null Học viện Chính sách và Phát triển đơn vị đầu tiên mở ngành học Kinh tế số

content:

Học viện Chính sách & Phát triển đã chính thức được Bộ GD&ĐT cấp phép mở mã ngành Kinh tế số, mã số 7310112.

Đây là một mã ngành đào tạo trình độ đại học hoàn toàn mới trong danh mục mã ngành cấp 4 của Thông tư số 24/2017/TT-BGDĐT.

Theo đó, sinh viên theo học ngành Kinh tế số, chuyên ngành Kinh tế và Kinh doanh số tại Học viện Chính sách và Phát triển sẽ được trang bị những kiến thức chuyên sâu về kinh tế, kinh doanh và thương mại dựa trên nền tảng số; marketing số; an toàn và bảo mật dữ liệu; mạng máy tính và truyền thông số...

Ngoài ra, quá trình đào tạo cũng cung cấp cho người học kiến thức về thiết kế, vận hành và khai thác các công cụ quản trị và kinh doanh trên nền tảng web nhằm nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp, phát triển, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.

Học viện Chính sách và Phát triển đơn vị tiên phong mở ngành Kinh tế số

Theo PGS.TS Trần Trọng Nguyên - Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển cho biết, kinh tế số tạo ra các loại hình kinh doanh đa dạng và sáng tạo không ngừng, đồng thời tạo thêm các loại hình việc làm hoàn toàn mới, thu hút được đông đảo nguồn lao động trong xã hội. Hơn nữa, kinh tế số còn cung cấp các giá trị bổ sung cho người tiêu dùng và xã hội, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của con người. Do đó, kinh tế số đã trở thành xu thế tất yếu đối với mọi quốc gia trên thế giới.

Nhận thức được xu thế đó, hầu hết các nền kinh tế phát triển trên thế giới đều đưa ra chiến lược phát triển công nghệ số gắn với tăng trưởng kinh tế. Mỹ - nơi khởi nguồn cho sự bùng nổ của công nghệ số với nhiều công ty nổi tiếng như: Google, Amazon, Facebook, Apple… đã xác định được tầm quan trọng của kinh tế số. Còn ở châu Âu có kế hoạch "Single Digital Market", Úc có "Digital Australia"…

Theo lãnh đạo Học viện, tại Việt Nam, ngày 03 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030". Theo đó, Việt Nam phấn đấu đến năm 2030 đưa toàn bộ hoạt động xã hội thực lên không gian mạng, từ môi trường truyền thống lên môi trường số.

Để đảm bảo thực hiện phát triển kinh tế số tại mỗi quốc gia, ngoài đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, triển khai các giải pháp kỹ thuật tiên tiến thì việc đầu tư đào tạo, phát triển nguồn lực làm chủ công nghệ số đóng vai trò hết sức quan trọng, đặc biệt là nguồn nhân lực chuyển đổi số có kỹ năng, kiến thức công nghệ số.

Trên thế giới đã có nhiều trường đại học uy tín đào tạo các khóa học ngắn hạn hay chương trình cao học về kinh tế số và chuyển đổi số cho doanh nghiệp như MIT (Hoa Kỳ), Monash (Australia), King's College London (Vương quốc Anh), Đại học Toulouse 1 (Pháp),... Việc đào tạo cử nhân trong lĩnh vực kinh tế số hay kinh doanh số cũng được nhiều trường thực hiện như Đại học Latrobe, Đại học RMIT (Úc), Đại học NORD (Na Uy), Đại học Brunei, Đại học công nghệ Bangkok (Thái Lan),...

"Lựa chọn nghề nghiệp liên quan đến lĩnh vực Kinh tế và Công nghệ là một trong những hướng đi thực tế được nhiều bạn trẻ lựa chọn trong thời đại số hiện nay. Việc theo học một ngành nghề yêu thích, phù hợp với thời đại mới giúp giới trẻ có cơ hội việc làm rộng mở hơn. Do đó, lựa chọn công việc liên quan đến lĩnh vực Kinh tế số có thể giúp giới trẻ tự tin để bước đến thành công trong sự nghiệp của mình" - lãnh đạo Học viện Chính sách & Phát triển nhấn mạnh.

Nguồn: Nhật Hồng – Dân Trí