null Hội thảo Khoa học: Tác động của AI Chatbot đến giáo dục đại học

content:

Chiều ngày 27 tháng 2 năm 2023, Học viện Chính sách và Phát triển đã tổ chức thành công Hội thảo Khoa học cấp Học viện với chủ đề “Tác động của AI Chatbot đến giáo dục đại học”.  Hội thảo do Khoa Kinh tế số chủ trì về mặt chuyên môn. Tham dự Hội thảo có TS. Giang Thanh Tùng, Bí thư đảng ủy, chủ tịch Hội đồng Học viện; PGS. TS. Trần Trọng Nguyên, Giám đốc Học viện; TS. Nguyễn Thế Hùng, Phó Giám đốc Học viện và đông đảo các thầy cô trong BGĐ, lãnh đạo các đơn vị trong Học viện.

Hội thảo đã thu hút hơn 400 đại biểu đến từ trong và ngoài Học viện. Bên cạnh đó, Hội thảo cũng nhận được sự quan tâm sâu sắc của các cơ quan thông tấn báo chí như VOV, báo dân trí, báo đầu tư.

Toàn cảnh Hội thảo

Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, PGS, TS. Trần Trọng Nguyên đã cho rằng chúng ta đang sống trong thời đại 4.0 cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ. Nếu như cách đây 20 năm, công cụ tìm kiếm của Google đã tạo nên một cuộc cách mạng lớn mang lại nhiều lợi ích cho nhân loại, đặc biệt là trong lĩnh vực Giáo dục đào tạo. Trong vài năm gần đây, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đã phát triển rất nhanh chóng và đang thay đổi hoàn toàn cách chúng ta sống và làm việc. Trong lĩnh vực giáo dục, AI đã tạo ra nhiều tiềm năng để cải thiện quá trình đào tạo của sinh viên. Tuy nhiên, việc sử dụng AI Chatbot cũng đặt ra nhiều thách thức và những nghi vấn về tính hiệu quả hay sự gian lận trong học tập, thi cử. Một số người thì cho rằng việc sử dụng AI Chatbot có thể dẫn đến việc giảm thiểu sự tương tác giữa giảng viên và sinh viên, làm giảm chất lượng giáo dục. Trong khi đó, một số người lại cho rằng AI Chatbot có thể giúp giảng viên có thời gian hơn để tập trung vào các nhiệm vụ khác như nghiên cứu và phát triển chương trình đào tạo…

PGS. TS. Trần Trọng Nguyên Phát biểu khai mạc Hội thảo

Với các góc nhìn khác nhau của các diễn giả tham dự Hội thảo như TS. Vũ Văn Hiệu, TS. Đặng Xuân Thọ, TS. Đàm Thanh Tú, TS. Nguyễn Như Hà, ThS. Đỗ Thị Hoa, Giám đốc CAS Media Nguyễn Phong Anh đã giúp cho Ban tổ chức Hội thảo rút ra được một số kết luận như sau:

Các nhà Khoa học có mặt tại Hội thảo

+ Với sự phát triển của các AI Chatbot, các cơ sở đại học nói chung ngoài việc đối mặt với nạn đạo văn trong học thuật thi nay đang phải đối mặt với một thách thức mới liên quan đến việc sử dụng trí tuệ nhân tạo trong các hoạt động đào tạo.

+ Dưới tác động của AI Chatbot, vai trò của các giảng viên đại học thay đổi nhưng vị trí của giảng viên hoặc là không đổi, hoặc là được nâng cao hơn so với trước đây tùy thuộc vào sự phấn đấu của bản thân từng giảng viên thỏa mãn được những đòi hỏi của thời đại mới.

+ Các giảng viên phải nghiên cứu cách ra bài tập về nhà hoặc ra đề tiểu luận, đề thi theo những chuẩn mực nhất định nào đó để đánh giá được năng lực sinh viên vì chắc chắn không thể cấm sinh viên sử dụng các AI Chatbot.

+ Bản thân các giảng viên muốn kiểm soát tốt sinh viên không quá lạm dụng trí tuệ nhân tạo trong việc học tập thì các thầy cô cũng phải sử dụng thành thạo công nghệ cho việc nghiên cứu & giảng dạy của mình để hiểu được sức mạnh của nó.

+ Các AI Chatbot có thể hỗ trợ tốt cho việc học tập, nghiên cứu của giảng viên và sinh viên với điều kiện được sử dụng có trách nhiệm, liêm chính cùng tư duy phản biện.

TS. Đàm Thanh Tú - Phó trưởng Khoa phụ trách Khoa Kinh tế số

TS. Nguyễn Như Hà - Trưởng Khoa Luật Kinh tế

Ông Nguyễn Phong Anh - Giám đốc CAS media

TS. Nguyễn Thế Hùng - Phó giám đốc Học viện phát biểu bế mạc Hội Thảo

Ban tổ chức Hội thảo xin cảm ơn sâu sắc đến các chuyên gia, các nhà khoa học, các giảng viên đã có những nghiên cứu nghiêm túc để có thể đưa ra những quan điểm của mình, góp phần tạo lên sự phát triển về mặt học thuật đối với lĩnh vực trí tuệ nhân tạo có nhiều mới mẻ và hấp dẫn này.

Bài và ảnh: TTCNTT TV&TT và Khoa KTS