null Tọa đàm khoa học Đề án “Xúc tiến hình thành Trung tâm tài chính để thu hút đầu tư từ các ngân hàng, công ty tài chính và Quỹ đầu tư lớn”

Để sớm hình thành trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam

 Cùng với việc thu hút các nguồn vốn như đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA)… thì việc sớm hình thành một trung tâm tài chính quốc tế để hút vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài sẽ giúp Việt Nam thu hút nhiều hơn các nguồn lực từ bên ngoài cho phát triển đất nước là điều cần làm trong bối cảnh hiện nay.

 

Đó là nhận định của nhiều chuyên gia tại Tọa đàm khoa học Đề án “Xúc tiến hình thành Trung tâm tài chính để thu hút đầu tư từ các ngân hàng, công ty tài chính và Quỹ đầu tư lớn” diễn ra ngày 19/12 tại Hà Nội.

 

Cơ hội lớn thu hút vốn từ nước ngoài vào Việt Nam

Theo nhóm nghiên cứu Đề án, tiềm năng cho huy động vốn của Việt Nam là rất lớn bởi trong vòng 12 năm trở lại đây, nguồn vốn quốc tế dành cho đầu tư tài chính là rất lớn và liên tục tăng trưởng với tốc độ rất nhanh, gần gấp 4 lần (năm 2001 là hơn 12 nghìn tỷ USD, đến năm 2013 là hơn 45 nghìn tỷ USD). Tuy nhiên, nguồn vốn quốc tế dành cho đầu tư tài chính mà Việt Nam đã huy động được chiếm một tỷ lệ rất nhỏ, thấp hơn rất nhiều lần so với các nước trong khu vực. Hiện có rất ít các công ty quả lý tài sản hàng đầu thế giới có mặt tại Việt Nam (2/50 công ty hàng đầu).

Trong khi đó, theo các chuyên gia, cơ hội thu hút vốn đầu tư từ hệ thống ngân hàng nước ngoài vào Việt Nam là rất lớn bởi Việt Nam có tốc độ phát triển thị trường nhanh, đặc biệt là khu vực tư nhân. Tiềm năng của lợi nhuận đầu tư vào Việt Nam cao do lãi suất cho vay ở Việt Nam cao hơn so với mặt bằng quốc tế. Từ năm 2011, Việt Nam cam kết các ngân hàng nước ngoài được đối xử công bằng như các ngân hàng thương mại khác trong nước, mở  cửa 11/12 hoạt động dịch vụ ngân hàng, trừ hoạt động liên quan đến thị trường chứng khoán. Hơn nữa, Việt Nam là một quốc gia mới nổi và còn có nhiều cơ hội đầu tư tài chính. Việt Nam lại nằm ở đầu mối giao thông (nằm trên trục đường hàng hải quốc tế, nơi có 40% tổng lưu lượng hàng hóa quốc tế đi qua); đồng  trung tâm của khu vực có các nền kinh tế phát triển năng động nhất thế giới (Trung Quốc, Đông Nam Á). Và theo dự đoán của một số tổ chức, nền kinh tế Việt Nam sẽ còn tăng trưởng rất mạnh trong thời gian tới. Công ty Kiểm toán Anh Pricewaterhouse Cooper, vào năm 2050, nền kinh tế Việt Nam nằm trong top 20 của nền kinh tế thế giới (tính ngang giá sức mua) mà đa số các nước có nền kinh tế nằm trong top 20 thế giới thì đều cso trung tâm tài chính quốc tế được xếp hạng. Vì vậy, Việt Nam hoàn toàn có đủ cơ sở và lợi thế để phát triển trung tâm tài chính quốc tế.

Nhóm nghiên cứu trình bày đề tài 

Việt Nam cần tạo lập môi trường kinh tế vĩ mô ổn định

Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cho biết, trong khi Việt Nam đang phải “loay hoay” với bài toán thu hút vốn FDI thì việc sớm hình thành một trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam sẽ là một giải pháp thông minh để thu hút nhiều hơn nguồn lực bên ngoài cho tăng trưởng kinh tế của đất nước. Theo đánh giá của giới kinh tế quốc tế, trong tương lai, châu Á sẽ là cực tăng trưởng mạnh của thế giới, trong đó có Việt Nam. Vì thế việc hình thành trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam là cần thiết song mô hình trung tâm này tại Việt Nam cũng phải phù hợp với các thông lệ của quốc tế.

 

Ông Đõ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài trình bày ý kiến trong buổi tọa đàm

Tại Tọa đàm khoa học, GS. Nguyễn Mại cũng cho biết, theo dự báo thì làn sóng đầu tư vào Việt Nam sẽ tăng nhanh trong thời gian tới, cả đầu tư trực tiếp lẫn đầu tư gián tiếp. Vấn đề là, chúng ta phải xác định khi hình thành trung tâm tài chính tại Việt Nam thì buộc phải xây dựng mô hình tài chính cạnh tranh với các nước khác để có thể thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.

Trong bối cảnh hiện nay, theo các chuyên gia, Việt Nam cần phải phát triển một trung tâm tài chính quốc tế tầm cỡ khu vực là điều không còn phải bàn cãi bởi vì đây là “kênh” để hỗ trợ về nhu cầu vốn đang ngày càng gia tăng của Việt Nam, trong khi các nguồn lực ưu đãi ngày càng giảm và nợ công sắp tới giới hạn an toàn. Theo một nghiên cứu về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong giai đoạn 2011 – 2020 thì trong giai đoạn này, Việt Nam cần đến 143 tỷ USD cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.

GS. Nguyễn Mại trình bày ý kiến tại buổi tọa đàm

Tại Tọa đàm, các chuyên gia cũng đi đến thống nhất là Việt Nam cần sớm tạo lập môi trường vĩ mô ổn định làm tiền đề cho việc phát triển thành Trung tâm tài chính quốc tế. Cụ thể là ổn định môi trường vĩ mô để giảm thiểu rủi ro đầu tư và tăng tính cạnh tranh của Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam; đồng thời xây dựng các quy chế để kiểm soát vốn vào và ra khỏi Việt Nam để tránh nguy cơ khủng hoảng tỷ giá.

 

Về phía Chính phủ thì cần đặt mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định lạm phát là mục tiêu số 1. Song song với việc thu hút vốn đầu tư vào Việt Nam, Chính phủ cũng cần tạo các cơ chế để đầu tư gián tiếp ra nước ngoài bởi vì khi có sự gia tăng đột ngột của dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam, nếu chúng ta không thể gia tăng vốn đầu tư ra nước ngoài thì gánh nặng cho ngân sách trong việc thực thi chính sách tiền tệ sẽ rất lớn.

Box:

Đề xuất 3 giai đoạn để phát triển Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam

Giai đoạn 1 (2016 – 2021): Hoàn thiện cơ sở pháp lý; nâng cao năng lực thị trường nội địa, phát triển thị trường dịch vụ và khu vực tài chính để hình thành trung tâm tài chính quốc tế vào năm 2020.

Giai đoạn 2 (2021 – 2025): Tiếp tục làm mạnh khu vực tài chính; từng bước tự do hóa thị trường tài chính.

Giai đoạn 3 (2025 – 2030): Tiếp tục thúc đẩy mở rộng và làm mạnh thị trường; tự do hóa tài khoản vốn để hướng tới thị trường tài chính đầy đủ có năng lực cạnh tranh quốc tế.

Bài và ảnh: Bích Thảo, Đức Hiếu

 

Nguồn : Báo đấu thầu, Phòng Khoa học – Hợp tác