null Học viện Chính sách và Phát triển tham gia Tọa đàm trực tuyến quốc tế: “Những vấn đề giáo dục đại học ở Đông Nam Á phải đối mặt liên quan đến việc thực hiện hợp tác quốc tế”

content:

Ngày 31/08/2023, Trường Đại học Kadiri (Indonesia) đã tổ chức trực tuyến thành công Tọa đàm trực tuyến quốc tế: “Những vấn đề giáo dục đại học ở Đông Nam Á phải đối mặt liên quan đến việc thực hiện hợp tác quốc tế”. Buổi tọa đàm có sự góp mặt của TS. Nguyễn Thế Hùng – Phó Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển cùng các diễn giả đến từ nhiều quốc gia như Campuchia, Philippines, Malaysia, Thái Lan, Indonesia,….

Hình ảnh của buổi Tọa đàm trực tuyến quốc tế “Những vấn đề giáo dục đại học ở Đông Nam Á phải đối mặt liên quan đến việc thực hiện hợp tác quốc tế”

Buổi Tọa đàm gồm có hai phiên. Tại phiên đầu, mỗi diễn giả tại tọa đàm đến từ các nước đưa ra các ý kiến, hiểu biết của mình về các vấn đề giáo dục ở Đông Nam Á phải đối mặt liên quan đến việc thực hiện hợp tác quốc tế. Sau đó, phiên hai là phần thảo luận các nội dung xoay quanh chủ đề chính.

TS. Nguyễn Thế Hùng – Phó Giám đốc Học viện tại buổi tọa đàm ( bên trái)

Tại Toạ đàm, TS. Nguyễn Thế Hùng – Phó Giám đốc Học viện đã chia sẻ về những thách thức đối với giáo dục đại học Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế. Hội nhập quốc tế là cơ hội hợp tác, liên kết với nước ngoài để đào tạo trong nước, đào tạo ở nước ngoài, đưa sinh viên, giảng viên Việt Nam đi học tập và giảng dạy ở nước ngoài, mời giáo viên nước ngoài có chất lượng cao sang Việt Nam giảng dạy, hợp tác nghiên cứu về vấn đề giáo dục và đào tạo. Hội nhập sẽ góp phần từng bước chuẩn hóa, hiện đại hóa các chương trình giáo dục đạt trình độ khu vực và toàn cầu về nội dung đào tạo, phương pháp đào tạo, cơ sở vật chất giáo dục, giáo dục quản lý giáo dục,… Bên cạnh đó vẫn còn những hạn chế như khó khăn về ngôn ngữ, chênh lệch tiền tệ,  vấn đề tự chủ đại học còn nhiều khó khăn dẫn đến hạn chế cơ hội hợp tác quốc tế do còn vướng mắc về quy định, chính sách; việc kiểm soát các điều kiện đảm bảo chất lượng là nhu cầu cần thiết hàng năm, dẫn đến những yêu cầu đòi hỏi về thời gian, công sức, nhân sự và chi phí. Tính cấp thiết của chuyển đổi số là thách thức lớn, cơ sở dữ liệu về giáo dục đại học cũng là một trong những nội dung quan trọng cần được hoàn thiện và đưa vào vận hành nhằm góp phần nâng cao chất lượng quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

          Xu hướng toàn cầu hóa và sự bùng nổ của khoa học công nghệ đã và đang thúc đẩy giáo dục đại học của mỗi quốc gia đổi mới không ngừng, đặc biệt là hội nhập quốc tế để cập nhật nhanh chóng những xu thế mới, tri thức mới. Vì vậy, nền giáo dục đại học mỗi quốc gia nói chung và các trường đại học nói riêng cần hội nhập quốc tế để giao lưu, học hỏi cũng như đổi mới phù hợp với xu thế chung của thế giới. Trong xu thế phát triển của giáo dục hiện đại, hợp tác quốc tế của các trường đại học diễn ra như một tất yếu khách quan và ngày càng khẳng định vai trò quan trọng của mình trong quá trình phát triển của các trường đại học trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng.

Tin: TTTT, TV&TT