null Ứng dụng công nghệ trong giảng dạy trực tuyến - Chia sẻ của cô và trò Viện Đào tạo Quốc tế

content:

Học tập trực tuyến - Chia sẻ của cô và trò Viện Đào tạo Quốc tế

Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng đến việc tập trung học trên giảng đường, Học viện Chính sách và Phát triển đã nhanh chóng triển khai ứng dụng các công nghệ hiện đại vào giảng dạy. “Các lớp học trực tuyến” được tạo ra trên hai nền tảng LMS và Zoom đã góp phần đảm bảo tiến độ học tập năm học 2019-2020. Dưới đây là những chia sẻ của giảng viên ThS. Nguyễn Thị Thùy Linh và các bạn sinh viên K9 - Trần Trà My và Kiều Trang Ngân đến từ Viện Đào tạo Quốc tế về hình thức học trực tuyến thời gian qua.

Xin chào cô và các bạn. Qua một thời gian giảng dạy và học tập trực tuyến, cô và các bạn cảm thấy ưu điểm của hình thức này là gì?

Cô Linh: Theo cô, ưu điểm lớn nhất khi sử dụng hai nền tảng LMS và Zoom là giảng viên có đầy đủ các công cụ và tính năng hỗ trợ để đảm bảo hiệu quả của việc giảng dạy và học tập như trên lớp trực tiếp. Ví dụ thầy cô có thể đăng tải và lưu trữ tài liệu môn học trên LMS, đồng thời có thể tương tác trực tiếp với sinh viên qua Zoom với các tính năng phong phú như viết bảng, ghi chú trên slide...

Bạn My: Sau một thời gian ngắn làm quen với các ứng dụng này thì mình thấy ưu điểm lớn nhất là tiết kiệm thời gian đi lại và linh hoạt hơn. Sinh viên có thể tham gia lớp học dù đang ở địa điểm nào, miễn là có máy tính hoặc điện thoại kết nối internet. Việc học trực tuyến như vậy cũng rèn luyện tính tự giác học tập cho sinh viên.

Ảnh: Cô Linh trong buổi học trực tuyến với sinh viên Viện Đào tạo quốc tế

Vậy còn những khó khăn trong quá trình giảng dạy và học tập trực tuyến mà cô và các bạn gặp phải là gì?

Cô Linh: Việc giảng bài trực tuyến khiến giảng viên phải có sự điều chỉnh, cải tiến để bài giảng hấp dẫn hơn và có cách truyền đạt dễ hiểu nhất để thu hút sự tập trung, chú ý của sinh viên. Trong lớp học thầy cô thường phải tắt mic và tắt camera của sinh viên để đảm bảo chất lượng đường truyền tốt, nên việc nắm bắt mức độ tiếp thu kiến thức của sinh viên cũng bị chậm trễ do thiếu tương tác trực tiếp.

Bạn Ngân: Theo mình khó khăn lớn nhất là phương pháp này yêu cầu tính tự giác và chủ động của sinh viên trong quá trình học tập. Việc học bằng điện thoại hoặc máy tính trong nhiều giờ liên tục làm mỏi mắt và dễ bị mất tập trung vào bài giảng. Bên cạnh đó, vì không gặp mặt trực tiếp được nên việc làm quen và trao đổi với bạn bè cùng lớp cũng bị hạn chế.

Bạn My: Ngoài ra còn có những khó khăn khách quan như môi trường xung quanh ồn ào gây mất tập trung và chất lượng kết nối mạng chập chờn, thậm chí có nơi mất điện không vào được mạng, làm ảnh hưởng đến việc tham gia lớp học trực tuyến.

  Theo cô và các bạn, khi quay lại trường học tập trực tiếp thì Học viện có nên duy trì hình thức giảng dạy trực tuyến này hay không?

Cô Linh: Theo cô nên duy trì song song hai hình thức học trực tiếp và trực tuyến. LMS là kênh kết nối giảng viên và và sinh viên rất hiệu quả, mọi thông tin và tài liệu về môn học đều có thể được chuyển trực tiếp và nhanh chóng, kịp thời đến các bạn sinh viên. Ngoài ra tùy từng thời điểm, các thầy cô có thể chủ động tổ chức những buổi giải đáp thắc mắc hoặc ôn tập trực tuyến để tiện cho cả cô và trò.

Bạn My: Việc học trực tuyến rất hữu ích trong điều kiện không thể đến trường học trực tiếp. Tuy nhiên phương pháp này chỉ hiệu quả nếu các bạn sinh viên có ý thức tự giác cao, không làm việc riêng trong giờ học. Vì thế theo mình việc học trực tiếp trên lớp vẫn rất quan trọng.

Bạn Ngân: Việc học trực tuyến có thể áp dụng với những phần kiến thức lý thuyết dễ hiểu, dễ truyền đạt. Với những kiến thức phức tạp, cần kết hợp vừa giảng vừa viết bảng thì mình thấy sẽ hiệu quả hơn nếu được học và tương tác trực tiếp trên lớp.

Ảnh: Một buổi học trực tuyến của cô trò Viện Đào tạo quốc tế

Cảm ơn những chia sẻ của cô và các bạn! Chúc cô và các bạn có những tiết học thật vui và hiệu quả!