- content:
Ảnh minh họa – Nguồn Internet
1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về tinh thần trách nhiệm
1.1. Về khái niệm
Chủ tịch Hồ Chí Minh giải thích rõ khái niệm “tinh thần trách nhiệm” thông qua những từ ngữ rất giản dị, gần gũi, dễ hiểu, gắn với việc hoàn thành nhiệm vụ của mỗi người. Theo Bác, “Tinh thần trách nhiệm là: nắm vững chính sách, đi đúng đường lối quần chúng, làm tròn nhiệm vụ”, đó là “khi Đảng, Chính phủ, hoặc cấp trên giao cho ta việc gì, bất kỳ to hay nhỏ, khó hay dễ, ta cũng đưa cả tinh thần, lực lượng ra làm cho đến nơi đến chốn, vượt mọi khó khăn, làm cho thành công”. Ngược lại, người không có trách nhiệm là “Làm một cách cẩu thả, làm cho có chuyện, dễ làm khó bỏ, đánh trống bỏ dùi, gặp sao làm vậy.”
Ý thức trách nhiệm là tự ý thức được về các công việc phải làm, biết “nhận rõ phải, trái, đúng, sai”, tự mình xác định việc cần làm để làm cho có hiệu quả. Do đó, ý thức trách nhiệm của mỗi người trước hết thể hiện trong quan hệ với nhiệm vụ được giao, với công việc phải làm; thể hiện thông qua việc nắm vững đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện đúng đường lối quần chúng. Trên cơ sở có ý thức đúng đắn, tính tự giác, tích cực thực hiện trách nhiệm của mình, đó là có tinh thần trách nhiệm cao.
1.2. Về yêu cầu
Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: “Bất kỳ ai, ở địa vị nào, làm công tác gì, gặp hoàn cảnh nào, đều phải có tinh thần trách nhiệm” và .“Mọi người đều có trách nhiệm làm cho dân giàu nước mạnh, quốc phòng vững mạnh” và “phải ra sức thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm để xây dựng nước nhà, xây dựng chủ nghĩa xã hội”. Trong đó, cán bộ, đảng viên là người đi trước, làm gương cho nhân dân noi theo. Vì như Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Nhân dân ta thường nói: đảng viên đi trước, làng nước theo sau. Đó là một lời khen chân thành đối với đảng viên và cán bộ chúng ta”. Khi “Cán bộ xung trước, Làng nước theo sau, Việc khó đến đâu, Cũng làm được hết”. Bất luận cán bộ, đảng viên hay quần chúng nhân dân, đã là người “có tinh thần trách nhiệm” đều phải tích cực tìm hiểu, học tập để nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Xây dựng, rèn luyện bản lĩnh vững vàng, có niềm tin vào mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng, các mục tiêu hành động, phấn đấu đều là vì dân, vì nước, vì cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Do vậy, phải toàn tâm toàn ý, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
1.3. Về nội dung
Tinh thần trách niệm được Hồ Chí Minh chỉ rõ thông qua dẫn chứng rất cụ thể, dễ hiểu. Đó là, “Người nấu bếp, lo làm cho luôn luôn cơm lành canh ngon, bát đũa sạch sẽ. Không phí phạm của công. Tìm cách tăng gia, trồng rau, nuôi gà (có kế hoạch động viên anh em giúp). Khi anh em ốm yếu, thì có bát canh bát cháo. Khi bộ đội đang mải đánh giặc, thì tìm cách đưa cơm đến nơi cho anh em ăn. Khi tiếp tế khó khăn thì tìm mọi cách vượt qua, không để anh em thiếu thốn. Như thế là có tinh thần trách nhiệm. Người cán bộ quân sự, thì luôn luôn học hỏi chính trị và kỹ thuật, chiến thuật. Luôn luôn săn sóc đến tinh thần và vật chất của đội viên. Đoàn kết nội bộ. Giúp đỡ nhân dân. Kiên quyết chấp hành mệnh lệnh trên giao xuống. Khi đánh giặc thì làm cho toàn đội thấm nhuần tinh thần quyết chiến, quyết thắng. Gặp việc khó khăn thì cố tìm cách giải quyết đúng. Như thế là có tinh thần trách nhiệm”. Mỗi người đều phải có trách nhiệm trước Đảng, Chính phủ, trước nhân dân; có trách nhiệm với công việc, với bản thân mình, với gia đình, quê hương.
