null HỘI THẢO “TỔ CHỨC ĐÀO TẠO VÀ ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP GIẢNG DẠY THEO HỆ THỐNG TÍN CHỈ”

Sáng ngày 05/12, Học viện Chính sách và Phát triển đã tổ chức Hội thảo “Tổ chức đào tạo và đổi mới phương pháp giảng dạy theo hệ thống tín chỉ”. Tham dự Hội thảo, về phía Học viện có PGS, TS. Đào Văn Hùng - Bí thư Chi bộ, Giám đốc Học viện, ông Trịnh Huy Lập - Phó Giám đốc Học viện, cùng toàn thể cán bộ và giảng viên; về phía khách mời có GS.TSKH. Lâm Quang Thiệp - Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, TS. Lê Việt Thủy - Phó Trưởng phòng Quản lý đào tạo trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

Giám đốc Đào Văn Hùng phát biểu khai mạc Hội thảo 

          Đào tạo theo hệ thống tín chỉ là phương pháp đào tạo tiên tiến được áp dụng tại Học viện Chính sách và Phát triển từ khóa 3 năm học 2012 - 2013 thể hiện sự quyết tâm rất cao, sự nỗ lực rất lớn của Ban Giám đốc và toàn Học viện.

          Hội thảo đã được nghe 5 báo cáo tham luận của các diễn giả là khách mời và cán bộ, giảng viên Học viện. Tham luận “Quy chế đào tạo theo hệ thống tín chỉ của Học viện Chính sách và Phát triển” do TS. Vũ Thị Minh Luận - Trưởng phòng Quản lý đào tạo trình bày đã nêu lên những vấn đề liên quan đến quy chế đào tạo theo hệ thống tín chỉ tại Học viện. Ngoài phần mở đầu, kết luận, báo cáo đã sơ lược những điểm nổi bật của Quy chế 43 về đào tạo tín chỉ của Bộ Giáo dục và Đào tạo và kinh nghiệm một số trường Đại học trong việc triển khai Quy chế này, đồng thời đề xuất một số công việc Học viện cần tiếp tục hoàn thiện.

TS. Vũ Thị Minh Luận - Trưởng phòng Quản lý đào tạo 

          Cố vấn học tập là một chức danh trong hệ thống chức danh của cơ sở đào tạo theo học chế tín chỉ, cố vấn học tập có ảnh hưởng lớn tới sự thành công của Học viện trong việc chuyển đổi hình thức đào tạo sang học chế tín chỉ. Báo cáo tham luận “Vai trò của cố vấn học tập theo hệ thống tín chỉ của Học viện Chính sách và Phát triển” của Ths. Nguyễn Thị Đông - Phó Trưởng phòng Quản lý đào tạo đã khái quát vai trò, nhiệm vụ, và yêu cầu cơ bản của cố vấn học tập, qua đó thấy được tầm quan trọng của cố vấn học tập, giống như một chuyên gia tư vấn về học tập và việc làm cho sinh viên, là bạn đồng hành cùng sinh viên trong suốt quá trình học tập.

Ths. Nguyễn Thị Đông - Phó trưởng phòng Quản lý đào tạo

          Trong việc áp dụng học chế tín chỉ, có thể nói khâu căn bản nhất và khó nhất là cải tiến phương pháp dạy, học và đánh giá sao cho thích hợp với nó. Tham luận “Phương pháp dạy, học và đánh giá thành quả học tập trong học chế tín chỉ” do GS. TSKH. Lâm Quang Thiệp - Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo trình bày đã đưa ra những nhận định ngắn gọn về bản chất của học chế tín chỉ và nêu những quan niệm về phương pháp dạy, học và đánh giá kết quả học tập thích hợp với học chế đó. GS cho rằng đây là khâu quan trọng hàng đầu và cũng là khó khăn lớn nhất trong việc thực hiện học chế tín chỉ. GS, TSKH. Lâm Quang Thiệp nhấn mạnh: để khắc phục khó khăn này không phải câu chuyện ngày một ngày hai mà là sự phấn đấu của toàn hệ thống giáo dục đại học nước ta trong nhiều thập niên, nhiều thế hệ.

GS. TSKH. Lâm Quang Thiệp - Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo

          Với đặc điểm nổi bật của đào tạo tín chỉ là nhấn mạnh đến việc nâng cao năng lực tự học, tự nghiên cứu của sinh viên, việc đổi mới phương pháp giảng dạy là yêu cầu tất yếu. Đổi mới phương pháp giảng dạy không chỉ bao gồm đổi mới về nội dung giảng dạy, tài liệu giảng dạy, học tập mà còn bao gồm cả việc tổ chức giảng dạy. Hội thảo đã được nghe báo cáo tham luận “Tổ chức giảng dạy học phần trong đào tạo theo hệ thống tín chỉ” của TS. Lê Việt Thủy - Phó Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Đại học Kinh tế Quốc dân trong đó báo cáo tập trung hướng đến việc đề xuất những khâu công việc cần làm, những lưu ý khi đổi mới phương pháp giảng dạy phù hợp với tổ chức đào tạo một học phần theo hệ thống tín chỉ. Đối với bậc Đại học, thiết kế cách thực tổ chức giảng dạy một học phần được thể hiện thông qua đề cương chi tiết. Vì vậy, TS. Nguyễn Trọng Nghĩa - Giảng viên khoa Tài chính - Tiền tệ đã trình bày báo cáo tham luận về “ Xây dựng đề cương chi tiết học phần” nhằm nêu một ý kiến trong việc chuẩn bị bài giảng cho sinh viên, bắt đầu từ xây dựng đề cương chi tiết học phần của một môn học cụ thể coi như đây là những cam kết của giảng viên đối với sinh viên về thời gian, kế hoạch, nội dung học tập của môn học…TS đã xây dựng đề cương chi tiết môn học Tài chính - Tiền tệ làm ví dụ cụ thể.

TS. Lê Việt Thủy - Phó Trưởng phòng Quản lý đạo tạo Đại học Kinh tế Quốc dân

TS. Nguyễn Trọng Nghĩa - Giảng viên khoa Tài chính - Tiền tệ

          Thảo luận tại Hội thảo, các cán bộ giảng viên đã được nghe các diễn giả chia sẻ kinh nghiệm và giải đáp những câu hỏi. Hội thảo có ý nghĩa và rất bổ ích đối với Học viện Chính sách và Phát triển, giúp cho toàn thể cán bộ, giảng viên nắm sâu hơn và chuẩn bị hành trang tốt hơn để bước vào đào tạo theo học chế tín chỉ.

 

                                                                                      Tin: Trần Tú Ngà