null Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển trả lời phóng viên kênh VTV2

Phóng viên (PV). Thưa ông, theo đánh giá của ông hiệp định khuyến khích bảo hộ đầu tư EVIPA sẽ mang đến những cơ hội như thế nào cho các doanh nghiệp của EU?

PGS,TS. Đào Văn Hùng. Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVIPA) đã được ký vào tháng 6/2019 tại Hà Nội. Sau khi văn kiện này cùng với Hiệp định thương mại tự do EVFTA có hiệu lực sẽ giúp các doanh nghiệp EU tiếp cận đến thị trường 100 triệu dân của Việt Nam, cũng như qua Việt Nam họ sẽ dễ dàng tiếp cận với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Các nhà đầu tư từ EU sẽ được đối xử bình đẳng, bảo hộ an toàn và đầy đủ, cho phép nhà đầu tư tự do chuyển vốn và lợi nhuận từ đầu tư ra nước ngoài, cam kết không trưng thu, quốc hữu hóa tài sản của nhà đầu tư mà không có bồi thường thỏa đáng.

Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển

PV. Với cam kết sẽ đối xử công bằng, cho phép nhà đầu tư được chuyển vốn và lợi nhuận ra nước ngoài được kỳ vọng sẽ tạo ra những đột phá như thế nào trong chính sách thu hút FDI vào VN thưa ông?

PGS,TS. Đào Văn Hùng. Với cam kết này, sẽ góp phần quan trọng vào việc củng cố niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài nói chung cũng như nhà đầu tư EU nói riêng về tính hấp dẫn, an toàn, thân thiện và cạnh tranh cao hơn của môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, đồng thời Việt Nam kỳ vọng sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư với chất lượng cao từ EU. Điều này hoàn toàn phù hợp với định hướng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong thời gian tới trong bối cảnh hướng tới tăng trưởng xanh cũng như cuộc cách mạng cộng nghiệp lần thứ 4. Theo đó, Việt Nam chủ trương chuyển hướng thu hút FDI từ số lượng sang chất lượng, ưu tiên các dự án có giá trị gia tăng cao, công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu và có tác động lan tỏa, gắn kết hữu cơ với khu vực kinh tế trong nước, đồng thời phù hợp với quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng.

PV. Còn về phía Việt Nam sẽ được hưởng lợi gì từ hiệp định này thưa ông?

PGS,TS. Đào Văn Hùng. Việt Nam có cơ hội tiếp cận thị trường hơn 500 triệu dân, với tổng GDP 18,8 nghìn tỷ USD, tương đương 22% GDP toàn cầu. Đồng thời, doanh nghiệp, người dân Việt Nam sẽ có cơ hội được tiếp cận, tiêu dùng và hưởng lợi các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ tiêu chuẩn châu Âu với chất lượng cao, giá cả cạnh tranh từ các nền kinh tế của Liên minh châu Âu. EVIPA mang lại cho Việt Nam các cơ hội kinh tế về xuất khẩu, thu hút đầu tư từ EU, cũng như thắt chặt mối quan hệ giữa Việt Nam với các quốc gia thuộc EU.

Hiệp định cũng sẽ thúc đẩy dòng vốn FDI từ EU vào Việt Nam khi mức độ tự do hóa đầu tư của EU vào Việt Nam sẽ được tăng thêm, đặc biệt là trong một số ngành dịch vụ chuyên môn, dịch vụ tài chính, dịch vụ viễn thông, dịch vụ vận tải, dịch vụ phân phối.

So với các Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư mà Việt Nam đã ký với các nước thành viên EU trước đây, thì các cam kết trong EVIPA được xây dựng chi tiết hơn và tiến bộ hơn. Điều đó sẽ giúp Việt Nam đạt được cân bằng giữa việc thu hút đầu tư và bảo vệ lợi ích quốc gia. Chẳng hạn, Hiệp định này có tiêu chí rõ ràng cho từng hành vi mà nhà nước không được thực hiện, bổ sung một số các quy định nhằm bảo đảm quyền điều chỉnh chính sách của quốc gia nhận vốn đầu tư, nhất là đối với các chính sách về bảo vệ sức khỏe cộng đồng, an toàn môi trường, người tiêu dùng, đa dạng văn hóa; xây dựng cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư thường trực thay cho cơ chế theo vụ việc, theo đó tranh chấp được giải quyết tại cơ quan xét xử thường trực với hai cấp xét xử sơ cấp và phúc thẩm với các thành viên do Việt Nam và EU lựa chọn. Có thể khẳng định, việc ký kết EVIPA là một thắng lợi to lớn trong quan hệ kinh tế, chính trị và đầu tư quốc tế của Việt Nam, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, từ đó thúc đẩy vốn đầu tư từ EU và các nước khác vào Việt Nam trong giai đoạn tới.