Khi Tổ quốc lâm nguy thì “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc”. Trách nhiệm ấy được thể hiện ở tinh thần đấu tranh quên mình cho độc lập, tự do, thống nhất đất nước. Lịch sử Đảng ta đã có nhiều tấm gương điển hình tuyệt vời về trách nhiệm cao cả ấy. “Máu đào của các liệt sĩ ấy đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do”.
Phải có trách nhiệm đối với Đảng, tất cả đảng viên phải kiên định với tôn chỉ, mục đích, mục tiêu, lý tưởng của Đảng. Đảng viên phải quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc đường lối, chủ trương, nghị quyết do Đảng đề ra; thực hiện tốt các nhiệm vụ của người đảng viên; chấp hành nghiêm Điều lệ, kỷ luật Đảng; tích cực tham gia xây dựng đảng bộ, chi bộ trong sạch vững mạnh; luôn giữ vững tính tiền phong, gương mẫu của người đảng viên. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Người cộng sản chúng ta không được phút nào quên lý tưởng cao cả của mình là: Suốt đời làm cách mạng phấn đấu cho Tổ quốc hoàn toàn độc lập, làm cho chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản thắng lợi hoàn toàn trên Tổ quốc ta và trên thế giới”.
Phải có trách nhiệm với người khác, với bản thân, gia đình, quê hương. Biểu hiện cụ thể của các trách nhiệm nêu trên của mỗi người là trách nhiệm với chính mình, với “bổn phận”, công việc được giao. Khi xác định rõ “bổn phận”, trách nhiệm phải làm thì tự thân mỗi người tự giác, tự mình cố gắng vươn lên để hoàn thành trách nhiệm đó. Là một thành viên của xã hội, của tổ chức, mỗi người giữ một vị trí xã hội nhất định, hoạt động trong một lĩnh vực nhất định và thực hiện một công việc nhất định. Do vậy, hoàn thành nhiệm vụ được giao là kết quả thực hiện các trách nhiệm nêu trên.
1.4. Về cách thức thực hiện
Người có trách nhiệm thì phải làm tròn nhiệm vụ và muốn làm tròn nhiệm vụ, cần phải thực hiện theo tuần tự: “Đảng và Chính phủ điều tra, nghiên cứu, cân nhắc cẩn thận nhằm vào lợi ích chung của nhân dân, đặt chính sách. Cán bộ phải nghiên cứu, hiểu suốt, thấm nhuần chính sách ấy. Theo chính sách ấy mà điều tra, nghiên cứu, hiểu suốt hoàn cảnh thiết thực của đơn vị mình, địa phương mình. Rồi đặt kế hoạch rõ ràng, tỉ mỉ, thiết thực, để giải thích, tuyên truyền, cổ động quần chúng, làm cho mọi người hiểu thấu và ủng hộ chính sách của Đảng và Chính phủ như là của họ, rồi thi đua thực hiện đầy đủ chính sách ấy. Như thế là làm trọn nhiệm vụ”.
Bên cạnh đó, “Để thực hiện chính sách, làm trọn nhiệm vụ, cán bộ chẳng những phải chịu khó giải thích, tuyên truyền, cổ động mà còn phải bàn bạc với quần chúng, hỏi han ý kiến, gom góp sáng kiến của quần chúng. Lãnh đạo quần chúng và hoan nghênh quần chúng phê bình... Tóm lại, phải đi đúng đường lối quần chúng. Thế là có tinh thần trách nhiệm đối với Đảng, đối với Chính phủ, đối với nhân dân”.
