null Đoàn đại biểu Học viện Chính sách và Phát triển tham dự Lễ kỷ niệm ngày Thương binh, Liệt sĩ tại hai xã, xã An Khánh và xã An Thượng, huyện Hoài Đức, Hà Nội.

content:

Sáng 27/7/2022, tại Đài tưởng niệm các liệt sĩ, Ủy ban nhân dân, các Ban, Ngành, Cán bộ và Nhân dân hai xã, xã An Khánh và xã An Thượng huyện Hoài Đức long trọng kỷ niệm 75 năm ngày thương binh liệt sỹ.

Đoàn đại biểu dâng vòng hoa trước anh linh các anh hùng, liệt sĩ

Hòa chung không khí trang trọng và linh thiên này, đoàn đại biểu do đồng chí Giang Thanh Tùng, Bí thư Đảng ủy Học viện, Chủ tich Hội đồng Học viện cùng các thành viên đoàn đã tới thành kính đặt vòng hoa và dâng nén tâm hương tưởng nhớ tới anh linh các anh hùng, liệt sĩ của xã nhà.

Đồng chí Giang Thanh Tùng cùng các đồng chí Lãnh đạo Học viện thắp hương tại Đài tưởng niệm xã An Thượng, huyện Hoài Đức, Hà Nội

Tiếp đó, đoàn thắp hương, tham quan khu tưởng niệm và tìm hiểu về lịch sử hào hùng của hai xã.

Thành viên đoàn thắp hương tại Đài tưởng niệm xã An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Nội

 

Lịch sử, ý nghĩa ngày thương binh liệt sĩ 27/7

Lịch sử, nguồn gốc ngày 27/7

Trước nỗi đau chiến tranh bao trùm lên toàn dân tộc, nhiều người vợ trẻ mất chồng, nhiều đứa con mất bố, nhiều gia đình tan vỡ. Để phần nào xoa dịu nỗi đau mất mát của gia đình các chiến sĩ, đồng bào, Chính quyền Việt Nam đã xúc tiến vận động thành lập một tổ chức, lấy tên gọi là Hội giúp binh sĩ tử nạn.

Đầu năm 1946, Hội giúp binh sĩ tử nạn (sau đó đổi tên Hội giúp binh sĩ bị thương) được thành lập ở Thuận Hoá (Bình Trị Thiên) ở Hà Nội và một số nơi khác.

Ngày 19/12/1946, Hà Nội chính thức phát động chiến tranh với Pháp, chiến tranh lan rộng ra nhiều vùng. Số người bị thương và chết tăng lên nhanh chóng do sự chênh lệch về trang bị vũ khí cũng như những chiến thuật chiến đấu. Đời sống của binh lính lúc đó, nhất là những binh sĩ bị thương gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn do tình cảnh khó khắn của Chính phủ Việt Nam bấy giờ.

Trước yêu cầu đó, cùng với việc kêu gọi giúp đỡ thương binh gia đình tử sĩ, vào năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 20/SL ngày 16/8/1947, Quy định chế độ hưu bổng thương tật và tiền tuất tử sĩ. Đây là văn bản pháp quy đầu tiên khẳng định vị trí quan trọng của công tác thương binh liệt sĩ đối với cuộc chiến tranh của Việt Nam.

Để chỉ đạo công tác thương binh tử sĩ trong cả nước, ngày 26/2/1947, Phòng thương binh thuộc Chính trị Cục, quân đội quốc gia Việt Nam được thành lập. Đầu tháng 7/1947 Ban Vận động tổ chức Ngày Thương binh toàn quốc cũng được thành lập. Cùng thời gian này, tại xóm Bàn Cờ, xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, các đại biểu Tổng bộ Việt Minh, Trung ương Hội Phụ nữ cứu quốc, Trung ương Đoàn Thanh niên cứu quốc, cục Chính trị Quân đội quốc gia Việt Nam, Nha Thông tin tuyên truyền và một số địa phương đã dự một cuộc họp do cục Chính trị Quân đội quốc gia Việt Nam tổ chức.

Nội dung cuộc họp là thực hiện chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn ngày kỷ niệm Thương binh Liệt sĩ và bảo vệ công tác thương binh liệt sĩ. Tại cuộc họp này, theo đề nghị của đại diện Chính trị Cục quân đội Quốc gia Việt Nam, sau khi cân nhắc nhiều mặt, hội nghị nhất trí đề nghị Trung ương lấy ngày 27/7/1947 làm ngày thương binh liệt sĩ.

Từ tháng 7/1955, Ngày thương binh được đổi thành Ngày thương binh liệt sĩ để ghi nhận những hy sinh lớn lao của đồng bào, chiến sĩ cả nước cho chiến thẳng vẻ vang của toàn dân tộc. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, theo chỉ thị 223/CT-TW ngày 8/7/1975 của Ban Bí thư Trung ương Đảng từ năm 1975, ngày 27/7 hàng năm chính thức trở thành "Ngày thương binh liệt sĩ" của cả nước.

Đây là ngày toàn dân cùng thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn. Các đại biểu đã nhất trí chọn ngày 27/7 hàng năm là ngày Thương binh toàn quốc, là dịp để người dân tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái và tỏ lòng yêu mến thương binh.

Ý nghĩa ngày 27/7

Ngày Thương binh Liệt sỹ 27/7 có ý nghĩa quan trọng với toàn dân Việt Nam. Ngày 27/7 là ngày thể hiện truyền thống “hiếu nghĩa bác ái”, lòng quý trọng và biết ơn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với những chiến sỹ đã hy sinh vì nền độc lập, tự do và thống nhất của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Ngày 27/7 là ngày phát huy tinh thần yêu nước, củng cố và bồi đắp niềm tin vào sự nghiệp cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.

Trích bài viết tại http://tuyengiaobinhphuoc.org.vn/tuyen-truyen/lich-su-y-nghia-ngay-thuong-binh-liet-si-27-7-30.html