null Tư tưởng Hồ Chí Minh về chống chủ nghĩa cá nhân

content:

Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ thiên tài và vô cùng kính yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, “Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa kiệt xuất”, Người cũng là một nhà tư tưởng lớn của thế kỷ XX, là hiện thân cao đẹp của đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. 

Trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang tích cực đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nhằm tăng cường xây dựng Đảng ngang tầm yêu cầu, nhiệm vụ, việc nhận thức và thực hiện tư tưởng của Người về chống chủ nghĩa cá nhân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và là cơ sở để mỗi cán bộ, đảng viên hiện nay tự soi, tự sửa, xứng đáng với niềm tin và sự kỳ vọng lớn lao của quần chúng nhân dân trước những thời cơ và vận hội mới của đất nước.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: sachsuthattphcm.com.vn 

Chủ tịch Hồ Chí Minh không nêu ra định nghĩa cụ thể về chủ nghĩa cá nhân mà tùy vào từng hoàn cảnh, từng đối tượng để Người đưa ra những chỉ dẫn cụ thể về chủ nghĩa cá nhân. Theo Người, chủ nghĩa cá nhân là “đặt lợi ích riêng của mình, của gia đình mình lên trên, lên trước lợi ích chung của dân tộc” “là việc gì cũng chỉ lo cho lợi ích riêng của mình, không quan tâm đến lợi ích chung của tập thể”. Vì thế, khi đặt chủ nghĩa cá nhân trong mối quan hệ với đạo đức cách mạng, Người nhấn mạnh: “Chủ nghĩa cá nhân trái ngược với đạo đức cách mạng, nếu nó còn lại trong mình, dù là ít thôi, thì nó sẽ chờ dịp để phát triển, để che lấp đạo đức cách mạng, để ngăn trở ta một lòng một dạ đấu tranh cho sự nghiệp cách mạng”. Cho nên, chủ nghĩa cá nhân là “giặc nội xâm” vô cùng nguy hiểm, trực tiếp cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng, của chế độ. Đấu tranh loại bỏ chủ nghĩa cá nhân là yêu cầu tất yếu để xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa; là công việc phải tiến hành thường xuyên để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở nước ta. 

Đảng đặc biệt quan tâm đến cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân –  ivanlevanlan

Ảnh minh họa: Nguồn internet

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, chủ nghĩa cá nhân là sản phẩm tất yếu của chế độ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất. Căn bệnh nguy hiểm này chi phối mọi suy nghĩ và hành vi của giai cấp bóc lột trong các chế độ cũ. Người nêu rõ: “Trong xã hội cũ, bọn phong kiến địa chủ, bọn tư bản và đế quốc thẳng tay áp bức, bóc lột những tầng lớp người khác, nhất là công nhân và nông dân. Chúng cướp của chung do xã hội sản xuất ra, làm của riêng của cá nhân chúng, để chúng “ngồi mát ăn bát vàng”. Nhưng miệng chúng luôn huênh hoang những danh từ “đạo đức”, “tự do”, “dân chủ”. Dưới sự cai trị của đế quốc thực dân, nhân dân ta bị đẩy vào tình trạng “hấp hối trong vòng tử địa”, hoàn toàn không có một chút quyền tự do, bình đẳng nào, mà “chỉ có nghĩa vụ, như nộp sưu đóng thuế, đi lính đi phu mà không có quyền lợi”, đây chính là nguồn gốc của chủ nghĩa cá nhân. 

Như vậy, chủ nghĩa cá nhân xuất hiện và phát sinh, phát triển trong chế độ người bóc lột người, gắn liền với chế độ tư hữu. Nói cách khác, cơ sở nảy sinh, tồn tại và phát triển của chủ nghĩa cá nhân chính là chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất. Do đó, muốn xóa bỏ chủ nghĩa cá nhân, cần phải loại bỏ chế độ tư hữu của tư bản chủ nghĩa, đồng thời phải tiến hành xây dựng chế độ xã hội mới - xã hội cộng sản chủ nghĩa. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Không có chế độ nào tôn trọng con người, chú ý xem xét những lợi ích cá nhân đúng đắn và bảo đảm cho nó được thỏa mãn bằng chế độ xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa”.