2. Tư tưởng Hồ Chí Minh về trung thực, nói đi đôi với làm
2.1. Về khái niệm
Trung thực là thành thực với chính mình, với mọi người, với công việc; luôn tuân thủ chuẩn mực đạo đức, chân thật trong từng lời nói và hành động, nói đi đôi với làm. Đó là một trong những phẩm chất quan trọng nhất, tạo nên định hướng giá trị nhân cách của con người Việt Nam. Người trung thực không chấp nhận gian dối trong bất kỳ việc gì và hoàn cảnh nào. Trung thực làm nên tính cách tự trọng, thẳng thắn của cá nhân; tạo nên uy tín, sức mạnh cho tập thể. Sống trung thực đòi hỏi phải dũng cảm và nghiêm khắc với chính bản thân. Do đó, trung thực luôn gắn liền với trách nhiệm. Trung thực, trách nhiệm cũng có nghĩa là kiên quyết bảo vệ chân lý, bảo vệ cái đúng, cái tích cực; dũng cảm đấu tranh với những cái sai, khuyết điểm, cái tiêu cực; nghiêm khắc tự phê bình và phê bình, thẳng thắn nhìn nhận khuyết điểm của cá nhân và tổ chức mình, cầu thị, kịp thời sửa chữa hạn chế, khuyết điểm.
Nói đi đôi với làm là nguyên tắc đầu tiên trong ba nguyên tắc đạo đức cách mạng được Hồ Chí Minh đưa ra, đó là: Nói thì phải làm, xây đi cùng với chống và tu dưỡng đạo đức suốt đời. Nói đi đôi với làm không chỉ là nguyên tắc đạo đức, lẽ sống, phương châm hoạt động mà còn là biểu hiện sinh động, cụ thể của việc quán triệt sâu sắc nguyên tắc thống nhất giữa lý luận với thực tiễn, giữa suy nghĩ và hành động, giữa tư tưởng đạo đức và hành vi đạo đức của mỗi người.
Bởi vậy, Hồ Chí Minh yêu cầu: “Cán bộ, đảng viên, đoàn viên phải miệng nói tay làm, phải xung phong gương mẫu” và “miệng nói tay làm, kịp thời giải quyết các vấn đề. Quan hệ giữa cấp trên và cấp dưới, giữa lãnh đạo và quần chúng càng thêm khăng khít, công việc càng thêm dễ dàng” và “Miệng nói tay làm, lý luận gắn liền với thực hành. Nó làm cho cán bộ tư tưởng thêm thông, lập trường thêm vững, lề lối làm việc thêm dân chủ”. Đặc biệt, trong công tác tuyên truyền “phải miệng nói tay làm, phải tuỳ hoàn cảnh mà tổ chức giúp đỡ nhân dân thực sự, không phải chỉ dân vận bằng diễn thuyết. Muốn vậy cán bộ phải làm gương mẫu”.
2.2. Về nội dung
Biểu hiện cụ thể của trung thực và trách nhiệm là nói đi đôi với làm, tập trung ở một số điểm chính sau đây:
- Nói phải đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, không được nói sai, xuyên tạc. Cán bộ, đảng viên phải nắm vững đường lối cách mạng của Đảng trong toàn bộ tiến trình cách mạng và được cụ thể hóa trong từng giai đoạn. Nắm vững đường lối cách mạng để triển khai thực hiện cho đúng và để tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân làm theo cho đúng. Phải rèn luyện bản lĩnh vững vàng để có niềm tin vào mục tiêu lý tưởng cách mạng của Đảng, dù trải qua những tình huống phức tạp, những bước ngoặt hiểm nghèo, trung thành với Đảng, với sự nghiệp cách mạng, bảo vệ nền độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
- Không được “nói một đàng làm một nẻo”. Theo Bác, lời nói đi đôi với việc làm, nói được làm được, sẽ mang lại những hiệu quả lớn, được nhiều người hưởng ứng và làm theo. Khi đề ra công việc, phải tránh cách nói chung chung, đại khái và khó hiểu. Khi nói cần phải cụ thể, thiết thực, từ nhỏ đến lớn, từ thấp đến cao, từ dễ đến khó. Cán bộ phải nói đi đôi với làm, nói trước làm trước để cho nhân dân noi theo.
