Asset Publisher

null HIỂU ĐÚNG VỀ XÉT TUYỂN ĐẠI HỌC 2025: XÉT TUYỂN SỚM, XÉT TUYỂN CHUNG VÀ PHƯƠNG THỨC XÉT TUYỂN

content:

        Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành dự thảo Thông tư sửa đổi bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non ban hành kèm Thông tư số 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06 tháng 6 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

        Dự thảo này có một số nội dung nổi bật, trong đó có quy định về việc Chỉ tiêu xét tuyển sớm do cơ sở đào tạo quy định nhưng không vượt quá 20% chỉ tiêu của từng ngành, nhóm ngành đào tạo. Ngoài ra, theo điểm c khoản 3 Điều 1 dự thảo này, trường hợp sử dụng kết quả học tập cấp THPT để xét tuyển thì phải dùng kết quả học tập cả năm lớp 12 của thí sinh. Đây là những điểm mới có thể gây ra nhiều cách hiểu chưa chính xác về xét tuyển sớm và xét tuyển chung trong quá trình thí sinh tham gia lựa chọn phương thức xét tuyển. Kính gửi các bậc phụ huynh và thân gửi các thí sinh quan tâm đến đề án tuyển sinh của Học viện Chính sách và Phát triển năm 2025, có mong muốn tìm hiểu về các phương thức xét tuyển của Khoa Luật kinh tế đọc bài viết này để có được góc nhìn tổng quan, phân biệt các khái niệm: “xét tuyển sớm”, “xét tuyển chung” và “phương thức xét tuyển”.

        “Xét tuyển sớm là xét tuyển các phương thức tuyển sinh không sử dụng kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT. Phương thức này sử dụng những hình thức xét tuyển như: xét học bạ, xét điểm kỳ thi đánh giá năng lực, xét tuyển sinh theo những tiêu chí đặc biệt, và các hình thức ưu tiên theo quy định riêng của từng cơ sở giáo dục đại học.

        Trong khi đó, “xét tuyển chung” hay còn gọi là “xét tuyển theo kế hoạch chung” của Bộ Giáo dục và đào tạo là quy trình xét tuyển được Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT và các tiêu chí chung.

        Khái niệm “Phương thức xét tuyển” là cách thức lựa chọn các tiêu chí để làm cơ sở tuyển sinh đại học. Các phương thức xét tuyển được liệt kê tại mục 3 Phụ lục I Công văn số 1957/BGDĐT-GDĐH ngày 26/4/2024.

 

        Xét tuyển sớm được sử dụng để phân biệt về mặt thời gian so với đợt xét tuyển theo kế hoạch chung của Bộ GD-ĐT. Về mặt thời gian của xét tuyển sớm là trước kỳ thi tốt nghiệp THPT, nên lúc đó chưa thể dùng phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT.

Tuy nhiên, trường hợp sử dụng kết quả học tập cấp THPT để xét tuyển (phương thức xét tuyển học bạ) thì phải dùng kết quả học tập cả năm lớp 12 của thí sinh, nên có thể thời điểm thông báo kết quả xét tuyển sớm với phương thức xét tuyển này sẽ không thể sớm hơn thông báo kết quả xét tuyển chung.

Tuy vậy, một số phương thức xét tuyển khác trong xét tuyển sớm lại có thể được thông báo kết quả sớm hơn thông báo kết quả xét tuyển chung, chẳng hạn như phương thức: xét tuyển thẳng, thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy… tùy vào kế hoạch tuyển sinh của từng cơ sở giáo dục đại học đối với từng ngành, nhóm ngành.

Kính mong các quý phụ huynh, hi vọng các thí sinh qua bài viết này hiểu và phân biệt được các khái niệm phổ biển như “xét tuyển sớm”, “xét tuyển chung” và “phương thức xét tuyển” để nghiên cứu các đề án tuyển sinh đại học, lựa chọn phương thức xét tuyển phù hợp nhất, lựa chọn cơ sở đào tạo phù hợp nhất, để các “sĩ tử” của chúng ta yên tâm vượt vũ môn, đạt kết quả tốt nhất trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025.

Trân trọng!