null TIẾNG NÓI APD TRONG VẤN ĐỀ HỘI NHẬP

content:

Nền kinh tế Việt Nam bước sang năm 2020 với nhiều thời cơ và thách thức khi một loạt các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) sẽ chính thức có hiệu lực. Trong chương trình Luận đàm “Doanh nghiệp trước ngưỡng cửa hội nhập 2020” trên truyền hình Nhân dân (thuộc báo Nhân dân), phát sóng ngày 05 tháng 01 năm 2020, TS. Đào Hoàng Tuấn (Học viện Chính sách và Phát triển) và TS. Đào Phương Bắc (Đại học FPT) cùng trao đổi với ban Biên tập về những cơ hội và thách thức của các doanh nghiệp Việt Nam trong thời kỳ hội nhập.

        Theo một số số liệu khảo sát mới nhất, có đến 60% các doanh nghiệp Việt Nam cho rằng các Hiệp định Thương mại tự do không ảnh hưởng đến các hoạt động kinh doanh của họ. TS. Đào Hoàng Tuấn cho rằng số liệu này phản ánh thực chất của năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam. Nếu nhìn vào các con số về cán cân thương mại được tạo ra giữa khu vực doanh nghiệp FDI và khu vực doanh nghiệp trong nước sẽ thấy có sự khác biệt rõ rệt. Trong khi khu vực doanh nghiệp FDI tạo ra thặng dư thương mại rất lớn, lên đến 32,2 tỉ USD trong năm 2019, thì cán cân thương mại tạo ra bởi khu vực doanh nghiệp trong nước lại thâm hụt 21,24 tỷ USD. Rõ ràng, khu vực FDI đang tận dụng tốt hơn lợi thế của các FTA so với khu vực doanh nghiệp trong nước. Mặc dù vậy, TS. Đào Hoàng Tuấn cũng cho rằng năm 2019 ghi nhận những dấu mốc mới của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, khi chúng ta chứng kiến những sản phẩm công nghệ cao và những công trình trọng điểm được tạo ra và xây dựng hoàn toàn bởi các doanh nghiệp Việt Nam. Đây là cơ sở để hy vọng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục lớn mạnh để sẵn sàng đương đầu với sự cạnh tranh gay gắt sẽ diễn ra trong thời gian tới.

        TS. Đào Phương Bắc cho rằng một trong những hạn chế lớn của các doanh nghiệp Việt Nam là cách tiếp cận quản trị theo chuẩn mực quốc tế. Muốn gia nhập một sân chơi lớn hơn và trở thành đối tác của các doanh nghiệp nước ngoài thì các doanh nghiệp của chúng ta cũng cần những cách tiếp cận mới trong quản trị doanh nghiệp.

        Một trong những điểm sáng của hội nhập là ngày càng có nhiều doanh nghiệp chủ động trong việc tìm hiểu các kiến thức và kinh nghiệm trong việc tìm kiếm các lợi ích đến từ các hiệp định thương mại. Các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp trẻ, rất cầu thị trong việc tìm hiểu các vấn đề về quản trị, về công nghệ, về quy định-chính sách, về những thị trường mở ra từ các FTA. Về mặt chính sách, Chính phủ nên tạo ra những cơ chế để khuyến khích các doanh nghiệp, các hiệp hội tự đào tạo để liên tục thích nghi với những đòi hỏi của hội nhập và sự phát triển như vũ bão trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Trong công tác đào tạo, việc phối hợp nhịp nhàng giữa Chính phủ, các hiệp hội và các doanh nghiệp là hết sức quan trọng để tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng.

Theo dõi toàn bộ nội dung buổi luận đàm tại:

 

hoặc https://nhandantv.vn/doanh-nghiep-truoc-nguong-cua-hoi-nhap-2020-n126932.htm