Học viện Chính sách và Phát triển trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư là trường đại học đầu tiên trên cả nước đào tạo cử nhân chuyên ngành Luật Đầu tư - Kinh doanh, thuộc ngành Luật kinh tế bắt đầu từ năm 2019.
Căn cứ Quyết định số 4761/QĐ-BGDĐT ngày 05/11/2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Học viện Chính sách và Phát triển chính thức tuyển sinh trình độ đại học ngành Luật kinh tế, chuyên ngành Luật Đầu tư - Kinh doanh, mã số: 7380107 với 100 chỉ tiêu tuyển sinh khóa 2019-2023.
Học viện dự kiến áp dụng đồng thời 03 phương thức tuyển sinh gồm: xét tuyển thẳng; xét tuyển kết hợp và xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia với các tổ hợp: A00; A01; D01 và D09.
Lãnh đạo Học viện Chính sách và Phát triển cho biết, thuộc một trong 03 nhóm ngành được nhiều thí sinh đăng ký nhất trong kỳ tuyển sinh năm 2018 theo thống kê của Bộ GD-ĐT, các khối ngành pháp luật nói chung và ngành luật kinh tế nói riêng luôn là một lựa chọn hấp dẫn và phù hợp xu hướng phát triển của xã hội. Điều này một phần được lý giải bởi nhu cầu đào tạo và thị trường nhân lực chất lượng trong lĩnh vực này ở Việt Nam còn rất lớn, cụ thể:
Thứ nhất, còn tồn tại khoảng cách xa giữa Việt Nam và các nước phát triển về số lượng chuyên gia pháp lý. Ở các nước phát triển, mỗi người dân và doanh nghiệp đều sử dụng dịch vụ pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Tính riêng luật sư, tỷ lệ này ở Thái Lan là 1 luật sư/1.500 dân, Singapore là 1 luật sư/1.000 dân, Nhật Bản là khoảng 1/4.500, Pháp là 1/1.000, Mỹ là 1/250. Ở Việt Nam hiện nay, tỷ lệ này là hơn 10.000 dân mới có một luật sư.
Với mục tiêu Chính phủ đặt ra trong Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020 ban hành theo Quyết định số 1072/QĐ-TTg ngày 05/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ, thì cơ bản nguồn nhân lực pháp lý này còn thiếu rất lớn.
Về luật sư, mục tiêu cần 18.000-20.000 luật sư, đặc biệt chú trọng đến việc đào tạo chuyên sâu trong lĩnh vực thương mại, đầu tư, phấn đấu đạt khoảng 1.000 luật sư phục vụ yêu cầu hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, hết năm 2017, số luật sư cả nước hiện chỉ đạt 2/3 con số mục tiêu. Về chức danh liên quan đến tư pháp như công chứng viên; thừa pháp lại; quản tài viên, cần khoảng 13.000 nhân sự, trong khi hiện nay mới có chưa đến 10.000 người. Sự thiếu hụt này dự báo sẽ càng được nới rộng trong bối cảnh Việt Nam đang hướng tới Quốc gia khởi nghiệp với mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020.
Thứ hai, nhu cầu đào tạo ngành luật kinh tế ở Việt Nam là rất lớn. Trong bối cảnh cạnh tranh giữa các ngành học là rất cao thì số lượng thí sinh đăng ký ngành luật kinh tế vẫn khá cao, cụ thể năm 2017 nhóm ngành Luật đứng thứ 4 về số lượng thí sinh đăng ký NV1 với khoảng 35.000 thí sinh (chỉ sau nhóm ngành kinh doanh, ngôn ngữ và đào tạo giáo viên). Điểm trúng tuyển ngành này cũng được duy trì ở mức khá (dao động khoảng từ 18-25 điểm tùy từng trường). Điều này có được nhờ khả năng có việc làm sau tốt nghiệp của ngành luật kinh tế là khá cao, trung bình từ 80-90% cử nhân luật kinh tế có việc làm sau 12 tháng ra trường.
Thứ ba, nhu cầu nhân lực luật đầu tư - kinh doanh hiện nay rất cao. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, các doanh nghiệp có nguy cơ gặp rủi ro pháp lý rất cao nếu các hợp đồng kinh tế cũng như các chiến lược phát triển của họ không được giám sát bởi các chuyên gia về luật đầu tư - kinh doanh. Do vậy, nhu cầu nhân lực luật đầu tư - kinh doanh đang trở nên rất bức thiết. Tuy nhiên, hiện nay trên cả nước chưa có trường nào đào tạo cử nhân trong lĩnh vực này.
Nhận thức được xu hướng đó, Học viện Chính sách và Phát triển mở ngành Luật Kinh tế, chuyên ngành Luật Đầu tư - Kinh doanh nhằm tận dụng những lợi thế sẵn có của một đơn vị đào tạo trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cơ quan hoạch định chính sách và chủ trì soạn thảo các văn bản pháp luật quan trọng trong lĩnh vực kinh tế như: Luật Doanh nghiệp; Luật Đầu tư; Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư công,…
Sinh viên theo học chuyên ngành này sẽ có cơ hội học tập và làm việc trực tiếp với các chuyên gia của Bộ trong cùng lĩnh vực, nhờ đó thu nhận được các kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn, đáp ứng tốt yêu cầu cao về nhân lực hiện nay.