null THEO CHÂN KHOA QUẢN TRỊ KINH DOANH THỰC TẾ TẠI VỤN ART - KHỞI NGHIỆP VÀ NGHỆ THUẬT TỪ NHỮNG MẢNH VỤN

content:

          Thực hiện chủ trương chung của Học viện về việc đào tạo cử nhân gắn quá trình đào tạo lý thuyết trên giảng đường với quá trình sinh viên tìm hiểu thực tế, thực tập và làm việc tại doanh nghiệp , được sự đồng ý của Ban Giám đốc và sự hợp tác từ phía đối tác, sáng ngày 25/05/2023, Khoa Quản trị kinh doanh tổ chức đưa sinh viên đi tham quan, trải nghiệm thực tế tại Vụn Art.

Cán bộ, giảng viên và sinh viên tham gia buổi thực tế tại Vụn Art.

Vụn Art là doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm thủ công đầu tiên ở Việt Nam có kỹ thuật ghép lụa lên vải, thành tác phẩm trên áo phông, ví dài hay túi tote, được thành lập năm 2017 bởi anh Lê Việt Cường. Vụn Art được ra đời với mong muốn giữ gìn và giới thiệu văn hóa truyền thống, tạo việc làm cho người khuyết tật và tận dụng các nguyên liệu thừa trong quá trình sản xuất để bảo vệ môi trường. Vụn Art là xưởng sản xuất sản phẩm thủ công của người khuyết tật, với sản phẩm chính là tranh ghép vải lấy cảm hứng từ tranh dân gian. 

Năm 2019, Vụn Art được UNESCO đánh giá là mô hình sáng tạo bền vững, vừa sáng tạo về văn hoá, phát triển sản phẩm của làng nghề Vạn Phúc, vừa bền vững về việc làm cho nhóm yếu thế. Vụn Art cũng đã đạt chứng chỉ OCOP 4 sao (chương trình Quốc gia mỗi xã một sản phẩm), sản phẩm được đánh giá cao về chất lượng và ý tưởng, chỉ thiếu chiếc bao bì để đạt 5 sao. Dự kiến, Vụn Art sẽ tham gia gọi vốn đầu tư Shark Tank trong thời gian tới.

Đến nay, khách hàng của Vụn Art là những tổ chức uy tín trong và ngoài nước như: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đại sứ quán Mỹ, Đại sứ quán Indonexia, Viện Goethe, Đại sứ quán Đức, JICA Nhật Bản và một số doanh nghiệp trong nước như: Tập đoàn Viettel, Công ty Panasonic, Tập đoàn Venus, Tổng công ty Bảo Việt, Tập đoàn Café Trung Nguyên, Đài Truyền hình Việt Nam, Công ty cổ phần Ion- Life Nhật Bản, Công ty cổ phần Lọc Hóa Dầu Bình Sơn, Công ty Đất Xanh Miền Trung.

Ông Lê Việt Cường chia sẻ với thầy cô và sinh viên tại buổi thực tế

Chia sẻ về cái tên Vụn Art, nhà sáng lập Lê Việt Cường cho biết, sở dĩ chọn tên Vụn là bởi mỗi người khuyết tật giống như một mảnh vải vụn nhỏ nhoi. Sự hỗ trợ của chính quyền và cộng đồng giống như chất keo kết dính để người khuyết tật ghép lại thành mảng lớn hơn. “Khi không còn là miếng vải vụn bé nhỏ nữa, chúng ta ghép thành miếng vải lớn, thì trên miếng vải đó sẽ vẽ được giấc mơ của mình”.

Nói về sự khác biệt trong chiến lược sản phẩm của mình, anh Cường tự hào “Ngoài Vụn Art, chưa có đơn vị nào tại Việt Nam đưa vải vụn lên sản phẩm. Cái khác biệt lớn nhất của sản phẩm Vụn Art hiện này là sản phẩm sử dụng chất liệu lụa, nhưng có thể giặt được bình thường và không bị bong tróc, phai màu. Yếu tố khác biệt thứ hai là sự sáng tạo của người khuyết tật, mà đứng sau đó là sự cố vấn của các hoạ sĩ, người làm truyền thông, marketing hoạch định, tìm hướng phát triển sản phẩm.”

Hiện tại, Vụn Art tạo việc làm cho gần 30 lao động, với nhiều dạng khuyết tật khác nhau. Nguồn thu từ hoạt động kinh doanh hiện nay cũng chủ yếu được quay vòng dành tiền cho việc đào tạo.

TS. Vũ Thị Minh Luận tặng quà cho đại diện Vụn Art

Anh Cường cho biết, hiện nay Hợp tác xã Vụn Art đang hoạt động theo mô hình thương mại hóa, chứ không chỉ dừng lại là mô hình từ thiện. Cùng với việc bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm bền vững cho các đối tượng yếu thế, trong đó có người khuyết tật, Vụn Art tái sử dụng các nguyên vật liệu thừa trong quá trình sản xuất để bảo vệ môi trường, đồng thời góp phần bảo tồn, giữ gìn và phát triển văn hóa truyền thống.

Đầu ra của Vụn Art đi theo kênh phân phối cho khách hàng doanh nghiệp (B2B), kênh bán cho khách hàng cá nhân (B2C). Trong đại dịch, khi không còn phương án nào, trong đó kênh B2B đặc biệt trầm lắng, Vụn Art thử nghiệm bán trên sàn thương mại điện tử Amazon, Tiki, nền tảng mạng xã hội, cùng các chiến lược mới, như tập trung cá nhân hoá sản phẩm theo yêu cầu của khách hàng và tự vận chuyển hàng để không phụ thuộc bởi hoàn cảnh giãn cách. Tuy nhiên, các kênh bán hàng trực tuyến không mang lại hiệu quả.

Đặc biệt, Vụn Art mở rộng hoạt động với mô hình không gian sáng tạo, phát triển tour trải nghiệm văn hóa, thu hút học sinh, sinh viên và khách du lịch đến tham quan, tìm hiểu và thực hành làm tranh vải ghép.

Cuối buổi thực tế, giảng viên và sinh viên khoa Quản trị kinh doanh được trải nghiệm, tự tay sáng tạo các sản phẩm từ vải vụn để hiểu rõ hơn quy trình sản xuất sản phẩm của Vụn.

 

 

   Sinh viên trải nghiệm sáng tạo các sản phẩm từ vải vụn 

Thông qua buổi trải nghiệm, thầy và trò Khoa Quản trị kinh doanh đã hiểu rõ hơn về hành trình khởi nghiệp của anh Lê Việt Cường, những điều đặc biệt trong mô hình kinh doanh của Vụn cũng như những giá trị mà Vụn đã, đang và mong muốn mang lại cho cộng đồng. Buổi thực tế lần này cũng mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa Khoa Quản trị kinh doanh và Vụn Art trong tương lai.

Một số hình ảnh khác tại buổi thực tế