Bác hồ 1

Ảnh minh họa: Nguồn internet

Trong quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh bản chất và sự biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân biểu hiện trong mỗi con người cho dù xem xét ở góc độ nào đều mang bản chất cố hữu, đó là sự đề cao, tuyệt đối hóa lợi ích cá nhân; chỉ muốn mọi người vì mình, nhưng lại không muốn mình vì người khác; coi trọng, tôn thờ “cái tôi”, cái cá nhân, xem nhẹ cái chung, cái tập thể, cộng đồng. Những biểu hiện đó là: 1) Đối với tự mình, những người cá nhân chủ nghĩa luôn có tư tưởng tư lợi, hiếu danh, thực dụng, công thần... Họ luôn đặt lợi ích riêng của bản thân mình, của gia đình mình lên trên, lên trước lợi ích chung của tập thể, của cộng đồng, “Cái gì cũng chỉ biết có mình và gia đình mình chứ ít khi nghĩ đến cái gia đình lớn là dân tộc”; 2) Đối với nhân dân, tư tưởng cá nhân chủ nghĩa luôn đi ngược lại với lợi ích, nguyện vọng của nhân dân, xa rời nhân dân; có thái độ quan liêu, cửa quyền, hách dịch đối với nhân dân; 3) Đối với công việc, những người mắc chứng bệnh cá nhân chủ nghĩa luôn sợ khó, sợ khổ; có tư tưởng tự do, tùy tiện, luôn “đặt lợi ích riêng lên trên lợi ích chung, rồi sinh ra vô kỷ luật, vô tổ chức, tham địa vị, tham danh vọng, bè phái, tham ô, lãng phí, quan liêu”. 

bác hồ 3

Ảnh minh họa: Nguồn internet

Như vậy, chủ nghĩa cá nhân biểu hiện rất đa dạng. Biểu hiện nổi bật của chủ nghĩa cá nhân là tính ích kỷ, hẹp hòi, luôn đòi hỏi quyền lợi của cá nhân mà không nghĩ đến nghĩa vụ của mình. Động cơ và mục đích làm việc của những người cá nhân chủ nghĩa luôn vì mình chứ không phải vì người khác. Chủ tịch Hồ Chí Minh giải thích: “Việc gì cũng chỉ lo cho lợi ích riêng của mình, không quan tâm đến lợi ích chung của tập thể. Miễn là mình béo, mặc thiên hạ gầy”. Cũng vì thế, mà họ sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn, bất chấp đạo lý để thỏa mãn những nhu cầu, lợi ích, tham vọng của cá nhân. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến sự tha hóa về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, coi thường kỷ cương phép nước và rất nhiều căn bệnh vô cùng nguy hại khác. Người chỉ rõ: “Nó là mẹ đẻ ra tất cả mọi tính hư nết xấu như: lười biếng, suy bì, kiêu căng, kèn cựa, nhút nhát, lãng phí, tham ô... Nó là kẻ thù hung ác của đạo đức cách mạng, của chủ nghĩa xã hội”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng tác hại của “Chủ nghĩa cá nhân là như một thứ vi trùng rất độc”, rất nguy hiểm, gây ra những hệ lụy nghiêm trọng trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội. Trên lĩnh vực tư tưởng chính trị, tác hại lớn nhất mà chủ nghĩa cá nhân gây ra là làm mất lòng tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng, với cách mạng. Những người mắc căn bệnh cá nhân chủ nghĩa thường dễ đi đến phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, phủ nhận tính đúng đắn của con đường phát triển của dân tộc, “tinh thần đấu tranh và tính tích cực của họ bị giảm sút, phẩm chất tốt đẹp của người cách mạng cũng kém sút; họ quên rằng tiêu chuẩn số một của người cách mạng là quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng”. Đối với lĩnh vực kinh tế, chủ nghĩa cá nhân gây ra những tổn thất lớn về tài sản của tập thể, của Nhà nước, của Nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Dùng của công làm việc tư. Dựa vào thế lực của Đảng để theo đuổi mục đích riêng của mình. Sinh hoạt xa hoa, tiêu xài bừa bãi”. Vì thế sinh ra tham ô, tham nhũng, ăn cắp của công và nguy hại hơn là bệnh lãng phí, quan liêu - một căn bệnh gây ra sự thất thoát rất lớn tài sản của Nhà nước và Nhân dân. Người đưa ra ví dụ: “Hiện nay, có những cuộc khai hội, những lễ kỷ niệm, những đám yến tiệc tốn hàng vạn, hàng chục vạn... Trong lúc công nghệ cần phải xây dựng, đồng bào đang bị thiếu thốn, chúng ta không thể tha thứ những việc phô trương, lãng phí như vậy”. Đối với lĩnh vực văn hóa - xã hội, chủ nghĩa cá nhân làm tha hóa đội ngũ cán bộ, công chức, gây ra những hệ lụy xấu cho xã hội, thậm chí làm thay đổi, đảo lộn chuẩn mực đạo đức xã hội. Dần dần, họ mất cả tư cách và đạo đức người cách mạng, sa vào tham ô, hủ hóa và biến thành người có tội với Đảng, với Chính phủ, với Nhân dân. Như vậy, chủ nghĩa cá nhân làm cho con người trở nên suy đồi, thoái hóa, biến chất, thậm chí mất nhân tính. Đó thực sự là thứ “bệnh mẹ”, là “là kẻ thù hung ác của đạo đức cách mạng, của chủ nghĩa xã hội”, cần phải kiên quyết đấu tranh loại bỏ. 

