễn cùng kinh nghiệm nghiên cứu, PGS, TS. Đào Văn Hùng đã gợi mở những vấn đề mới đặt ra đối với chính sách tiền tệ hiện nay như sau:

  1. Tại sao trong mấy thập niên chính sách tiền tệ của Nhật nới lỏng hết mức, thực hiện chính sách AbeNomics, lãi suất 0% trong nhiều năm, nhưng lạm phát vẫn dưới 2%? GDP tăng trưởng rất thấp? Vấn đề tương tự như ở Anh, các nước cộng đồng chung Châu Âu (EC)?
  2. Tại sao Mỹ là nước có thị trường tài chính phát triển bậc nhất trên thế giới, có hệ thống dự báo và có nhiều nhà khoa học nổi tiếng trên thế giới nhưng vẫn để xảy ra khủng khoảng tài chính (2008) và bây giờ sau 15 năm là 4 Ngân hàng đổ vỡ? Và Fed chỉ hành động khi lạm phát đã hiện hữu (trên 6%) mà không có giải pháp ngăn chặn từ trước?
  3. Tại sao Trung Quốc quốc gia lớn nhất về dân số và thứ hai về quy mô GDP lại đang rơi vào tình trạng kinh tế trì trệ cho dù đã nới lỏng tiền tệ hết mức, duy trì lãi suất thấp, phá giá tiền tệ trong nhiều năm?
  4. Việt Nam liệu có rơi vào trình trạng tương tự như các nước khi mà mấy tháng nay đã phát đi chính sách nới lỏng tiền tệ? Lãi suất đang giảm nhưng tín dụng tăng thấp? GDP thấp, và giá cả có xu hướng đi ngang?
  5. Vậy thì, vấn đề là ở đâu? Chính sách tiền tệ hay Lý thuyết tiền tệ truyền thống không còn phát huy tác dụng nữa? Cần một cách tiếp cận mới hay tìm kiếm trường phái Lý thuyết tiền tệ mới (Lý thuyểt tiền tệ hiện đại – Modern Moneytery Theory MMT) đang nổi lên trong mấy năm gần đây để nghiên cứu, trao đổi.


Tọa đàm nhận được sự trao đổi tích cực từ các vị đại biểu

Xung quanh vấn đề nghiên cứu về chính sách tiền tệ này, tọa đàm nhận được rất nhiều ý kiến bình luận và trao đổi quan điểm đến từ các nhà nghiên cứu, các thầy cô giáo trong và ngoài học viện. Tọa đàm đã tạo điều kiện chia sẻ, trao đổi, và thảo luận các vấn đề nghiên cứu có tính mới, cập nhật với xu thế của thị trường, từ đó giúp định hướng và nâng cao chất lượng công tác giảng dạy, học tập và nghiên cứu trong thời kỳ tới.


TS. Phạm Mỹ Hằng Phương, Trưởng khoa Tài chính – Đầu tư trao quà lưu niệm cho diễn giả


Tài liệu tọa đàm có thể download tại:

https://docs.google.com/presentation/d/1i_hohL3gqzSK_QjLWNsKA1pC4ekn3zfS/edit?usp=share_link&ouid=109665978433700109152&rtpof=true&sd=true

Ảnh: Trung tâm CNTT, TV&TT