null TS. Nguyễn Thế Vinh- An sinh xã hội và tác động của tăng trưởng kinh tế đến an sinh xã hội

An sinh xã hội và tác động của tăng trưởng kinh tế đến an sinh xã hội

TS Nguyễn Thế Vinh

Học viện Chính sách và Phát triển

Bộ Kế hoạch và Đầu tư

vinh.nt@apd.edu.vn

Việt Nam đang trong quá trình phát triển, phấn đấu vượt qua bẫy thu nhập trung bình. Tuy nhiên trong những năm vừa qua, tăng trưởng kinh tế gặp nhiều thách thức. Những thách thức kinh tế vĩ mô làm cho tốc độ tăng trưởng kinh tế không đạt kế hoạch đề ra từ đó làm giảm những khoản đầu tư cho giáo dục, văn hóa, y tế... và nhất là an sinh xã hội. Một xã hội phát triển phải đảm bảo được những quyền lợi cho con người, tăng cường khả năng phòng ngừa, khắc phục rủi ro cho con người đảm bảo mọi người dân được quyền tiếp cận và đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên do tính chất phức tạp của cả tăng trưởng kinh tế và an sinh xã hội nên còn nhiều vấn đề cần phải được nghiên cứu để có những giải pháp dung hòa, đảm bảo phát triển kinh tế bền vững và không ngừng nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần của nhân dân.

 

Từ khóa: an sinh xã hội, tăng trưởng kinh tế, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội

 

  1. Những vấn đề cơ bản của an sinh xã hội

An sinh xã hội là một vấn đề phức tạp, và vì thế có nhiều quan điểm và cách tiếp cận đối với vấn đề an sinh xã hội. Một cách khái quát thì an sinh xã hội là đảm bảo các quyền, giá trị của cá nhân mỗi con người để làm cho mỗi người có cuộc sống vật chất và tinh thần sung mãn, khỏe mạnh phát triển hết những năng lực để cống hiến cho xã hội đạt được những kỳ vọng của bản thân.

Tại Việt Nam các trụ cột của an sinh xã hội bao gồm bảo hiểm xã hội (BHXH -tự nguyện và bắt buộc), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp, trợ giúp xã hội, xóa đói giảm nghèo và tiếp cận các dịch vụ cơ bản ngày càng được hoàn thiện và phát triển. Cùng với quá trình phát triển hệ thống này đang chở thành chỗ dựa vững chắc cho hầu hết mọi người dân, đảm bảo xã hội phát triển hài hòa đảm bảo coi trọng sự phát triển kinh tế cân bằng với phát triển các lĩnh vực xã hội, cuộc sống của người dân được ấm no, hạnh phúc.

Tuy nhiên trong những năm qua, sự phát triển của hệ thống an sinh xã hội của nước ta cũng đối diện với nhiều thách thức nghiêm trọng như: phạm vi bao phủ thấp, số lượng đối tượng tham gia thấp, cơ chế chính sách về an sinh xã hội còn chưa phù hợp, các quỹ BHYT, BHXH bị phình to mà chưa có cơ chế đầu tư có hiệu quả, nâng cao dung lượng của quỹ...Hệ thống chính sách, pháp luật về an sinh xã hội tuy nhiên những vẫn chưa được hoàn thiện gây ảnh hưởng đến việc thực thi quyền lợi của người thụ hưởng.

  1. Tác động của tăng trưởng kinh tế đến an sinh xã hội

Tăng trưởng kinh tế trong những năm qua có nhiều biến động và thách thức to lớn. Nền kinh tế Việt Nam đang trong quá trình tái cơ cấu, cố gắng vượt qua bẫy thu nhập trung bình để trở thành một nước phát triển khá. Tuy nhiên cũng như nhiều nhận định, sự tới hạn phát triển theo chiều rộng và khai thác các yếu tố sản xuất đầu vào không còn phù hợp với nền kinh tế Việt Nam. Nâng cao năng suất lao động là yếu tố bắt buộc không những nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam mà còn phát huy những lợi thế cạnh tranh của Việt Nam với các nước. Cùng với đó tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu sẽ giúp cho nền kinh tế cân bằng hơn, phát triển hơn từ đó tạo điều kiện đầu tư trở lại, đảm bảo những vấn đề an sinh xã hội được hài hòa.

