null APD VÀ XU THẾ PHÁT TRIỂN TỰ CHỦ ĐẠI HỌC

Tại Hội thảo giáo dục với chủ đề “Giáo dục Đại học - Chuẩn hóa và hội nhập quốc tế” do Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức ngày 17/8 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã khẳng định: “Giáo dục của Việt Nam, trong đó có giáo dục đại học không thể nằm ngoài xu thế chung của thế giới. Vì vậy, tự chủ đại học là tất yếu”.

Để việc tự chủ thành công, sự đổi mới phải xuất phát từ chính mô hình quản trị nội bộ trường đại học, từ nhà lãnh đạo, nhà quản lý đến các giảng viên, sinh viên… phải tạo ra môi trường học thuật khoa học, phát huy tiềm năng, trí tuệ, phẩm chất của người học, cùng với đó là nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, kiểm định và nâng cao chất lượng đào tạo. Chuyến công tác từ ngày 11-14/12/2019 của đoàn công tác Học viện Chính sách và Phát triển (APD) do PGS.TS. Đào Văn Hùng, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện dẫn đầu đã đến thăm và làm việc với những cơ sở hàng đầu cả nước về tự chủ đại học đã cho thấy ý nghĩa và tầm quan trọng to lớn của tự chủ đối với tương lai của APD.

Nhìn thấy tương lai từ kinh nghiệm của những cơ sở hàng đầu

Nội dung làm việc của Đoàn công tác Học viện với các trường xoay quanh 03 vấn đề lớn của tự chủ đại học bao gồm: (i) Đổi mới quản trị đại học đa ngành, đa lĩnh vực; xu hướng vấn đề về phát triển các ngành, lĩnh vực trong tương lai; xây dựng phương án phân phối thu nhập công bằng và hiệu quả; (ii) Đổi mới đào tạo thông qua những chương trình đào tạo quốc tế và đào tạo chất lượng cao; công tác kiểm định chương trình đào tạo và (iii) Xây dựng bản sắc riêng trong đào tạo với hệ thống nguyên tắc ứng xử của giảng viên, sinh viên; vai trò của người đứng đầu truyền cảm hứng cho mọi người.

APD đã được chia sẻ về kinh nghiệm cũng như những khó khăn trong quá trình thí điểm tự chủ đại học của Đại học Tài chính – Marketing (trường đại học đầu tiên trực thuộc Bộ Tài chính được giao thí điểm thực hiện tự chủ theo Nghị quyết số 77/NQ-CP năm 2014 của Chính phủ về Thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014-2017); Chia sẻ của Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh - một trong ba trường đại học được thí điểm mở rộng quyền tự chủ trên 4 lĩnh vực là quản lý tài chính, tài sản và sử dụng tài sản công; phân bổ kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ; giấy phép cho lao động nước ngoài; và kéo dài tuổi hưu của chủ tịch hội đồng trường. Cùng với đó là bức tranh thành công của những đại học đã vươn lên mạnh mẽ khi tự chủ như Đại học Tôn Đức Thắng - trường đại học xếp vị trí 207 trong Bảng xếp hạng khu vực Châu Á 2020, được Academic Ranking of World Universities (ARWU) xếp hạng 1 Việt Nam và hạng 901 thế giới, dẫn đầu về các chỉ số quan trọng như số bài báo công bố, chỉ số trích dẫn bài báo, mạng lưới nghiên cứu quốc tế, giảng viên người nước ngoài, trao đổi sinh viên trong nước và quốc tế; Kinh nghiệm của Đại học Hoa Sen - một trong những trường đại học tiên phong, mạnh dạn xây dựng chương trình đào tạo với gần 90% nội dung được giảng dạy bằng tiếng Anh, luôn ở tốp dẫn đầu trong đào tạo những ngành nghề mới là xu thế của thị trường lao động, Hoa Sen cũng là trường đại học có nhiều chương trình đào tạo đạt chuẩn kiểm định quốc tế của Hoa Kỳ (ACBSP).

Phối cảnh tổng thể APD trong tương lai

Tạo động lực và khát vọng cho bước chuyển lớn năm 2020

Chuyến công tác học tập kinh nghiệm tự chủ đại học của APD diễn ra trong bối cảnh đặc biệt khi hạ tầng cơ sở mới tại Nam An Khánh đang gấp rút hoàn thiện. Những đơn vị đầu tiên của Học viện đã chuyển về làm việc, những lớp sinh viên và học viên cao học đã có những tuần học trải nghiệm đầu tiên tại cơ sở mới dù còn ngổn ngang nhưng chứa đựng không ít sự phấn khởi, tươi mới. Ban Giám đốc cùng toàn thể cán bộ, giảng viên và sinh viên APD đều nhìn thấy một tương lai khang trang và hiện đại của Học viện, với cơ sở hạ tầng hiện đại cùng mô hình đào tạo chuẩn quốc tế và hứa hẹn cạnh tranh với những đại học tự chủ hàng đầu hiện nay.

Hình ảnh APD tại thời điểm tháng 12/2019

Hình ảnh APD tại thời điểm tháng 12/2019

Chúng ta tự hào bởi cơ sở mới tại Nam An Khánh cũng sẽ có những Thư viện đạt chuẩn quốc tế; Phòng thể chất hiện đại; Hệ thống Dịch vụ tích hợp đa dạng; Ký túc xá sinh viên; Khu Hiệu bộ; Hệ thống phòng học và phòng hội thảo hoàn bị như mô hình hiện nay của Đại học Tôn Đức Thắng; Đại học Hoa Sen… thậm chí còn quy mô và hiện đại hơn. Chúng ta cũng hi vọng và chờ đợi những đổi mới về cách thức quản trị đại học; tự chủ tài chính và thu hút nguồn lực giảng viên chất lượng như thực tiễn tại Đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh hay Đại học Tài chính – Marketing…

Mô hình giảng đường lớn của APD

Mô hình thư viện với không gian mở của APD

Phòng học Multimedia tại APD

Trường đại học có nhiều sứ mệnh, nhưng có 1 sứ mệnh là sáng tạo ra tri thức. Tự chủ căn bản nhất là tự chủ về chuyên môn, khơi dậy sự sáng tạo của từng thành viên trong nhà trường. Đây là tự chủ căn bản nhất. Có quyền tự chủ ấy mới sáng tạo ra được tri thức. Bên cạnh đó, các trường phải được tự chủ tài chính, tức là phải được tự chủ về nguồn thu và nguồn chi, trong nguồn thu phải có nhiều nguồn chứ không phải chỉ có học phí… Những kinh nghiệm, chia sẻ học hỏi được trong chuyến công tác vừa qua là cơ sở quan trọng để xây dựng và hoàn thiện Đề án chiến lược phát triển và Đề án tự chủ đại học của Học viện Chính sách và Phát triển trong thời gian tới./.

TS. Nguyễn Như Hà

Trưởng Khoa Luật Kinh tế