null Tọa đàm khoa học: Các vấn đề đương đại của lĩnh vực khoa học dữ liệu và kinh nghiệm viết bài quốc tế

content:

       (Tóm tắt): Chiều ngày 17/5/2023 tại phòng họp tầng 2, Học viện Chính sách và Phát triển đã tổ chức một buổi tọa đàm trao đổi về các vấn đề đương đại trong lĩnh vực khoa học dữ liệu cũng như những kinh nghiệm viết bài báo quốc tế để đạt được xếp hạng Q1, Q2. Buổi tọa đàm khoa học này được tổ chức với diễn giả chính là PGS, TS. Đỗ Văn Thành, nguyên là Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Kinh tế xã hội Quốc gia, hiện nay đang là giảng viên cao cấp của Đại học CMC.

 Tham dự buổi Tọa đàm khoa học có thầy Ngô Văn Giang, Phó giám đốc Học viện; thầy Đàm Thanh Tú, phó trưởng khoa Phụ trách khoa Kinh tế số; cô Nguyễn Hoài Lê – giảng viên Khoa CNTT, Trường Đại học CMC; toàn thể giảng viên Khoa kinh tế số cùng các em sinh viên chuyên ngành Phân tích dữ liệu lớn trong Kinh tế và Kinh doanh của Học viện.

                                         Các đại biểu tham dự buổi tọa đàm khoa học

      Tại buổi Tọa đàm Khoa học, PGS,TS. Đỗ Văn Thành đã cho rằng khoa học dữ liệu (Data Science) tuy không còn là một khái niệm mới nhưng sức hút của nó trong nghiên cứu chưa bao giờ giảm nhiệt. Những vẫn đề xoay quanh việc khai thác và phát triển lĩnh vực này như bằng cách tiếp cận cũng như kinh nghiệm của một nhà công nghệ, thầy Thành đã dẫn dắt từ những khái niệm cơ bản nhất: Nowcasting kinh tế vĩ mô (macroeconomic nowcasting), Dữ liệu lớn (Bigdata), Học máy (Machine learning)... đến những phức tạp trong các kỹ thuật xử lý thông tin thu thập được để phục vụ cho việc phân tích và dự báo các xu hướng trong tương lai làm cơ sở để đưa ra các quyết định, chiến lược hành động. 

                                            Báo cáo chia sẻ của PGS,TS. Đỗ Văn Thành​​​​

        PGS,TS. Đỗ Văn Thành nhấn mạnh bốn kỹ thuật tiếp cận Nowcasting như: Trí tuệ nhân tạo (AI), kết hợp kỹ thuật thống kê với giảm chiều (bài toán tối ưu), phương pháp Bagging và phương pháp Boosting. Bên cạnh những lý thuyết tiếp cận trên, PGS Thành cũng chân tình chia sẻ với giảng viên và sinh viên những lưu ý, khó khăn trong chính quá trình tiếp cận của mình khi nghiên cứu khoa học. PGS,TS. Đỗ Văn Thành rất hi vọng lớp trẻ kế cận của Kinh tế số có thể tiếp tục xử lý được những khó khăn đó.

Thầy Ngô Văn Giang có những trao đổi tại buổi tọa đàm

Trong phần chia sẻ kinh nghiệm, thầy Ngô Văn Giang có cũng đặt vấn đề làm thế nào để từ việc nghiên cứu cho ra được sản phẩm là một bài báo NCKH và được công bố trên các tạp chí uy tín như Q1, Q2 mà PGS Thành đã có nhiều kinh nghiệm. PGS,TS. Đỗ Văn Thành đã chân tình chia sẻ ngoài những yêu cầu cơ bản nhất về nội dung, bố cục của bài báo NCKH phải thỏa mãn tiêu chí của Tạp chí mình muốn thì nhấn mạnh ý nghĩa đóng góp của bài báo đó phải có một số đặc điểm như: (1) Kỹ thuật mới đưa ra có ưu điểm vượt trội như thế nào so với các kỹ thuật cũ? (2) Tính ứng dụng có cao không? (3) Cách thực hiện kỹ thuật ấy như thế nào? Có khả thi không?. Bên cạnh đó, PGS Đỗ Văn Thành còn chia sẻ sự kiên trì ngay cả trong nghiên cứu cũng như quá trình đăng bài báo của mình: “Việc báo bị trả lại là rất bình thường, ta phải nghiên cứu lại, nhờ đồng nghiệp phản biện để nhìn ra cái chưa được, kiên trì chỉnh sửa và lựa chọn tạp chí cho phù hợp”.

                                                   Toàn cảnh buổi Tọa đàm khoa học

PGS.TS Đỗ Văn Thành cũng là tác giả của các đề tài, công trình nghiên cứu khoa học về Xây dựng Hệ thống thông tin quản lý, Xây dựng mô hình dự báo lạm phát, Xây dựng mô hình dự báo một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô,… Những câu chuyện xoay quanh quá trình học tập và làm việc của thầy đã khơi gợi cảm hứng nghiên cứu khoa học đối với cán bộ, sinh viên khoa Kinh tế số.

TS. Đàm Thanh Tú – Phó Trưởng khoa Kinh tế số phát biểu kết luận buổi tọa đàm

Sau gần 3 giờ trao đổi hào hứng và sôi nổi, kết thúc buổi tọa đàm, TS Đàm Thanh Tú – Phó Trưởng khoa Kinh tế số thay mặt khoa Kinh tế số, các thầy cô giáo cũng như các em sinh viên trong khoa trân trọng cảm ơn sự có mặt của PGS.TS Đỗ Văn Thành đã là nên thành công của tọa đàm và mong muốn có thêm nhiều cơ hội hơn nữa được hợp tác với thầy trong thời gian tới.