null Hội thảo “Tham vấn về việc xây dựng chuẩn đầu ra tiếng Anh đối với hệ đại học và sau đại học của Học viện Chính sách và Phát triển”

Tiếp nối Hội thảo “Nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập môn Tiếng Anh tại Học viện Chính sách và Phát triển” và một chuỗi các hoạt động tìm hiểu, nghiên cứu về việc xây dựng chuẩn đầu ra Tiếng Anh của các trường đại học do Khoa Ngoại Ngữ HV CS&PT thực hiện, cùng với sự nhận thức rõ ràng được tầm quan trọng của việc công bố và áp dụng chuẩn đầu ra nói chung là nhằm đánh giá năng lực của người học đồng thời đánh giá chất lượng giáo dục của cơ sở giáo dục đào tạo đại học, và chuẩn đầu ra Tiếng Anh nói riêng là để nâng cao năng lực ngoại ngữ của sinh viên cũng như đáp ứng nhu cầu xã hội về nguồn nhân lực cao, sáng ngày 28/05/2014,  HV CS&PT đã tổ chức Hội thảo “Tham vấn về việc xây dựng chuẩn đầu ra Tiếng Anh đối với hệ đại học và sau đại học của Học viện Chính sách và Phát triển” dưới sự chủ trì của PGS.TS. Đào Văn Hùng – Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển và ThS. Tân Anh – Trưởng khoa Ngoại ngữ.

 Tham dự Hội thảo có các chuyên gia đến từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục đại học uy tín như Đại học Ngoại ngữ - ĐH QGHN, Đại học Ngoại thương, Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh Thái Nguyên, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, đại diện của Tập đoàn IIG Việt Nam, cán bộ Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ kế hoạch và Đầu tư, Ban lãnh đạo Học viện, cùng cán bộ, giảng viên và đại diện sinh viên các khóa của Học viện Chính sách và Phát triển.

 

PGS, TS. Đào Văn Hùng, Giám đốc HV CS&PT phát biểu khai mạc hội thảo

Hội thảo là cơ hội để lãnh đạo, cán bộ, giảng viên và sinh viên HV CS&PT lắng nghe các chuyên gia đến từ các cơ sở giáo dục đại học kể trên chia sẻ những kinh nghiệm trong việc thực hiện lộ trình xây dựng, công bố và áp dụng chuẩn đầu ra Tiếng Anh. Các tham luận đều tập trung trả lời 4 nhóm câu hỏi chính bao gồm: 1) Các trường đã công bố chuẩn đầu ra Tiếng Anh như thế nào (đối với từng ngành học và từng hệ đào tạo? và bắt đầu áp dụng từ khi nào?); 2) Để áp dụng và đạt được mục tiêu chuẩn đầu ra Tiếng Anh như vậy, các trường đã có lộ trình chuẩn bị như thế nào? (Đối với việc bồi dưỡng giảng viên? Xây dựng chương trình, giáo trình? Phân bổ thời lượng giảng dạy môn Tiếng Anh? Chuẩn bị cơ sở vật chất? Phân loại đầu vào sinh viên,…?); 3) Những thuận lợi và khó khăn khi xây dựng chuẩn đầu ra Tiếng Anh? Những khó khăn lường trước khi áp dụng chuẩn đầu ra Tiếng Anh (ví dụ như ảnh hưởng đến việc tốt nghiệp của sinh viên ra trường như thế nào? Giải pháp khắc phục những khó khăn đó?)

 

Thạc sỹ Tân Anh – Trưởng khoa Ngoại ngữ - HV CS&PT trình bày tại hội thảo

 

Sau khi nghe PGS.TS. Đào Văn Hùng, Giám đốc HV CS&PT phát biểu giới thiệu về định hướng phát triển của Học viện và ThS. Tân Anh, Trưởng Khoa Ngoại ngữ HV CS&PT trình bày đề xuất chuẩn đầu ra Tiếng Anh của các chuyên ngành thuộc các hệ đào tạo tại HV cũng như kế hoạch chuẩn hóa Tiếng Anh đối với đội ngũ cán bộ, giảng viên của HV.

