null KHOA CƠ BẢN SINH HOẠT KHOA HỌC THÁNG 01 NĂM 2021

content:

Trong không khí thi đua lập thành tích chào mừng thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, mừng Xuân Tân Sửu, mừng đất nước đổi mới, mừng Học viện Chính sách và Phát triển 12 năm thành lập và trưởng thành. Khoa Cơ bản trên cơ sở thực hiện kế hoạch sinh hoạt khoa học năm học 2020-2021, ngày 29 tháng 01 năm 2021 đã tổ chức sinh hoạt khoa học tháng 01/2021 với chủ đề: “Giải pháp đề xuất viết giáo trình chuyên khảo các Bộ môn thuộc Khoa Cơ bản”.

Khoa đã nhận được 09 bài tham luận của 09 giảng viên trong Khoa đại diện cho các bộ môn trực thuộc: Bộ môn Lý luận Chính trị; Bộ môn Ngoại ngữ; Bộ môn Giáo dục Thể chất – Quốc phòng và an ninh, các bài viết cơ bản bám sát yêu cầu chủ đề, có nhiều nội dung mới góp ý cho công tác đổi mới, nâng cao chất lượng viết giáo trình và giáo trình chuyên khảo của các Bộ môn trong Khoa. Tại Hội nghị có nhiều lượt ý kiến phát biểu, tập trung trao đổi, đánh giá về thực trạng, ưu điểm, hạn chế và đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao công tác viết giáo trình và giáo trình chuyên khảo. Đa số các tham luận đều nhận định: Học chế tín chỉ là một học chế mềm dẻo, tăng cường tính chủ động, tự học, tự nghiên cứu của sinh viên; nhà trường, giảng viên tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho sinh viên tích luỹ kiến thức, kỹ năng; đồng thời học chế tín chỉ cũng quản lý chặt chẽ quá trình học tập của từng sinh viên để đảm bảo chất lượng đào tạo. Vì vậy, chất lượng giảng dạy cho sinh viên có một yếu tố căn bản nâng cao chất lượng đào tạo đó là chất lượng của hệ thống giáo trình, tài liệu được đưa vào sử dụng trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng như thế nào. Cho nên, công tác biên soạn giáo trình, tài liệu luôn được các cơ sở đào tạo coi là một công việc giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Việc biên soạn, xuất bản được các giáo trình, tài liệu bồi dưỡng đảm bảo tính khoa học sẽ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo đói với sinh viên; nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giảng viên; quảng bá, khẳng định thương hiệu của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng. Do đó, nhiều cơ sở giáo dục đại học coi việc biên soạn, xuất bản giáo trình, tài liệu là yêu cầu bắt buộc, là cam kết của cơ sở về năng lực và chất lượng đào tạo, bồi dưỡng để xã hội giám sát.

Sau hơn 10 năm tiến hành công tác đào tạo, Khoa Cơ bản đã có một số giáo trình được biên soạn đưa vào giảng dạy, về cơ bản, hệ thống giáo trình, tài liệu dạy học đã đáp ứng yêu cầu giảng dạy, học tập theo hệ thống tín chỉ. Chất lượng biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, công tác biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học của Khoa cũng còn những tồn tại hạn chế như: Giáo trình chậm tiến độ biên soạn, chỉnh lý; còn có môn học chưa có giáo trình giảng dạy; một số giáo trình chất lượng chưa cao, còn sơ sài; chưa triển khai biên soạn giáo trình điện tử, còn ít phim giáo khoa, giáo trình thực hành; tiến độ, chất lượng in ấn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ta; hệ thống tài liệu tham khảo chưa phong phú, đa dạng, chất lượng còn hạn chế.

Những tồn tại, hạn chế trên do một số nguyên nhân cơ bản sau:

Một là, đội ngũ giảng viên của Bộ môn còn thiếu, công việc quá tải nên chưa có thời gian thỏa đáng dành cho công tác biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học.

Hai là, đa số là giảng viên trẻ, trình độ kinh nghiệm biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học còn hạn chế.