Bảng: một số chỉ tiêu của tăng trưởng kinh tế với an sinh xã hội

Stt

Chỉ tiêu

2012

2013

2014

2015

2016

1

Tăng trưởng kinh tế %

5,03

5,42

5,98

6,68

6,21

2

Số lao động có việc làm (triệu người)

51,4

52,2

52,7

52,8

53,3

 

% so với năm trước

 

1,55

0,95

0,19

0,95

 

Trung bình giai đoạn 2012-2016

 

0,91

3

Tỷ lệ hộ nghèo %[1]

9,6

7,8

5,97

9,88

8,23

4

Số người tham gia:

 

 

 

 

 

4.1

BHXH (triệu người)

 

 

 

 

 

  •  

Bắt buộc

10,4

10,9

11,5

12,0

12,9

  •  

Tự nguyện

0,13

0,17

0,19

0,22

0,20

4.2

BHYT(triệu người)

59,0

61,7

64,6

68,5

75,8

4.3

BHTN(triệu người)

8,3

8,7

9,2

10,3

11,1

5

Năng suất lao động (triệu đồng/lao động)

-

68,7

74,3

79,3

84,5

Nguồn: Tổng cục thống kê, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Lao động thương binh và xã hội.

Từ bảng trên có thể rút ra một số nhận định như sau:

- Tác động của tăng trưởng kinh tế đến việc làm: tốc độ tăng trưởng kinh tế tuy tăng không như kỳ vọng nhưng cũng đảm bảo tạo thêm nhiều công ăn việc làm đặc biệt là sự gia tăng nhanh chóng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Với tình trạng hiện nay thì việc gia tăng số việc làm có thu nhập cao và tay nghề cao như khu vực FDI là vô cùng cần thiết đối với năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Với sự phát triển theo chiều sâu, thì những việc làm tạo thêm nhiều giá trị gia tăng là hữu ích. Nền kinh tế đang chuyển từ khu vực nông nghiệp sang công nghiệp dịch vụ do đó số lượng lao động từ nông thôn ra thành thị, từ tay nghề thấp sang tay nghề cao là một áp lực rất lớn đối với xã hội.

Hệ số co giãn của việc làm với tăng trưởng kinh tế luôn luôn có xu hướng giảm, tức là cứ 1% tăng trưởng GDP tạo ra % tỷ lệ việc làm. Nếu tính giai đoạn 2012-2015 thì tỷ lệ này khoảng 0,15 thấp hơn rất nhiều so với giai đoạn 2000-2010 là 0,3%[2].

- Tác động của tăng trưởng kinh tế đến giảm nghèo

Một trong những vấn đề lớn nhất của nước ta trong nhiều thập kỷ trở lại đây và được các tổ chức quốc tế đánh giá cao là tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Đây là thành tựu của những năm đổi mới. Tuy nhiên trong giai đoạn Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình thì tỷ lệ hộ nghèo giảm tương đối chậm và trở thành một trong những vấn đề lớn đối với tăng trưởng. Việc áp dụng chuẩn nghèo mới theo hướng tiếp cận đa chiều cũng tạo nên một áp lực đối với chính sách về an sinh xã hội cũng như là một nút thắt đối với những vấn đề của tăng trưởng kinh tế.

