null Tập trung khắc phục khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội năm 2020

content:
(MPI) – Việt Nam chưa từng chùn bước trước khó khăn, luôn mạnh mẽ và đứng cao hơn thách thức nhờ vào khí chất dân tộc, sự quyết tâm, đồng thuận, trên dưới một lòng. Điều này cần được phát huy không chỉ trong nỗ lực phòng, chống với dịch Covid-19 và trong thời gian tới, để nền kinh tế không bị đổ gãy, cần hành động nhanh, hành động ngay và làm càng sớm càng tốt.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: MPI

Đây là phát biểu khai mạc của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ người lao động, bảo đảm an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh phòng chống dịch Covid-19 diễn ra ngày 10/4/2020.

Tham dự Hội nghị, tại điểm cầu của Chính phủ có các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Tại điểm cầu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư có Thứ trưởng Vũ Đại Thắng, Thứ trưởng Trần Quốc Phương và lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ. Hội nghị kết nối với 30 điểm cầu cơ quan Trung ương và 63 tỉnh, thành phố. Ngoài ra, Hội nghị còn có sự tham dự tại các điểm cầu của hiệp hội các ngành nghề.

Hội nghị thể hiện trách nhiệm của Chính phủ, các cấp, các ngành với Nhân dân nhằm ổn định đời sống Nhân dân, khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, trên tinh thần mọi cấp, mọi ngành, mọi người dân, doanh nghiệp đều cố gắng, nỗ lực khắc phục khó khăn, tập trung quyết liệt ngăn chặn dịch bệnh, đồng thời nỗ lực duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm các thành phần yếu thế của xã hội có cuộc sống tối thiểu cần thiết trong bối cảnh dịch bệnh.

Hội nghị tập trung thảo luận, cho ý kiến để hoàn thiện và sớm ban hành Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội ứng phó dịch Covid-19, với các cơ chế, chính sách tốt nhất trong điều kiện và nguồn lực cho phép, tập trung khắc phục khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và tạo đà cho các năm tiếp theo, giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh; cụ thể hóa các chủ trương, chính sách hỗ trợ, tạo thuận lợi của Đảng, Nhà nước, Chính phủ với Nhân dân, doanh nghiệp theo tinh thần quyết liệt, quyết tâm và trách nhiệm cao.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp và để lại hậu quả lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt, sản xuất kinh doanh của toàn cầu và Việt Nam. Đến nay, có 209 quốc gia và vùng lãnh thổ với trên 1,5 triệu người nhiễm, hơn 8 vạn người tử vong. Hiện có gần 5 tỷ người, khoảng một nửa dân số thế giới đang phải thực hiện biện pháp cách ly ở nhà, các thành phố lớn trên thế giới đều im ắng, vắng vẻ và hàng triệu người thất nghiệp. Tại Hội nghị, Thủ tướng bày tỏ biết ơn tất cả người dân đã đồng hành, chia sẻ và thông cảm với Chính phủ về những bất tiện do giãn cách xã hội tạo ra để ngăn ngừa dịch bệnh.

Nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19 đã được sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, điều hành của Chính phủ, đặc biệt sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Các Chỉ thị số 15/CT-TTg, 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đang được triển khai quyết liệt với những kết quả bước đầu. Với sự chủ động, kịp thời, Chính phủ đã triển khai các biện pháp mạnh mẽ như cách ly tập trung, phương châm chống dịch như chống giặc, cả hệ thống chính trị, cả xã hội và người dân đã vào cuộc để cùng chống dịch, đặc biệt là lực lượng quân đội, công an và nhiều lực lượng quan trọng khác đã được giao nhiệm vụ quan trọng này. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ra lời kêu gọi, hiệu triệu toàn quốc cùng chung tay chống dịch và đã đạt được nhiều kết quả bước đầu. Tuy vậy, lây nhiễm trong cộng đồng đang diễn ra ở một số nơi, số người lây nhiễm hằng ngày vẫn còn. Chủ trương của chúng ta là không được chủ quan, lơ là, mất kiểm soát, thực hiện một số quyết sách, trước hết là Chỉ thị số 16/CT-TTg về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, thực hiện nghiêm việc cách ly xã hội, bảo đảm giãn cách xã hội, giữ khoảng cách giữa người với người, cộng đồng với cộng đồng. Nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cộng đồng, yêu cầu người dân ở nhà, hạn chế tối đa ra ngoài. Các ngành, các cấp, các địa phương đã nghiêm túc triển khai theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Về gói hỗ trợ trực tiếp cho người dân gặp khó khăn do Covid-19, Chính phủ đã nhiều lần thảo luận, Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và sẽ ban hành Nghị quyết. Thời gian qua, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, đã chủ động, tích cực xây dựng, triển khai nhiều biện pháp nhằm phục hồi và thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội (đó là thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công với số vốn 700 nghìn tỷ đồng; tổ chức triển khai thực hiện gói hỗ trợ tài khóa 300 nghìn tỷ đồng; gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng cho người dân gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19…); Tại Hội nghị sẽ tập trung bàn các vấn đề để triển khai vấn đề này một cách tốt nhất, Thủ tướng nhấn mạnh.

