null Lễ xuất quân Trao đổi sinh viên APD với Trường Đại học kinh tế TP HCM và Đại học Đà Nẵng.

content:

     Ngày 22/06/2023, căn cứ theo kế hoạch thực hiện hoạt động trao đổi sinh viên giữa Học viện Chính sách và Phát triển với Trường Đại học Kinh tế TP.HCM và Đại học Đà Nẵng, Phòng Quản lý đào tạo tổ chức buổi gặp mặt sinh viên tham gia khoá học trao đổi với 2 Trường đại học trên. Chương trình nhằm thúc đẩy hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, trao đổi sinh viên giữa các trường trong nước. Buổi gặp mặt là cơ hội để sinh viên chia sẻ những mong muốn trong quá trình tham gia học tập tại Trường đối tác.

     Tại buổi lễ xuất quân, các bạn sinh viên được nghe PGS. TS. NGƯT Trần Trọng Nguyên - Giám đốc Học viện - chia sẻ những thông tin cần thiết khi tham gia Chương trình. Khi tham gia trao đổi sinh viên, các bạn có cơ hội trải nghiệm môi trường học tập mới, có những trải nghiệm học tập, rèn luyện, tìm hiểu văn hóa đời sống và giao lưu sinh viên giữa các Trường đại học từ đó giúp các bạn sẵn sàng và tự tin hơn để thể hiện thương hiệu của Học viện Chính sách và Phát triển tới các trường Đại học và Học viện trên địa bàn cả nước.

PGS. TS. Trần Trọng Nguyên - Giám đốc Học viện - động viên và chia sẻ những thông tin cần thiết đối với các bạn sinh viên khi tham gia Chương trình

PGS. TS. NGƯT Trần Trọng Nguyên (Giám đốc Học viện), TS. Nguyễn Thị Đông (Trưởng phòng Quản lý đào tạo), ThS. GVC. Đỗ Thế Dương (Phụ trách Trung tâm Thông tin, Thư viện & Truyền thông), ThS. NCS. Lưu Thị Tuyết (Phụ trách Bộ môn Pháp luật chuyên ngành) chụp ảnh cùng thành viên của 02 đoàn Chương trình trao đổi sinh viên 

     Trước đó, 10 trường đại học kinh tế lớn nhất nước thỏa thuận trao đổi sinh viên. Sinh viên của 10 trường có thể được tham gia các khóa trao đổi sinh viên/học viên giữa các trường. Các trường này bao gồm: Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, Trường ĐH Kinh tế TPHCM, Trường ĐH Ngoại thương, Trường ĐH Thương mại, Học viện Ngân hàng, Học viện Tài chính, Học viện Chính sách và Phát triển, Trường ĐH Kinh tế - ĐH Huế, Trường ĐH Kinh tế - ĐH Đà Nẵng, Trường ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội.

     Căn cứ nhu cầu thúc đẩy hợp tác trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, trao đổi sinh viên/học viên (người học), giảng viên, 10 trường cùng thống nhất ký kết bản thỏa thuận hợp tác liên quan đến hoạt động trao đổi sinh viên/học viên (người học), hoạt động nghiên cứu khoa học và các hoạt động khác.

     Theo đó, tổ chức các khóa trao đổi sinh viên/học viên được thực hiện dưới dạng các khóa dài hạn (1 học kỳ tương ứng khoảng 15 tuần): cho phép người học của các trường được đăng ký học tập/ thực tập/nghiên cứu tại trường đối tác. Người học đăng ký tối đa 25 tín chỉ. Các học phần đăng ký phải có trong chương trình đào tạo của trường tiếp nhận. Người học được sắp xếp học tập, thực tập, nghiên cứu cùng các với người học của trường tiếp nhận trong các lớp học được mở theo kế hoạch học tập của trường.

Đại diện cho các bạn tham gia Chương trình trao đổi sinh viên chia sẻ cảm xúc 

     Các khóa ngắn hạn (tương ứng từ 3 đến 8 tuần): các trường ĐH tổ chức khóa học ngắn hạn trong thời gian hè, công bố chương trình, nội dung khóa học và cho phép người học của các trường được đăng ký học tập tối đa 12 tín chỉ. Ngoài thời gian lên lớp, người học có thể tham gia thực tập, nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của giáo viên trường tiếp nhận. Ngoài nội dung học tập chuyên môn, trường tiếp nhận tổ chức các hoạt động trải nghiệm, giao lưu văn hoá, hoạt động cộng đồng… Khóa ngắn hạn được tổ chức chung cho tất cả người học của các trường tham gia.

