null Sinh viên Học viện cần nâng cao cảnh giác trước những phương thức,thủ đoạn lừa đảo hiện nay

content:

Thời gian qua, hoạt động của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, quấy rối thông qua không gian mạng diễn biến rất phức tạp, gia tăng với nhiều phương thức thủ đoạn mới, tinh vi và ngày càng đa dạng; đối tượng thường lợi dụng lòng tham, niềm tin hoặc sự sợ hãi của người bị hại để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản; gây thiệt hại lớn về tài sản, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân nói chung và học sinh, sinh viên nói riêng.

Để phòng ngừa tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, sinh viên chúng ta cần nâng cao cảnh giác với "muôn hình vạn trạng" thủ đoạn  lừa đảo trên không gian mạng hiện nay. Vậy nên để phòng ngừa tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, sinh viên Học viện Chính sách và Phát triển cần nâng cao cảnh giác với "muôn hình vạn trạng" thủ đoạn  lừa đảo trên không gian mạng hiện nay. Có thể điểm tới một số thủ đoạn như sau:

1. Lừa thông báo phạt vi phạm hành chính (vi phạm giao thông, nợ học phí, nợ cước điện, nước…)

Các đối tượng giả danh cán bộ, giảng viên của Học viện gọi điện thông báo nợ học phí, nợ sách thư viện, v.v.. hoặc giả danh nhân viên viễn thông gọi điện thông báo nợ cước viễn thông; nhân viên điện lực gọi điện thông báo nợ cước, dọa cắt điện; giả danh Cảnh sát giao thông gọi điện thông báo phạt nguội, gây tai nạn bỏ trốn… nhưng thực chất, thủ đoạn của các đối tượng là sử dụng phần mềm công nghệ cao (voice over IP - cách gọi sử dụng ứng dụng truyền tải giọng nói qua mạng máy tính), giả số điện thoại trên màn hình, giả số điện thoại công khai của các cơ quan nhà nước để gọi điện đến thuê bao di động, điện thoại bàn của người dân gây hoang mang, lo sợ nhằm khai thác thông tin cá nhân, để người dân cung cấp mã OTP tài khoản ngân hàng nhằm chiếm đoạt tài sản.

2. Mạo danh thông báo của ngân hàng, tổ chức tín dụng để chiếm đoạt quyền sử dụng tài khoản

Các đối tượng thường tiếp cận với nạn nhân bằng cách gọi điện thoại, gửi tin nhắn, email, qua các ứng dụng nhắn tin miễn phí. Sau đó, hướng dẫn nạn nhân làm thủ tục vay hoặc mở thẻ tín dụng qua trang web giả mạo ngân hàng; gửi các văn bản giả “xác nhận phê duyệt khoản vay” cho nạn nhân để tạo niềm tin và yêu cầu nạn nhân nộp tiền lệ phí hoặc tiền trả góp đợt đầu vào tài khoản chỉ định, rồi chiếm đoạt.

3. Giả danh cơ quan Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án

Các đối tượng lừa đảo thường giả danh cán bộ Công an, Viện kiểm sát, Tòa án hoặc giả mạo Cổng thông tin điện tử của Công an để thông báo chủ thuê bao có liên quan đến các vụ án đang bị điều tra. Sau đó, khai thác các thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng và yêu cầu chuyển toàn bộ tiền trong tài khoản của bị hại vào các tài khoản ngân hàng do đối tượng cung cấp với lý do để phục vụ công tác điều tra rồi chiếm đoạt.

4. Lừa đảo trúng thưởng

Kẻ lừa đảo sẽ gửi tin nhắn thông báo trúng thưởng xe máy, điện thoại, đồng hồ hoặc tiền mặt… có giá trị lớn. Sau đó, yêu cầu người bị hại nạp tiền qua thẻ điện thoại hoặc chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng để làm thủ tục nhận thưởng.

5. Giả danh nhân viên chăm sóc khách hàng để hỗ trợ giải quyết sự cố

Các đối tượng giả danh nhân viên chăm sóc khách hàng của nhà mạng, ngân hàng, ví điện tử để hỗ trợ giải quyết sự cố. Khi thao tác thành công, các đối tượng sẽ truy cập vào ứng dụng ví điện tử, ứng dụng thanh toán online để chiếm đoạt tiền.

6. Giả danh người quen của lãnh đạo có thể chạy án, xin việc

Những kẻ giả danh người quen của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo cơ quan phụ trách các lĩnh vực trọng yếu thường cung cấp ảnh chụp, video của bản thân với các lãnh đạo (nhiều sản phẩm đã được cắt ghép, chỉnh sửa bằng công nghệ cao) để tạo niềm tin. Sau đó, chúng hứa hẹn chạy án, xin việc, xin dự án rồi nhận tiền của nạn nhân nhưng không thực hiện, lấy nhiều lý do để không trả lại tiền, thậm chí bỏ trốn.

