null Diễn đàn quốc gia về Phát triển bền vững Việt Nam 2023: “Thúc đẩy chuyển dịch xanh, bao trùm ở Việt Nam”

content:

Ngày 30/11/2023, tại Hội trường lớn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Học viện Chính sách và Phát triển đã phối hợp với Tạp chí Kinh tế và Dự báo tổ chức Diễn đàn quốc gia về Phát triển bền vững Việt Nam 2023 với chủ đề “Thúc đẩy chuyển dịch xanh, bao trùm ở Việt Nam” nhằm tạo không gian để các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà khoa học, chuyên gia, địa phương, doanh nghiệp… cùng trao đổi góc nhìn, kết quả nghiên cứu, kiến thức, cùng các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng xanh, hướng tới phát triển bền vững tại Việt Nam.

Toàn cảnh Diễn đàn

Thay mặt Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thứ trưởng Trần Duy Đông khẳng định, phát triển bền vững đã trở thành xu thế tất yếu và mục tiêu hàng đầu mà các quốc gia đều hướng tới. Năm 2015, tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp Quốc, 193 quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã cam kết thực hiện và thông qua Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Năm 2023, thông qua báo cáo Quốc gia tự nguyện lần thứ 2, Việt Nam một lần nữa cam kết tiếp tục phát huy vai trò là thành viên có trách nhiệm, đóng góp tích cực vào các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế. Theo Thứ trưởng Đông, quá trình chuyển dịch xanh diễn ra trong bối cảnh nhiều xu hướng lớn xuất hiện như tự động hóa, đổi mới sáng tạo hay sự già hóa nhanh chóng của dân số. Quá trình này dẫn tới sự tái phân bổ lao động giữa các khu vực, lĩnh vực, từ đó đòi hỏi chuyển đổi kỹ năng của người lao động – một vấn đề không đơn giản đối với người già, người lao động có trình độ thấp, người lao động ở các khu vực khó khăn.

Thứ trưởng Trần Duy Đông cho rằng, phát triển bền vững đã trở thành xu thế tất yếu và mục tiêu hàng đầu mà các quốc gia đều hướng tới.

Phát biểu đề dẫn tại Diễn đànNGƯT, PGS, TS. Trần Trọng Nguyên - Giám đốc Học việnChính sách và Phát triển cho rằng, phát triển bền vững (PTBV) đã trở thành xu thế tất yếu và mục tiêu hàng đầu mà các quốc gia đều hướng tới. Trong bối cảnh hiện nay, mục tiêu phát triển không chỉ dừng lại ở phát triển kinh tế, đáp ứng nhu cầu của thế hệ hiện tại, mà còn phải đảm bảo không gây tổn hại đến nhu cầu của các thế hệ tương lai. Theo ông Trần Trọng Nguyên, tại Việt Nam, chuyển dịch xanh nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, được hỗ trợ bởi khung khổ pháp lý, dẫn dắt bởi chiến lược và kế hoạch hành động quốc gia. Mặc dù tất cả các quốc gia đều nhận thức được tầm quan trọng của việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh và PTBV, nhưng thực tiễn cho thấy chuyển dịch xanh là không đồng đều giữa các quốc gia, thậm chí trong một quốc gia, chuyển dịch xanh là không đồng đều giữa các địa phương, các khối doanh nghiệp và các bộ phận người dân. Bài toán mà nhiều quốc gia đang đối mặt trong trình xanh hóa nền kinh tế, là tính bao trùm của chuyển dịch xanh, ở đó đảm bảo sự bình đẳng về điều kiện, cơ hội phát huy năng lực và thụ hưởng thành quả của sự phát triển, không để ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình chuyển đổi xanh.

NGƯT, PGS, TS. Trần Trọng Nguyên - Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển tại Diễn đàn

Chia sẻ tại diễn đàn, PGS, TS Vũ Minh Khương - Trường Chính sách công Lý Quang Diệu -Singapore cho rằng, các đặc trưng của công nghệ nền tảng cho kỷ nguyên Cách mạng công nghiệp 5.0 bao gồm: phổ biến, tiến bộ, bùng nổ và sáng tạo. Đó là sự thông dụng trong khắp các lĩnh vực kinh tế và giai tầng xã hội. Tính năng và ứng dụng được cải tiến, mở rộng không ngừng, chi phí trên đơn vị tiện ích liên tục giảm. Đồng thời cũng là sự thâm nhập và tiến bộ nhanh chóng của công nghệ giúp thúc đẩy mạnh mẽ năng suất và nỗ lực nghiên cứu phát triển trong mọi ngành, mọi lĩnh vực, tạo tiền đề cho các phát minh sáng tạo có thể còn lớn hơn. Những thay đổi mang tính cách mạng và chuyển đổi sâu sắc trên mọi lĩnh vực giúp nâng cao hiệu quả, hiệu suất, tính bao trùm, chất lượng cuộc sống, tính bền vững và khả năng chống chịu, TS Vũ Minh Khương khẳng định.