Trên cơ sở nhận thức rõ sự nguy hại của chủ nghĩa cá nhân, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra biện pháp phòng chống chủ nghĩa cá nhân, Người khẳng định, chủ nghĩa cá nhân là một trở lực lớn của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Muốn đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân có hiệu quả, mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn kiên trì, bền bỉ học tập, rèn luyện để không ngừng nâng cao đạo đức cách mạng. Người nhấn mạnh: “Muốn gột rửa sạch những vết tích xấu xa của xã hội cũ, muốn rèn luyện đạo đức cách mạng, thì chúng ta phải ra sức học tập, tu dưỡng, tự cải tạo để tiến bộ mãi”. Để nâng cao đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên và người dân, cần mở rộng dân chủ trong Đảng, trong xã hội, phát huy tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình trong mỗi con người, mỗi tổ chức. Người yêu cầu: “Thực hành tự phê bình và phê bình đồng sự mình. Phê bình một cách thiết thực mà thân ái. Phê bình từ cấp trên xuống và từ cấp dưới lên”. Đồng thời, cần phải phát huy vai trò, sức mạnh của Nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh giải thích: “Chúng ta phải biết rằng: lực lượng của dân chúng nhiều vô cùng. Kinh nghiệm trong nước và các nước tỏ cho chúng ta biết: có lực lượng dân chúng việc to tát mấy, khó khăn mấy làm cũng được. Không có, thì việc gì làm cũng không xong. Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra”. Đây là một trong những cách hiệu quả nhất để phòng, chống chủ nghĩa cá nhân, ngăn chặn tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.

Để thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, phải không ngừng kiên quyết, kiên trì, giữ vững ưu thế, đẩy lùi, giành thắng lợi trong cuộc đất tranh chống chủ nghĩa cá nhân. Nhất là tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị; quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực của một bộ phận cán bộ, đảng viên vẫn diễn biến phức tạp, đe dọa vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ, “chủ nghĩa cá nhân, “lợi ích nhóm”, bệnh lãng phí, vô cảm, bệnh thành tích ở một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi”. Theo đó:

Thứ nhất, mỗi đảng viên dù ở cương vị công tác nào đều phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu trong trong thực hiện đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, kỷ luật, quy định tại đơn vị công tác, trong gia đình và ngoài xã hội.

