null Học viện Chính sách và Phát triển tổ chức chuyến đi thực thế tại khu di tích Đá Chông, Ba Vì, Hà Nội cho sinh viên khóa 11 nhập học đợt 2, kỳ tuyển sinh 2020

content:

Sáng 01 tháng 11 năm 2020, Học viện Chính sách và Phát triển tổ chức cho sinh viên Khóa 11 nhập học đợt 2, kỳ tuyển sinh năm 2020 đi thực tế tại khu Di tích lịch sử Đá Chông (K9) – Ba Vì – Hà Nội. Tham gia  chuyến đi này gồm có hơn 800 sinh viên cùng cán bộ, giảng của Học viện.

Sinh viên trong đoàn đã được hướng dẫn viên của khu di tích giới thiệu những hiện vật và các khu làm việc thời kỳ Bác Hồ và Trung ương làm việc tại Đá Chông như ngôi nhà 2 tầng; khu hầm Trú ẩn; khu vực Mỏm đá chông; khu Nhà xe; hầm đặt tổng đài điện thoại; công trình giữ gìn thi hài Bác. 

Đại diện thầy và trò Học viện Chính sách và Phát triển dâng hương và hứa quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ dạy tốt, học tốt trong năm học 2020-2021

Lắng nghe những câu chuyện từ hướng dẫn viên khu Di tích Đá Chông kể về Chủ tịch - Hồ Chí Minh. Cán bộ, giảng viên, sinh viên trong đoàn đều xúc động, khâm phục và ghi nhớ công lao to lớn của Người đối với dân tộc Việt Nam, đồng thời khơi dậy thêm niềm tự hào dân tộc khi đã sinh ra một vị lãnh tụ thiên tài, vĩ đại. Chuyến tham quan thực tế tại Khu di tích K9 - Đá Chông thực sự là hoạt động có ý nghĩa sâu sắc giúp những bạn trẻ hiểu thêm về truyền thống uống nước nhớ nguồn, ghi sâu công lao trời biển của Chủ tịch - Hồ Chí Minh.

Đoàn tham quan các điểm di tích tại khu bảo tàng

Chuyến đi về nguồn tham quan khu di tích lịch sử Đá Chông (K9) – Ba Vì – Hà Nội mang lại nhiều cảm xúc sâu sắc đối với mỗi cán bộ, giảng viên, sinh viên Học viện Chính sách và Phát triển. Thông qua Chuyến đi thực tế này, sinh viên được ôn lại lịch sử, văn hóa, truyền thống dân tộc Việt Nam, tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch - Hồ Chí Minh, qua đó khơi dậy tình yêu quê hương đất nước trong mỗi bạn trẻ hôm nay.

Một số hạng mục công trình chính tại khu di tích lịch sử Đá Chông (K9) – Ba Vì – Hà Nội

1.Khu đón tiếp khách đến tham quan. Bao gồm các công trình: Bãi đỗ xe; nơi đón tiếp khách đến tham quan, nơi xem phim tư liệu, nơi trưng bày hiện vật và hình ảnh về Khu Di tích, nhà ăn.

2. Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong các công trình thuộc Khu Di tích K9, Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh có vị trí đặc biệt quan trọng. Đây là nơi dâng hương tưởng niệm Bác và tổ chức sinh hoạt chính trị, văn hóa: Lễ báo công, Lễ kết nạp Đảng, kết nạp Đoàn, kết nạp Đội thiếu niên tiền phong; Lễ trao huy hiệu, trao phần thưởng; Lễ khai giảng, bế giảng, tổng kết..., góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, giáo dục tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

3. Ngôi nhà 2 tầng. Nhóm kiến trúc sư do đồng chí Hoàng Linh (người thiết kế ngôi Nhà sàn của Bác tại Phủ Chủ tịch), Cục trưởng Cục Doanh trại phụ trách được giao vẽ thiết kế ngôi nhà trình lên Bác duyệt. Đặc biệt, Bác đã cắm mốc, nhắm hướng cho dựng ngôi nhà chính làm nơi hội họp, tiếp khách, nghỉ ngơi của Bác và Trung ương. Ngôi nhà được thiết kế phỏng theo kiểu nhà sàn - ngôi nhà quen thuộc của Bác ở Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch - Hà Nội. Vì vậy, ngôi nhà còn được gọi với cái tên thân mật là “Nhà sàn”.

4. Hầm trú ẩnPhía Tây ngôi nhà 2 tầng có căn hầm trú ẩn. Theo các nhân chứng, chiếc hầm này được xây dựng cùng với thời gian xây dựng ngôi nhà 2 tầng, để đối phó với âm mưu đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh bằng không quân ra miền Bắc và đề phòng máy bay địch ném bom xuống khu vực. Nóc hầm xây cao, phía trên có trồng cây để ngụy trang. Phía dưới đào sâu xuống lòng đất khoảng 3 mét, lối lên xuống được xây bằng đá; lòng hầm rộng cho người trú ẩn.