Những hộ nghèo hiện nay tập trung chủ yếu vào vùng nông thôn, miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số, những địa bàn đặc biệt khó khăn về cơ sở hạ tầng, giao thông, điều kiện sản xuất kinh doanh...Để những thành tựu của tăng trưởng kinh tế đến được với những đối tượng này là rất khó khăn. Nhiều nhận định cho rằng tốc độ giảm nghèo không phụ thuộc vào tăng trưởng kinh tế mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình lồng ghép hay sự hỗ trợ trực tiếp của các cấp chính quyền[3].Một trọng những yếu tố của giảm nghèo với tăng trưởng kinh tế còn là sự phân hóa giàu nghèo. Theo một số nhận định, 210 người siêu giàu Việt Nam dư sức để đưa 3,2 triệu người thoát nghèo[4], chấm dứt nghèo cùng cực trên cả nước. Sự phân hóa giàu nghèo sẽ dẫn đến bất bình đẳng về thu nhập, về cơ hội...dẫn đến những xáo trộn và biến động của đất nước.

- Số lượng người được tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tự nguyện,

Vấn đề lớn nhất của tăng trưởng kinh tế đối với an sinh xã hội là ba trụ cột BHYT, BHXH và BHTN. Sự tăng trưởng về kinh tế - cho dù khó khăn trong 5 năm qua - cũng giúp cho số người được tham gia BHYT, BHXH và BHTN được gia tăng nhanh chóng. Tăng trưởng giúp doanh nghiệp có điều kiện mở rộng chính sách tiền lương và người lao động có thu nhập tham gia và chi trả các loại bảo hiểm đó.  Số thu của toàn ngành năm 2016 là 257.297 tỷ đồng tăng 40.550 tỷ đồng (18,7% so với năm 2015). Số chi toàn ngành năm 2016 là 234.451 tỷ đồng, đạt thặng dư là 22.846 tỷ đồng.

BHXH hiện vẫn đang là hình thức bắt buộc. Bộ Luật hình sự mới có quy định trốn đóng BHXH có thể sẽ bị phạt tù. Điều này dẫn đến việc tham gia BHXH  của người dân sẽ trở nên phổ biến. Với một đất nước đang già hóa dân số như Việt Nam, điều này ra rất quan trọng. Tuy nhiên số người tham gia BHXH vẫn thấp. Nếu tính cả tự nguyện và bắt buộc thì số người tham gia BHXH năm 2016 mới chỉ đạt 24,5%. Nếu số người tham gia tăng lên, quỹ BHXH sẽ được tăng lên và có thể tái đầu tư trở lại vào nền kinh tế. Năm 2016 BHXH đã giải quyết chế đố cho 8,67 triệu người (chưa bao gồm lực lượng vũ trang), khoảng 9,5% dân số Việt Nam. Điều đó cho thấy rằng, BHXH vừa là nguồn lực nhưng cũng lại vừa là thách thức đối với tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam, khi mà nguồn quỹ ngày càng tăng nhưng số người không tham gia lao động hưởng BHXH cũng tăng theo.

Số người tham gia BHYT ngày càng tăng hiện đạt tỷ lệ bao phủ toàn quốc là 81,8% và tiến tới BHYT toàn dân năm 2020. Một số đối tượng như hộ gia đình nghẹo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng dân tốc khó khăn, người sinh sống ở vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn , ở đảo...đã được gia hạn thẻ BHYT trong năm 2016, kịp thời đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh. Nhiều vấn đề về cải cách thủ tục hành chính trong việc khám chữa bệnh như thông tuyến, điều chỉnh giá viện phí, thống nhất giá dịch vụ khám chữa bệnh giữa các bệnh viện trên toàn quốc...cũng là những thành công nhất định trong phát triển kinh tế - xã hội những năm qua.

Tuy nhiên BHYT cũng đứng trước áp lực lớn của việc gia tăng chi phí. Quỹ BHYT năm qua đột ngột gia tăng chi phí và bội chi gây áp lực lớn đối với quỹ. Nếu không được xử lý một cách ổn thỏa, việc bù đắp chi phí quỹ BHYT sẽ là gánh nặng đối với Ngân sách nhà nước, gia tăng nợ công và các chỉ số kinh tế vĩ mô[5].