Không được nói nhiều làm ít hoặc nói mà không làm. Nếu chính mình tham ô mà bảo người khác liêm khiết, mình không làm việc nhưng hô hào người khác làm việc thì không được. Nếu hô hào phải cần kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, mà bản thân lại lười biếng, không hoàn thành những công việc được giao, luôn tìm cách tham ô tiền của Nhà nước và nhân dân; sống xa hoa, lãng phí trong khi cuộc sống của đại đa số nhân dân còn nhiều thiếu thốn,... thì những lời nói đó sẽ không có tác dụng giáo dục.
- Không được hứa mà không làm. Lời hứa chỉ có giá trị khi đi liền với việc làm cụ thể. Làm ở đây chính là hành động, hoạt động thực tiễn, là tổ chức thực hiện; đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống. Hồ Chí Minh yêu cầu “Đảng phải luôn luôn xét lại những nghị quyết và những chỉ thị của mình đã thi hành thế nào. Nếu không vậy thì những nghị quyết và chỉ thị đó sẽ hoá ra lời nói suông mà còn hại đến lòng tin cậy của nhân dân đối với Đảng”.
Hồ Chí Minh cho rằng, với trình độ giác ngộ và dân trí ngày càng cao, không phải cứ nghe cán bộ nói là quần chúng sẽ làm theo mà họ xem việc cán bộ làm. Cán bộ, đảng viên “cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh... phải thật thà nhúng tay vào việc”18.
Để tránh việc hứa mà không làm, Hồ Chí Minh yêu cầu mọi người đã nói thì phải làm, “Nói ít, bắt đầu bằng hành động”; “Tốt nhất là miệng nói, tay làm, làm gương cho người khác bắt chước”. Cán bộ lãnh đạo làm gương cho nhân viên; cấp trên làm gương cho cấp dưới; cán bộ, đảng viên làm gương cho nhân dân. Đồng thời, cần giao cho một đơn vị hoặc cá nhân thường xuyên kiểm tra, giám sát và nhắc nhở đối với những tổ chức, cá nhân đã đưa ra lời hứa và yêu cầu tổ chức, thực hiện cho đúng. Có những việc cần giao cho nhân dân kiểm tra, giám sát và đôn đốc thực hiện.
Người viết: “Vì trong cán bộ, có những đồng chí tốt, miệng nói tay làm, nhưng cũng có một số đồng chí “chỉ tay năm ngón”, không chịu làm” nên khó giáo dục quần chúng. Người yêu cầu, “Nói cái gì phải cho tin - nói và làm cho nhất trí - làm thế nào cho dân tin - cho bộ đội tin ở mình”. “Nói và làm, hiểu biết và thực hành không nhất trí. Thí dụ, khi thật hăng thì nói "hy sinh tất cả để phụng sự nhân dân", song khi gặp công việc gì khó khăn, nguy hiểm thì lo cho thân mình và gia đình mình trước. Nông dân cày ruộng, công nhân xây nhà. Người tiểu tư sản trí thức thì "xây không hay, cày không thạo", những điều hiểu biết phần lớn chỉ là hiểu biết trong sách, trên giấy. Do đó, tư tưởng và quan điểm không thiết thực, không cụ thể”.
3. Tấm gương Hồ Chí Minh về tinh thần trách nhiệm, trung thực, nói đi đôi với làm
Hồ Chí Minh không chỉ bàn luận đến tinh thần trách nhiệm, đức tính trung thực, nói đi đôi với làm mà chính bản thân Người là tấm gương mẫu mực về những đức tính đó. Tư tưởng và tấm gương của Người về tinh thần trách nhiệm, trung thực, nói đi đôi với làm là tấm gương sáng ngời cho chúng ta noi theo.
