Học viện Chính sách và Phát triển tổ chức nói chuyện chuyên đề “Hội đồng trường theo Luật Giáo dục đại học (sửa đổi)”
- content:
Sáng ngày 19/11/2020, Học viện Chính sách và Phát triển tổ chức nói chuyện chuyên đề “Hội đồng trường theo Luật Giáo dục đại học ( sửa đổi)” với mục tiêu hiểu rõ về vị trí, vai trò của Hội đồng trường trong trường đại học.
Tham dự buổi Toạ đàm, về phía khách mời có TS. Cao Viết Sinh - Nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Cố vấn Bộ trưởng, Tổ trưởng Tổ chuyên gia tư vấn của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, TS. Nguyễn Thị Thu Thuỷ - Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo – Diễn giả chính, đại diện Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Về phía Học viện có TS. Giang Thanh Tùng, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng Học viện; PGS, TS Trần Trọng Nguyên, Giám đốc Học viện; các thành viên Hội đồng cùng toàn thể cán bộ, giảng viên của Học viện.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, TS. Giang Thanh Tùng – Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng Học viện nhấn mạnh Hội đồng Học viện Chính sách và Phát triển nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã được thành lập theo Quyết định số 1436/QĐ-BKHĐT ngày 28 tháng 9 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, và cần sớm triển khai để đi vào hoạt động theo đúng quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học. Mục tiêu của buổi nói chuyện chuyên đề là tập trung trao đổi, thảo luận làm rõ một số vấn đề như: Điểm mới về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của hội đồng trường theo Luật giáo dục đại học sửa đổi; Vị trí của hội đồng trường trong cơ cấu tổ chức của trường đại học; Mối quan hệ công tác giữa Đảng uỷ, Hội đồng trường và Ban giám hiệu.
TS. Giang Thanh Tùng – Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng Học viện phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
TS. Nguyễn Thị Thu Thuỷ - Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo chia sẻ tự chủ đại học là xu thế tất yếu, được coi là khâu đột phá để nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Theo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật giáo dục đại học (Luật 34/2018/QH14) thì quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học không thể trao cho cá nhân hiệu trưởng mà phải được trao cho một tập thể quản trị nhà trường, đó là Hội đồng trường. Luật 34/2018/QH14 và Nghị định số 99/2019/NĐ-CP đã nhấn mạnh về thực quyền của hội đồng trường. Theo đó, hội đồng trường phải là tổ chức quản trị, thực hiện quyền đại diện của chủ sở hữu và các bên có lợi ích liên quan, chịu trách nhiệm toàn diện về hoạt động của trường. Thẩm quyền của hội đồng trường đã được quy định rõ và khá toàn diện, từ việc quyết định chiến lược của một trường đại học đến trách nhiệm giải trình với xã hội…Và Nghị quyết số 19-NQ/TW đã quy định rõ cần “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả cơ chế hội đồng trường trong các trường đại học theo hướng, hội đồng trường là cơ quan thực quyền cao nhất của trường đại học; bí thư đảng uỷ kiêm chủ tịch hội đồng trường”.
TS. Nguyễn Thị Thu Thuỷ - Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào diễn giả chính
Về mối quan hệ công tác của Đảng uỷ, Hội đồng trường và Ban giám hiệu, TS. Thủy chia sẻ đây là là mối quan hệ công tác. Theo đó, Đảng ủy đề ra chủ trương; lãnh đạo công tác chính trị, tư tưởng, công tác cán bộ. Hội đồng trường quyết nghị chiến lược, mục tiêu cụ thể hơn, theo các chủ trương của Đảng ủy. Ban Giám hiệu tổ chức thực hiện những kế hoạch và chiến lược theo nghị quyết được Hội đồng trường thông qua. Trong mối quan hệ của trường đại học với cơ quan quản lý trực tiếp cấp trên thì cơ quan quản lý trực tiếp cử đại diện tham gia hội đồng trường và thực hiện các chỉ đạo, điều hành thông qua các thành viên tham gia trong hội đồng trường. Hội đồng trường cũng thực hiện chức năng giám sát hoạt động của nhà trường, cơ chế giám sát này được quy định cụ thể trong quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường.
Các đại biểu đặt câu hỏi thảo luận
Tại hội nghị, TS. Cao Viết Sinh – thành viên Hội đồng Học viện đã đặt câu hỏi hội đồng trường của các trường đại học tại Việt Nam đã hoạt động như thế nào? Làm thế nào để hội đồng trường có thực quyền khi có sự mâu thuẫn về sử dụng nguồn lực con người, tài chính…? Bà Nguyễn Thu Hằng - Giám đốc nhân sự, Công ty cổ phần Tập đoàn T&T Group chia sẻ mô hình Hội đồng trường và Ban giám hiệu ở một trường đại học giống như mô hình Hội đồng quản trị và Ban Giám đốc ở doanh nghiệp. Theo đó, Hội đồng quản trị đưa ra các chiến lược, mục tiêu phát triển của doanh nghiệp và thực hiện vai trò kiểm soát. Ban Giám đốc có trách nhiệm tổ chức thực hiện các quyết nghị để đạt được các mục tiêu đó. Để nâng cao năng lực quản trị cho hội đồng quản trị, thành viên hội đồng phải am hiểu về quản trị để có những quyết sách đúng. Hội nghị cũng đã nghe ý kiến trao đổi, thảo luận của cán bộ, giảng viên Học viện về vấn đề cơ cấu thành viên hội đồng trường, vị trí, nhiệm vụ của hội đồng trường trong việc thực hiện chức năng quản trị trường đại học.
TS. Giang Thanh Tùng thay mặt Ban Tổ chức chương trình tặng lẵng hoa tươi thắm tới diễn giả TS. Nguyễn Thị Thu Thuỷ
Phát biểu kết luận tại hội nghị, TS. Giang Thanh Tùng – Chủ tịch Học viện chân thành cảm ơn TS. Nguyễn Thị Thu Thuỷ đã cung cấp những kiến thức, thông tin, kinh nghiệm quý báu về vị trí, vai trò, chức năng của Hội đồng trường, và đánh giá cao những ý kiến trao đổi thẳng thắn, đầy tâm huyết các thành viên hội đồng trường và toàn thể cán bộ, giảng viên của Học viện. Học viện sẽ tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu học hỏi kinh nghiệm của các trường đại học tại Việt nam để hội đồng học viện sớm đi vào hoạt động theo đúng quy định của pháp luật.
Nguồn: Hội đồng HV
Ảnh: Ban Truyền thông