 

TS. Đỗ Tuấn Minh, Phó Hiệu trưởng phụ trách đào tạo, ĐHNN-ĐHQGHN chia sẻ: để việc xây dựng và áp dụng chuẩn đầu ra Tiếng Anh thành công cần phải chuẩn bị một lộ trình rõ ràng và cam kết thực hiện nghiêm túc những việc sau: phải xây dựng một chương trình đào tạo tiên tiến, phát triển được cả kiến thức và kỹ năng ngôn ngữ; có hệ thống kiểm tra, đánh giá nghiêm túc, tin cậy; đặc biệt quan tâm đến công tác rà soát và bồi dưỡng đội ngũ giảng viên Tiếng Anh thật tốt về tất cả các mặt như năng lực tiếng, phương pháp giảng dạy và kỹ năng áp dụng công nghệ thông tin; xây dựng một chương trình ngoại khóa nhằm nâng cao năng lực sử dụng Tiếng Anh của sinh viên như có các hoạt động câu lạc bộ tiếng Anh, tổ chức các cuộc thi tiếng Anh, các buổi dã ngoại, giao lưu có sử dụng Tiếng Anh và tăng cường việc giảng dạy của giảng viên bản ngữ, v.v.; . Việc công bố chuẩn đầu ra phải tuân theo quy chế và cơ sở pháp lý rõ ràng, phải công khai, minh bạch, thông báo, tuyên truyền rộng rãi để các thành phần trong nhà trường được biết, sinh viên và phụ huynh được biết, thậm chí phải công bố trong các tài liệu tuyển sinh. Ông cũng nhấn mạnh, việc công bố chuẩn đầu ra thì dễ, nhưng để thực hiện nó một cách nghiêm túc thì lại gặp rất nhiều khó khăn và áp lực từ chính những đối tượng liên quan trực tiếp như: thầy, trò, nhà quản lý và cả từ phía xã hội vì vậy người đứng đầu phải là người có quyết tâm cao, “chịu được nhiệt”.

 

TS. Đỗ Tuấn Minh, Phó Hiệu trưởng, phụ trách đào tạo, ĐHNN, ĐHQGHN chia sẻ kinh nghiệm tại HT

 

ThS. Trần Thị Thu Giang, nguyên Trưởng khoa Ngoại ngữ, ĐH KTQD thì chia sẻ kinh nghiệm để việc thực hiện lộ trình chuẩn đầu ra thành công cần có sự chỉ đạo sát sao, trực tiếp từ lãnh đạo nhà trường; việc phân loại sinh viên đầu vào để giảng dạy phù hợp với trình độ là vô cùng quan trọng; việc xây dựng lộ trình cần có sự phối hợp với chuyên gia; đề án phải được bảo vệ công khai trước hội đồng khoa học và đào tạo cấp khoa, cấp trường; phải thông báo và tuyên truyền về chuẩn đầu ra bằng văn bản, trên website để các đối tượng liên quan nắm rõ và thực hiện nghiêm túc; điều chỉnh nội dung và chương trình đào tạo theo khung chương trình mới phù hợp để đảm bảo việc đào tạo sinh viên đạt chuẩn đầu ra tiếng Anh. ThS. Giang cũng chia sẻ những thuận lợi trong việc thực hiện chuẩn đầu ra của ĐH KTQD, cho đến nay nhà trường đã xây dựng một bộ chuẩn đầu ra ngoại ngữ hoàn chỉnh, bộ qui định về học và kiểm tra trình độ ngoại ngữ, bộ bài test phân loại đầu vào, bộ câu hỏi kiểm tra, đánh giá trình độ, năng lực ngoại ngữ, qui định về việc qui đổi điểm, miễn học – miễn thi học phần và miễn thi chuẩn đầu ra.

 

Bên cạnh những thuận lợi đó, thì trường cũng gặp một số khó khăn như nhận thức chưa đầy đủ về chuẩn đầu ra ngoại ngữ từ một số giảng viên, sinh viên, thậm chí cả người quản lý khiến việc thực hiện chuẩn đầu ra ngoại ngữ không hề đơn giản. Ví dụ như quan điểm về đào tạo ngoại ngữ rất đa dạng, có ý kiến cho rằng ngoại ngữ chỉ là môn phụ, cần tập trung thời gian nhiều vào cho các môn chuyên ngành, hay e ngại tác động xã hội, sợ ảnh hưởng đến tỷ lệ phần trăm tốt nghiệp ra trường, v.v.

