null Hội thảo khoa học “Chính sách Tài chính - Tiền tệ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm 2017”

Sáng ngày 14/7/2017, tại Hội trường lớn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 6B Hoàng Diệu, Ba Đình, Hà Nội, Học viện Chính sách và Phát triển tổ chức thành công Hội thảo khoa học với chủ đề “Chính sách Tài chính – Tiền tệ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm 2017”.

PGS, TS. Đào Văn Hùng - Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển phát biểu đề dẫn Hội thảo

Hội thảo có sự tham dự của Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương - Đại diện Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, TS. Cấn Văn Lực - Giám đốc Trường đào tạo BIDV, ông Nguyễn Đức Hùng Linh - Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán SSI, đại diện các cơ quan Bộ Tài chính, Ủy ban chứng khoán nhà nước, Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, Ngân hàng Nhà nước, đại diện các trường đại học, các viện nghiên cứu, các cơ quan báo chí và truyền thông, các ngân hàng và các công ty chứng khoán. Về phía Học viện có PGS, TS. Đào Văn Hùng, Giám đốc Học viện đã tham gia chủ trì, điều hành buổi Hội thảo, cùng các cán bộ, giảng viên, học viên cao học của Học viện.

Toàn cảnh Hội thảo “Chính sách Tài chính - Tiền tệ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm 2017”

Tham dự và phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương khẳng định, Hội thảo này là một cơ hội tốt để các nhà nghiên cứu, các học giả chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng và điều hành chính sách tài chính - tiền tệ trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là trong giai đoạn 6 tháng cuối năm 2017. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để các nhà hoạch định chính sách, cơ quan quản lý nhà nước lắng nghe tiếng nói từ các nhà nghiên cứu, các học giả để đánh giá và nhìn nhận lại thực trạng tác động của các yếu tố thuộc chính sách tài chính - tiền tệ đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam thời gian qua để từ đó điều chỉnh chính sách cho phù hợp hơn với mục tiêu tăng trưởng và các mục tiêu khác của kinh tế vĩ mô.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương phát biểu khai mạc Hội thảo

TS. Nguyễn Thạc Hoát - Trưởng khoa Tài chính - Tiền tệ - đại diện nhóm nghiên cứu của Học viện Chính sách và Phát triển trình bày tóm tắt kết quả nghiên cứu tại Hội thảo. Theo nhóm nghiên cứu của Học viện, để đạt được tăng trưởng kinh tế như mục tiêu đề ra, bên cạnh các giải pháp dài hạn như cải cách thể chế, đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, cải cách doanh nghiệp nhà nước, phát triển khu vực tư nhân… thì trước mắt cần phải tập trung vào các giải pháp thuộc về chính sách tài chính - tiền tệ. Với bối cảnh hiện nay ở Việt Nam, trong phạm vi tác động của chính sách tài chính - tiền tệ, tăng trưởng tín dụng đóng vai trò quan trọng đối với thúc đẩy tăng trưởng, cung tiền quyết định đến ổn định và kiểm soát lạm phát, và hiện vẫn còn có dư địa để giảm lãi suất. Chính sách tài chính tiền tệ đang đi đúng hướng nhưng độ trễ còn lớn, làm cho chính sách chậm đi vào cuộc sống. Chính điều này yêu cầu cơ quan chức năng nâng cao hiệu quả điều hành, đặc biệt là trách nhiệm cá nhân, người đứng đầu.

TS. Nguyễn Thạc Hoát - Học viện Chính sách và Phát triển trình bày nghiên cứu tại Hội thảo

Đánh giá về thị trường tiền tệ 6 tháng đầu năm 2017, TS. Cấn Văn Lực, Giám đốc Trường đào tạo cán bộ ngân hàng BIDV cho rằng, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, nhất quán và lựa chọn giải pháp phù hợp gắn liền với mục tiêu đặt ra và điều kiện thị trường cụ thể. Dự báo thị trường tài chính tiền tệ 6 tháng cuối năm 2017, ông Lực cho rằng, rủi ro tài chính tiền tệ ở mức cao do tác động của thế giới, như việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể tăng lãi suất thêm 1 lần nữa vào năm 2017 và 2 lần năm 2018. Với tình hình trong nước, việc theo đuổi mục tiêu tăng trưởng ở mức cao trong ngắn hạn và thiếu các động lực tăng trưởng bền vững sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro với kinh tế vĩ mô và hệ thống tài chính ngân hàng trong trung - dài hạn, tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế (bao gồm cả xử lý nợ xấu) còn nhiều thách thức. Trước tình hình trên, TS. Cấn Văn Lực cho rằng cần triển khai các giải pháp hỗ trợ như mở rộng tăng trưởng cung tiền và tín dụng ở mức hợp lý (16-18%) trong năm 2017, đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu các tài chính tín dụng và triển khai Nghị quyết xử lý nợ xấu.

 TS. Cấn Văn Lực - Giám đốc Trường Đào tạo BIDV trình bày tại Hội thảo

Thị trường chứng khoán cũng là một kênh quan trọng trong điều hành chính sách tài chính - tiền tệ. Ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư, Công ty chứng khoán SSI đề xuất, cần nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam vì đây là một trong những cách để xây dựng thị trường vốn cho phát triển. Ông Linh khẳng định, nâng hạng là một quá trình lâu dài, đòi hỏi nhiều nỗ lực từ toàn bộ hệ thống chính trị nhưng bù lại, kết quả có được sẽ rất lớn cả về giá trị dòng vốn lẫn trình độ phát triển của thị trường chứng khoán. Bốn điểm mấu cốt cần tập trung xử lý để nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam, theo ông Nguyễn Đức Hùng Linh, bao gồm tăng quy mô có thể đầu tư cho các nhà đầu tư nước ngoài, sử dụng tiếng Anh trong các thủ tục và công bố thông tin, tạo cơ chế thông thoáng hơn trên thị trường ngoài hối, và nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp và báo cáo tài chính của doanh nghiệp.

 Ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư, SSI tại Hội thảo

Sau khi lắng nghe các bài trình bày tại Hội thảo của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, các đại biểu tham dự tại Hội thảo cũng tích cực nêu ý kiến, tham gia thảo luận nhằm phân tích tác động của các yếu tố thuộc chính sách tài chính - tiền tệ đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong thời gian qua và dự báo tác động trong 6 tháng cuối năm 2017.

Hội thảo đã kết thúc thành công lúc 11h30 cùng ngày.

Nguồn: Phòng Khoa học và Hợp tác