- content:
-
Sáng ngày 15/3/2024, tại khách sạn Movenpick, thành phố Hà Nội, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Học viện Chính sách và Phát triển tổ chức Hội thảo giới thiệu Dự án "Phát triển năng lực địa phương (LCD)" nhằm giới thiệu nhà thầu tới các địa phương, đồng thời tìm ra cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các bên liên quan của Dự án.
Toàn cảnh Hội thảo
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu khai mạc
Dự án “Phát triển năng lực địa phương” (LCD) nằm trong khuôn khổ thỏa thuận hợp tác chung giữa USAID và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đến hết năm 2028: Với mục tiêu tăng cường năng lực của chính quyền địa phương và các tổ chức địa phương, dự án tập trung các hoạt động gắn kết giữa chính quyền địa phương với các tổ chức địa phương và các bên liên quan khác tại địa phương nhằm chuẩn hóa quy trình hoạch định chính sách một cách minh bạch, thực hiện chính sách hiệu quả và cung cấp dịch vụ công tốt nhất hơn cho người dân. Dự án mong muốn đưa ra mô hình chứng minh giá trị của việc gắn kết và tương tác giữa các bên liên quan ở địa phương một cách cởi mở, dựa trên bằng chứng, về lâu dài sẽ đưa đến sự hợp tác hiệu quả giữa chính quyền và các tổ chức địa phương để giải quyết các vấn đề quan trọng của địa phương.
Ông Douglas Balko, Giám đốc Phòng Quản trị và Tăng trưởng Kinh tế, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam
PGS, TS. Trần Trọng Nguyên, Giám đốc Học viện phát biểu tại Hội thảo
Theo PGS, TS. Trần Trọng Nguyên - Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển cho biết, trước đó Học viện và USAID đã triển khai các buổi tọa đàm tham vấn ý kiến của địa phương để hoàn tất quá trình thiết kế dự án trong năm 2023. Hiện nay, sau một quá trình tuyển chọn nghiêm túc, chặt chẽ, đúng quy định, dự án đã lựa chọn được nhà thầu Creative Associates International, là đơn vị đáp ứng yêu cầu năng lực và phù hợp thực hiện Dự án.
Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Giám đốc Học viện
Ông Barry Reed - Giám đốc Dự án Phát triển Năng lực Địa phương
Dự án sẽ triển khai dựa trên nền tảng vững chắc về thông tin và phân tích dữ liệu, cũng như quá trình đồng thiết kế với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI), Học viện Chính sách và Phát triển (APD) và chính quyền các tỉnh, huyện và thành phố, các tổ chức địa phương, và khu vực tư nhân. Kỳ vọng đến năm 2028, Dự án LCD sẽ nâng cao năng lực cho ít nhất 17 chính quyền địa phương hoặc trung ương, 48 tổ chức tại địa phương và 32 cơ quan/ tổ chức thuộc khu vực tư nhân, để họ tham gia cải thiện việc cung cấp dịch vụ cho người dân tại địa phương một cách hiệu quả hơn. Thúc đẩy các mạng lưới và triển khai các giải pháp cải thiện dịch vụ: 32 mạng lưới nhằm cung cấp dịch vụ bền vững sẽ được thiết lập hoặc củng cố và 32 giải pháp dịch vụ công được thực hiện. APD sẽ trở thành trụ cột nhằm nhân rộng các mô hình, thực tiễn tốt như hành động tập thể, cải thiện việc cung cấp dịch vụ và phát triển kinh tế địa phương trên toàn quốc.
Ông Nguyễn Kiều Cương, Phó Giám đốc Dự án Phát triển Năng lực Địa phương
Đại diện các địa phương (Cần Thơ, Đồng Tháp, Thừa Thiên Huế, Vĩnh Phúc)
Hội thảo diễn ra vô cùng thành công, giới thiệu tổng quan về mục tiêu và phạm vị hoạt động của Dự án, kế hoạch hoạt động trong 5 năm tới, chi tiết một số hoạt động trong giai đoạn khởi động, giới thiệu vai trò và trách nhiệm của các bên liên quan trong quá trình quản lý và thực hiện Dự án.
Chiều cùng ngày, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam và Học viện Chính sách và Phát triển cũng đã tổ chức Chương trình làm việc với địa phương về Cơ chế phối hợp và cách thức triển khai Dự án "Phát triển năng lực địa phương (LCD)".
Một số hình ảnh tại Chương trình làm việc với địa phương buổi chiều ngày 15/03/2024:
Tin: TTTT,TV&TT
-