Phát triển Đảng

null Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dành tình cảm đặc biệt đối với giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam

content:

Sinh thời, dù trên cương vị nào, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng luôn quan tâm, dành tình cảm, sự quan tâm chăm lo đặc biệt đối với công tác công đoàn.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam

Sinh thời, dù trên cương vị nào, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng luôn quan tâm, dành tình cảm, sự quan tâm chăm lo đặc biệt đối với công tác công đoàn. Điều đó được minh chứng qua 3 kỳ Đại hội Công đoàn Việt Nam, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành thời gian đến dự, động viên và có phát biểu quan trọng, sâu sắc, chỉ đạo toàn diện và sát sao đối với công tác công đoàn.

Dấu ấn qua 3 kỳ Đại hội Công đoàn

Phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI Công đoàn Việt Nam nhiệm kỳ 2013 - 2018, ngày 28.7.2013, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định “Lịch sử hơn ba phần tư thế kỷ qua chứng minh rằng giai cấp công nhân Việt Nam luôn luôn đứng ở trung tâm các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, kế thừa và làm rạng rỡ thêm truyền thống của dân tộc”, “giai cấp công nhân nước ta tuy còn nhỏ bé, nhưng với những phẩm chất chính trị và truyền thống cách mạng kiên cường, lại có đội tiên phong là Đảng Cộng sản, giai cấp công nhân vẫn là và sẽ tiếp tục là giai cấp lãnh đạo cách mạng”.

Sáng ngày 6/4/2013, trong chuyến thăm và làm việc với tỉnh Quảng Ninh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gặp mặt cán bộ, công nhân viên, người lao động Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin)

Đồng thời, Tổng Bí thư nhấn mạnh, gợi mở thêm 5 vấn đề để Đại hội thảo luận, xem xét, quyết định, đó là: Tham mưu cho Đảng, Nhà nước có những chính sách, biện pháp cụ thể đưa các quan điểm, tư tưởng, chủ trương của Đảng vào cuộc sống; Công đoàn cần chăm lo làm tốt hơn nữa nhiệm vụ xây dựng giai cấp công nhân xứng đáng là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Công đoàn cần chủ động phối hợp với chính quyền phát động sâu rộng và tổ chức các phong trào hành động cách mạng trong công nhân, lao động. Động viên đông đảo công nhân, lao động phát huy quyền làm chủ đất nước, đi đầu trong các phong trào thi đua phát triển kinh tế - xã hội; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các cấp công đoàn cần đẩy mạnh việc xây dựng tổ chức, kiện toàn đội ngũ cán bộ và cải tiến phương thức hoạt động phù hợp với yêu cầu mới; Công đoàn cần làm tốt công tác xây dựng Đảng tại các cơ quan, tổ chức của mình.

Để rồi sau 5 năm nhìn lại, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII Công đoàn Việt Nam nhiệm kỳ 2018-2023:

“...Công đoàn Việt Nam đã có nhiều đổi mới nội dung và phương thức hoạt động. Công tác Công đoàn và phong trào công nhân đã đạt được kết quả toàn diện, đáp ứng tốt hơn nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, công nhân, viên chức, người lao động”; “Thành tích của Công đoàn và sự lớn mạnh của phong trào công nhân Việt Nam là rất to lớn và đáng tự hào”...

Bên cạnh đó, Tổng Bí thư cũng bày tỏ “Hiện nay xã hội vẫn băn khoăn trước tình trạng một bộ phận công nhân, người lao động có biểu hiện phai nhạt về chính trị, chỉ lo nhiều đến những vấn đề lợi ích kinh tế, đời sống cụ thể trước mắt, ít quan tâm đến những vấn đề cơ bản, lâu dài, có tính chiến lược như ý thức giác ngộ giai cấp, bản lĩnh chính trị, vai trò, sứ mệnh lịch sử, trách nhiệm của giai cấp công nhân...; một số bị các thế lực xấu, thù địch tác động, lôi kéo, kích động, đã có những việc làm sai trái, gây mất ổn định an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Chất lượng đội ngũ công nhân nước ta đang có những dấu hiệu hụt hẫng và bất cập. Xu hướng phân hoá trong đội ngũ công nhân làm cho nhiệm vụ tập hợp lực lượng và nâng cao vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân đối với toàn thể xã hội trở nên khó khăn”.

Tổng Bí thư khẳng định: “Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, chúng ta tiếp tục kiên định quan điểm giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam; giai cấp đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến, hiện đại; giai cấp tiên phong trong sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội; lực lượng nòng cốt trong liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng”.

“Sự lớn mạnh của giai cấp công nhân là một điều kiện tiên quyết bảo đảm thành công của công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Vì vậy, việc xây dựng giai cấp công nhân nước ta lớn mạnh trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách của Ðảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị, của mỗi người công nhân và toàn xã hội, trong đó tổ chức Công đoàn có vai trò, trách nhiệm to lớn”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm, tặng quà cho cán bộ, công nhân lao động Công ty Cổ phần Than Vàng Danh (Uông Bí, Quảng Ninh) năm 2013

Từ đó, Tổng Bí thư nêu 4 vấn đề để tổ chức Công đoàn thực hiện, đó là: Chú trọng nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị cho công nhân, viên chức, người lao động; Thường xuyên quan tâm chăm lo lợi ích chính đáng của đoàn viên và thực hiện tốt hơn nữa vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đoàn viên, người lao động; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng tổ chức, phương thức và hiệu quả hoạt động công đoàn cho phù hợp với tình hình mới, yêu cầu mới, thích ứng với tình hình thực tế nước ta đã và đang tiến hành công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế nhiều thành phần, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; tham gia xây dựng, chỉnh đốn, bảo vệ Đảng và hệ thống chính trị, coi đây cũng là trách nhiệm và quyền lợi chính trị của đoàn viên, công nhân, viên chức, người lao động và tổ chức công đoàn.

