null Hội thảo “Phát triển hệ thống tài chính Việt Nam góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng”

Ngày 24 tháng 4 năm 2013, Học viện Chính sách và Phát triển phối hợp với Viện Ngân hàng Tài chính - Đại học Kinh tế Quốc dân và Ngân hàng Bản Việt tổ chức Hội thảo “Phát triển hệ thống tài chính Việt Nam góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng” tại Hội trường A, nhà văn hóa - Đại học Kinh tế Quốc dân.

 

Toàn cảnh Hội thảo

Đoàn Chủ tọa Hội thảo gồm có PGS,TS. Đào Văn Hùng, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển, TS. Đặng Ngọc Đức, Phó viện trưởng Viện Ngân hàng – Tài chính và ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Bản Việt, đại diện đơn vị tài trợ.

 

Đoàn chủ tọa Hội thảo

 

Mở đầu Hội thảo là tham luận của TS. Đặng Ngọc Đức, Phó viện trưởng Viện Ngân hàng - Tài chính về vấn đề “ Tháo gỡ sự kiềm chế nhằm phát triển hệ thống tài chính Việt Nam”. Bài tham luận khẳng định thực trạng kiềm chế tài chính tại Việt Nam đã gây ra những bất ổn vĩ mô tới nền kinh tế như: tăng trưởng không ổn định, lạm phát cao, nợ công, nợ xấu tăng cao và tiềm ẩn nguy cơ khủng hoảng. TS Đặng Ngọc Đức cũng đưa ra những khuyến nghị đối với Đảng, Chính phủ, Ngân hàng nhà nước và Bộ tài chính về việc củng cố phát triển hệ thống tài chính, hướng tới nền tài chính tự do hóa vận hành theo cơ chế thị trường.

 

TS. Đặng Ngọc Đức, Phó viện trưởng Viện Ngân hàng - Tài chính


Cũng tại Hội thảo,TS. Nguyễn Trọng Nghĩa, giảng viên Khoa Tài chính - Tiền tệ, Học viện Chính sách và Phát triển đã trình bày về vấn đề “Hoàn thiện môi trường chính sách cho sự phát triển của Hệ thống tài chính Việt Nam”. Tham luận của TS. Nguyễn Trọng Nghĩa chú trọng vào đánh giá và so sánh hệ thống tài chính Việt Nam với khu vực bằng các chỉ số (về độ sâu, khả năng tiếp cận tài chính, tính hiệu quả và sự ổn định), thể hiện sự yếu kém của hệ thống tài chính Việt Nam so với khu vực. TS. Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định hệ thống tài chính Việt Nam tuy đã đạt được bước tiến đáng kể nhưng vẫn còn nhiều non kém cụ thể là: quy mô nhỏ, khả năng tiếp cận tài chính thấp, tính hiệu quả trung bình thấp và mức độ rủi ro cao.

 

TS. Nguyễn Trọng Nghĩa - Giảng viên Khoa Tài chính - Tiền tệ

 

Hai tham luận của Ths. Đặng Tài An Trang, Ủy ban Chứng khoán nhà nước và TS. Nguyễn Hoài Phương, Viện Ngân hàng - Tài chính xoay quanh vấn đề Nợ xấu và xử lý nợ xấu. Ths. Đặng Tài An Trang đưa ra nhận định rằng Thị trường chứng khoán sẽ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong vấn đề huy động vốn và sự phát triển của TTCK sẽ góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, xử lý nợ xấu. Bên cạnh đó TS. Nguyễn Hoài Phương đưa ra các giải pháp tăng cường quản lý nợ xấu tại các Ngân hàng thương mại Việt Nam gồm có: hoàn thiện mô hình quản lý rủi ro tín dụng, hoàn thiện hệ thống pháp luật ngân hàng và tạo cơ chế phối hợp giữa các chủ thể trong quá trình xử lý nợ xấu.