Từ những ngày thơ ấu đang sinh sống ở quê nhà (Nam Đàn, Nghệ An), rồi theo cha đi đến nhiều nơi, ra Bắc, vào Nam; tiếp đó là suốt 30 năm (1911 - 1941) bôn ba hải ngoại tìm đường cứu nước, rồi trở về nước lãnh đạo cách mạng Việt Nam, cho đến lúc đi xa (năm 1969), Bác Hồ luôn là tấm gương sáng về đạo đức chuẩn mực, có tinh thần trách nhiệm, luôn trung thực, nói đi đôi với làm.
Ra đi tìm đường cứu nước với tinh thần tự giác, nêu cao trách nhiệm với Tổ quốc và đồng bào, Hồ Chí Minh mang theo hoài bão, khát vọng tìm được con đường vừa cứu được nước lại cứu được dân. Người tự phân tích, chỉ ra hạn chế trong con đường cứu nước của các vị tiền bối, nhận thấy cụ Phan Chu Trinh yêu cầu người Pháp thực hiện cải lương, “chẳng khác gì đến xin giặc rủ lòng thương”; cụ Phan Bội Châu hy vọng Nhật Bản giúp đỡ để đuổi Pháp, “chẳng khác gì đưa hổ cửa trước, rước beo cửa sau”; cụ Hoàng Hoa Thám trực tiếp đấu tranh chống Pháp nhưng “còn nặng cốt cách phong kiến”. Từ đó, Người tìm hiểu một số cuộc cách mạng tư sản, nhất là Đại cách mạng Pháp năm 1789 với bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền và khẩu hiệu “Tự do, bình đẳng, bác ái” nổi tiếng; cách mạng Bắc Mỹ với Tuyên ngôn độc lập năm 1776 tuyên bố về quyền con người, nhưng nhận thấy đây vẫn chưa thể đáp ứng yêu cầu cách mạng của dân tộc Việt Nam. Cuối cùng, Người tìm được và quyết định đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 của Lênin - lãnh tụ của giai cấp vô sản thế giới - người đã kế thừa và phát triển di sản vĩ đại của Mác - Ăngghen.
Sau khi tìm được con đường cứu nước phù hợp với nguyện vọng của dân tộc, Nguyễn Ái Quốc tự xác định trách nhiệm thức tỉnh dân tộc Việt Nam, trước hết là lớp thanh niên, trí thức yêu nước về nhiệm vụ và con đường cứu nước, giải phóng dân tộc. Người xúc tiến các điều kiện thành lập Đảng Cộng sản để lãnh đạo phong trào cách mạng đi đến thắng lợi. Qua thời gian chuẩn bị về lý luận, tổ chức và cán bộ, Nguyễn Ái Quốc đã triệu tập và chủ trì Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam tháng 2/1930 tại Cửu Long - Hương Cảng - Trung Quốc, thông qua Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt và Điều lệ vắn tắt của Đảng do Người soạn thảo, trong đó xác định rõ đường lối cách mạng Việt Nam. Người cũng ra lời kêu gọi nhân dịp thành lập Đảng. Những văn kiện được Hội nghị thông qua là Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng.
Giai đoạn 1930 - 1945, Hồ Chí Minh hai lần bị địch bắt, bị giam cầm trong nhà tù của kẻ thù. Trong hoàn cảnh lao tù, Người xác định “Muốn nên sự nghiệp lớn, tinh thần càng phải cao” và “Tai ương rèn luyện tinh thần thêm hăng”. Trong những năm hoạt động bí mật ở chiến khu Việt Bắc, Người trải qua cuộc sống gian khổ, cùng nhân dân chuẩn bị đấu tranh giành chính quyền. Khi kêu gọi nhân dân tham gia Mặt trận Việt Minh, Người xác định trách nhiệm của mình: “Riêng phần tôi, xin đem hết tâm lực đi cùng các bạn, vì đồng bào mưu giành tự do độc lập, dầu phải hy sinh tính mệnh cũng không nề”.