Về tác động của dịch bệnh đến kinh tế - xã hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, do tình hình dịch Covid-19 đang ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế toàn cầu, các nước đều bị ảnh hưởng, trong đó có Việt Nam ảnh hưởng trầm trọng. Sau cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ năm 2008, 2009, lần này kinh tế khó khăn hơn nhiều, cú sốc toàn cầu đang diễn ra rất nghiêm trọng. Tất cả các nước gần như đều đưa ra gói kích thích kinh tế lớn nhất trong lịch sử. Chưa bao giờ các quốc gia trên thế giới đồng loạt thực hiện các giải pháp để đưa ra các gói hỗ trợ kinh tế. Cùng với thế giới, dịch Covid-19 tác động đến nhiều ngành, lĩnh vực của chúng ta. GDP quý I/2020 chỉ tăng 3,82%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ, thấp nhất kể từ năm 2011. Tuy vậy, Việt Nam có mức tăng trưởng cao nhất khu vực châu Á. Các lĩnh vực du lịch, hàng không, vận tải, khách sạn, ăn uống, giải trí bị ảnh hưởng rất nặng nề, tiếp theo là các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và tiêu dùng. Do vậy, Hội nghị này, có thể gọi là Hội nghị trực tuyến “4 trong 1” hay có thể gọi là “Tất cả trong 1” nhằm huy động tổng lực các nguồn lực của đất nước với một khí thế quyết tâm, tinh thần yêu nước, quật cường của Nhân dân Việt Nam để chiến thắng dịch bệnh Covid-19; tạo đà cho phục hồi, vươn lên phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng nhấn mạnh.

Nhiệm vụ của chúng ta là bảo đảm thực hiện nghiêm túc biện pháp, trước hết không để lây lan, sớm khống chế được dịch bệnh. Không chỉ có vậy, phải làm sao biến nguy thành cơ, sau dịch Covid-19 làm thế nào cho nền kinh tế tăng tốc, không chỉ bù đắp những tổn thất rất lớn vừa qua mà còn đạt được những tầm nhìn, những quyết tâm về một Việt Nam độc lập, tự cường và thịnh vượng.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh đến vấn đề tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế tư nhân, phải có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp liên quan đến vốn tín dụng, giảm lãi suất cho vay và yêu cầu ngành ngân hàng đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, điều hành linh hoạt công cụ lãi suất, tỷ giá, các chính sách tài khóa cụ thể để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô.

Thủ tướng cho biết, ngày 08/4/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 41/2020/NĐ-CP về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất với những gói chính sách nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp.

Thủ tướng nhấn mạnh đến vấn đề rất lớn là chỉ đạo điều hành, phải thay đổi cách làm, phải quyết liệt hơn trong cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, càng khó khăn càng tập trung cải cách, hoàn thiện các thủ tục, góp phần giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp. Các Bộ, ngành, địa phương phải đề xuất, hiến kế cần sửa đổi các quy định thủ tục để tạo thuận lợi, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ hơn…

Thủ tướng đặc biệt lưu ý đến vai trò của các địa phương đối với đầu tư tư nhân, thu hút FDI và yêu cầu cần có chương trình cụ thể thu hút FDI, đón đầu làn sóng đầu tư vào khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam; nâng cao năng lực cạnh tranh của đất nước cũng như của các địa phương có ý nghĩa rất quan trọng; vai trò của các tập đoàn, doanh nghiệp, các đầu tàu kinh tế, các vùng kinh tế trọng điểm rất quan trọng. Thủ tướng yêu cầu các địa phương tập trung chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn cùng cả nước thực hiện phát triển kinh tế - xã hội. Chính phủ sẽ tổ chức một hội nghị toàn quốc với các doanh nghiệp, Thủ tướng cho biết.

Đối với giải ngân vốn đầu tư công, cần nêu rõ yêu cầu, nhận thức trong toàn quốc; các cấp, các ngành phải giải ngân hết vốn còn lại của năm 2019 và vốn kế hoạch năm 2020 với tổng số vốn gần 700 nghìn tỷ đồng, tương đương gần 30 tỷ USD, không để dồn lại cuối năm như những năm trước đây. Đồng thời, xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng đối với cấp ủy, chính quyền các cấp, các Bộ, ngành, cơ quan trung ương, địa phương theo tinh thần “Bộ ngành nào, cơ quan nào, địa phương nào làm chậm thì người đứng đầu phải trực tiếp kiểm điểm trách nhiệm”, nếu đến tháng 9/2020 dự án nào không giải ngân thì sẽ điều chuyển vốn sang cơ quan, đơn vị khác và thành lập tổ kiểm tra đặc biệt về vấn đề này.

Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu Hội nghị cần đưa ra được các cơ chế, chính sách, giải pháp cụ thể, mạnh mẽ, đúng và trúng để duy trì, phục hồi các hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm việc làm, đời sống trong thời gian có dịch, đặc biệt thúc đẩy nền kinh tế bật mạnh sau khi kết thúc dịch, “như một chiếc lò xo bị nén lâu ngày, phải bật ra, đuổi kịp với thời gian”. Ngay sau Hội nghị quan trọng này, Chính phủ sẽ ban hành ngay một Nghị quyết tổng thể của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; thúc đẩy đầu tư công; bảo đảm an sinh xã hội và trật tự an toàn xã hội và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ triển khai gói cứu trợ cho người dân chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại lời dạy của Bác Hồ:

“Không có việc gì khó

Chỉ sợ lòng không bền

Đào núi và lấp biển

Quyết chí ắt làm nên”

Thủ tướng tin tưởng rằng dịch bệnh sẽ được ngăn chặn; thực hiện đồng bộ các giải pháp để phục hồi kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội; giữ vững an ninh - quốc phòng. Đồng thời nhấn mạnh, việc chống dịch là nhiệm vụ hàng đầu trong giai đoạn hiện nay.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận Hội nghị. Ảnh: MPI

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các ý kiến nhiệt huyết, trách nhiệm, đặc biệt là một số giải pháp thiết thực với khí thế, quyết tâm cao, rất đúng hướng. Đồng thời nhấn mạnh, quyết tâm chống dịch, thực hiện tốt Chỉ thị số 16/CT-TTg, thực hiện nghiêm túc việc giãn khoảng cách, không ngăn sông cấm chợ, không ngăn cấm vận chuyển hàng hóa, vật tư thiết bị. Sản xuất được tổ chức nhưng phải giữ đúng khoảng cách, không để lây nhiễm trong cộng đồng. Sau ngày 15/4/2020, Chính phủ và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 sẽ họp và có quyết sách còn trong thời điểm này thì vẫn phải nghiêm túc thực hiện việc cách ly xã hội.

Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương cùng chung sức đồng lòng, phối hợp chặt chẽ và có quyết tâm cao trong tổ chức thực hiện với tinh thần “dịch bệnh làm chúng ta khó khăn gấp đôi thì chúng ta phải cố gắng gấp ba” và tinh thần này đã được thực hiện rất tốt trong thời gian qua.

Trong thời gian tới, cần thành lập Ban chỉ đạo của từng địa phương để xử lý điểm nghẽn, nhất là các dự án, phải tập trung sức lực hơn nữa để tháo gỡ khó khăn, chấm dứt tình trạng chậm trễ, trì trệ đã diễn ra ở một số địa phương trong thời gian qua.

Nhắc lại tăng trưởng GDP quý I/2020, Thủ tướng cho rằng, đây là mức tăng trưởng đáng khích lệ trong bối cảnh tình hình chung của quốc tế. Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, sau Hội nghị này phải có chỉ đạo cụ thể, sáng tạo hơn trên tinh thần biến nguy cơ thành thời cơ trong thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế với những giải pháp mạnh mẽ đối với từng ngành, lĩnh vực. Chính phủ sẽ trực tiếp tháo gỡ 91 kiến nghị được các địa phương nêu ra tại Hội nghị và sẽ xử lý nghiêm tình trạng chậm chạp, vô trách nhiệm để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, đầu tư kinh doanh, đảm bảo trật tự, an sinh xã hội.

Đồng thời, cần đẩy mạnh sản xuất, kể cả công nghiệp, dịch vụ và đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp. Cùng với xuất khẩu cần chú trọng hơn nữa thị trường trong nước với quy mô 100 triệu dân. Bên cạnh sản xuất và lưu thông thuận lợi, cần chống đầu cơ tăng giá, nhất là giá thịt lợn. Cùng với đó, cần chú ý đến công tác đối ngoại, nhất là với vai trò Chủ tịch ASEAN. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp. Đổi mới hơn nữa công tác truyền thông và quyết tâm, đồng lòng để tạo nên động lực mới từ truyền thông…

Trên tinh thần đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tin tưởng, với khí thế, quyết tâm mới trong giai đoạn mới, chúng ta sẽ vượt khó đi lên, đảm bảo sản xuất, ổn định đời sống, an sinh xã hội để thực hiện mục tiêu kép đẩy lùi dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng thời nhấn mạnh, việc ban hành một nghị quyết mới của Chính phủ phải mang hơi thở cuộc sống và ý chí Cách mạng của cả hệ thống chính trị, của Đảng và Nhà nước. Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng các Bộ, ngành khẩn trương xây dựng kịch bản đưa nền kinh tế phục hồi, bật lên mạnh mẽ sau dịch, chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổng hợp các khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị để đưa vào Nghị quyết của Chính phủ. Cùng với đó, phải có văn bản trả lời các kiến nghị để tạo thuận lợi cho các Bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai thực hiện./.

 

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư