null Nói chuyện chuyên đề "Một số vấn đề đối với chính sách công đương đại tại Việt Nam"

Sáng ngày 9/5/2013, Học viện Chính sách Phát triển mời ông Phạm Mạnh Cường, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy, Bộ Kế Hoạch và Đầu tư đến nói chuyện chuyên đề, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn một số vấn đề về tư duy xây dựng Chính sách công hiện nay với các cán bộ, giảng viên của Học viện và toàn bộ sinh viên Khoa Chính sách công.

 

 

Chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn, hơn hai tiếng đồng hồ, người nghe đã được lĩnh hội rất nhiều thông tin thực tiễn, cập nhật về các vấn đề nổi cộm trong việc hoạch định và thực thi chính sách công ở Việt Nam, những hạn chế trong việc ra đời của một loạt chính sách thiếu tính khả thi mà được cả xã hội quan tâm trong thời gian qua như cấm bán hàng rong, thay đổi giờ làm trong các quận nội thành hay bắt buộc công chức đi làm bằng xe buýt của Bộ Giao thông và Vận tải, xử phạt người đi xe không đúng chính chủ, khai tên bố mẹ trên Giấy chứng minh thư nhân dân, hạn chế số mâm cỗ trong đám cưới của người liên quan đến công chức, viên chức, chỉ được phép bán thịt trong vòng 8 tiếng kể từ khi giết mổ, hay phạt những người đội mũ bảo hiểm giả, kém chất lượng vv… Có thể nói những chính sách này là những chính sách “trên trời” được làm ra trong phòng máy lạnh, thiếu thực tiễn. Vậy lý do hay nguyên nhân dẫn đến các chính sách bất khả thi kể trên là gì? Theo những thông tin ông Cường chia sẻ thì những lý do chính bao gồm thiếu chương trình đào tạo bài bản về chính sách công, tầm nhìn hạn chế, thiếu thực tiễn, bắt chước thiếu sáng tạo, thiếu khoa học, đặc biệt là thiếu phản biện và thiếu tính đồng bộ.

Để giải quyết vấn đề kể trên các nhà hoạch định chính sách cần phải có một tầm nhìn sâu, xa và mang tính toàn cầu, phải đưa ra các mục tiêu, cách thức tổ chức, thực hiện, đánh giá, phân tích và truyền thông chính sách một cách hiệu quả. Trên tất cả là việc hoạch định chính sách hiệu quả đòi hỏi cán bộ hoạch định hoạch chính sách phải có một tư duy hoạch định chính sách đổi mới, tư duy mang tính toàn cầu và cũng cần phải xác định lại vai trò của Nhà nước trong tư duy hoạch định chính sách cần luôn hướng tới lợi ích cộng đồng, hiểu rõ những yếu tố then chốt làm nền tảng cho sự tăng trưởng và phát triển kinh tế. Đổi mới tư duy cách thức phát triển, quản trị sự thay đổi và sử dụng một số công cụ hữu hiệu khi hoạch định chính sách như công cụ đánh giá tác động pháp luật (RIA). Buổi nói chuyện chuyên đề về đổi mới tư duy chính sách đã diễn ra một cách sôi nổi với những trao đổi, phản hồi rất tích cực của người tham gia.

Tổng hợp tin: Ths. Tân Anh, Phó Trưởng khoa Chính sách công