Dự kiến đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ gia tăng, không chỉ từ các nước thành viên EU tìm kiếm cơ hội tiếp cận thị trường Việt Nam, mà thông qua Việt Nam tiếp cận tới các nước ASEAN khác, đồng thời các nhà đầu tư các nước khác tìm kiếm cơ hội thông qua Việt Nam tiếp cận thị trường EU.

PV. Bên cạnh những cơ hội theo đánh giá của ông, những thách thức nào đang là rào cản khiến Việt Nam khó thu hút được các nhà đầu tư EU thưa ông?

PGS,TS. Đào Văn Hùng. Để có thể nắm bắt những cơ hội, Việt Nam cần tiếp tục vượt qua các rào cản, nâng cao sức cạnh tranh của môi trường đầu tư như tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp chính sách liên quan đến đầu tư, doanh nghiệp, đất đai, quy hoạch; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ công… Đồng thời với những cơ hội khi ký kết EVIPA, Việt Nam cần có chương trình hành động quốc gia triển khai hiệp định quan trọng về đầu tư này để nâng cao chất lượng dòng vốn ngoại vào Việt Nam trong giai đoạn tới theo định hướng không quá chú trọng vào số lượng vốn đăng kí, nhất là trong bối cảnh Việt Nam hướng tới nền kinh tế số và thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 và vẫn còn khoảng 150 tỷ USD vốn FDI đăng ký trong nhiều ngành nghề hiện tại chưa được giải ngân. Việt Nam cũng cần có các giải pháp phù hợp loại bỏ, phòng tránh các nhà đầu tư nước ngoài khác lợi dụng EVFTA và EVIPA để đầu tư vào Việt Nam nhằm hưởng lợi từ các Hiệp định này, làm ảnh hưởng đến uy tín, sức cạnh tranh của môi trường đầu tư Việt Nam.

Dưới góc độ doanh nghiệp, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp nội cũng là vấn đề cần lưu tâm. Thực tế cho thấy, trong bất kỳ hoàn cảnh nào thuận lợi và thách thức luôn đan xen. Tuy các doanh nghiệp Việt Nam còn có các điếm yếu hơn so các doanh nghiệp - nhà đầu tư đến từ EU như: phần lớn doanh nghiệp Việt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thiếu vốn, thiếu công nghệ kĩ thuật cao, thiếu kinh nghiệm quản lý và thông tin về thị trường còn thấp hơn các nhà đầu tư EU,... Do đó, nếu các doanh nghiệp Việt Nam biết nắm bắt cơ hội từ EVFTA và EVIPA mang đến, biết liên kết để có đủ vốn, đủ kinh nghiệm quản trị và nắm bắt được xu thế thị trường quốc tế, tận dụng được các ưu đãi mà Chính phủ đang tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt phát triển, tự tin chủ động tìm ra các dự án phù hợp với doanh nghiệp của mình, thì các doanh nghiệp Việt sẽ thành công trong hợp tác đầu tư với các nhà đầu tư EU.

Tóm lại, việc chuẩn bị từ phía Việt Nam và doanh nghiệp Việt Nam về môi trường đầu tư kinh doanh, nguồn nhân lực, hạ tầng kỹ thuật, khả năng hấp thụ công nghệ, v..v.. đóng vai trò quan trọng trong việc phát huy các cơ hội này.

PV. Có ý kiến cho rằng, nhân lực yếu kém, thiếu kỹ năng cũng là một trong những điều kiện bất lợi đối với Việt Nam trong việc thu hút các nhà đầu tư EU. Ông có đồng tình với quan điểm này?

PGS,TS. Đào Văn Hùng. Có thể nói Việt Nam đã có những thay đổi rất rõ nét trong thời gian qua về nhận thức cũng như hành động trong việc phát triển nguồn nhân lực. Tuy nhiên, chưa đủ và phát triển nguồn nhân lực vẫn là một điểm yếu của Việt Nam, vì vậy, Chính phủ cần có giải pháp đột phá hơn nữa trong việc phát triển nguồn nhân lực nhằm đẩy mạnh việc thu hút các nhà đầu tư từ EU. Cụ thể, tăng cường xây dựng mạng lưới đào tạo nghề theo chuẩn quốc tế cho đội ngũ công nhân đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của nhà đầu tư EU, thứ hai cần có các cơ sở đào tạo trong nước có chất lượng để xây dựng đội ngũ các nhà quản lý kinh tế giỏi, tác phong chuyên nghiệp để hỗ trợ các nhà đầu tư EU vào Việt Nam. Hiện nay, Học viện Chính sách và Phát triển cũng đang tập trung hợp tác quốc tế để xây dựng các chương trình đào tạo đội ngũ chuyên gia, nhà quản lý đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư EU trong bối cảnh hiệp định EVIPA có hiệu lực.

PV. Cám ơn ông đã nhận lời cuộc phỏng vấn này

(Nguồn: VTV)