null Khoa Kinh tế số: Từ thành tựu 2024 đến khát vọng 2025

content:

Năm 2024 đã đánh dấu một chặng đường phát triển vượt bậc của Khoa Kinh tế số với nhiều thành tựu nổi bật trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Những nỗ lực không ngừng nghỉ của đội ngũ giảng viên, cán bộ và sinh viên đã góp phần tạo nên một môi trường học thuật tiên tiến, kết nối chặt chẽ giữa nghiên cứu và thực tiễn.

Cụ thể, trong năm 2024, Khoa Kinh tế số đã gặt hái được nhiều thành công đáng kể trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Số lượng bài báo được công bố trên các tạp chí quốc tế thuộc danh mục Web of Science (WoS) và Scopus tăng đáng kể, so với năm 2023. Nếu như năm 2023, toàn thể giảng viên trong Khoa mới chỉ có 02 bài nhưng đến năm 2024 đã tăng lên 06 bài. Các chủ đề nghiên cứu tập trung vào các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (blockchain) trong kinh tế, thương mại điện tử, kinh tế số bền vững, và phân tích tài chính cho doanh nghiệp. Ngoài ra, trong năm 2024, lần đầu tiên cán bộ giảng viên trong Khoa đã chủ trì và bảo vệ thành công đề tài nghiên cứu Khoa học cấp Bộ liên quan đến chủ đề đào tạo và phát triển nguồn nhân lực số cho Việt Nam.

Những nghiên cứu này không chỉ khẳng định vị thế học thuật của Khoa trong Học viện mà còn góp phần cung cấp giải pháp thực tiễn cho doanh nghiệp và chính phủ trong việc ứng dụng công nghệ số vào phát triển kinh tế - xã hội.

Về việc chuyển đổi số trong đào tạo và quản lý, Khoa đã ứng dụng thành công các nền tảng chuyển đổi số vào quy trình giảng dạy và quản lý. Mô hình học tập trực tuyến kết hợp (blended learning) được triển khai trên toàn bộ các học phần Tin học đại cương đã mang lại sự linh hoạt và hiệu quả cao cho sinh viên. Bên cạnh đó, hệ thống quản lý đào tạo thông minh (LMS) giúp tối ưu hóa việc tổ chức, theo dõi và đánh giá chất lượng đào tạo. Những sáng kiến này đã nhận được phản hồi tích cực từ sinh viên và góp phần nâng cao vị thế của Học viện trong hệ thống giáo dục đại học ở Việt Nam.

Trong mảnh hợp tác và kết nối doanh nghiệp, năm 2024 Khoa đã mở rộng hợp tác với các tổ chức nghề nghiệp và doanh nghiệp để tập trung vào việc phát triển các giải pháp kinh tế số, giúp sinh viên tiếp cận trực tiếp với các ứng dụng công nghệ hiện đại. Sự gắn kết này không chỉ mang lại giá trị thực tiễn cho sinh viên mà còn tạo nền tảng vững chắc để Khoa nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học của giảng viên.

Đội ngũ giảng viên của Khoa Kinh tế số với sự dẫn dắt của PGS, TS. Trần Trọng Nguyên

Bước sang năm 2025, nhiệm vụ trọng tâm mà Khoa Kinh tế số hướng tới là thực hiện hiệu quả Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Vì vậy, Khoa sẽ tập trung vào các mục tiêu chiến lược sau:

Một là, đẩy mạnh công bố quốc tế: Khoa Kinh tế số sẽ nỗ lực để tăng cường số lượng và chất lượng các bài báo quốc tế. Đội ngũ giảng viên sẽ được hỗ trợ tối đa thông qua các chương trình tài trợ nghiên cứu, hợp tác với các chuyên gia từ các trường đại học lớn ở Việt Nam. Bên cạnh đó, Khoa sẽ xây dựng quỹ nghiên cứu nội bộ nhằm khuyến khích giảng viên trẻ tham gia công bố quốc tế.

Giảng viên Bộ môn Công nghệ & Kinh doanh số là nòng cốt của các công bố quốc tế trong năm 2024

Hai là, phát triển năng lực đội ngũ giảng viên và sinh viên: Khoa Kinh tế số sẽ tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu cho giảng viên về kỹ năng viết bài báo khoa học, kỹ năng quản lý dự án nghiên cứu và sử dụng các công cụ phân tích tiên tiến. Đồng thời, sinh viên của khoa Kinh tế số cũng được tham gia các chương trình học tập trải nghiệm với sự hướng dẫn của giảng viên và chuyên gia trong ngành.

Ba là, tăng cường hợp tác và phát triển bền vững: Khoa Kinh tế số sẽ mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức trong nước và quốc tế, các Viện nghiên cứu và Doanh nghiệp để thực hiện các dự án nghiên cứu liên ngành. Đồng thời, các hoạt động nâng cao nhận thức về phát triển bền vững và trách nhiệm xã hội cũng sẽ được đẩy mạnh, phù hợp với xu hướng toàn cầu.

Năm 2024 khép lại với những thành tựu đáng tự hào, nhưng đó chỉ là khởi đầu cho những mục tiêu lớn hơn trong năm 2025. Đội ngũ giảng viên và cán bộ của Khoa Kinh tế số đã sẵn sàng với một tinh thần quyết tâm cao độ. Từng giảng viên ý thức sâu sắc rằng mỗi công bố quốc tế không chỉ là một sản phẩm nghiên cứu mà còn là niềm tự hào, là minh chứng cho năng lực khoa học và khả năng hội nhập quốc tế của Khoa. Với sự dẫn dắt của PGS. TS Trần Trọng Nguyên, Giám đốc Học viện và TS. Đàm Thanh Tú, Phó trưởng Khoa (Phụ trách), chúng tôi sẽ nỗ lực không ngừng nghỉ để đạt được những bước tiến xa hơn nữa trong những năm tới.

Nguồn: Khoa Kinh tế số