ThS. NCS. Lưu Thị Tuyết (Phụ trách Bộ môn Pháp luật chuyên ngành) chụp ảnh cùng thành viên của Khoa Luật Kinh tế tham gia Chương trình trao đổi sinh viên 

     Chương trình bắt đầu được mở từ học kỳ hè năm học 2022-2023 tại Trường ĐH Kinh tế TPHCM, các chương trình tiếp theo sẽ được tổ chức luân phiên tại các trường (theo đăng ký tự nguyện của các trường).

     Người học có nhu cầu đăng ký học chương trình trao đổi tại trường khác, trường cử đi có trách nhiệm lập danh sách người học đủ điều kiện gửi cho trường tiếp nhận trước khóa trao đổi chậm nhất 2 tuần trước khi học kỳ bắt đầu. Số lượng người học và điều kiện đầu vào (bao gồm kết quả học tập, điều kiện ngoại ngữ,…) của người học tham gia chương trình trao đổi cho từng năm học sẽ được trường tiếp nhận công bố ít nhất 1 kỳ trước khi năm học bắt đầu.

     Trường tiếp nhận ra quyết định tiếp nhận người học và biên chế vào các lớp phù hợp.

     Người học đăng ký các chương trình trao đổi sinh viên sẽ đóng học phí theo số tín chỉ được miễn, công nhận tại trường cử đi. Người học không phải đóng học phí cho trường tiếp nhận đào tạo.

     Chi phí ăn ở, đi lại và tham gia các hoạt động (ngoài học phí) do người học tự chi trả.

     Các trường tiếp nhận có thể hỗ trợ về ký túc xá hoặc các thông tin cần thiết khác.

     Các trường tham gia có trách nhiệm đóng góp kinh phí cho trường đăng cai tổ chức các chương trình để tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, trải nghiệm cộng đồng của người học.

     Các trường đăng cai tổ chức khóa học chung có thể mời giảng viên đến từ các trường thành viên tham gia giảng dạy.

     Về công nhận kết quả các khóa học cho sinh viên/học viên, kết thúc khóa trao đổi, trường tiếp nhận có trách nhiệm cấp bảng điểm, xác nhận hoàn thành chương trình.

     Trường cử đi có trách nhiệm công nhận/miễn hoặc chuyển đổi kết quả học tập của các học phần đã học theo qui định (bao gồm học phần bắt buộc, tự chọn, tự chọn tự do tương ứng với chương trình đào tạo cử nhân hoặc thạc sĩ) của người học, hoặc tính điểm rèn luyện khi người học tham gia các hoạt động ngoại khóa tùy thuộc vào qui định của từng trường.

     Đối với hoạt động nghiên cứu khoa học, các trường luân phiên chủ trì và phối hợp tổ chức hội thảo khoa học quốc tế dành cho giảng viên trẻ; luân phiên chủ trì và phối hợp tổ chức hội thảo khoa học quốc tế dành cho sinh viên khối trường kinh tế và kinh doanh. Đồng thời các trường có trách nhiệm chia sẻ dữ liệu và thông tin phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học và tư vấn…

     Ngoài ra, các trường cùng chia sẻ bài giảng điện tử, các khóa học trực tuyến dùng chung; chia sẻ dữ liệu thư viện điện tử dùng chung; chia sẻ kinh nghiệm về công tác đảm bảo chất lượng giáo dục; công tác sinh viên, công tác hợp tác quốc tế và các hoạt động khác.

Giám đốc Trần Trọng Nguyên động viên đại diện các bạn sinh viên tham dự Chương trình

     Bản thỏa thuận này có hiệu lực kể từ ngày ký và có thời hạn 5 năm. Việc gia hạn hiệu lực tùy thuộc vào sự nhất trí của tất cả các trường tham gia.

10 trường đại học kinh tế lớn nhất nước thỏa thuận trao đổi sinh viên ảnh 1

10 trường đại học kinh tế lớn nhất nước thỏa thuận trao đổi sinh viên
Ảnh: Tuấn Anh

Tổng hợp: Trung tâm Thông tin, Thư viện và Truyền thông APD
Nguồn: https://tienphong.vn/10-truong-dai-hoc-kinh-te-lon-nhat-nuoc-thoa-thuan-trao-doi-sinh-vien-post1482107.tpo