null Thông tư 22/2024/TT-BKHĐT, thay thế Thông tư 06/2024/TT-BKHĐT có hiệu lực từ 01/01/2025

content:

Ngày 17/11/2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư 22/2024/TT-BKHĐT, thay thế Thông tư 06/2024/TT-BKHĐT có hiệu lực từ 01/01/2025 (một phần hiệu lực từ 01/12/2024), với mục tiêu tiếp tục cải tiến việc cung cấp, đăng tải thông tin lựa chọn nhà thầu và sử dụng mẫu hồ sơ đấu thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Đây là bước tiến quan trọng nhằm thúc đẩy minh bạch và hiệu quả trong lĩnh vực đấu thầu tại Việt Nam. Việc ban hành Thông tư này nhằm mục đích:
- Bổ sung các mẫu hồ sơ đấu thầu mới và cập nhật, chuẩn hóa các mẫu để bảo đảm thực hiện lộ trình đấu thầu qua mạng;
- Đơn giản hóa thủ tục, cắt giảm chi phí cho chủ đầu tư, nhà thầu trong quá trình tham dự thầu;
- Tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi trong quá trình thực hiện hoạt động đấu thầu

1. Điểm mới nổi bật trong Thông tư 22/2024/TT-BKHĐT

Hệ thống mẫu hồ sơ đấu thầu cập nhật đầy đủ theo các quy định của Nghị định 24/2024/NĐ-CP:

Cung cấp 42 mẫu hồ sơ chuẩn hóa (Từ Mẫu 1A tới Mẫu 14D) và 17 phụ lục (Từ Phụ lục 1A- Phụ lục 10). Bổ sung các mẫu hồ sơ mới, gồm:
1.1. Mẫu hồ sơ mời sơ tuyển; hồ sơ mời thầu gói thầu hỗn hợp (EP, EC, PC, EPC) theo phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ, một giai đoạn hai túi hồ sơ.
1.2. Mẫu hồ sơ mời thầu gói thầu mượn thiết bị y tế theo phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ, một giai đoạn hai túi hồ sơ.
1.3. Mẫu hồ sơ chào giá trực tuyến theo quy trình thông thường, quy trình rút gọn.
1.4. Mẫu hồ sơ mua sắm trực tuyến.
1.5. Các biểu mẫu để thực hiện việc phê duyệt hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, kết quả lựa chọn danh sách ngắn, kết quả lựa chọn nhà thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

Hợp đồng điện tử là bắt buộc đối với các gói thầu tổ chức đấu thầu qua mạng. Tiến tới thanh toán điện tử nhờ việc Hệ thống mạng đấu thầu Quốc gia sẽ kết nối trực tiếp tới Hệ thống của Kho bạc.