 

Thạc sỹ Trần Thị Thu Giang – nguyên Trưởng khoa Ngoại ngữ kinh tế - ĐH KTQD trình bày tham luận tại HT

 

Trong khi đó, TS. Vũ Thị Tú Anh, Vụ phó Vụ giáo dục trung học, Trưởng bộ phận thường trực Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 nhấn mạnh: “Các trường cần phải giải quyết được 3 vấn đề cơ bản: thứ nhất là phải có một hệ thống chương trình, tài liệu giảng dạy chuẩn; thứ hai là phải có một hệ thống kiểm tra, đánh giá chuẩn; và thứ ba là phải có điều kiện giảng dạy chuẩn.” Để góp phần giải quyết 3 vấn đề kể trên, Bộ GD&ĐT  có chủ trương xây dựng Cục khảo thí ngoại ngữ quốc gia, xây dựng ngân hàng ngữ liệu kiểm tra mở cho phép người học được sử dụng miễn phí, và tháng 12/2014 sẽ công bố định dạng đề thi quốc gia. Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng khuyến khích các đơn vị đào tạo xây dựng mô hình điển hình nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập môn Tiếng Anh. Đồng thời, TS Tú Anh cũng chia sẻ một số văn bản pháp lý liên quan đến việc xây dựng và thực hiện chuẩn đầu ra ngoại ngữ để Học viện lấy làm cơ sở cho việc triển khai tại đơn vị mình. 

 

TS. Vũ Thị Tú Anh, Phó Vụ trưởng, Vụ Giáo dục trung học, Trưởng bộ phận thường trực Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020, Bộ GD&ĐT chia sẻ tại HT

 

TS. Nguyễn Thanh Hương, Trưởng Khoa Ngoại ngữ, Học viện Báo chí và tuyên truyền chia sẻ những khó khăn mà trường  gặp phải khi công bố chuẩn đầu ra tiếng Anh như việc lựa chọn công cụ nào là thước đo chuẩn, hay khó khăn về kinh tế của sinh viên khi phải trả phí cho việc thi chuẩn đầu ra, hay làm thế nào để vẫn có thể duy trì và nâng cao trình độ tiếng Anh đối với các em có đủ điều kiện được miễn học và thi các học phần tiếng Anh cơ sở khi có các chứng chỉ quốc tế có giá trị, vv.

 

TS. Nguyễn Thanh Hương – Trưởng khoa Ngoại ngữ, HV BC&TT chia sẻ kinh nghiệm tại HT

 

Đặc biệt, ThS. Trần Công Nghiệp, Giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ và Tin học, Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh Thái Nguyên chia sẻ những khó khăn sau khi nhà trường công bố chuẩn đầu ra Tiếng Anh theo công cụ TOEIC là 450 điểm. Theo chuẩn công bố này chỉ có 50 sinh viên đạt chuẩn (T3/2013), ngay sau đó nhà trường phải hạ chuẩn xuống còn 400 điểm TOEIC (T5/2013) và tỉ lệ đạt chuẩn để có đủ điều kiện ra trường vẫn còn rất hạn chế. Nguyên nhân là trình độ ngoại ngữ đầu vào của sinh viên còn thấp (Năm 2012, 70% SV đạt điểm Tiếng Anh đầu vào dưới 250 TOEIC); sinh viên còn chủ quan, chưa thật sự nhận thức được tầm quan trọng của chuẩn đầu ra ngoại ngữ, chưa tin vào chủ trương áp dụng chuẩn đầu ra của nhà trường nên chưa có sự chuẩn bị tốt; một nguyên nhân khách quan nữa là mặc dù TOEIC được công nhận rộng rãi trên quốc tế cũng như trong các tỉnh thành lớn tại Việt Nam, nhưng nó lại vô cùng xa lạ đối với các nhà tuyển dụng ở một số tỉnh miền núi phía Bắc trong đó có Thái Nguyên, nên khiến chứng chỉ TOEIC không được chấp nhận đối với các nhà tuyển dụng này. Dù thực tế khó khăn như vậy nhưng lãnh đạo nhà trường vẫn trước sau như một, quyết tâm duy trì thực hiện chủ trương đề ra. Và bài học kinh nghiệm rút ra từ chuyên gia của trường này là: cần có sự nhận thức đúng đắn về chuẩn đầu ra ngoại ngữ đối với toàn thể đội ngũ cán bộ, giảng viên và sinh viên trong nhà trường, có sự thống nhất về ý chí và hành động của cả tập thể đối với việc áp dụng chuẩn đầu ra ngoại ngữ; chuẩn đầu ra ngoại ngữ cần tiến hành đồng bộ trong hệ thống giáo dục, và việc tuyên truyền về chuẩn đầu ra ngoại ngữ phải được thực hiện rộng rãi đến các đối tượng, kể cả các nhà tuyển dụng. 

