null Tóm tắt thuyết minh đề tài " XÚC TIẾN HÌNH THÀNH TRUNG TÂM TÀI CHÍNH QUỐC TẾ ĐỂ THU HÚT ĐẦU TƯ TỪ CÁC NGÂN HÀNG, CÔNG TY TÀI CHÍNH VÀ QUỸ ĐẦU TƯ LỚN "

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã trở thành một quốc gia có mức thu nhập trung bình. Nguồn vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) có xu hướng giảm; trong khi đó, các nguồn vốn huy động của chính phủ để đầu tư hạ tầng đang gặp khó khăn do vấn đề nợ công.Theo nghiên cứu “Xác định phạm vi nợ công và trần nợ công an toàn của Việt Nam giai đoạn 2014-2020” của Học viện Chính sách và Phát triển, nợ công của Việt Nam đang ở mức 61,28% GDP. Ngưỡng trần nợ công an toàn cho Việt Nam là 68%-70% GDP. Các nguồn vốn đầu tư gián tiếp sau thời gian bùng nổ trong giai đoạn 2005 – 2007 đã chững lại. Nếu như nguồn vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) vào thị trường chứng khoán Việt Nam lên tới trên 8% GDP trong giai đoạn này, thì những năm sau đó, con số này chỉ ở mức không quá 2% GDP.

Mặc dù nguồn cung vốn cho đầu tư phát triển của Việt Nam không có sự tăng trưởng đột biến, nhu cầu về vốn của Việt Nam ngày càng tăng. Theo nghiên cứu “Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giai đoạn 2011-2020”, chỉ riêng nhu cầu về vốn cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho giai đoạn này, Việt Nam cần tới 143 tỷ USD. Theo kết quả của cuộc hội thảo “Sáng kiến nhằm đạt hiệu quả cao trong đấu thầu” diễn ra vào ngày 04/08/2014 do Bộ Kế hoạch và Đầu Tư phối hợp với Cơ quan Thương mại và Phát triển Hoa Kỳ tổ chức, trong vòng 10 năm tới (2015-2025), Việt Nam cần tới 500 tỷ đô la Mỹ (USD) để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Trong khi đó, nguồn lực huy động được trong nước dự kiến sẽ chỉ vào khoảng 200 tỷ USD.

Để đáp ứng kịp thời nhu cầu về vốn cho đầu tư phát triển, Việt Nam cần phải huy động hiệu quả cả nguồn vốn trong nước và ngoài nước. Chính vì vậy, nhu cầu hình thành và phát triển một Trung tâm tài chính quốc tế có năng lực cạnh tranh và cân bằng về cấu trúc để thu hút vốn đầu tư của các tổ chức trong và ngoài nước đang là vấn đề cấp bách cho việc đáp ứng nhu cầu vốn trung và dài hạn của nền kinh tế.

Trong nghiên cứu của mình, nhóm nghiên cứu đã nghiên cứu những khái niệm, đặc điểm của Trung tâm tài chính quốc tế và vai trò của Trung tâm tài chính quốc tế đối với nền kinh tế thực. Chúng tôi đã nghiên cứu kinh nghiệm của Kuala Lumpur (Malaysia) trong việc hình thành và phát triển Trung tâm tài chính quốc tế Hồi giáo, kinh nghiệm của Thượng Hải (Trung Quốc) trong việc hình thành Trung tâm tài chính quốc tế khi chưa tự do hóa tài khoản vốn và kinh nghiệm của Thái Lan trong việc kiểm soát dòng vốn trong cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á năm 1997. Chúng tôi cũng nghiên cứu mối quan hệ giữa chỉ số tự do hóa tài khoản vốn (chỉ số được xây dựng bởi Chinn và Ito, 2008) và việc hình thành Trung tâm tài chính quốc tế, cũng như tham khảo những nghiên cứu về hệ quả của việc tự do hóa tài khoản vốn đối với các nước đang phát triển. Chúng tôi kết luận rằng mặc dù tự do hóa tài khoản vốn tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành Trung tâm tài chính, trong giai đoạn đầu, Việt Nam chưa nên tự do hóa tài khoản vốn hoàn toàn mà nên xây dựng quy chế đặc khu như Thượng Hải cho Trung tâm tài chính quốc tế.

Nhóm nghiên cứu cũng đánh giá thực trạng của đầu tư từ các quỹ đầu tư nước ngoài và các ngân hàng nước ngoài vào Việt Nam. Chỉ có 2 trong số 50 quỹ đầu tư lớn nhất thế giới có mặt ở Việt Nam, so với con số 37 ở Singapore, hay 8 ở Malaysia. Tổng tài sản của 2 quỹ này tại Việt Nam cũng rất bé so với tổng tài sản của 2 quỹ này tại các nước khác trong khu vực. Có 17 trong tổng số 50 ngân hàng lớn nhất thế giới có mặt tại Việt Nam.Con số này không thấp, tuy nhiên quy mô của các ngân hàng này là rất nhỏ so với ngay cả các ngân hàng nội địa tại Việt Nam.Trong số 10 ngân hàng lớn nhất Việt Nam, không có sự góp mặt của một ngân hàng nước ngoài nào.Điều này hoàn toàn khác với các nước trong khu vực.Qua đó, nhóm nghiên cứu kết luận rằng mức độ đầu tư của các quỹ đầu tư nước ngoài, các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam là rất hạn chế so với các nước trong khu vực.

Mặc dù thực trạng thu hút vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài từ các quỹ đầu tư nước ngoài, các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam là rất hạn chế, nhưng nhóm nghiên cứu đã chỉ ra những lợi thế cạnh tranh của Việt Nam và khẳng định rằng Việt Nam có thể hình thành và phát triển một Trung tâm tài chính quốc tế tầm cỡ khu vực. Nhóm nghiên cứu đưa ra một số các tiêu chí so sánh lợi thế cạnh tranh của Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh và kết luận rằng Trung tâm tài chính quốc tế, nếu được hình thành và phát triển, nên đặt tại TP. Hồ Chí Minh. Nhóm nghiên cứu đưa ra các kiến nghị, giải pháp và lộ trình cho việc hình thành Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam.

Nguồn : Nhóm nghiên cứu khoa TCTT và Phòng Khoa học Hợp tác