HÃY THEO DÕI BÀI VIẾT ĐỂ CẬP NHẬT SỚM NHẤT NHỮNG ĐIỂM MỚI CHO TỪNG LOẠI GÓI THẦU NHÉ

2. Những thay đổi quan trọng so với Thông tư 06/2024/TT-BKHĐT

2.1. Bổ sung quy định về hợp đồng điện tử và kết nối Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia với Kho bạc Nhà nước để tạo thuận lợi trong việc lưu trữ, thanh toán hợp đồng (Tại Điều 10 của Thông tư).
2.2. Sửa đổi quy định về hợp đồng tương tự đối với gói thầu mua sắm hàng hóa để cho phép chủ đầu tư lựa chọn tính chất tương tự của hợp đồng theo lĩnh vực tổng quát hoặc theo lĩnh vực tổng quát và mã HS để tạo thuận lợi cho việc xác định tính chất hợp đồng tương tự; chỉnh sửa quy định về quy mô hợp đồng tương tự gói thầu mua sắm hàng hóa từ 70% xuống 50% để thống nhất với quy mô hợp đồng tương tự gói thầu xây lắp (tại Mục 2.3 Chương III của Mẫu E-HSMT mua sắm hàng hóa).
2.3. Sửa đổi quy định về nguồn lực tài chính, nhân sự chủ chốt theo hướng:
- Cho phép chủ đầu tư chọn áp dụng hoặc không áp dụng cam kết cung cấp tín dụng nhằm tạo tính chủ động, linh hoạt cho chủ đầu tư trong quá trình xác định năng lực tài chính của nhà thầu;
- Cho phép chủ đầu tư căn cứ vào quy mô, tính chất gói thầu để xác định yêu cầu về nhân sự chủ chốt đối với chỉ huy trưởng công trường, cán bộ phụ trách kỹ thuật, an toàn lao động và các vị trí công việc quan trọng khác cho phù hợp với yêu cầu của gói thầu để tránh lạm dụng, tùy tiện đưa ra các yêu cầu quá cao làm hạn chế sự tham gia của nhà thầu (tại Mục 2.3 Chương III của Mẫu E-HSMT xây lắp).
2.4. Bổ sung quy định về sử dụng nhà thầu phụ đối với nhà thầu liên danh để cho phép thành viên liên danh được sử dụng nhà thầu phụ tương ứng với tỷ lệ công việc đảm nhận trong liên danh nhằm bảo đảm tính minh bạch trong quá trình quản lý nhà thầu phụ (Mục 27.3 (E-HSMT xây lắp, EPC, EP, EC, PC), Mục 26.3 (E-HSMT tư vấn), Mục 27.2 (E-HSMT phi tư vấn) Chương I).
2.5. Sửa đổi quy định về hợp đồng trong các mẫu E-HSMT gói thầu xây lắp, tư vấn để bảo đảm hài hòa hóa với quy định của Thông tư số 02/2023/TT-BXD ngày 03/3/2023 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn một số nội dung về hợp đồng xây dựng. Theo đó, văn bản hợp đồng được lập theo mẫu hợp đồng điện tử trong E-HSMT quy định tại Thông tư này hoặc quy định của pháp luật có liên quan; chủ đầu tư được chỉnh sửa, bổ sung các nội dung tại mẫu hợp đồng điện tử trong E-HSMT để phù hợp với quy mô, tính chất của gói thầu và quy định của pháp luật có liên quan (Chương VI, VII của E-HSMT xây lắp, tư vấn).
2.6. Sửa đổi quy định về quy mô hợp đồng tương tự đối với gói thầu dịch vụ phi tư vấn theo hướng giảm giá trị hợp đồng tương tự từ 50% xuống 30% và cho phép cộng gộp các hợp đồng tương tự cho từng hạng mục đối với gói thầu có nhiều hạng mục độc lập để tăng tính cạnh tranh cho gói thầu (ghi chú (10), (11) Chương III Mẫu E-HSMT phi tư vấn).
2.7. Bổ sung quy định về việc xác định loại kết cấu, cấp công trình để tránh cách hiểu khác nhau khi đánh giá E-HSDT. Theo đó, loại kết cấu, cấp của công trình được xác định tại thời điểm phê duyệt dự án (tại ghi chú số (12) Chương III Mẫu E-HSMT xây lắp).
2.8. Sửa đổi quy trình nộp E-HSDT để bảo đảm tính minh bạch trong việc mở thầu đối với các E-HSDT không được nộp theo E-HSMT sửa đổi. Theo đó, trường hợp nhà thầu không nộp lại E-HSDT sau khi E-HSMT được sửa đổi thì E-HSDT đã nộp trước thời điểm E-HSMT được sửa đổi sẽ không được mở, xem xét, đánh giá (Mục 17 (E-HSMT tư vấn) Mục 20 (Mẫu E-HSMT xây lắp, hàng hóa, phi tư vấn) Chương I).
2.9. Sửa đổi quy định về bảo đảm dự thầu, bảo đảm thực hiện hợp đồng để tăng tính linh hoạt, chủ động cho nhà thầu khi thực hiện bảo đảm dự thầu, bảo đảm thực hiện hợp đồng, đồng thời giảm chi phí tham dự thầu đặc biệt đối với nhà thầu là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo đó, nhà thầu chỉ cần cam kết trong đơn dự thầu đối với bảo đảm dự thầu có giá trị dưới 50 triệu đồng (tăng từ 20 triệu đồng lên 50 triệu đồng); đối với giá trị bảo đảm dự thầu, bảo đảm thực hiện hợp đồng dưới 50 triệu đồng thì khi đối chiếu tài liệu hoặc ký hợp đồng, nhà thầu không bắt buộc đính kèm bảo lãnh dự thầu mà có thể thực hiện bằng hình thức nộp tiền mặt hoặc chuyển khoản (Mục 18 Chương I của E-HSMT xây lắp, hàng hóa, phi tư vấn).
2.10. Bổ sung quy định về Giấy phép bán hàng để khắc phục tình trạng nhà sản xuất, đại lý cố tình cản trở việc trúng thầu của nhà thầu. Theo đó, trường hợp nhà thầu đã được xét duyệt trúng thầu nhưng nhà sản xuất, đại lý phân phối không cung cấp Giấy phép bán hàng mà không có lý do chính đáng và nhà thầu này có đủ khả năng bảo hành, bảo trì, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, cung cấp phụ tùng thay thế hoặc cung cấp các dịch vụ sau bán hàng khác thì vẫn được ký hợp đồng mà không cần xuất trình Giấy phép bán hàng (E-CDNT 16 Chương II Mẫu E-HSMT hàng hóa).
2.11. Sửa đổi nội dung cam kết theo hướng ngân hàng cam kết thanh toán vô điều kiện, không hủy ngang cho Chủ đầu tư bất cứ khoản tiền nào trong giới hạn số tiền bảo lãnh nêu trên khi có yêu cầu bồi thường của chủ đầu tư (mẫu 04A, 04B - thư bảo lãnh dự thầu trong các E-HSMT).
2.12. Sửa đổi, bổ sung về kỹ thuật một số nội dung nhằm bảo đảm tính thống nhất, phù hợp giữa các nội dung trong các mẫu E-HSMT.

Trích dẫn từ: Hệ thống mạng đấu thầu Quốc gia

3. Chủ đầu tư, Bên mời thầu và Nhà thầu cần làm gì?

Chủ đầu tư, Bên mời thầu và nhà thầu cần làm quen với các mẫu hồ sơ đấu thầu mới và đảm bảo quy trình kê khai thông tin đáp ứng đúng quy định của Thông tư 22/2024/TT-BKHĐT.

Việc sử dụng các công cụ số hóa trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia là yêu cầu bắt buộc, đòi hỏi doanh nghiệp nâng cao năng lực về công nghệ thông tin và chữ ký số.

Các nhà thầu nên chủ động cập nhật kiến thức và tận dụng các giải pháp số hóa để thích nghi với thay đổi từ Thông tư 22/2024/TT-BKHĐT. Đồng thời, các đơn vị có thể tham khảo các hướng dẫn cụ thể trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia tại https://muasamcong.mpi.gov.vn để đảm bảo quá trình thực thi đúng luật và hiệu quả.

Kết luận

Thông tư 22/2024/TT-BKHĐT là bước tiến quan trọng trong việc hiện đại hóa hoạt động đấu thầu tại Việt Nam. Cụ thể hóa Luật Đấu thầu, Nghị định 24/2024/NĐ-CP với các quy định chặt chẽ và cơ sở dữ liệu minh bạch, doanh nghiệp và nhà thầu cần nhanh chóng cập nhật và triển khai để tận dụng tối đa lợi ích từ Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.