 

ThS. Trần Công Nghiệp, Giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ và Tin Học, Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh

Thái Nguyên chia sẻ kinh nghiệm tại HT

ThS. Mai Hữu Hạnh, Giảng viên khoa Tiếng Anh chuyên ngành, Trường Đại học Ngoại thương chia sẻ về thuận lợi trong việc trường sử dụng chuẩn đầu ra theo cách tiếp cận chuẩn TOEIC của ETS Hoa Kỳ vì sự chi tiết, đầy đủ, và mang tính hệ thống và logic cao của công cụ này. Chuẩn đầu ra theo cách tiếp cận chuẩn TOEIC _ETS không chỉ là một danh mục các yêu cầu về kiến thức, năng lực, kỹ năng đối với sinh viên mà còn nhấn mạnh vào việc sinh viên đạt được các kiến thức, năng lực, kỹ năng đó ở cấp độ nào.

Trường Đại học Ngoại thương xây dựng chuẩn đầu ra Tiếng Anh theo nguyên tắc SMART: Specific-cụ thể; Mesuarable-có thể đo lường; Achievable-có thể đạt được; Relevant-thích hợp; Timeline- xác định thời gian để đạt được. ThS. Hạnh kết luận: việc xây dựng và công bố chuẩn đầu ra là yêu cầu bắt buộc, là cam kết của các trường về năng lực và chất lượng đào tạo để xã hội giám sát, vì vậy, căn cứ hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chuẩn đầu ra không phải là của riêng từng trường mà nó liên quan đến nhu cầu của xã hội và mối liên hệ giữa nhiều phía liên quan, đặc biệt là giữa nhà trường và doanh nghiệp. 

 

Thạc sỹ Mai Hữu Hạnh – Giảng viên Đại học Ngoại thương trình bày tham luận tại HT

Hội thảo còn vinh dự nhận được sự chia sẻ của ông Đoàn Hồng Nam, Tổng Giám đốc công ty IIG Việt Nam – đại diện vùng của Viện Khảo thí giáo dục Hoa Kỳ - ETS. Ông Nam đã cung cấp những thông tin hết sức cần thiết về tầm quan trọng của năng lực tiếng Anh đối với yêu cầu của các nhà tuyển dụng, với những minh chứng hết sức cụ thể từ các bài báo phân tích nguyên nhân thực tế dẫn đến rất nhiều sinh viên tốt nghiệp ra trường không thể tìm được việc làm như mong muốn, kể cả những người có chuyên môn giỏi nhưng do thiếu công cụ năng lực tiếng Anh. Ngoài ra, ông Nam cũng giới thiệu về TOEIC và giải pháp hợp tác xây dựng chuẩn đầu ra tiếng Anh với HV CS&PT.

 

Ông Đoàn Hồng Nam, Tổng Giám đốc công ty IIG Việt Nam – đại diện vùng của Viện Khảo thí giáo dục Hoa Kỳ - ETS

trình bày tại hội thảo

Phát biểu bế mạc tại Hội thảo, PGS.TS. Đào Văn Hùng  thay mặt HV CS&PT cảm ơn và đánh giá cao tất cả những tâm huyết, những bài học kinh nghiệm quý báu về việc xây dựng và áp dụng chuẩn đầu ra Tiếng Anh mà các chuyên gia đến từ các cơ sở giáo dục đào tạo đại học  thẳng thắn chia sẻ trong suốt buổi Hội thảo. Đây quả thật sẽ là những đóng góp vô cùng quan trọng và có ý nghĩa đối với quá trình xây dựng lộ trình áp dụng chuẩn đầu ra của HV CS&PT. Dù có khó khăn thế nào, lãnh đạo HV cũng thể hiện rõ quyết tâm sẽ thực hiện nghiêm túc chuẩn đầu ra theo đúng chủ trương và qui định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cũng như cam kết thực hiện mục tiêu định hướng phát triển của HV trở thành một đơn vị giáo dục đào tạo đại học có uy tín ở Việt Nam cũng như trong khu vực.

Dù diễn ra trong thời gian không dài, nhưng Hội thảo nhận được sự đánh giá rất cao từ các đại biểu, khách mời tham dự hội thảo. Các đại biểu đều tin tưởng rằng với sự cầu thị và quan tâm của lãnh đạo Học viện, có sự chuẩn bị một lộ trình thực hiện rõ ràng, một cam kết mạnh mẽ, HV CS&PT sẽ sớm xây dựng và thực hiện thành công chuẩn đầu ra Tiếng Anh.

 

Nguồn tin: Khoa Ngoại ngữ

Nguồn ảnh: CLB nhiếp ảnh APD

Dưới đây là một số hình ảnh của HT: