null Cách mạng công nghiệp 4.0: Cơ hội và thách thức với tỉnh Vĩnh Phúc

Trong khuôn khổ hợp tác giữa Học viện Chính sách và Phát triển và Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc. Ngày 04/12/2018, hai bên đã phối hợp tổ chức Hội thảo “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư: Cơ hội và thách thức với tỉnh Vĩnh Phúc” tại trung tâm Hội nghị tỉnh với sự chủ trì của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Trì. Mục đích hội thảo nhằm giới thiệu tới các đối tượng lãnh đạo cấp tỉnh, cấp huyện chi tiết về CMCN 4.0 cũng như phương thức tiếp cận tư duy mới, tầm nhìn mới để có những bước phát triển đột phá và đưa tỉnh Vĩnh Phúc lên một vị thế vững mạnh, đi đầu trong cả nước.


Hội thảo có sự tham gia đông đủ của các cán bộ sở, ban, ngành tỉnh Vĩnh Phúc

Ban Tổ chức Hội thảo đã mời các diễn giả uy tín với nhiều năm kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực khoa học công nghệ, internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, chính sách phát triển v.v. Đội ngũ diễn giả gồm: PGS, TS. Đào Văn Hùng, Giám đốc Học viên Chính sách và Phát triển, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách, tài chính tiền tệ quốc gia; Ông Nguyễn Bá Quỳnh, Phó Chủ tịch thứ nhất Hitachi Consulting Corporation, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Global Cybersoft và ông Đỗ Trung Hiếu, Phó giám đốc công ty cổ phần MES-Engineering. Phía tỉnh Vĩnh Phúc có P.Chủ tịch UBND tỉnh Ông Vũ Viết Văn; Ông Đỗ Đình Việt, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư.


PGS, TS. Đào Văn Hùng – Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển


Ông Nguyễn Bá Quỳnh, Phó Chủ tịch thứ nhất Hitachi Consulting Corporation,
Tổng giám đốc Công ty cổ phần Global Cybersoft


Ông Đỗ Trung Hiếu – Phó Giám đốc Công ty Cổ phần MES – Engineering

Tại buổi Hội thảo, PGS.TS Đào Văn Hùng đã đưa ra bức tranh toàn cảnh về CMCN 4.0, từ lịch sử các cuộc cách mạng đã diễn ra trong quá khứ tới quá trình hình thành cuộc CMCN lần thứ tư. PGS. TS Đào Văn Hùng cũng đã chỉ ra những cơ hội và thách thức hiện hữu ở Việt Nam trong quá trình chuyển mình, thích ứng với cuộc cách mạng mới, từ đó đưa ra những gợi cho Việt Nam nói chung và Vĩnh Phúc nói riêng dựa trên những kinh nghiệm và bài học thực tiễn quốc tế.

Về phía diễn giả Nguyễn Bá Quỳnh, ông đã đưa ra những con số ấn tượng về việc cải thiện hiệu suất công việc khi áp dụng giải pháp số hóa và tự động hóa trong nhà máy, giải pháp nông nghiệp thông minh (sử dụng IoT). Theo ông, sử dụng công nghệ cao, đăc biệt là trí thông minh nhân tạo cần được áp dụng toàn diện, áp dụng trên mọi lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ. Trước khi kết thúc phần báo cáo của bản thân, ông Quỳnh cũng đề xuất một số giải pháp phát triển toàn diện theo lãnh thổ cho tỉnh Vĩnh Phúc. Ngoài ra, ông đã đưa ra ý kiến: “Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động cải thiện môi trường đầu tư, mở rộng địa bàn và hình thức thu hút đầu tư nước ngoài vào những thị trường giàu tiềm năng và các công ty đa quốc gia. Cùng với đó, nâng cao chất lượng dự án thu hút đầu tư mới theo hướng gia tăng hàm lượng công nghệ, lao động kỹ thuật; ưu tiên thu hút các ngành nghề đón đầu cách mạng công nghiệp 4.0.”


 

Diễn giả Đỗ Trung Hiếu, bằng nhiều năm kinh nghiệm cùng tư duy đi đầu trong nghiên cứu Internet vạn vật (IoT) đã đưa ra những nhận định về CMCN 4.0 trên phương diện thực tiễn, chỉ ra các lĩnh vực mũi nhọn ở nước ta hiện nay có thể áp dụng công nghệ 4.0 như: logistics, khai thác nuôi trồng thủy sản, xây dựng và bất động sản và các phương thức cụ thể để áp dụng chúng vào phát triển những ngành nghề kể trên. Ông Hiếu cũng chỉ ra vị trí hiện nay của Việt Nam trong “bức tranh 4.0” và các khó khăn, thách thức chúng ta cần vượt qua.

Phiên thảo luận giữa các diễn giả, Ông Vũ Việt Văn, Phó Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc và các thành viên tham dự cũng được diễn ra sau đó với sự chia sẻ tâm huyết và trách nhiệm về lộ trình phát triển tỉnh nhà của lãnh đạo các cấp trong bối cảnh CMCN 4.0 và sắp tới là CMCN 5.0.