PGS, TS Vũ Minh Khương - Trường Chính sách công Lý Quang Diệu - Singapore

Diễn đàn gồm có 2 phiên:

Phiên 1 - Tham luận, có sự tham gia của các diễn giả với các tham luận, gồm: (i) PGS. TS. Vũ Minh Khương - Trường Chính sách công Lý Quang Diệu - Singapore: Khai thác động lực tăng trưởng xanh để tiến nhanh đến tầm nhìn Việt Nam 2045; (ii) GS. TS. Giang Thanh Long - Đại học Kinh tế Quốc dân: Đảm bảo an sinh xã hội cho đối tượng yếu thế trong tăng trưởng xanh; (iii) Ông Arnaud Ginolin - Tổng giám đốc BCG Việt Nam: Thúc đẩy tăng trưởng xanh ở Việt Nam: Xu hướng toàn cầu, bài học kinh nghiệm và khả năng áp dụng ở Việt Nam; (iv) TS. Nguyễn Duy Tùng - Nhóm chuyên gia Học viện Chính sách và Phát triển: Tăng trưởng xanh bao trùm từ góc nhìn địa phương.

Phiên 2 - Thảo luận: với sự tham dự của các diễn giả: PGS. TS. Vũ Minh Khương - Trường Chính sách công Lý Quang Diệu; TS. Lê Việt Anh - Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường - Bộ Kế hoạch và Đầu tư; TS. Vũ Tiến Lộc - nguyên Chủ tịch VCCI, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC); bà Dorsati Madani - Giám đốc chương trình Tăng trưởng xanh, Ngân hàng Thế giới; TS. Phạm Mỹ Hằng Phương - Trưởng nhóm nghiên cứu PSDI, Học viện Chính sách và Phát triển.

Diễn đàn thu hút sự tham gia của đông đảo các chuyên gia, nhà quản lý trong nước và quốc tế

Tại Diễn đàn, các đại biểu chia sẻ về việc khai thác động lực tăng trưởng xanh để tiến nhanh đến tầm nhìn Việt Nam 2045; bảo đảm an sinh xã hội cho đối tượng yếu thế trong tăng trưởng xanh; bài học kinh nghiệm và khả năng áp dụng ở Việt Nam…Đại biểu cũng khuyến nghị, để thúc đẩy chuyển dịch xanh bao trùm, Việt Nam cần thiết lập nền tảng pháp lý toàn diện, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế theo hướng phân loại nền kinh tế xanh, theo ngành và hoạt động cụ thể (hydro sạch, tài chính xanh); xây dựng chương trình và ra mắt cơ chế ưu đãi/ khuyến khích xanh ở ngành năng lượng, xử lý chất thải; khởi xướng các chương trình ​thí điểm xanh, trong các lĩnh vực chiến lược của Việt Nam. Cùng với đó, cần bảo đảm triển khai mạnh mẽ quản trị xanh, bao gồm hợp tác giữa các cơ quan và truyền thông đại chúng; đẩy nhanh huy động tài chính xanh và triển khai thực hiện. 

Trong đó, Đại sứ Australia tại Việt Nam - Andrew Goledzinowski chia sẻ kinh nghiệm của quốc gia Australia về chuyển dịch xanh, ông cho rằng Australia đã chuyển dịch chậm 10 năm, "đó là quãng thời gian Australia không bao giờ có thể lấy lại", Việt Nam nên rút kinh nghiệm từ bài học của chúng tôi.

Đại sứ Australia tại Việt Nam - Andrew Goledzinowski

Diễn đàn quốc gia về Phát triển bền vững Việt Nam 2023 đã thành công tốt đẹp, Diễn đàn đã thu hút được sự quan tâm của các cơ quan báo chí truyền thông cùng với sự tham gia của hơn 70 cơ quan, tổ chức, đơn vị với gần 150 đại biểu, thầy cô và các nhà khoa học đến từ các Bộ ban ngành, các đơn vị, các trường Đại học, các doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế. BTC xin trân trọng cảm ơn sự đồng hành tham gia và chia sẻ của các quý thầy cô cùng các Quý vị đại biểu góp phần vào sự thành công của Diễn đàn. Trân trọng./.

Một số hình ảnh tại Diễn đàn sáng ngày 30/11/2023:

Tin: TTTT, TV&TT