Ba là, điều kiện về cơ sở vật chất, chế độ chính sách, kinh phí dành cho công tác biên soạn giáo trình còn hạn chế, chưa hợp lý, chưa động viên khuyến khích thoả đáng cho công tác này.

Hệ thống giải pháp được đưa ra rất phong phú, đa dạng, sát thực. Tựu trung lại, thống nhất ở một số giải pháp cơ bản sau:

Một là, tập trung biên soạn giáo trình, tài liệu tham khảo có chất lượng, phù hợp với đối tượng đào tạo của Học viện Chính sách và Phát triển

- Giáo trình cần có sự xây dựng mới trên cơ sở khung kiến thức cơ bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong đó, chú trọng đưa vào giáo trình những vấn đề thực tiễn của đất nước và thời đại đang đặt ra.

- Để lý luận gắn liền với thực tiễn, những nội dung trong giáo trình ngoài những kiến thức chung, cần tính đến môi trường ứng dụng của khối ngành đào tạo của Học viện hiện nay.

- Biên soạn giáo trình đào tạo sau đại học phải có tính khác biệt và chuyên sâu hơn giáo trình đào tạo bậc đại học.

Hai là, nêu cao tinh thần sáng tạo, ham học hỏi, kiên tâm và kiên trì và chủ động của giảng viên trong biên soạn giáo trình, tài liệu giảng dạy, bồi dưỡng và coi đây là một nhiệm vụ bắt buộc của mỗi giảng viên.

Ba là, bên cạnh những giáo trình, tài liệu được lựa chọn, thẩm định, xuất bản, phát hành, duyệt và sử dụng theo quy trình do Học viện đề ra, các giảng viên Khoa Cơ bản cần chủ động tổ chức biên soạn, xuất bản và phát hành giáo trình, tài liệu. Học viện hỗ trợ một phần kinh phí cũng như hỗ trợ cho tác giả trong việc phát hành.

Bốn là, tạo ra phong trào xây dựng tủ sách truyền thống của Bộ môn, của Khoa, của Học viện để lưu trữ, trưng bày, giới thiệu các giáo trình, tài liệu, sách tham khảo, sách chuyên khảo do các thế hệ giảng viên biên soạn, xuất bản.

Năm là, Học viện cần sửa đổi và ban hành lại quy định về việc biên soạn, lựa chọn, thẩm định, xuất bản, phát hành, duyệt và sử dụng giáo trình, tài liệu bồi dưỡng theo hướng đơn giản hóa các thủ tục hành chính để khuyến khích giảng viên tham gia biên soạn, xuất bản giáo trình, tài liệu.

Sáu là, mỗi giáo trình, tài liệu, cần có từ hai giảng viên trở lên tham gia biên soạn. Trong một số trường hợp, cần khuyến khích và mời các giảng viên, tác giả ngoài Học viện cùng tham gia biên soạn.

Bảy là, Học viện tiếp tục hỗ trợ kinh phí biên soạn, xuất bản cho tác giả hoặc hỗ trợ tác giả trong việc phát hành giáo trình, tài liệu đến học viên (trong trường hợp giảng viên chủ động biên soạn, xuất bản không dùng đến kinh phí của Học viện).

Tóm lại, giáo trình, tài liệu không chỉ là sự kết tinh trí tuệ, công sức, mà đó còn là tâm huyết, danh dự của chính những người đã tham gia biên soạn giáo trình, tài liệu đó. Do đó, các tác giả chính là người chịu trách nhiệm cao nhất đối với các giáo trình, tài liệu do mình biên soạn. Học viện nên tạo cơ chế thông thoáng, tiếp tục tạo điều kiện và có các biện pháp khuyến khích cả về tinh thần và vật chất để hỗ trợ, thúc đấy giảng viên tích cực tham gia biên soạn giáo trình, tài liệu, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng các chương trình bồi dưỡng, qua đó nâng cao uy tín, vị thế của Học viện trong xã hội.

          Nguồn Khoa Cơ bản