Hiện nay, việc chi trả các chế độ BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động và nhân dân đảm bảo an toàn, đầy đủ kịp thời. Thủ tục hành chính được đơn giản, thuận tiện đảm bảo cuộc sống của những người thụ hưởng, góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác thu – chi cũng như quyền lợi của các đối tượng thụ hưởng.

Hệ thống bảo trợ xã hội (BTXH) đang trong giai đoạn chuyển tiếp từ việc phụ thuộc vào các nguồn không chính thức, truyền thống sang chủ động và gắn kết. Khi chuyển từ nước thu nhập thấp sang thu nhập trung bình, hệ thống BTXH sẽ tăng trong tỷ trọng GDP và chi tiêu công. Khi đó tỷ lệ nghèo đối tuyệt đối sẽ giảm xuống .

Tóm lại, tăng trưởng kinh tế và an sinh xã hội có mối quan hệ mật thiết. Tăng trưởng làm cho các đối tượng– doanh nghiệp và người dân – thụ hưởng những thành quả của quá trình đó. Ngược lại, doanh nghiệp và người dân khi đã được đảm bảo những quyền lợi cũng phấn đấu phát triển cho bản thân, gia đình làm cho nền kinh tế phát triển bền vững hơn. Tăng trưởng kinh tế cũng dẫn đến gia tăng năng suất lao động tạo sự chuyển biến về chất, tuy nhiên tốc độ tăng năng suất lao động còn thấp chưa theo kịp những chuyển biến của nền kinh tế.

  1. Một số đề xuất kiến nghị

Sự gia tăng về năng suất lao động, tái cơ cấu nền kinh tế là yêu cầu bắt buộc. Việt Nam đến năm 2035 sẽ trở thành một xã hội thịnh vượng thuộc nhóm có thu nhập trung bình cao. Nền kinh tế thị trường đã phát triển hơn, có năng lực cạnh tranh và hội nhập sâu rộng đối với nền kinh tế thế giới. Động lực cho sự phát triển sẽ là khu vực tư nhân, FDI và giảm số lượng doanh nghiệp nhà nước. Một xã hội thịnh vượng sẽ đảm bảo an sinh xã hội cho mọi người dân được thụ hưởng. Chỉ số phát triển con người theo Liên hợp quốc đạt ít nhất 0,7. Mọi người dân có cơ hội bình đẳng tiếp cận nguồn lực, bình đẳng để thành công trong cuộc sống. Xu hướng gia tăng mạnh tầng lớp trung lưu và sự lão hóa dân số đặt áp lực lớn lên hệ thống BHXH, đảm bảo tính bền vững tài chính và tài khóa. Người dân được tiếp cận đến các dịch vụ y tế chất lượng tốt mà không lâm vào khó khăn về tài chính. Để làm được điều đó cần có một loạt các giải pháp đồng bộ:

- Tăng cường mối liên hệ và cam kết của Nhà nước đối với những vấn đề an sinh xã hội. Tăng trưởng kinh tế sẽ diễn ra nhanh, mạnh và ngày càng có nhiều thành tựu. Xây dựng một xã hội hiện đại, sáng tạo với vai trò làm động lực thúc đẩy phát triển. Mọi người dân được đảm bảo về cơ hội phát triển, được tự do lựa chọn nghề nghiệp đồng thời hoàn thành trách nhiệm của mình đối với dân tộc và cộng đồng.

