null HỘI THẢO KHOA HỌC KHOA KINH TẾ ĐỐI NGOẠI VỚI CHỦ ĐỀ “HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI TỰ DO (FTA) VIỆT NAM – HÀN QUỐC: TÁC ĐỘNG TỚI THƯƠNG MẠI VÀ ĐẦU TƯ SONG PHƯƠNG”

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA) kết thúc đàm phán vào tháng 12/2014 và chính thức được đại diện Chính phủ hai nước ký kết vào ngày 05/05/2015, hiệp định FTA này được kỳ vọng sẽ đem lại nhiều cơ hội cho hai quốc gia về thương mại và đầu tư.

Nhằm cung cấp thông tin nội dung tóm tắt cũng như đánh giá những cơ hội và thách thức của hiệp định FTA Việt Nam – Hàn Quốc đi vào hiệu lực trong thời gian tới, được sự đồng ý của lãnh đạo Học viện Chính sách và Phát triển cũng với sự hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA), Khoa Kinh tế Đối ngoại tổ chức thành công buổi hội thảo khoa học “Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam – Hàn Quốc: Tác động tới thương mại và đầu tư song phương”

Đến tham dự buổi hội thảo khoa học có đại diện từ phía khách mời đến từ Cục phát triển doanh nghiệp và Trung tâm Thông tin & dự báo kinh tế xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Cục xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công thương, các Sở Công thương Hà Nội, Ninh Bình và Hòa Bình. Đại diện của Phó trưởng đại diện, Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc tại Việt Nam. Về phía Học viện Chính sách và Phát triển có PGS, TS. Đào Văn Hùng, TS. Bùi Thúy Vân – Trưởng Khoa Kinh tế Đối Ngoại, ThS. Tân Anh – Trưởng khoa Ngoại ngữ kiêm Phó phòng Khoa học và Hợp tác cùng với các cán bộ, giảng viên các Khoa, Bộ môn và sinh viên Khoa Kinh tế Đối ngoại của Học viện.

Quang cảnh buổi hội thảo ngày 14/05/2015

Mở đầu buổi hội thảo, PGS, TS. Đào Văn Hùng – Giám đốc Học viện đã phát biểu khai mạc. Trong đó, đã nêu rõ những lợi ích từ hiệp định FTA Việt Nam – Hàn Quốc tới thương mại và đầu tư đối với cộng đồng doanh nghiệp hai nước trong thời gian tới, đồng thời PGS, TS Đào Văn Hùng cũng đã nêu khái quát những thách thức của doanh nghiệp và chính phủ Việt Nam trong quá trình hội nhập hơn nữa vào kinh tế toàn cầu, đặc biệt trong trao đổi thương mại và đầu tư với đối tác Hàn Quốc. Ngoài ra, hội thảo cũng mong muốn nhận được đóng góp kinh nghiệm từ các cơ quan liên quan nhằm hỗ trợ và chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho doanh nghiệp khi hiệp định đi vào thực hiện. Hội thảo cũng là hoạt động nhằm thúc đẩy hơn nữa việc chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn của các chuyên gia Hàn Quốc liên quan đến chính sách thương mại quốc tế. 

Phát biểu khai mạc của PGS, TS Đào Văn Hùng, Giám đốc Học viện

Tiếp theo, bài phát biểu chào mừng của Ông Kim Sik Hyon – Phó trưởng đại diện thường trú văn phòng KOICA tại Việt Nam. Trong bài phát biểu của mình, Ông Kim Sik Hyon cũng đã cảm ơn sự hợp tác của Học viện Chính sách và Phát triển, đồng thời đánh giá cao mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong thời gian qua, đặc biệt hợp tác trong lĩnh vực thương mại và đầu tư thông qua việc ký kết hiệp định FTA Việt Nam – Hàn Quốc. Ngoài ra, Ông Kim Sik Hyon cũng đã đề cập tới vai trò hoạt động của KOICA tại Việt Nam trong thời gian qua thông qua các dự án hợp tác phát triển kinh tế - xã hội như đào tạo nghề, hỗ trợ y tế và cải cách hành chính công gia nhập nền kinh tế thị trường. Trong thời gian tới, KOICA sẽ tích cực hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực tăng trưởng xanh và môi trường nhằm thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh. 