10 năm dõi theo hành trình phát triển của tổ chức Công đoàn Việt Nam qua 2 kỳ dự, phát biểu giao nhiệm vụ, đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Công đoàn Việt Nam nhiệm kỳ 2023 - 2028, trong bài phát biểu của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục khẳng định: “Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Công đoàn Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, tuyệt đối trung thành với Đảng và giai cấp, có những đóng góp xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của cách mạng, góp phần quan trọng xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh. Trong giai đoạn đất nước đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng hiện nay, vai trò, vị thế của tổ chức Công đoàn càng được khẳng định, phát huy mạnh mẽ hơn bao giờ hết”.

Thường xuyên động viên giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam

Tại Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 – 28/7/2009), thay mặt Ðảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng trao Huân chương Sao Vàng lần thứ hai, phần thưởng cao quý của Ðảng, Nhà nước tặng Tổng LÐLÐ Việt Nam và phát biểu ý kiến biểu dương những thành tích to lớn của phong trào CNVCLÐ và hoạt động công đoàn cả nước.

Đồng thời Tổng Bí thư nhấn mạnh, dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, các cấp Công đoàn cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, luôn trung thành với lợi ích dân tộc, lợi ích giai cấp và lợi ích của người lao động, đoàn kết, vận động, tập hợp CNVCLÐ đi đầu trong mọi phong trào hành động cách mạng, ra sức phấn đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc và vì hạnh phúc của nhân dân; góp phần tô thắm thêm lịch sử vẻ vang của dân tộc.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm hỏi, trò chuyện với công nhân đang thực hiện thi công dự án mỏ hầm lò Núi Béo năm 2013

10 năm sau, trong cuộc gặp mặt 10 đại biểu được tôn vinh trong Lễ trao "Giải thưởng Nguyễn Văn Linh" lần I và 90 Chủ tịch Công đoàn cơ sở tiêu biểu toàn quốc lần thứ IV, năm 2019 tại Phủ Chủ tịch, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng bày tỏ những trăn trở và đặt câu hỏi cho cán bộ công đoàn tiêu biểu: hoạt động công đoàn phát triển như thế nào?...Tương lai nước ta sẽ thế nào? Công nghiệp nước ta phát triển đến đâu? Phát triển độc lập tự chủ nhưng phải hội nhập quốc tế. Kêu gọi đầu tư nước ngoài, ông chủ là người nước ngoài vậy công nhân ta là người làm chủ hay làm thuê?

Bên cạnh đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng dành nhiều thời gian để thăm, động viên, tặng quà cho công nhân lao động mỗi khi Tết đến, xuân về và trong Chương trình “Tết Sum vầy” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức. Tổng Bí thư ghi nhận những nỗ lực của anh chị em công nhân khắc phục khó khăn, âm thầm vất vả ngày đêm để hoàn thành những ca trực, làm ra những sản phẩm có chất lượng, hiệu quả cao, đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh của đơn vị, doanh nghiệp.

Định hướng về đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn

Ngày 12 tháng 6 năm 2021, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TW về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới. Đây là Nghị quyết có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, chỉ đạo, định hướng, đồng thời là cơ sở để đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm, động viên đơn vị thi công cầu Sông Chanh thuộc dự án Cao tốc Hạ Long- Hải Phòng năm 2016

Nghị quyết nêu rõ 5 quan điểm, mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể đến năm 2025, 2030 và đến năm 2045.

Để thực hiện được chỉ tiêu của từng thời kỳ, Nghị quyết đề ra 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt nam trong tình hình mới. Đó là:

(1) Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tập hợp, vận động đoàn viên, người lao động; tập trung phát triển đoàn viên, công đoàn cơ sở.

(2) Tiếp tục sắp xếp, hoàn thiện mô hình tổ chức; xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên nghiệp, đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

(3) Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công đoàn đáp ứng yêu cầu tình hình mới.

(4) Xây dựng nguồn tài chính đủ mạnh để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn.

(5) Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động công đoàn.

(6) Hoàn thiện chính sách, pháp luật; tăng cường và nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội với công đoàn.

Sau 3 năm triển khai, Công đoàn Việt Nam không ngừng đổi mới nâng cao năng lực hoạt động, xứng đáng đại diện cho tiếng nói, niềm tin và khát vọng của người lao động. Hoạt động công đoàn đã hướng mạnh về cơ sở, tập trung hơn vào các nhiệm vụ đại diện chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Công đoàn xây dựng và ra mắt các mô hình để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, công nhân, lao động; chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn từng bước được nâng cao.

Trên khắp các lĩnh vực đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến, công nhân, viên chức, lao động đi đầu và thành công trong lao động, sản xuất, kinh doanh; khẳng định vai trò của tổ chức Công đoàn trong hệ thống chính trị, tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của Công đoàn Việt Nam.

Với truyền thống vẻ vang của Công đoàn Việt Nam suốt 95 năm qua, cùng những thành tựu to lớn đã đạt được, giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam sẽ nỗ lực đổi mới tổ chức và hoạt động để “có bước phát triển mới, lập nên những thành tích to lớn và ấn tượng hơn nữa, đóng góp xứng đáng vào công cuộc đổi mới, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, góp phần thực hiện sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân với đất nước và dân tộc; xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh” – như phát biểu chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư tại Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023 - 2028.

Nguồn: Tạp chí Lao động và Công đoàn