- Hoàn thiện thể chế về an sinh xã hội. Hoàn thiện thể chế phân phối nguồn lực, phân phối thu nhập theo nguyên tắc thị trường và đảm bảo công bằng. Tăng trưởng kinh tế là trách nhiệm của mọi người nhưng an sinh xã hội không phải là sự ban phát của Nhà nước đối với người dân. Do đó cần xây dựng các cơ chế phát triển kinh tế như đầu tư công các công trình kết cấu hạ tầng xã hội vùng kém phát triển, thực hiện các hình thức đối tác công tư đối với các dự án cơ sở hạ tầng, thực hiện đấu thầu các dịch vụ công, đấu thầu tập trung, hạn chế phân cực giàu nghèo, tạo việc làm cho nhiều người, giảm nghèo nhanh và bền vững...từ đó phát triển hệ thống an sinh xã hội và phúc lợi xã hội công bằng, đảm bảo quyền bình đẳng và tiếp cận của mọi người dân.

- Phát triển hệ thống mạng lưới an sinh xã hội sẽ góp phần ổn định và nâng cao mức sống của người dân sẽ có một bộ phận lớn người dân gia nhập tầng lớp trung lưu từ đó tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Khi tầng lớp trung lưu tăng lên thì các nhóm dễ bị tổn thương sẽ giảm xuống đồng thời tránh được nguy cơ tái nghèo trong xã hội. Đổi mới và hoàn thiện hệ thống y tế theo hướng công bằng và hiệu quả, tạo cơ hội cho người dân được chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe.

- Hệ thống BHXH và BHYT cần được mở rộng và đạt tỷ lệ cao hơn trong khu vực tư nhân. Điều đó gắn với việc phải cải tiến hệ thống quản trị an sinh xã hội, hiện đại hóa toàn diện quản trị bảo hiểm xã hội và cải cách hệ thống lương hưu.

Những thành tựu to lớn của Việt Nam trong công cuộc Đổi Mới đã làm kinh tế tăng trưởng cao nhưng không làm tăng mức độ bất bình đẳng. Việt Nam cũng đạt được nhiều thành quả ấn tượng về y tế, giáo dục, giảm nghèo, hệ thống an sinh xã hội...Vấn đề đặt ra là làm thế nào các thể chế và chính sách được tiếp tục phát huy có hiệu quả trong 20 năm tới, thể hiện khát vọng vươn lên của Việt Nam giàu mạnh. Duy trì và phát huy tăng trưởng kinh tế đảm bảo an sinh xã hội là nền tảng, bản chất của Nhà nước trong những giai đoạn tiếp theo.

 

Tài liệu tham khảo

Bảo hiểm xã hội Việt Nam (2017), Báo cáo tổng kết năm 2016 và phương hướng nhiệm vụ năm 2017, Hà Nội.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2016), Việt Nam 2035: Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo công bằng và dân chủ, Hà Nội.

Nguyễn Thị Tâm (2014), Đảm bảo an sinh xã hội gắn với tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam, Luận án tiến sĩ Kinh tế chính trị, Đại học kinh tế.

Mai Ngọc Cường (2014), Chính sách an sinh xã hội với phát triển kinh tế bền vững giai đoạn 2011-2020, Tạp chí phát triển kinh tế 289 (11/2014).

 

 

 

 

[1] Từ năm 2015,2016 chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều. Nếu tính theo chuẩn nghèo đơn chiều thì tỷ lệ dưới 5%

[2] Nguyễn Thị Tâm (2014)

[3] Chính sách phát triển các Vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam, NXB Thông tin và truyền thông 2010

[4] Thu hẹp khoảng cách, Oxfam 2017

[5] Theo Luật Quản lý nợ công năm 2009 thì Nợ của các tổ chức an sinh xã hội của Việt Nam không tính vào nợ công, nhưng một số tổ chức khác như WB, IMF thì có tính vào nợ công. Nếu Quỹ BHYT bị thiếu hụt, liệu Chính phủ có phải hỗ trợ kinh phí để đảm bảo khoản thiếu hụt đó? (Xác định phạm vi nợ công và trần nợ công an toàn của Việt Nam, Học viện Chính sách và Phát triển - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2013)

Nội dung bài viết có thể Dowload Tại đây