Giữ vững và làm đúng các nguyên tắc xây dựng đảng, phát huy dân chủ, thường xuyên tự phê bình và phê bình, tiến hành tự phê bình và phê bình trong Đảng phải từ cấp trên xuống cấp dưới, từ Bộ Chính trị đến các tổ chức cơ sở đảng. Thực hiện tự phê bình và phê bình trong toàn Đảng, nhưng phải cần có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những đảng viên có chức, có quyền, những lĩnh vực nhậy cảm, liên quan nhiều đến quyền lực, lợi ích kinh tế, lĩnh vực có quan hệ trực tiếp với người dân.

Từng đảng viên phải kết hợp chặt chẽ xây và chống, chú trọng rèn luyện phẩm chất đạo đức, ngăn chặn, đấu tranh với chủ nghĩa cá nhân. Thực hiện nghiêm Quy định 55-QĐ/TW của Bộ Chính trị, ngày 19/12/2016 về “Một số vấn đề làm ngay để tăng cường nêu gương của cán bộ, đảng viên”; Quy định 08-QĐi/TW về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung tương”.

Thứ hai, phải có phương pháp đúng đắn, bước đi thích hợp, thận trọng, kiên trì, không ngại khó, ngại khổ, ngại va chạm; thực hiện tốt việc kiểm tra, giám sát, có cơ chế “kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong Đảng”; xử lý nghiêm, đúng người, đúng tội, khắc phục triệt để biểu hiện “nhẹ trên nặng dưới”, “đấu tranh có hiệu quả với mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, bệnh quan liêu, cơ hội, cục bộ, bè phái, mất đoàn kết nội bộ”; phát huy “vai trò của người đứng đầu”, cán bộ quản lý chủ chốt ở các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị…

Thứ ba, phát huy hơn nữa vai trò của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân, cơ quan báo chí, phương tiện thông tin đại chúng trong việc giám sát cán bộ, đảng viên, đặc biệt là những đảng viên có chức, có quyền.

Xây dựng cơ chế phù hợp để quần chúng, nhân dân được tham gia đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong Đảng, thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Kịp thời khen thưởng, cổ vũ những cá nhân, cơ quan báo chí đã phát hiện, phê phán, đấu tranh với những biểu hiện sai trái, tham nhũng, lãng phí.

Công khai, không có vùng cấm và khách quan xử lý đối với cán bộ, đảng viên vi phạm tư cách, thoái hóa biến chất về đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; những phần tử cơ hội, bất mãn, gây mất đoàn kết trong Đảng; tình trạng vì lợi ích cá nhân, phe nhóm, nể nang mà “xử lý nội bộ”, “che dấu” cho việc tiêu cực.

Chủ tịch Hồ Chí Minh coi chủ nghĩa cá nhân là kẻ thù nguy hiểm, là “kẻ địch bên trong” của người cách mạng. Người nói: “Muốn đánh thắng kẻ địch bên ngoài thì trước hết phải đánh thắng kẻ địch bên trong của mỗi chúng ta là chủ nghĩa cá nhân”. Câu nói bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một chân lý sáng ngời của mọi thời đại./.

Phòng CT&CTSV - CB 1

Nguồn tổng hợp:

  1. https://tcnn.vn/news/detail/56740/Quan-diem-cua-Chu-tich-Ho-Chi-Minh-ve-dau-tranh-chong-chu-nghia-ca-nhan-va-su-van-dung-trong-xay-dung-dao-duc-cua-can-bo-dang-vien-hien-nay.html.
  2. https://tuyengiao.vn/nghien-cuu/dau-tranh-chong-chu-nghia-ca-nhan-trong-dang-133165.
  3. https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/nghien-cu/-/2018/826930/phong%2C-chong-chu-nghia-ca-nhan-theo-tu-tuong-ho-chi-minh-de-xay-dung-dang-va-he-thong-chinh-tri-trong-sach%2C-vung-manh.aspx