5. Nhà phục vụ. Ngôi nhà phục vụ nằm ở phía Bắc ngôi nhà 2 tầng. Sau khi ngôi nhà 2 tầng hoàn thành, Ban chỉ huy công trường đã đề nghị bổ sung thêm một số vật liệu để xây dựng ngôi nhà phục vụ. Ngôi nhà phục vụ gồm 4 phòng: Phòng nghỉ, kho, phòng ăn và bếp.

6. Vườn cây xung quanh ngôi nhà 2 tầng. Sinh thời, Bác vốn rất yêu thiên nhiên, vì vậy khi xây dựng các công trình ở khu vực này, Bác đã trao đổi với các đồng chí trong Văn phòng Trung ương Đảng: Một mặt phải bảo vệ nghiêm ngặt môi trường sinh thái, tuyệt đối không được chặt phá cây bừa bãi; mặt khác phải tạo được những mảnh vườn nhỏ để trồng cây, tăng gia, vừa lao động rèn luyện sức khoẻ, vừa có sản phẩm trực tiếp phục vụ bữa ăn hàng ngày.

7. Hòn non bộ. Mỏm đá tự nhiên nằm chính giữa trước ngôi nhà 2 tầng. Khi xây dựng ngôi nhà, Bác yêu cầu xây quây lại thành hòn non bộ trang trí cho ngôi nhà, vườn cây và cả khu vực. Những người thợ xây dựng lúc bấy giờ đã kể lại: Lúc đầu chiếc bể xây bao quanh hòn non bộ không phù hợp, Bác đã nhắc khéo: Các chú mặc quần áo chật có chịu được không? Sau đó những người thợ xây dựng đã nới rộng chiếc bể to ra tương xứng với chiều cao của hòn non bộ. Khi đưa nước, thả cá, thả rùa vào, hòn non bộ trở thành một "Tiểu cảnh" rất đẹp. Những lần tiếp khách tại đây, Bác đều giới thiệu và chụp ảnh với các vị khách bên hòn non bộ.

8. Các mỏm Đá Chông và con đường lát đá thẻ. Tháng 5 năm 1957, trong một lần đi kiểm tra Trung đoàn 36, Sư đoàn 308 tập mẫu chiến thuật "Trung đoàn bộ binh tăng cường tiến công quân địch phòng ngự có chuẩn bị", Bác đã dừng chân nghỉ, ăn cơm trưa trên đồi, nơi có 3 mỏm đá nhọn như hình mũi chông, ngọn mác xếp liền kề nhau. Thấy địa thế nơi đây hiểm trở, phong cảnh đẹp, khí hậu mát mẻ, Bác đã trao đổi với các đồng chí cùng đi, ngỏ ý chọn vị trí này làm nơi nghỉ ngơi và làm việc của Bác và Trung ương.

9. Con đường rèn luyện sức khoẻ. Con đường chạy từ chân đồi lên ngôi nhà 2 tầng, từng bậc và chiếu nghỉ được trải bằng sỏi cuội. Hai bên đường trồng hàng râm bụt gợi nhớ đến hàng rào quanh nhà Bác ở quê hương Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An. Hiện nay còn một số cây râm bụt được trồng từ năm 1960.

10. Khu nhà xe với những chiếc xe di chuyển thi hài Bác

Xe UAZ cứu thương biển số FH – 1468. 

Xe ZIL 157 biển số 470 – 189. 

Xe PAP lội nước biển số 31 – 162. 

Hai xe Traika Gat

11. Căn hầm đặt Tổng đài điện thoại. Căn hầm này là của Cục Bưu điện Trung ương phục vụ Bác và Trung ương làm việc. Tổng đài điện thoại đặt tại Khu vực K9 được đưa vào sử dụng từ tháng 5/1967, gồm 10 số từ thạch. Tổng đài phục vụ nhiệm vụ chính trị quan trọng, bảo đảm thông tin liên lạc cho Trung ương Đảng, Bác Hồ, các đồng chí trong Bộ Chính trị nhằm nắm bắt và chỉ đạo kịp thời với chiến trường miền Nam, góp phần quan trọng vào chiến thắng của quân và dân cả nước trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ.

12. Công trình giữ gìn thi hài Bác trong những năm chiến tranh. Bao gồm: Nhà kính; Hầm ngầm giữ gìn thi hài Bác đề phòng chiến tranh; Phòng làm thuốc giữ gìn thi hài Bác.

Một số hình cảnh của chuyến đi thực tế

Nguồn: TTCNTT, TV&TT