 

Ths. Đặng Tài An Trang, Ủy ban Chứng khoán nhà nước

 

TS. Nguyễn Hoài Phương, Viện Ngân hàng - Tài chính

TS. Cấn Văn Lực, Cố vấn Hội động quản trị BIDV, Giám đốc trường bồi dưỡng cán bộ BIDV cũng tham gia tham luận Hội thảo về vấn đề “Mô hình giám sát tài chính ở Việt Nam”. TS. Cấn Văn Lực chia sẽ những nghiên cứu của ông về mô hình giám sát tài chính ở các nước trên thế giới và Việt Nam. Ông kết luận Việt Nam đang sử dụng mô hình giám sát tài chính theo chuyên nghành và về lâu dài nên có sự chuyển đổi sang mô hình giám sát hợp nhất, có tính hiệu quả hơn trong giai đoạn mới.

 

TS. Cấn Văn Lực, Cố vấn Hội động quản trị BIDV, Giám đốc trường bồi dưỡng cán bộ BIDV


Ngoài 05 tham luận chính, buổi Hội thảo còn có sự đóng góp ý kiến của nhiều Giáo sư, Tiến sĩ và các nhà nghiên cứu. Đặc biệt TS. Lưu Đức Hồ đưa ra câu hỏi được nhiều người quan tâm về vấn đề  thực trạng tái cấu trúc hệ thống ngân hàng vẫn chưa được thực hiện triệt để trong 02 năm qua. Trả lời câu hỏi của TS. Lưu Đức Hồ, PGS,TS. Đào Văn Hùng đưa ra ý kiến rằng để tái cấu trúc hệ thống ngân hàng cần sự hỗ trợ lớn của Nhà nước trong khi tiềm lực tài chính của Việt Nam còn hạn chế nên vấn đề “Quốc hữu hóa” hệ thống ngân hàng rất khó khăn và cần thời gian dài. TS. Cấn Văn Lực cũng khẳng định việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng không thể thực hiện trong thời gian ngắn vì hệ thống tài chính Việt Nam còn non kém và cơ cấu khác nhiều với nước ngoài, sở hữu chéo và thiếu thông tin là những vấn đề khó khăn khi muốn tái cấu trúc hệ thống ngân hàng.

TS. Lưu Bích Hồ -  Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển


Ngoài ra, TS. Nguyễn Quý Thọ, Ủy ban Chứng khoán nhà nước cũng bày tỏ quan điểm hệ thống tài chính Việt Nam phát triển quá nhanh, bỏ qua các công cụ kiểm soát rủi ro và đã đến lúc Việt Nam phải rà soát lại các công cụ kiểm soát rủi ro, thiết lập cơ chế giám sát tài chính hiệu quả hơn.

Kết thúc hội thảo, PGS, TS. Đào Văn Hùng đã tổng hợp các tham luận và ý kiến của các nhà nghiên cứu, kết luận: Hệ thống tài chính Việt Nam đã phát triển nhanh, nóng, thiên về số lượng, và còn yếu kém so với các nước, tuy nhiên không thể phủ nhận tầm quan trọng của phát triển hệ thống tài chính trong phát triển kinh tế Việt Nam thời gian qua. PGS, TS. Đào Văn Hùng khẳng định cần tiếp tục phát triển, nâng cao chất lượng và kiểm soát rủi ro hệ thống tài chính đạt chuẩn mực quốc tế và xây dưng mô hình giám sát tài chính, lựa chọn phương pháp giám sát phù hợp với Việt Nam là rất cần thiết. Các câu hỏi thảo luận tại hội thảo xoay quanh tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, giải quyết nợ xấu là những câu hỏi lớn, được nhiều học giả quan tâm và cần những nghiên cứu cũng như những Hội thảo tiếp theo.

 

Đại diện các đơn vị tổ chức, các diễn giả, các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

 

Hội thảo kết thúc lúc 12h00 cùng ngày.