null Tóm tắt thuyết minh đề tài " Giải pháp xây dựng và khai thác lợi thế của Hà Nội trong Vùng Thủ đô giai đoạn 2016- 2020, tầm nhìn 2030 "

I. THÔNG TIN CHUNG VỀ ĐỀ TÀI

  1. Tên đề tài: Giải pháp xây dựng và khai thác lợi thế của Hà Nội trong Vùng Thủ đô giai đoạn 2016- 2020, tầm nhìn 2030
  2. Mã số đề tài: 01X-10/03-2015-2
  3. Số Quyết định: 6599/QĐ-UBND ngày 10/12/2014 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội.
  4. Thời gian thực hiện: 18 tháng (Từ tháng 01/ 2015 đến tháng 6/ 2015)
  5. Thư ký đề tài: Ths. Nguyễn Thị Đông

5.     Tổ chức chủ trì đề tài: Học viện Chính sách và Phát triển

6.     Chủ nhiệm đề tài: PGS.TS Nguyễn Văn Phúc

II. MỤC TIÊU, NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG ÁN TỔ CHỨC THỰC HIỆN ĐỀ TÀI

  1. 1.     Tính cấp thiết

           Phát triển kinh tế- xã hội theo vùng lãnh thổ là một nội dung và một khía cạnh cơ bản của tất cả các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội ở tất cả các quốc gia, bên cạnh nội dung phát triển kinh tế- xã hội theo các ngành kinh tế- kỹ thuật. Trên thực tế, vấn đề gắn kết phát triển kinh tế theo ngành kinh tế- kỹ thuật và theo lãnh thổ đã được quán triệt một cách rộng rãi, được thực hiện ở các cấp từ trung ương đến địa phương. Cho tới nay, lập và thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển theo lãnh thổ thường được xem xét ở 3 cấp độ: (1) Kinh tế lãnh thổ trên phạm vi toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Theo đó, các nguồn lực và năng lực sản xuất được bố trí theo các vùng kinh tế trọng điểm. (2) Nền kinh tế của các đơn vị hành chính (tỉnh, huyện, xã và các đơn vị cơ sở cấp dưới xã trong các kế hoạch của xã). (3) Nền kinh tế của vùng (theo nghĩa là một không gian có mối liên kết chặt chẽ về mặt kinh tế- xã hội, không nhất thiết đồng nhất với sự phân chia không gian lãnh thổ theo địa giới hành chính). Cho tới nay, việc nghiên cứu kinh tế lãnh thổ theo hai phương thức đầu tiên đã được triển khai và hiện thực hóa khá phổ biến. Riêng với phát triển kinh tế vùng theo cách tiếp cận thứ ba chưa được thực hiện phổ biến. Năm 2008, Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch Vùng Thủ đô Hà Nội với Hà Nội là hạt nhân trung tâm và 7 tỉnh xung quanh (Hà Tây, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nam và Hòa Bình). Năm 2013, Vùng Thủ đô được mở rộng, bao gồm thêm 4 tỉnh là Thái Bình, Bắc Giang, Thái Nguyên và Phú Thọ. Mục đích của việc xây dựng Vùng Thủ đô là kết nối các địa phương xung quanh với Hà Nội để phát huy lợi thế của từng địa phương, đảm bảo các địa phương trong vùng bổ sung lợi thế riêng có của mình để khắc phục những mất cân đối của riêng từng địa phương, từ đó tạo ra sự phát triển kinh tế- xã hội nhanh và bền vững, đồng thời tránh sự đầu tư, phát triển trùng lắp, nâng cao tính đồng bộ của hệ thống kết cấu hạ tầng và việc khai thác chúng. Trong bối cảnh nguồn lực hạn chế và yêu cầu tăng trưởng nhanh, bền vững, vấn đề của Hà Nội cũng như mỗi địa phương khác trong Vùng Thủ đô, không phải là khai thác tất cả các lợi thế mà mỗi địa phương có được, mà là lựa chọn những lợi thế nào có thể khai thác một cách thuận lợi nhất, tốn ít chi phí nhất và đem lại lợi ích nhiều, nhanh và bền vững nhất. Trong bối cảnh đó, chính Hà Nội và các địa phương khác trong vùng đều được hưởng lợi do môi trường kinh tế- xã hội toàn vùng được cải thiện.  Ngoài việc triển khai quy hoạch nói trên, bản thân việc lựa chọn những lợi thế mà Thủ đô cần xây dựng, củng cố và khai thác một cách có hiệu quả cũng là một vấn đề cần được nghiên cứu trước để chuẩn bị cho công tác xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của Thành phố.   