Phát biểu chào mừng của Ông Kim Sik Hyon – Phó trưởng đại diện thường trú Văn phòng KOICA tại Việt Nam

Sau đó, Ông Roh Young Guhk đã trình bày tham luận với chủ đề Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam – Hàn Quốc: Tác động tới thương mại và đầu tư song phương. Với kinh nghiệm làm việc gần 30 năm tại Cơ quan xúc tiến Thương mại và Đầu tư Hàn Quốc (KOTRA), ông Roh đã đưa ra những nhận định sắc bén về xu thế phát triển của các FTA hiện nay.  

Chuyên gia Roh Young Guhk trình bày tại hội thảo

Trong phần trình bày của mình, Ông Roh Young Guhk cũng đã tóm tắt bối cảnh và tiến trình đàm phán hiệp định FTA Việt Nam – Hàn Quốc. Hiệp định này được 2 bên bắt đầu đàm phán năm 2012 và kết thúc vào tháng 12/2014, có 9 lần đàm phán chính thức trong 28 tháng. Hai bên thống nhất nhu cầu về một FTA toàn diện với mức độ tự do cao hơn so với FTA ASEAN – Hàn Quốc. Ông khẳng định, đối với Hàn Quốc, Việt Nam là đối tác quan trọng sau Trung Quốc trong quá trình thiết lập các cơ sở sản xuất, lắp ráp nhằm tăng khả năng cạnh tranh các sản phẩm chủ lực của các công ty Hàn Quốc trên thế giới. Nội dung chính của hiệp định đề cập tới mức độ tự do và tiêu chuẩn, ưu đãi về hàng hóa cao hơn so hiệp định FTA ASEAN – Hàn Quốc. Đối với quy tắc xuất xứ mặc dù tiêu chí xác định xuất xứ quy định tương tự với hiệp định FTA ASEAN – Hàn Quốc nhưng tỷ lệ CTH và RVC yêu cầu cao hơn từ 40 – 45%. Ngoài ra, các quy định tới thủ tục hải quan, phòng vệ thương mại, sở hữu trí tuệ, rào cản kỹ thuật đối với thương mại và cạnh tranh, minh bạch, giải quyết tranh chấp cũng được quy định chặt chẽ hơn so với các hiệp định khác như FTA Việt Nam – Nhật Bản, FTA Hàn Quốc – Trung Quốc và ASEAN – Hàn Quốc. Kết thúc bài trình bày, Ông Roh Young Guhk đã đánh giá những tác động và triển vọng hiệp định FTA Việt Nam – Hàn Quốc tới thương mại và đầu tư trong thời gian tới đối với hai nước. Theo ông, về khả năng tiếp cận thị trường và cải thiện môi trường kinh doanh, Việt nam cần làm tốt hơn nữa nhằm tận dụng hiệu quả từ hiệp định FTA Việt Nam – Hàn Quốc.

Sau bài tham luận của Ông Roh Young Guhk, Bà Bùi Kim Thùy đại diện đến từ Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương đã trình bày tham luận “Tận dụng quy tắc xuất xứ để được hưởng ưu đãi thuế quan trong hiệp định FTA Việt Nam – Hàn Quốc”. Trong bài trình bày này, Bà Thùy đã nói rõ mục đích và chức năng của ưu đãi quy tắc xuất xứ trong FTA nói chung, đồng thời tập trung vào các quy tắc xuất xứ của hiệp định FTA Việt Nam – Hàn Quốc nói riêng. Bà Thùy cũng đã chia sẻ những khó khăn và nhượng bộ của Việt Nam trong quá trình đàm phán với phía đối tác Hàn Quốc về quy tắc xuất xứ nhằm hưởng các ưu đãi thuế quan trong hiệp định.

Cuối buổi hội thảo là phần thảo luận sôi nổi giữa chuyên gia, khách mời, giảng viên và sinh viên tham dự. Buổi hội thảo kết thúc lúc 17h00 cùng ngày./.

 

Nguồn : Khoa Kinh tế đối ngoại và Phòng KH-HT