Muốn nêu gương cho mọi người, thì nói phải đi đôi với làm. Ở Hồ Chí Minh đã đạt đến sự thống nhất chặt chẽ giữa nói và làm, giữa giáo dục đạo đức và nêu gương đạo đức. Khi nước nhà vừa giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ kêu gọi toàn dân diệt “giặc đói” bằng cách mười ngày nhịn ăn một bữa để lấy số gạo đó cứu những người bị đói mà chính Người đã làm gương thực hiện trước. Bởi theo Người: “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”.
Người tâm sự: “Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc và hạnh phúc của quốc dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo - là vì mục đích đó... Bất kỳ bao giờ, bất kỳ ở đâu, tôi cũng chỉ theo đuổi một mục đích, làm cho ích quốc lợi dân”.
Trong quan hệ với Nhà nước và Nhân dân, Hồ Chí Minh nhận thức rất rõ trách nhiệm của mình, đó là nhận sự uỷ thác của quốc dân, đồng bào, hoàn thành trách nhiệm được Tổ quốc, nhân dân giao phó. Người nói rõ: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.
Vì nêu cao trách nhiệm, trung thực, nói đi đôi với làm mà từ sau Cách mạng Tháng Tám 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra những biểu hiện không tốt ở một số cán bộ, đảng viên: “Vác mặt làm quan cách mạng”; “nói mà không làm”; “miệng thì nói dân chủ, nhưng làm việc thì họ theo lối quan chủ”; “miệng thì nói: “Phụng sự quần chúng”, nhưng họ làm trái ngược với lợi ích của quần chúng, trái ngược với phương châm và chính sách của Đảng và Chính phủ”. Chính Người là một mẫu mực giữa lời nói với việc làm, khi hướng dẫn nhân dân cấy lúa, tát nước, kéo lưới, Người xắn quần tát nước, cấy lúa, kéo lưới để nhân dân làm theo…
Trong lãnh đạo cách mạng, có lúc Đảng, Nhà nước phạm sai lầm, khuyết điểm. Trước khuyết điểm chung, với tinh thần dám chịu trách nhiệm, Người đứng lên, thay mặt Đảng, Chính phủ xin lỗi nhân dân. Người viết: “Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”. Tháng 8/1956, trong Thư gửi đồng bào nông thôn và cán bộ nhân dịp cải cách ruộng đất ở miền Bắc căn bản hoàn thành, Người viết: “Trung ương Đảng và Chính phủ đã nghiêm khắc kiểm điểm những sai lầm, khuyết điểm ấy, và đã có kế hoạch kiên quyết sửa chữa, nhằm đoàn kết cán bộ, đoàn kết nhân dân, ổn định nông thôn, đẩy mạnh sản xuất”. Tấm gương đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh về tinh thần trách nhiệm, trung thực, nói đi đôi với làm, tiết kiệm, giản dị không chỉ là mẫu mực cho mọi người Việt Nam học tập, làm theo mà còn được báo chí nước ngoài, bạn bè quốc tế nhiều lần nhắc đến, mến phục.
Như vậy có thể nói, ngoài việc tiếp tục nâng cao và tạo sự thống nhất về nhận thức của tất cả cán bộ, đảng viên, viên chức và học viên, sinh viên ở Học viện Chính sách và Phát triển về tầm quan trọng, ý nghĩa sâu sắc, thiết thực của việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay, việc pháp điển hóa nguyên tắc: Tinh thần trách nhiệm, trung thực, nói đi đôi với làm trong toàn Học viện, thông qua đó, góp phần xây dựng Đảng bộ Học viện trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, hoàn thành nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới, giai đoạn mới./.
PhòngCT&CTSV - CB1
Nguồn tổng hợp
https://hdll.vn/vi/nghien-cuu---trao-doi/thuc-hien-noi-di-doi-voi-lam-theo-tu-tuong-ho-chi-minh.html