  1. 2.        Mục tiêu nghiên cứu

-         Xác định và đánh giá những lợi thế so sánh của Hà Nội so với các địa phương trong Vùng Thủ đô;

-         Phân tích, đề xuất những lợi thế so sánh mà Hà Nội nên lựa chọn để ưu tiên củng cố, khai thác và tiếp tục phát triển nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội Thủ đô trong giai đoạn 2016- 2020 và những năm tiếp theo (tầm nhìn 2030);

-         Đề xuất những giải pháp củng cố, phát triển và khai thác các lợi thế so sánh đã lựa chọn để phục vụ việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội Thành phố trong giai đoạn 2016- 2020 và những năm tiếp theo (tầm nhìn 2030).

  1. 3.     Phạm vi nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu, kỹ thuật sẽ sử dụng:

 3.1. Về phạm vi nghiên cứu

          Đề tài sẽ đánh giá tổng quát lợi thế của các địa phương thuộc Vùng Thủ đô Hà Nội và tập trung nghiên cứu lợi thế/ lợi thế so sánh của Hà Nội, đi sâu phân tích những lợi thế của Thủ đô ở một số ngành, một số lĩnh vực mà lâu nay vẫn được cho là có lợi thế lớn và rõ rang so với các địa phương khác trong Vùng Thủ đô.

 3.3. Phương pháp nghiên cứu, kỹ thuật sử dụng:

         Đề tài sử dụng kết hợp các phương pháp tổng hợp và phân tích số liệu thứ cấp, nghiên cứu thực địa, phân tích tương quan hồi quy, mô hình hóa để phân tích quan hệ nhân quả và phương pháp chuyên gia. Các công cụ và kỹ thuật dự kiến được sử dụng sẽ là: (1) Bộ câu hỏi định hướng phục vụ phỏng vấn. (2) Các mô hình phân tích định lượng kinh tế vĩ mô.

  1. 4.     Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của vấn đề nghiên cứu

Đề tài này được đề xuất và triển khai chính là để cung cấp một số căn cứ khoa học nhằm góp phần làm rõ đâu là những lợi thế mà Hà Nội đang có, mức độ vượt trội của chúng so với các địa phương lân cận tới đâu, đâu là những lợi thế mà cần ưu tiên khai thác, đâu là những lợi thế mà Thành phố nên củng cố, phát triển và khai thác trong 5 năm tới; đồng thời cần có những cơ chế, giải pháp gì để xây dựng, củng cố và khai thác những lợi thế này cho giai đoạn tiếp theo. Kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu thông tin phục vụ xây dựng kế hoạch phát triển của Thành phố giai đoạn 2016- 2020

  1. 5.     Nội dung nghiên cứu của đề tài

Nội dung 1: Nghiên cứu bản chất của các lợi thế/ lợi thế so sánh và việc khai thác, tận dụng chúng phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội của một địa phương.

Nội dung 2: Nghiên cứu bản chất, đặc điểm, những yêu cầu đặt ra đối với sự liên kết vùng và ứng dụng trong trường hợp của Hà Nội trên địa bàn Vùng Thủ đô

Nội dung 3: Nghiên cứu thực trạng phát triển kinh tế- xã hội của Hà Nội trong những năm qua

Nội dung 4: Đánh giá lợi thế của Hà Nội trong Vùng Thủ đô và việc khai thác lợi thế của Hà Nội trong việc liên kết Vùng Thủ đô

Nội dung 5: Nghiên cứu căn cứ và lựa chọn những lợi thế cần ưu tiên khai thác, tận dụng để phát triển kinh tế- xã hội Hà Nội theo quan điểm tối đa hóa lợi ích toàn Vùng Thủ đô trong giai đoạn 2016- 2020 và tầm nhìn 2030

Nội dung 6: Nghiên cứu và đề xuất phương hướng, giải pháp khai thác các lợi thế của Hà Nội trong giai đoạn 2016- 2020, tầm nhìn 2030

Nội dung 7: Nghiên cứu và đề xuất các cơ chế, chính sách nhằm củng cố, phát triển các lợi thế của Hà Nội trên địa bàn Vùng Thủ đô nhằm phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2016- 2020 và tầm nhìn 2030.