7. Lừa đảo nhận quà từ nước ngoài

Các đối tượng lừa đảo tự giới thiệu là người nước ngoài, kết bạn, liên lạc để tạo mối quan hệ với nạn nhân thông qua mạng xã hội. Một thời gian nói chuyện, cảm thấy đã tạo được lòng tin ở đối phương, đối tượng lừa đảo sẽ thông báo muốn gửi tiền, quà từ nước ngoài về Việt Nam. Sau đó, yêu cầu người bị hại phải nộp tiền để nhận quà với các lý do khác nhau như cước vận chuyển, thuế, phí…vào các tài khoản ngân hàng do các đối tượng cung cấp rồi chiếm đoạt.

8. Lừa nâng cấp sim điện thoại

Đầu tiên, đối tượng lừa đảo tự xưng là nhân viên nhà mạng, gọi đến thông báo hỗ trợ khách hàng nâng cấp SIM điện thoại từ 4G lên 5G kèm theo nhiều tiện ích, quà tặng, thưởng… đồng thời dụ dỗ khách hàng gửi tin nhắn theo hướng dẫn để nâng cấp. Thực chất bước này là để lừa khách hàng kích hoạt eSIM trên thiết bị mới của kẻ tấn công, thay thế cho SIM hiện tại của nạn nhân. Từ đó chiếm đoạt tài khoản ngân hàng, kích hoạt lại Smart OTP và chuyển hết tiền trong tài khoản của khách hàng sang tài khoản ở các ngân hàng khác.

9. Lừa đảo kêu gọi đầu tư tài chính, tiền ảo

Lừa đảo qua kêu gọi người dân bỏ tiền tham gia đầu tư, mua - bán, giao dịch các loại “tiền ảo”, “tiền kỹ thuật số”, “tiền mã hóa” (Bitcoin, Etherum, USDT…) trên các sàn giao dịch quyền chọn nhị phân, sàn đầu tư ngoại hối… gắn mác giấy phép hoạt động của nước ngoài, kèm theo các lời cam đoan, hứa hẹn lợi nhuận lớn, bảo hiểm vốn… Khi huy động được lượng tiền đủ lớn, các đối tượng chủ sàn sẽ can thiệp làm mất giá trị của đồng tiền ảo, điều chỉnh kết quả giao dịch thắng thua một cách tinh vi hoặc đánh sập hệ thống để chiếm đoạt toàn bộ số tiền của nhà đầu tư.

10. Chiếm đoạt quyền sử dụng tài khoản cá nhân (zalo, facebook…), mạo danh người thân, người quen để lừa vay tiền, chuyển tiền

Các đối tượng chiếm quyền sử dụng tài khoản Facebook, Zalo của người sử dụng, giả danh chủ tài khoản nhắn tin cho người thân, bạn bè hoặc các mối quan hệ uy tín để vay tiền hoặc nhờ chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng (do chúng cung cấp) sau đó chiếm đoạt tài sản.

Trên đây là một số phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Để phục vụ cho công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tội phạm sử dụng công nghệ cao nhằm chiếm đoạt tài sản, mỗi sinh viên, mỗi người cần phải có ý thức thực hiện tốt một số nội dung sau:

- Luôn cẩn trọng với email, điện thoại, tin nhắn từ số lạ;

- Đừng chia sẻ thông tin cá nhân, bao gồm ngày tháng năm sinh, mật mã và thông tin thẻ ATM, căn cước công dân cho bất cứ người lạ nào;

- Đổi mật khẩu điện thoại, máy tính, tài khoản mạng xã hội và tài khoản ngân hàng thường xuyên;

- Liên tục kiểm tra sao kê ngân hàng;

- Kiểm tra tình trạng hoạt động của điện thoại cá nhân thường xuyên.

Khi có bất kỳ nghi vấn liên quan đến các hành vi lừa đảo trên, các bạn sinh viên cần liên hệ ngay với Liên Chi đoàn, Đoàn Thanh niên, Cố vấn học tập, Trợ lý Khoa/Viện quản lý sinh viên; Trung tâm Hỗ trợ đào tạo; Phòng Chính trị và Công tác sinh viên; cơ quan Công an nơi gần nhất để được hỗ trợ. Là sinh viên trường Học viện Chính sách và Phát triển, chúng ta hãy luôn tỉnh táo, nâng cao cảnh giác và làm theo các khuyến cáo để không trở thành nạn nhân của nạn lừa đảo trên không gian mạng nhé!

P.CT&CTSV

Tội phạm lừa đảo qua mạng gia tăng hoạt động ở TPHCM

                     

Nguồn Internet