null TỌA ĐÀM KHOA HỌC CỦA KHOA KINH TẾ ĐỐI NGOẠI VỚI CHỦ ĐỀ LIÊN KẾT CHIẾN LƯỢC VỚI CÁC DOANH NGHIỆP TOÀN CẦU, CÔNG CỤ CHÍNH SÁCH THÚC ĐẨY KINH DOANH QUỐC TẾ VÀ ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI–NGHIÊN CỨU TRƯỜNG HỢP CHUỖI DỰ ÁN LIÊN KẾT TOÀN CẦU CỦA HÀN QUỐC (GAS)

Theo kế hoạch học tập và tọa đàm khoa học năm học 2014 – 2015, được sự đồng ý của lãnh đạo Học viện chính sách & phát triển cùng với sự hỗ trợ của Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA), chiều ngày 05 tháng 02 năm 2015 tại Hội trường tầng 8 tòa nhà D25, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hà Nội. Khoa Kinh tế Đối Ngoại và Phòng Khoa học Hợp tác đã phối hợp với các chuyên gia của KOICA tổ chức thành công tọa đàm khoa học: Liên kết chiến lược với các doanh nghiệp toàn cầu, công cụ chính sách thúc đẩy kinh doanh quốc tế và Đầu tư trực tiếp nước ngoài – nghiên cứu trường hợp chuỗi dự án liên kết toàn cầu của Hàn Quốc (GAPS).

Đến tham dự buổi tọa đàm khoa học có Ông Trịnh Huy Lập, Phó Giám đốc Học viện, TS. Bùi Thúy Vân – Trưởng Khoa Kinh tế Đối Ngoại, TS. Vũ Thị Minh Luận – Trường khoa Quản trị doanh nghiệp cùng với các cán bộ, giảng viên các Khoa, Bộ môn và sinh viên Khoa Kinh tế Đối ngoại, Khoa Kế hoạch phát triển và Quy hoạch phát triển, Quản trị doanh nghiệp của Học viện.

Quang cảnh tại buổi tọa đàm

Mở đầu buổi hội thảo, Ông Trịnh Huy Lập – Phó Giám đốc Học viện đã phát biểu khai mạc. Trong đó, đã nêu rõ vai trò của liên kết chiến lược với các doanh nghiệp toàn cầu trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam trong thời gian tới, đồng thời cũng đề cập tới vai trò của kết hợp giữa học lý thuyết gắn thực tế trong quá trình đào tạo tại Học viện, đặc biệt đối với sinh viên chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại cần biết tận dụng các kiến thức, kinh nghiệm từ Chuyên gia nhằm áp dụng vào thực tiễn trong quá trình học tập và làm việc sau khi ra trường. Ngoài ra, Ông Trịnh Huy Lập cũng đề cập tới mối quan hệ hợp tác đối tác chiến lược giữa Việt Nam – Hàn Quốc, đồng thời đã cảm ơn và đánh giá cao các hoạt động của tổ chức KOICA tại Việt Nam, đặc biệt trong hoạt động nghiên cứu và tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm khoa học nhằm chia sẻ kiến thức cũng như kinh nghiệm phát triển của Hàn Quốc. 

Phát biểu khai mạc của Ông Trịnh Huy Lập, Phó Giám đốc Học viện

Sau đó, phần trình bày tham luận của Ông Roh Young Guhk với chủ đề Liên kết chiến lược với các doanh nghiệp toàn cầu, công cụ chính sách thúc đẩy kinh doanh quốc tế và Đầu tư trực tiếp nước ngoài – nghiên cứu trường hợp chuỗi dự án liên kết toàn cầu của Hàn Quốc (GAPS), với kinh nghiệm làm việc gần 30 năm tại Cơ quan xúc tiến Thương mại và Đầu tư Hàn Quốc (KOTRA), chuyên gia đã trình bày tổng quan về liên kết chiến lược, các cơ sở lý luận và hình thức liên kết chiến lược phổ biến nhất nhằm đạt được lợi thế cạnh tranh thông qua tiếp cận nguồn lực của đối tác. Nhằm tiết kiệm nguồn lực và thời gian trong việc tăng khả năng cạnh tranh, nâng cao năng suất các công ty cần tập trung vào đổi mới và hợp tác với các đối tác bên ngoài, trường đại học và viện nghiên cứu là rất quan trọng. 

Chuyên gia Roh Young Guhk trình bày tại hội thảo

Trong phần trình bày, Ông Roh Young Guhk cũng giới thiệu chuỗi dự án liên kết toàn cầu đã được triển khai tại Hàn Quốc do Bộ Công nghiệp, Thương Mại và Năng lượng bảo lãnh và Cơ quan Xúc tiến Thương Mại – Đầu tư tổ chức, với mục đích thúc đẩy phát triển công nghệ, năng lực nghiên cứu R&D nhằm liên kết giữa doanh nghiệp toàn cầu với các ngành công nghiệp, trường đại học và viện nghiên cứu trong nước. Bên cạnh đó, Ông Roh cũng đưa ra một số trường hợp thành công như tập đoàn Solvay (Bỉ), Novartis (Thụy Sĩ), General Electric (Hoa Kỳ)…

Kết thúc bài trình bày, chuyên gia cũng đã đưa ra một số đề xuất liên quan tới phương thức hợp tác giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước, công cụ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) và thu hút dòng vốn FDI có chất lượng nhằm nâng cao giá trị gia tăng, thâm dụng công nghệ cao.

Cuối buổi hội thảo là phần thảo luận sôi nổi giữa chuyên gia, giảng viên và sinh viên tham dự.

 

Buổi hội thảo kết thúc lúc 16h30 cùng ngày./.

Nguồn: Khoa KTĐN và Phòng KHHT