null Hội thảo khoa học cấp quốc gia: Giải pháp hình thành và phát triển thị trường mua bán nợ ở Việt Nam đến năm 2035, các điều kiện thực hiện

        Ngày 15/11/2019, Học Viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề: Giải pháp hình thành và phát triển thị trường mua bán nợ ở Việt Nam đến năm 2035, các điều kiện thực hiện, trong khuôn khổ đề tài cấp nhà nước "Luận cứ khoa học cho việc hình thành và phát triển thị trường mua bán nợ của doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng của Việt nam" (mã số KX.01.22/16-20), do Học viện Chính sách và Phát triển chủ trì thực hiện.

PGS.TS Đào Văn Hùng - Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển, Chủ nhiệm đề tài

        Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Đào Văn Hùng - Giám đốc Học viện, Chủ nhiệm Đề tài đã đã khẳng định, hình thành và phát triển thị trường mua bán nợ ở Việt Nam là vấn đề cấp bách đối với nền kinh tế.

GS.TS Lê Văn Cường - Đại học Paris I- Pantheon Sorbonne (Cộng hòa Pháp)

TS. Cấn Văn Lực - Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, Giám đốc Viện Đào tạo&Nghiên cứu BIDV 

        Buổi Hội thảo đã nhận được nhiều bài tham luận của các chuyên gia trong và ngoài nước. Mở đầu là GS.TS Lê Văn Cường - Đại học Paris I - Pantheon Sorbonne (Cộng hòa Pháp) với tham luận chỉ ra mối liên hệ giữa thị trường nợ và nền kinh tế thực và những nguyên nhân gây ra bong bóng tài sản. Tuy vậy, theo GS. TS. Lê Văn Cường, việc xác định khi nào bong bóng vỡ là rất khó trong thực tiễn. Trong bài trình bày tiếp theo, TS. Cấn Văn Lực - Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, Giám đốc Viện Đào tạo và nghiên cứu BIDV chỉ ra những điều cần có để phát triển thị trường mua bán nợ tại Việt Nam dựa trên tổng hợp kinh nghiệm quốc tế. Theo TS. Cấn Văn Lực, sáu điều kiện chính để phát triển thị trường mua bán nợ là: i. Hệ thống luật chặt chẽ và chi tiết cho hoạt động mua bán nợ; ii. Quy định tiêu chuẩn về việc định giá nợ và tài sản đảm bảo; iii. Đa dạng hóa các loại hàng hóa và phương thức mua bán nợ; iv. Thông tin minh bạch về khoản nợ, bên mua, bên bán; v. Khuyến khích nhà đầu tư tư nhân tham gia thị trường; vi. Phát triển thị trường thứ cấp.

TS. Đào Hoàng Tuấn – Viện trưởng Viện Đào tạo quốc tế, Học viện Chính sách và Phát triển

        Trong phần tiếp theo, TS. Đào Hoàng Tuấn - Viện trưởng Viện Đào tạo quốc tế, Học viện Chính sách và Phát triển tham gia trình bày về mối quan hệ tương tác giữa nợ xấu của các tổ chức tín dụng và nền kinh tế. Theo TS. Đào Hoàng Tuấn, mối quan hệ giữa nợ xấu của các tổ chức tín dụng và nền kinh tế là mối quan hệ hai chiều, tương tác lẫn nhau.  PGS.TS Trần Thị Thanh Tú (Chủ nhiệm Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) tham gia hội thảo với bài viết về ảnh hưởng của tín dụng thương mại tới nền kinh tế và đề xuất cần thành lập trung tâm thông tin để minh bạch hóa thông tin liên quan tới các doanh nghiệp.

        Trong phiên trao đổi và thảo luận, Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu. Ông Phạm Xuân Hòe, Phó viện trưởng Viện chiến lược, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nêu ra vấn đề vướng mắc về việc xử lý chênh lệch giữa giá trị sổ sách và giá trị thực tế của tài sản đảm bảo. TS. Phạm Minh Tú, chánh văn phòng VAMC, thì cho rằng chỉ khi hiểu rõ bản chất của thị trường mua bán nợ thì mới có thể tạo hành lang pháp lý tốt cho thị trường. Bên cạnh đó, TS. Nguyễn Quang Thương, Vụ phó Vụ Phát triển thị trường – Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, cho biết, hiện nay Ủy ban chứng khoán Nhà nước được giao trách nhiệm xây dựng Luật chứng khoán hóa, tuy nhiên đây là công việc tương đối khó khăn. Việc lạm dụng chứng khoán hóa trong bối cảnh hành lang pháp lý và bộ máy quản lý chưa tốt có thể gây ra những rủi ro rất lớn, như những gì đã diễn ra ở Hoa Kỳ trong giai đoạn trước khủng hoảng tài chính năm 2008-2009

Quang cảnh buổi hội thảo

        Ban tổ chức Hội thảo đánh giá cao các ý kiến đóng góp và cho biết sẽ tiếp thu, lựa chọn để đưa vào báo cáo tổng hợp cũng như trong các đề xuất, kiến nghị của đề tài gửi tới các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan. Kết thúc hội thảo, PGS.TS. Đào Văn Hùng một lần nữa nhấn mạnh sự cần thiết ra đời thị trường mua bán nợ tại Việt Nam và cảm ơn các chuyên gia đã tham gia trao đổi thảo luận tại Hội thảo.

Nguồn: Trung tâm CNTT, TV&TT; Phòng Quản lý KH-HT